Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH BÀI THƠ "MAI" CỦA PHẠM XUAN TRƯỜNG

Lê Lanh
Thứ bẩy ngày 16 tháng 7 năm 2011 6:21 AM
        
MAI

Đứa lớn đi nhập ngũ
Trước ngõ trồng cây mai
Đứa sau rồi sau nữa
Ngõ đã thành rặng mai

Hoa mai thành quả mai
Qủa mai buồn mà chín
Như giọt máu bầm tím
Lại rụng vào lãng quên

Bao nhiêu rồi mùa xuân?
Bấy nhiêu rồi mùa nhớ
Mai đã thành cổ thụ
Các con đi không về!...

Sắc vàng ấm ngõ quê
Chỉ hoa là đúng hẹn
Những con chim mỏ quẹt
Nó hót gì trên kia?
              1976-2003   
  Phạm Xuân Trường
LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH: Có thể nói thành công trước nhất của nhà thơ là đã chọn được hình tượng cây mai. Hoa mai đẹp,có màu vàng rực rỡ. Dưới ánh nắng buổi sớm, mai lại càng rực rỡ hơn.Mai được người mẹ trồng trước ngõ theo thứ tự thời gian từ đứa con lớn nhất cho đến đứa sau cùng lên đường…Ngõ nhà mẹ “thành rặng mai” với số cây bằng số con đi đánh giặc. Hoa mai điểm tô cho sắc màu mùa xuân thiên nhiên. Hình ảnh có sức gợi mạnh mẽ về sự hy sinh cao đẹp của những người con, những người mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Hai câu thơ đầu của khổ hai: “ Hoa mai thành quả mai/ Qủa mai buồn mà chin” tả thực về sự sinh trưởng và phát triển của hoa mai.Qúa trình chuyển hóa từ xanh đến chin của quả mai phụ thuộc vào yếu tố thời gian,độc lập với tâm trạng con người. Tuy nhiên, sự buồn đau vô vọng của người mẹ dường như  dã tràn sang cả cảnh vật,thiên nhiên. Qủa mai như cũng biết đồng cảm với nỗi đau ấy. Hình ảnh  “ quả mai buồn…” gợi nhớ tới “cảnh…đeo sầu” trong truyện Kiều củaNguyễn Du. Hai câu thơ tiếp,nhà thơ tả thực về màu sắc,hình khối,về giá trị sử dụng của quả mai. Hoa mai làm dẹp cho đời. Nhưng quả mai thì vô dụng,bỏ đi. Tác giả đã sử dụng phương pháp nghệ thuật so sánh kép – So sánh do liên tưởng màu của quả mai chin với màu của giọt máu. Kế tiếp là sự so sánh giữa hai hiện tượng – Qủa mai rụng với máu của những người con đổ xuống... Qủa mai vô dụng nên người đời “ lãng quên” là cái lẽ đương nhiên. Còn máu của những người con đổ xuống… thì không thể “ lãng quên”, trái lại đã làm “ rụng” trái tim mẹ. Đây là cách so sánh đối ngẫu, ngược với phương pháp so sánh trên.
Sang khổ thơ thứ ba, vẫn là cách cảm mang tính truyền thống. Nhân vật trữ tình trong thơ lấy “mùa xuân” mà không lấy ngày tết làm đơn vị đo thời gian.Bởi “mùa xuân” có sức gợi hơn .Nhưng mỗi khi mùa xuấn tới lại bắt đầu bằng những ngày  tết cổ truyền. Các gia đình trong xóm ngoài làng đông vui,sum họp. Nhưng các con của mẹ thì vắng bóng. Các anh còn đi đón mùa xuân đất nước ở tận chiến trường xa.Vì thế,mỗi khi tết đến nỗi lòng nhớ con của mẹ lại càng bức xúc hơn. “Bao nhiêu” là đại từ phiếm chỉ về số lượng.“ Bao nhiêu rồi mùa xuân” mẹ không còn nhớ nữa. Chỉ biết là lúc nào cũng nhớ,cũng mong. Tôi nghĩ, dùng điệp ngữ: “ Bao nhiêu rồi mùa nhớ”,nỗi khao khát tình cảm có lẽ sẽ gây ấn tượng hơn . Hết tính thời gian theo mùa, mẹ lại tính thời gian theo sự phát triển của cỏ cây. Từ khi trồng đến nay “ Mai đã thành cổ thụ”, mẹ không còn một chút hy vọng…
Cảm nhận cuối cùng về hình ảnh người mẹ - người mẹ trồng mai trước ngõ, kỷ niệm ngày các con lên đường đánh giặc cứu nước. Chờ hoa nở,đón ngày chiến thắng,các con trở về. Nhưng hoa nở hết mùa này qua mùa khác mà “ Các con đi không về !” Mẹ chỉ biết nhìn những bông hoa mai trước ngõ cho khuây khỏa cõi lòng. Bởi vì ở đó có hình bóng các con, có những kỷ niệm về các con. Hình ảnh  “Sắc vàng ấm ngõ quê”, nơi nương tựa đời sống tinh thần của mẹ. nơi các con hóa thân - Những bông hoa mai rực rỡ sắc màu, điểm tô vẻ đẹp làng xóm, quê hương, tượng trưng cho cuộc sống độc lập,tự do,hạnh  phúc của dân tộc.
Cuối bài thơ, bất ngờ xuất hiện hình ảnh “ con chim mỏ quẹt”,làm tăng thêm sức hấp dẫn của “ Mai” . Phải chăng đó là hình ảnh những kẻ vô ơn, bội nghĩa, chỉ biết “ ăn xong quẹt mỏ”,lời nói không đi đôi với việc làm,sẵn sàng “ lãng quên” những người có công với dân, với nước.
Hình ảnh “ những con chim mỏ quẹt”,đối lập,càng làm nổi bật hình ảnh người mẹ trong thi phẩm.
       L.L