Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI NHỜI SAU KHI ĐỌC "VĂN NGHỆ CHÍ"

Họa sỹ Ba Tỉnh
Thứ năm ngày 30 tháng 6 năm 2011 10:58 AM
TNc: Mười lăm kì Văn nghệ chí của Trương Vĩnh Tuấn mà trang nhà chúng tôi cho lên đã thu hút khá nhiều bạn đọc. Chúng tôi cho rằng đó là một góc nhìn riêng của tác giả chắc chắn còn có thiên kiến nhưng có phần nêu được sự thăng trầm của báo Văn nghệ. Ôn cố tri tân cũng là một nét cần thiết của những người sáng tác. Chắc chắn về báo Văn nghệ, về Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có nhiều nhà văn đang viết và một lúc nào đó sẽ trình làng. Chúng tôi vừa nhận được bài phản hồi của họa sĩ Ba Tỉnh, đó cũng là một ý kiến để tác giả TVT cần xem lại. Xin giới thiệu cùng các bạn...

Trannhuong.com vừa khép lại loạt bài “Văn nghệ chí” (VNC) của Trương Vĩnh Tuấn (TVT) như vậy là phải. Sau khi đọc VNC trên trannhuong.com tôi có vài dòng như sau:
Tác giả Trương Vĩnh Tuấn - người giữ chức Phó TBT Tuần Báo Văn Nghệ cho đến ngày về hưu, có lẽ ở cương vị này tác giả đã có điều kiện “tiếp cận” với “tủ” hồ sơ lưu trữ tài liệu nội bộ của Báo VN, rồi biến nó thành một bài viết khá dài, đặt tên là “Văn nghệ chí” rồi đem công bố trên trannhuong.com. Nội dung VNC kể nôm na về một chặng đường dài, khá thăng trầm của Tuần Báo Văn Nghệ, thuộc Hội Nhà Văn VN – là một tờ báo lớn ở nước ta, chuyên về văn học nghệ thuật, vì vậy nhiều bạn đọc rất quan tâm, cũng đã có một vài người “ra nhời” nhưng có lẽ họ cũng không bàn thêm về những chuyện rất riêng, rất nội bộ của Tuần Báo Văn nghệ. Người xem loạt bài viết này trên trannhuong.com khá đông, có “Hồi” lên tới trên hàng ngàn lượt người truy cập.
Mặc dù vậy, theo TNc: do nhiều sự việc cần thiết hơn nên Văn nghệ chí không được đưa lên liên tục. Kỳ này TNc đưa lên trang Hồi 15 và Hồi kết. Việc đưa VNC lên trang góp một góc nhìn để tham khảo. Có điều gì khiếm khuyết mong bạn đọc thông cảm...
Và Chương kết (là thư ngỏ của tác giả, nhưng TNc thấy không thích hợp với trang nhà nên không đưa lên, xin tác giả thông cảm) và tác giả TVT quả quyết rằng:
“Văn Nghệ Chí: Bạn đọc thân mến: xin bảo đảm với bạn đọc rằng những dòng viết nghiêng là được trích ra từ biên bản cuộc họp chi bộ, biên bản hội nghị cán bộ, thư viết tay, hoặc các văn bản gốc, những điều trực tiếp được nghe. Văn Nghệ chí xin dừng lại tại đây, nếu có gì thất thố mong được cáo lỗi”.
Ngẫm câu: “Bút sa, gà chết” - phàm cái gì cũng có thể thông cảm, nhưng vi phạm pháp luật thì không thể “mong bạn đọc thông cảm” được(!)
Tôi xin trích dẫn Điều 125 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, sửa đổi, bổ sung 2009,  Chương XIII về: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác như sau:
 1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c)  Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Và theo Điều 34. - Bộ luật Dân Sự 1995 về Quyền đối với bí mật đời tư đã quy định:
1- Quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2- Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3- Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu huỷ thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác.
Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.
Đem đối chiếu những lời của tác giả TVT “xin bảo đảm với bạn đọc rằng những dòng viết nghiêng là được trích ra từ biên bản cuộc họp chi bộ, biên bản hội nghị cán bộ, thư viết tay, hoặc các văn bản gốc” với Điều 125 của Bộ luật Hình sự và Điều 34. – Bộ luật Dân Sự, chưa kể đến việc trích dẫn để công bố các văn bản các cuộc họp nội bộ của Cơ quan và Chi bộ Đảng của Tuần Báo Văn Nghệ, cho dù tài liệu ấy đã cũ cũng là một việc làm trái phép, nếu ông TVT là Đảng viên CS thì việc công bố biên bản các cuộc họp Chi bộ lên mạng là một việc làm rất bậy và vô trách nhiệm.
Quả thật, sau khi đọc xong VNC, tôi không hiểu tác giả TVT có dụng ý gì? Nhưng đối với người đã từng giữ chức phó TBT của Tuần Báo Văn nghệ như ông Tuấn thì việc viết ra những sự tình nội bộ, mà phần lớn khi đọc rất phản cảm, chẳng khác gì “vạch áo cho người xem lưng”(!). Loạt “Hồi” trong VNC có lẽ, nổi lên 3 việc sau:
- Một là: Phủ nhận vai trò lãnh đạo cũng như công lao của nhà văn Nguyên Ngọc trong thời gian ông làm Tổng Biên tập Tuần báo Văn Nghệ - điều đó theo tôi là “ngớ ngẩn”. Chúng tôi là những người cộng tác với báo VN “Thời anh Nguyên Ngọc”, ngày ấy người ta hay dùng cụm từ: “Thời anh Nguyên Ngọc” để ca ngợi thời “Hoàng kim” của Báo Văn Nghệ. Thời ấy, Báo VN thành công về mọi mặt: Không khi văn đàn sôi động, có nhiều tác phẩm văn học rất hay, phát hiện được một số cây bút tài năng, báo phát hành với số lượng kỷ lục và bán rất chạy... Còn sau TBT. Nguyên Ngọc, tờ Tuần Báo Văn Nghệ thế nào? Xin để tự quý vị thẩm định.
- Hai là: Tác giả TVT có ý đề cao nhà thơ Hữu Thỉnh về tài năng, đức độ, công lao cũng như “phép” dùng người “dụng nhân như dụng mộc” vv… Nhưng buồn thay, rút cuộc thì Hữu Thỉnh vẫn phải hỏi ý kiến (ná ná như là xin ý kiến) Phó TBT Trương Vĩnh Tuấn vậy! Chẳng khác nào: “Chú ca anh vậy khác nào hại anh”, mà theo giọng điệu thì TVT tuy là “đàn em” nhưng không mấy trọng ông Hữu Thỉnh vì toàn gọi “sách mé”, cộc lốc là Hữu Thỉnh…
- Ba là: Dẫu tác giả có “ý tứ” đến mấy cũng lòi cái đuôi là tự “ca” mình, ở đây có việc TBT Hữu Thỉnh “trao đổi” và “vận động” TVT đồng ý nhân Nhà văn Dạ Ngân là con liệt sỹ về Báo Văn Nghệ. Chi tiết này TVT có vẻ “miệt” nhau quá, vì Dạ Ngân là một nữ Nhà văn chuyên nghiệp, thực tài… Báo VN đón chị về như là một cơ duyên đẹp đẽ, điều đó ai cũng hiểu, “chỉ có một người không hiểu”! Tôi ngờ rằng tác giả TVT “ám chỉ” vụ Đồng chí Hữu Thỉnh “vận động” TVT để đưa 1 người phụ nữ khác lên chức Phó TBT khi ông ấy chuẩn bị thôi không nắm giữ chức TBT Báo VN nữa, thì có lẽ “đắt” hơn nhiều so với “chi tiết” Dạ Ngân con liệt sỹ ở “Hồi 15” trong VNC … 
Chắc cũng chẳng có ai mất thời gian mà đi kiện TVT vi phạm pháp luật như dẫn chiếu ở trên. Hãy trở lại việc VNC công bố trên trannhuong.com được nhiều bạn đọc quan tâm, nếu họ tin vào những điều TVT viết thì dường như TVT đã làm một việc rất không phải đối với nhiều anh chị em đã từng làm việc ở tờ Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn trong nhiều thời kỳ. Một người làm báo, làm thơ như Trương Vĩnh Tuấn ít ai biết đến, đã sống, làm việc và hưởng lộc gần như nửa đời người ở ngôi nhà 17 Trần Quốc Toản, Trụ sở của Báo Văn Nghệ, khi về già lại đổ đốn ra quay lưng lại như vậy phỏng có nên chăng?
Họa sỹ Ba Tỉnh