Tùy bút
Lâu lắm rồi, hơn bốn mươi năm, thời gian đó bằng cả nửa đời người, mới trở lại cái vùng quê ấy. Bốn mươi năm, gì mà chẳng lâu.
Khởi thủy của chuyến hành hương là nhờ một thằng bạn. Cái thằng bạn cùng trung đoàn ngày xưa ấy, chẳng rõ từ khi nào, ăn sâu bám rễ ở đây. Hắn ăn nên làm ra từ cái mảnh đất của vùng quê nghèo này. Tình cờ thôi, nó liên lạc được với một thằng bạn khác, không thân, nhưng vẫn cùng trung đoàn. Người cùng đơn vị cũ từ thời chiến tranh, tự dưng gặp nhau, bỗng chốc thành thân thiết. Và thế là lòng thương nhớ nổi lên, kỷ niệm nổi lên, tuổi trẻ gian khổ ngày xưa nổi lên. Già rồi, nhớ lại chuyện cũ ngày chiến tranh gian khổ, ngày trẻ tuổi nhiệt huyết, ngày đói cơm, ngày chiến trường, ngày đạn bom… thấy quý giá quá và biết là chẳng bao giờ có được nữa, vậy là đánh tiếng mời bạn bè cùng trung đoàn vào chơi.
Chợt nghĩ, tất cả đều đã già cả rồi, liệu cho đến cuối đời, còn có thể gặp nhau mấy lần để ôn chuyện cũ nữa. Vậy là hai chục người bạn cũ cùng binh đoàn từng sát cánh chiến đấu bên nhau bao năm, quyết gặp nhau và thăm lại mảnh đất miền đất Tây Nghệ An này.
Với nhiều người lính trung đoàn, nơi đây là nơi mà họ được ở lâu nhất. Người nhiều nhất cũng cỡ hơn hai năm, gần ba năm. Thời chiến, mấy ai ở lâu một chỗ như vậy. Có thế mới hiểu đời lính nhiều bôn ba và khoảng thời gian ba năm so với chiều dài cuộc chiến chục năm cũng là dài và lâu đấy chứ.
Trên đường về chốn xưa, nhiều chuyện lắm. Thời trai trẻ thì không thiếu gì chuyện, đặc biệt chuyện tình yêu. Nói đến tình yêu thì không thể thiếu tác nhân tích cực là các cô gái. Ngày đó, nơi đại đội, tiểu đoàn mình đóng quân, toàn con gái. Làng xã nào ở Việt Nam chẳng vậy. Trai tráng lên đường chiến đấu hết. Ở lại làng quê toàn các ông lão và bà già. Tất nhiên là cũng rất nhiều các cô, các chị rất trẻ trung và cũng nóng hôi hổi.
Đường về chốn cũ bon bon. Đường 15 - Tây Trường Sơn ngày xưa, bây giờ là đường Hồ Chí Minh rải nhựa láng bóng. Lại như có cái vinh dự, cái tự hào ẩn sâu bên trong. Cái huyện của vùng bán sơn địa mà mình đóng quân trong những ngày ác liệt đó, là khởi điểm của con đường huyền thoại: đường mòn Hồ Chí Minh. Cột mốc kỷ niệm còn ghi rõ.
Nơi cao, nhìn rõ một dải sông Con và chiếc cầu mờ mờ xa. Một nhịp cầu “nối những bờ vui”. Đấy là một thay đổi. Ngày xưa, muốn qua sông phải bằng đò ngang. Con sông không rộng nhưng nó gắn với xóm làng và làm xóm làng trở nên hiền hòa. Cái làng được một dòng sông bao bọc cũng trở nên mềm dịu hơn, da diết hơn mỗi khi đi xa nhớ về. Dòng nước mát của con sông quê hương bắt đầu từ những buổi tắm trưa của lũ trẻ con chăn trâu sẽ là những ký ức không thể quên trong cuộc đời.
Nhưng cái địa danh để gợi nhớ không phải là dòng sông. Con sông Con bé nhỏ như tên gọi, có lẽ còn chảy qua nhiều làng mạc khác trên dải đất này nữa. Còn nhiều làng được tưới mát bởi con sông này. Địa danh ghi dấu ấn với lính của trung đoàn là Hòn Rô. Một ngọn núi nhỏ, không cao, nhưng đủ để người ta gọi nó là núi chứ không phải là đồi. Cả cái làng chạy dài theo sườn Hòn Rô, cũng nghĩa là cả đơn vị đóng dài theo dọc Hòn Rô. Cái địa thế được gọi là đắc địa. Làng dựa vào núi và nhìn ra sông.
Nơi xe dừng là Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Bình. Đã có sự liên hệ trước. Thời đại thông tin và kỹ thuật số mà lị. Dù là một chuyến đi tự phát nhưng ông chủ tịch cựu chiến binh xã được ông bạn có lời mời mọc bên trên thông báo, có đoàn của đơn vị cũ về thăm. Thế là xã biết và xã cùng hội cựu chiến binh đứng ra tổ chức đón tiếp. Trang trọng không ngờ. Thật đúng bộ đội Cụ Hồ, “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Hơn bốn mươi năm, gần nửa thế kỷ trôi, đặt chân vào con đường về làng, sao như chẳng mấy thay đổi. Ấn tượng của ngày tháng xa xưa cứ dồn dập, vùng quê yên tĩnh vẫn cứ là yên tĩnh. Vừa thấy dạt dào kỷ niệm xô về, vừa thấy nao nao thổn thức. Có phải như mình đã quá gắn bó với nơi đây.
Từ ngoài đường rẽ vào, con đường cũng có to hơn ngày xưa, cũng vẫn gập ghềnh ổ gà. Đời lính thì đã quá quen với các loại “ổ” này rồi. Được cái hôm nay khô ráo, đang mùa khô, không bùn đất nhưng bụi. Nắng rát mặt, gió rát mặt. Mảnh đất gió và nắng. Đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều, quá nửa đời phiêu bạt rồi còn gì, mà cứ rưng rưng một điều bởi thấy dân mình sao mãi cứ nghèo, cứ khổ thế!
Ngày ấy chúng tôi trẻ lắm. Chúng tôi yêu tất cả và thương tất cả. Tuổi trẻ đầy ước mơ và chúng tôi muốn ôm trọn tất cả những gì mà chúng tôi được học và được ông bà cha mẹ dạy dỗ. “Những chàng trai má phính măng tơ/ ra trận còn thương cành ngụy trang mau héo/ hành quân xa hương gió đồng níu kéo/ cổ tích ơi, thương nhất dại khờ…”
Vượng ngày xưa hiền lành ngây ngô nhưng bây giờ to con trông rất bụi bặm với vẻ từng trải phiêu lãng, kể: “Ngày ấy, mình mười tám tuổi, dại khờ ngu ngốc. Chồng chị chủ nhà đi chiến đấu, cô đơn thân gái, mới bén hơi đàn ông. Chị gọi mình vào trong buồng, mang ra mấy củ khoai đặt trên cái đĩa: “Chú ăn đi”. Mình cám ơn và mang đĩa khoai ra nhà ngoài ăn vô tư. Ngày ấy đói. Dân đói lính cũng đói, tuổi mười tám mà, thường xuyên phải ăn thêm khoai sắn, toàn của dân cho. Vùng bán sơn địa này đâu có thiếu sắn khoai” Ngây thơ đến vậy cơ mà.
Cả mình cũng vậy. Măng tơ không kém thằng Vượng. Mình nghe không biết bao nhiêu lần: “kỹ sư trẻ và đẹp trai thế”. Tự kiêu một chút, ngày đó, mình quả là như vậy.
Kính, một đồng đội ngành kỹ thuật như mình, nhưng làm về xe, ngồi im trầm ngâm. Không hiểu Kính nghĩ gì. Cậu ta có tình cảm đặc biệt với gia đình nơi đóng quân. Ông chủ nhà coi Kính như con trong nhà. Sau bữa ăn, cậu ta cũng sấp ngửa như mình, vội đi vào làng tìm người quen cũ.
Cùng với Điệp, hai đứa mình cuốc bộ vào làng. Nghe nói ba cây số nhưng thực ra chỉ non một cây. Ái ngại cho cái chân “què” vì bom trong chiến dịch đường 9-Nam Lào của Điệp. Cái nắng và nóng không cản được mình. Một cái gì đó vô hình thôi thúc, lại như cảm thấy có một điều gì đó hay hay đang chờ đón.
Trên đường mình cứ nghĩ gở, liệu còn ai nữa mà thăm. Bác chủ nhà lúc nào cũng nhớ phần cho mình củ khoai củ sắn để ăn cho giữa bữa đỡ đói ấy nữa. Ngày đó các bác đã già hay vì mình còn quá trẻ? Bây giờ ai còn ai mất? Một điều gì đó bâng khuâng, một nỗi niềm từa tựa như mặc cảm mắc lỗi chặn lại ngang cổ. Bốn chục năm đã trôi, những bốn chục năm cơ mà!
Ồ đây, Điệp kêu lên, sân kho hợp tác. Lại cả cái ao nữa này. Cái ao này ông Vạn quân nhu có thể đứng cả buổi câu những con cá diếc, thằng Hạng có thể đứng cả ngày quăng cá sộp. Và kia nữa, quả đồi nhỏ cạnh ao làng mà ngày nào, hưởng ứng cuộc vận động trồng cây, cả đơn vị kéo nhau lên đồi trồng. Bây giờ vẫn chỉ là cái đồi trọc, chỉ mấy ngọn cỏ sống được. Cây trồng thì đã chết queo ngay hồi lính vẫn còn ở đó. Một thời là như vậy, cốt để lấy phong trào và thành tích.
Giữa trưa, cả làng im ắng. Cô quạnh một vùng quê chưa phát triển mặc dù bên cạnh có đường ô-tô chạy qua, cả đường mới và đường cũ đều sát bên làng. Vậy mà làng vẫn thế. Một con đường nhỏ trải bê tông quanh quanh theo chiều lượn của Hòn Rô. Hai bên con đường là nhà, hỏi thăm, vẫn những chủ cũ. Làng có vẻ già đi vì thưa thớt và trong mắt mình có một màu bàng bạc pha trộn. Làng như vẫn đang ngủ trong giấc ngủ của ngàn xưa, thời của ông bà ta, cụ kị ta. Tự dưng buồn. Nỗi buồn man mác. Cũ kỹ và cổ xưa hoang hoải rung lên một tiếng vọng.
Được thằng cháu cụ cố dẫn đường đến tận ngôi nhà cũ ngày xưa mình ở. Màn hỏi thăm thường diễn ra trong mọi cuộc gặp tưởng nhanh mà lâu, bởi chủ nhà bây giờ là cậu học trò, con cả của cụ cố. Trong những năm đánh Mỹ, cũng lên đường tòng quân và bị thương vào đầu, trí nhớ giảm nhiều. Dẫn dắt mãi, mới nhớ ra nhau.
Tất cả vẫn như thế, kể cả ngôi nhà. Mình chỉ thấy các cột gỗ nó đen bóng nổi màu thời gian mà thôi. Trên bàn thờ, nhìn thấy ảnh cụ bà đã về với tổ tiên cách đây hai năm. Cụ ông năm nay đã tròn chín chục lại không ở đây mà về ở với cậu út. Thời gian ở lại không lâu, lại phải nhờ con ông chủ dẫn đi để gặp cụ cố. Biết còn lần nào nữa được về đây không?
Gặp được cụ cố, vui vì thấy cụ còn sống với con cháu, buồn vì với một thân hình xơ xác héo hắt như vậy, liệu bao giờ cụ theo cụ bà về miền thiên thu. Ý nghĩ về ngọn đèn trước gió lúc này mới thấy chính xác làm sao! Lại buồn, gặp cụ chẳng dám nói to, sợ giọng nói của mình ảnh hưởng đến bộ khung toàn xương của cụ. Nắm bàn tay gầy guộc, ngắm thân hình gầy guộc mà thấy cái sự ác nghiệt của thời gian.
Bù lại cho buổi gặp mặt là các cô “cháu” ngày xưa, con của cụ cố. Ngày đó các cô còn quàng khăn đỏ bé xíu mới học lớp sáu. Hai cô em gái. Cô chị là Nghi, cô em là Son. Cả hai đều vất vả chuyện chồng con. Lại ngẫm về người phụ nữ nước mình. Nỗi khổ, sự cô đơn hóa thành đá vọng phu cứ đeo đẳng mãi với đời người phụ nữ. Cảm nhận vậy về thân phận phụ nữ suốt mấy chục năm, qua mấy cuộc chiến tranh, không sao dứt được.
Mấy phút nói chuyện, cô chị chỉ cười. Nụ cười ngày xưa mình nhớ. Nụ cười mang theo và chất chứa nỗi buồn suốt cuộc đời. Cô em nhanh nhẹn vui vẻ hơn. Ngày xưa mình nhận ra cô bé thành một thiếu nữ là ở cánh áo nâu mà cô bé mặc. Ngực cô bé nhô cao chum chúm như quả cau và đôi má ửng màu mỗi lần đi học về.
Vậy mà… Tất cả bây giờ đều đã già. Lên ông lên bà cả rồi. Về một vùng quê để tìm lại những kỷ niệm, thấy lại thời trai trẻ và cái điều đạt được của chuyến đi đọng lại trong mình là sự thanh bình, yên ả của một miền quê yên tĩnh. Quê nhà và người nhà quê tần tảo, chất phác vẫn mang lại cho ta những giờ phút dịu êm như thế. Sự vĩnh hằng của kỷ niệm tưởng đã bị bỏ qua, chôn lấp nay được khơi mở. Thú vị của cuộc đời và chuyến đi là vậy.
Vinh Anh
28/06/2011