Trang chủ » Tản văn

ĐỒNG TIỀN HAI MẶT

Trần Huy Thuận
Thứ ba ngày 21 tháng 6 năm 2011 8:57 PM
 
tạp bút  

Tử cổ chí kim, từ Đông sang Tây; dù được làm bằng kim loại hay bằng giấy, ĐỒNG TIỀN luôn luôn HAI MẶT!
TIỀN ra đời xuất phát từ nhu cầu TRAO ĐỔI HÀNG HÓA - THƯƠNG MẠI, luôn gắn bó chặt chẽ với KINH TẾ THỊ TRƯỜNG đồng thời là hình ảnh tượng trưng cho giá trị của hàng hóa. Bởi vậy, vai trò đầu tiên của TIỀN là làm THƯỚC ĐO GIÁ TRỊ HÀNG HÓA. Từ vai trò quan trọng này, TIỀN nghiễm nhiên trở thành PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN và PHƯƠNG TIỆN TÍCH LŨY trong mọi giao dịch của cộng đồng. Và bản thân đồng tiền, đến lượt nó, nó cũng trở thành HÀNG HÓA – một thứ hàng hóa đặc biệt nhưng mang đầy đủ thuộc tính như của bất cứ hàng hóa nào. Đồng tiền vốn VÔ TRI nhưng rất hữu ích đối với bất cứ ai có nó trong tay.
Nhưng, đấy mới là MẶT PHẢI, phía trước của đồng tiền. Phía sau hay MẶT TRÁI của hàng hóa này, đóng vai trò rất táo tợn và tàn nhẫn -  đôi khi sự tàn nhẫn của nó đạt đến mức phi nhân tính. Ấy là lúc nó không còn là công cụ mà đã biến thành KẺ SAI KHIẾN, thành ÔNG CHỦ của con người. Ngay đến kẻ đang “nắm giữ trong tay” rất nhiều tiền, đôi khi cũng vẫn chỉ là KẺ NÔ LỆ thảm thương của chính những đồng tiền anh ta có – ĐỒNG TIỀN đã trở thành một thứ QUYỀN LỰC đứng trên mọi quyền lực: Quyền lực bất thành văn. Ngay từ thời xa xưa, cha ông ta đã nói: “Vai mang túi bạc kè kè / Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm”.
Ấy là lúc đồng tiền đã vượt lên khỏi chức năng vật ngang giá thông thường trong thương mại để trở thành thứ có thể mua được mọi thứ thuộc CON NGƯỜI, từ thân xác đến lương tâm, đến phẩm giá, đến lý trí, đến tình cảm, đến nghĩa vụ và đến cả lòng biết ơn…
-         Khi nào thì mặt trái của đồng tiền hiện ra?
Khi MỌI THỨ, từ vật chất đến tinh thần, từ lương tâm đến trách nhiệm, từ danh vọng đến địa vị, từ văn hóa đến công lý… đều trở thành HÀNG HÓA. Lúc ấy, ĐỒNG TIỀN trở thành THỐNG SOÁI, trở thành thứ HÀNG HÓA ĐỨNG TRÊN mọi hàng hóa – Khi đồng tiền “…Là thước đo của danh vọng / Là cái lọng che thân / Là cán cân công lý…” (ca dao mới). Đồng tiền có lúc là sứ giả của lòng bác ái, có lúc là nhân chứng của lũ sát nhân; có lúc mang tầm vóc của nhà bác học, có khi lộ bộ mặt kẻ tiểu nhân vô học;  có lúc đóng vai thôn nữ ngây thơ, có khi là gái bán hoa lọc lõi… Và không dừng lại, đồng tiền tiếp tục tung hoành làm tha hóa đạo đức, lẽ sống, lý tưởng; làm đảo lộn đạo lý: kẻ cắp thành quan tòa, kẻ bất lương thành tu sĩ, đầy tớ lên ngôi ông chủ; làm đảo lộn luân lý: Con khinh cha, anh em trong một gia đình kiện cáo đâm chém nhau, cháu chắt thóa mạ ông bà, tổ tiên… Cao hơn nữa, đồng tiền còn có khi khiến một công dân từ chỗ xả thân trong chiến trận chống ngoại xâm, đến chỗ sẵn sàng bán nước cho ngoại bang.
Đó chính là sự tha hóa cuối cùng của đồng tiền. Và đến một mức nào đó, sự tha hóa ấy sẽ đương nhiên dẫn đến sự sụp đổ NIỀM TIN trong chính mỗi con người, trước CUỘC SỐNG, trước chính CON NGƯỜI. Thực ra thì, NIỀM TIN không hề mất đi, NIỀM TIN chuyển sang một lĩnh vực khác – quay về với TÂM LINH, với những gì thuộc về THẦN BÍ. Sự bế tắc trong tư duy tìm đến sự mơ hồ trong thần tượng!
*****
Vâng ! Đồng tiền vốn luôn HAI MẶT, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng !.. Đồng tiền chỉ SẠCH khi nó vừa được in ra, nhưng một khi đã tham gia vào lưu thông, nó càng ngày càng BẨN. Thậm chí ngay trong quá trình in ấn, đôi khi đồng tiền đó đã… RẤT BẨN – nếu nó là kết quả của một âm mưu nào đó của kẻ được giao làm ra nó. Và có điều này cần ghi nhớ : Đồng tiền còn được gọi là ĐỒNG BẠC, là TIỀN TỆ nữa đấy. «Bạc» và «tệ» đến mức nào, điều ấy còn tùy thuộc ở chính nơi ta.