Trang chủ » Tản văn

LÀNG ĐANG NÓNG LÊN

Dương Phượng Toại
Thứ bẩy ngày 11 tháng 6 năm 2011 4:46 PM

Yên Hưng quê tôi bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử. Nơi đây là vùng đất cổ An Bang. Sinh ra trên vùng đất ấy, tôi tự cảm đất đai là tấm áo xanh ngàn đời, sông nước là cái chậu khổng lồ ru đắp và tắm gội cho những đời người  từ đó lớn lên.
I
Thuở xưa, vùng đất này từng là dải rừng nguyên sinh. Từ cửa sông Bạch Đằng ngược lên phía bắc về phía đông là cả một vùng non xanh thâm sâu cùng cốc chạy tới chân dãy Yên Tử giáp đến huyện Hoành Bồ… trùng điệp một sắc rừng đại ngàn thăm thẳm. Hai cây lim Giếng Rừng hơn bảy trăm năm tuổi ở thị trấn Quảng Yên còn sót lại sau chiến thắng Bạch Đằng 1228, là một trong những chứng tích của lịch sử và thiên nhiên rừng đại ngàn phủ An Bang.
Những năm cuối thế kỷ trước, vùng đất Yên Hưng còn ngút ngàn những dải rừng đồi, rừng ngập mặn, mướt mát những hàng cây dọc các ngả đường cùng những vườn tược, ao chuôm các làng quê. Màu xanh cây cối miên man dưới tầm mắt và rợp mát trên đầu. Nhìn ra chỗ nào cũng thấy cây, thấy màu xanh và thấy rõ hơi thở của cây phả vào mặt vào da thịt. Màu cây như bóng cha rủ xuống, như lòng mẹ mở ra, như tình em ôm choàng thân thiết. Cây là tấm áo ngàn đời nhân hậu suốt đời một con người!
Qua phố huyện Quảng Yên, lên phía bắc chưa đầy 20 cây số, một thời, vào rừng Yên Lập còn nghe tiếng rừng lúc vang trầm hun hút, lúc ngân lên vòi vọi của ngàn cây cao bóng cả, suối ngập đèo hiểm. Người ta còn hãi hùng như có tiếng hổ gầm đâu đó vọng lên và có cảm giác ớn lạnh có thể bất ngờ một con hổ nhảy ra. Những người thợ sơn tràng đóng bè tre, bè gỗ trẩy từng mảng vượt thác qua cửa rừng xuống bãi sông xuôi theo dòng Bến Giang, Hoàng Tân rồi đổ ra cửa Cái Dâu, Ba Đượng, ngược sông Chanh về các miền quê Yên Hưng và đồng bằng sông Hồng. Theo thời gian và cuộc sinh tồn của con người, màu xanh rừng như những chiếc lá rụng dần, chuyển đổi thành hơi ấm, hạt no cho các thôn mạc, cánh đồng, phố thị. Nhiều làng nghề đan lát như Yên Trì, Hưng Học, Cẩm La… hình thành và sống nhờ vào tấm áo ngàn đời đó của rừng.
Tới nay, Yên Hưng còn gần 6.500 ha đất rừng, 13 000 ha đất bãi triều và rừng ngập mặn nằm dọc các triền sông Bạch Đằng, sông Rút, sông Chanh… kéo dài ra tận cửa Cát Bà, Nam Triệu tạo nên những tấm phên giậu chắn sóng biển khơi. Rừng ngập mặn cửa sông Bạch Đằng, đầm Nhà Mạc, Cống Vông, Đầm Bầu… còn giữ được màu xanh nguyên thủy đến cuối những năm 1990. Những rặng lậu, sú vẹt, mắm đước… đan cành tỏa bóng dày bện. Chèo thuyền trên các lạch cái, phải lấy sào gạt hoặc dùng dao rựa phát quang mới có lối để đi, y như lạc vào vùng sông nước Cà Mau. Chim từng đàn bay trên đầu chao chát. Cư dân quăng chài thả lưới trên các dòng sông, đặt đó, giăng đáy, cất vó đánh bắt cá tôm ngay dưới tán rừng. Các loài tôm cá, cua ốc theo nước rặc trút xuống, theo thủy triều dâng lên, tấp vào các chân rừng, lạch ngòi đẻ trứng.
Đầm nước nơi đây chẳng khác gì những cái chậu khổng lồ chứa đầy các loài thủy sản. Làng tôi nằm giữa những cái chậu khổng lồ và trong những tấm áo xanh ngàn đời đó. Gió ngoài biển Đông, ngoài vịnh Bắc Bộ thổi qua những vùng mặt nước, mặt rừng tiếp thêm độ ẩm vào những cánh đồng, vào những ngôi làng làm không khí càng thêm mát rượi.
Vậy mà bây giờ… Tấm áo xanh ngàn đời đã và đang đứng trước nguy cơ bị giật khỏi cơ thể đất đai!
II
Sông biển tự nhiên đem quà tặng ưu đãi cho cư dân quê tôi. Các miệt bãi, lũng sông được ngăn chặn, đào đắp, khoanh vùng kẻ thửa thành những ô đầm lớn nhỏ để nuôi trồng thủy sản. Một thời người ta nuôi quảng canh, để cả rừng ngập mặn che phủ và lấy giống tôm cá từ các con nước thủy triều. Đầm thủy sản các làng xã Liên Vị, Phong Cốc, Yên Hải… liên tiếp các mùa tôm bội thu. Cuộc sống cư dân đổi mới hẳn lên. Nhiều gia đình đổi đời, trở nên giàu có nhờ con tôm con cá, con cua, con ngán và rau câu.
Cơn lũ cuộc sống mới đem công nghệ văn minh, hiện đại về đổi mới cho nông nghiệp, nông thôn. Như người lội bùn trong lạch ngòi được ra biển cả, người nông dân sẵn sàng và háo hức tiếp nhận sự phát triển. Nhưng chục năm lại đây, nghe thiên hạ dâng lên phong trào nuôi trồng theo phương pháp công nghiệp, bằng nguồn giống cho đẻ nhân tạo… các ông chủ đầm ồ ạt chặt phá hàng loạt sú vẹt, trang đước để giải phóng mặt nước thoáng đãng. Có người còn kẻ ô, đổ cát lòng đầm, lát tấm bê tông. Đầm nuôi trồng thủy sản với thủy diện phẳng lỳ bỗng thành tấm gương chói chang ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Các loại thức ăn công nghiệp, đạm, lân, thuốc phòng chữa bệnh, thuốc trừ cỏ… ném xuống. Nguồn thủy sinh bị tiêu diệt. Môi trường lập tức bị ảnh hưởng ô nhiễm. Con tôm con cá không có bóng râm trú ngụ. Rêu đất, rong biển, rau câu tàn lụi, không mọc lại được. Các đầm Liên Vị, Phong Cốc, Yên Đông, Hải Yến… trước đây sau thu tôm cá còn trông thêm vào thu hoạch rau câu, nay nguồn thu này hoàn toàn cạn kiệt và mất giống.
Do quá trình tiếp nhận khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất thiếu đồng bộ như kỹ thuật, điện, nước, dự báo thời tiết, bảo quản, tiêu thụ… cùng với ý thức, trình độ của người nuôi trồng yếu kém chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đã dẫn đến nhiều dự án nuôi tôm công nghiệp bị đổ bể. Những vụ nuôi trồng mất mùa nối theo nhau. Nhiều năm gần đây, tôm cá chết hàng loạt, có nơi thối hết cả đầm. Nhiều chủ đầm vỡ nợ. Nhiều chủ đầm đã tính chuyện chuyển đổi, buôn đi bán lại đầm áng hoặc bỏ nghề. Đầm áng- những chiếc chậu khổng lồ vắng bóng rừng ngập mặn che phủ thì hằng ngày vẫn đang bị đun nóng dưới ánh mặt trời!
Trong các làng xã, đường trải bê tông, trải nhựa đến tận ngõ xóm. Nhà cao cửa rộng, tường xây ngói đỏ san sát mọc lên, chen chúc nhau, lấn át không gian quê kiểng. Con đường cái quan phía tây Hà Nam từ Bến đò Chanh cũ xuống xã Liên Vị đoạn qua các làng Hưng Học, Hải Yến, Yên Đông, Trung Bản, Lưu Khê hai bên xanh rợp bóng dừa, nên dân ở đây thường gọi là “Đường dừa Hà Nam”. Là người Hà Nam đi xa không ai là không nhớ hình ảnh đường dừa Hà Nam thơ mộng dễ liên tưởng tới rừng dừa miệt vườn Nam Bộ. Đường dừa thân thiết là thế cũng bị chặt tỉa xơ xác. Khi đường mới nâng cấp trải nhựa thì cũng là lúc cây dừa vắng bóng. Làng mất đi một luồng sinh quyển.
Trước đây, đi trong làng cứ ngỡ đi dưới không gian rừng đồi ẩm ướt. Cả khu xóm tôi chỉ thấp thoáng vài nóc ngói dưới cơ man những bóng cây. Tuy nhà cửa thấp lè tè mà giữa mùa hè vẫn thấy mát mẻ, mùa đông vẫn ấm cúng. Nhà nọ thông nhà kia chỉ bằng giậu cây râm bụt, cây thuốc dấu, rặng đỗ ván leo… Mái nhà mái ngõ lợp rơm rạ, gianh nứa, gianh tre. Sân nhà chỉ nện bằng đất sét phơi hong khoai lúa. Xung quanh nhà là lũy tre, bờ cây xương rồng, mây gai… bao bọc. Giàn mướp rắc hoa vàng. Giàn bầu buông quả. Cây dừa tỏa bóng. Cây ổi xòa xuống mặt ao. Cây cau thả hương vào buổi sớm hạ sang. Cây mít đơm trái lúc lỉu như lưng mẹ cõng đám con thơ. Những ruộng rau cần xanh mướt. Những bè rau muống lan ngọn suốt tháng ba sang tháng tám đỡ lòng nhà nông qua những cơn đói quắt queo.
Vậy mà bây giờ… Tất cả đang dần biến mất khỏi cảnh quê. Phố nhập hồn làng, kéo dài mỗi ngày thêm một khúc. Làng theo nhau hóa phố. Cây xanh lưu cựu hàng đời bị đốn chặt. Dân chúng đua nhau bám đất mặt đường. Nhà nhà ngăn cách bởi tường cao cổng kín. Nhà tầng như nấm với cửa gỗ đắt tiền, cửa kính gương phản, hoa mờ. Bếp đun rơm rạ, củi cành, thùng trấu, ổ rơm, giường gỗ chõng tre, chiếu cói… dần dần lui vào quá vãng. Thay vào đó là bếp than, bếp điện, bếp ga, chiếu nhựa, giường nhôm, đệm mút… Nông cụ cày bừa, mai cuốc, gầu sòng gầu dai… bao đời gắn bó bỗng thành củi đốt, hóa giải kiếp “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Tiếng máy cày, máy lồng chạy ào ào ruộng đất. Xe máy, công nông, ô tô tung bụi mù mịt đường làng. Nhà tầng, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ… vô hình dung đã và đang hấp dẫn, là mơ ước, mục tiêu phấn đấu và thước đo của một nền kinh tế hộ gia đình. Đã xảy ra không ít các hộ nông dân thuần túy bỏ ruộng và nghề chăn nuôi. Họ phá dỡ chuồng trâu chuồng lợn, trang trại nuôi gà vịt, nhất là sau các đợt dịch H5N1 như một cơn lốc quét vào tập quán chăn nuôi gia súc của các làng quê. Nhiều người bắt đầu xu hướng hưởng thụ, cốt lo “lên đời” xe máy, sắm ô tô, xe con đi đây đi đó hoặc làm vận tải cho nhẹ nhàng, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Người nông dân đã hân hoan trong trào lưu “được đổi đời” như thế! Họ không còn mấy thiết tha với ruộng đất, cây trồng, vật nuôi; không tỏ ra tiếc nuối màu cây xanh muôn thuở muôn đời.
Làng đang nóng lên như vậy! Liệu đây có thể là niềm vui mừng quá sớm khi nông nghiệp, nông thôn và nông dân phải đối mặt với những khó khăn trầm trọng về môi trường?
III
Ngày xa ấy, trước ngôi nhà cổ của gia đình tôi là một cánh đồng ngút tầm mắt. Thảm lúa mênh mông trải từ chân làng tôi chạy tít tắp tới tận bên kia chân làng Yên Đông, Hải Yến, Hưng Học… Mỗi sớm mai thức dậy, mỗi hoàng hôn buông xuống, mùi bùn, mùi cỏ, mùi rơm rạ ngai ngái, rồi hương lúa trổ đòng, hương lúa chín thơm thoảng ngát vào sân khiến tôi cứ đứng hồi lâu ngây ngất. Gió nồm nam từ biển thổi qua cánh đồng được hương lúa quyện vào, lắng lọc. Bầu trời càng thêm mát lành trong trẻo.
Bây giờ cánh đồng ấy đã chấm dứt. Tấm thảm xanh cuốn lại như một giấc mơ vừa tan. Sau cái thời lò ngói lò gạch thi nhau tỏa khỏi, đất đai bị đào khoét, nung đốt, không chỉ lúa bị táp lá, nghẹn đòng, mà cây cối trong các mảnh vườn cũng bị héo rũ. Đất đai trơ gan cho cỏ dại. Tiếc đất, người nông dân lại cuốc xới khẩn hoang,  cấy trồng từng vạt lúa, rau màu. Giờ thì các khu dân cư lại lấn nống nham nhở ra cánh đồng. Những dải sông ngòi, những cây cầu gỗ cong nhịp cầu vồng cùng những cây đa bến nước bị san lấp trong chớp tay. Ngôi nhà cột gỗ ngói cổ của gia đình tôi cũng lọt thỏm dưới không gian nghễu nghện nhà mái bằng, nhà cao tầng lòe loẹt tường sơn, lấp lánh gạch men. Xế ngoài kia, nghĩa địa ngổn ngang mồ mả xây bằng gạch vữa, bê tông, ốp lát đủ kiểu đủ màu.
Tiết thanh minh vừa qua, tôi và Hưng hai chú cháu đi tạ mộ cụ ngoại. Cụ sinh ra mẹ tôi và bà nội của Hưng. Trước đây, mộ cụ nằm cạnh bờ của thửa ruộng bẩy sào trên cánh đồng Thượng Đồng thẳng cánh cò bay. Khi chưa vào HTX, thửa ruộng này là của nhà tôi. Mẹ tôi thường cấy lúa tám đồng, lúa nếp. Mùa trỗ bông, lúa cao lút mặt. Phấn lúa bay trắng vai áo, đầu tóc. Lúc hóa ruộng công HTX, mộ bà tôi bị xã viên làm ruộng cuốc vạc mỗi lúc một ít, nên hao mòn và bé dần như một nấm cỏ bỏ quên.
Sang thời kỳ khoán quản, ruộng lại chia về tay người khác thuộc làng Phong Cốc. Rồi khu đồng này người ta quy hoạch thành nghĩa trang đặt mộ hung, mộ cát. Mộ bà ngoại tôi lẫn vào ruộng đất thiên hạ lúc nào không biết. Mùa thanh minh năm ấy, mẹ con tôi phải tìm dọc tìm ngang, thậm chí phải đào bới rất lâu mới thấy được chiếc chai và đám vỏ ốc đẽ do mẹ tôi một lần chôn xuống cạnh mộ để đánh dấu phòng xa. Vài năm sau, mỗi năm một khác. Mộ mọc lên như mơ, như từ trên trời có bàn tay vô hình cẩu hạ xuống, loang ra thu hẹp tấm áo xanh của cánh đồng bao thuở. Người ta đổ sức đổ tiền ra tậu đất chiếm chỗ và xây cất. Mộ lớn mộ nhỏ nhấp nhô, đua nhau muôn kiểu dáng. Những cây si, cây duối bị chặt hạ, đào triệt tận gốc. Cỏ hoang bị bóc đi chỉ để vài gang tấc trong ô cắm nhang. Nhà người chết bỗng hiện đại với tốc độ nhanh chóng mặt. Chỉ vòng chục năm nay, khu nghĩa trang Phong Cốc đã như một thành phố  người Thiên cổ.
Lo sợ mất mộ bà ngoại, sau chuyến “tham quan thành phố Thiên cổ” về, chúng tôi cũng phải khẩn cấp xây lại mộ để khỏi hổ thẹn với vong linh bà. Nhưng chúng tôi chỉ làm nhỏ, khiêm tốn, không dám đu dù đu kiệu.             
Bước vào nghĩa trang, chú cháu tôi tưởng lạc vào một tòa thành hiện đại và hoang vắng. Cả nghĩa trang là một không gian bức sốt những hình khối. Không bóng cây xanh. Nắng ong ong nhức mắt, muốn rang lên. Gió phả hơi nóng hừng hực như từ Hỏa Diệm sơn táp vào mặt mũi. Tôi giơ tay: Rõ ràng gió từ biển thổi vào mà sao nực nội ghê người? Anh cháu tôi giải thích, như một nhà khoa học: Vào được đến nơi mình đứng đây thì gió đã bị làm nóng do bao nhiêu khối gạch vữa, bê tông kia tỏa nhiệt dưới nắng đốt cháy hết o xy rồi ông ạ! Đây mới là một nghĩa trang Phong Cốc, chưa nói đến cả vùng Hà Nam ta giờ có tới mười mấy nghĩa trang, rồi cả huyện Yên Hưng cũng có mấy chục… đều “phát triển hiện đại” thế này!
Ừ! Đúng thế! Không trách, mặt đất quê mình bây giờ cũng đang nóng lên!
Làng tôi đang góp phần cho Trái Đất nóng lên!
Để chứng minh cho một sự thật, những cơn gió nóng lại vột lên như từ Hỏa Diệm sơn táp vào mặt.
5-6-2011