Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG AI BẦU ĐƯỢC “LÃNH TỤ”

Vũ Quốc Túy
Thứ ba ngày 28 tháng 6 năm 2011 12:20 PM

-Đã từ lâu ít thấy dân mình nhắc đến hai từ “lãnh tụ”, bác nhỉ?.
-Lãnh tụ có hiện diện trong cuộc sống hiện tại của họ đâu mà nhắc tới. Mà chú lạ thật đấy, thị trường vàng, đô-la, chứng khoán…chả thèm nhắc, lại nhắc đến hai cái từ “cổ lỗ sĩ” kia làm gì!
-Việc gì cũng có căn nguyên. Từ hôm “biển Đông dậy sóng”, có thể nguy cơ ngoại xâm tái diễn , em cứ vẩn vơ nghĩ hoài về điều đó. Có lẽ cái từ này chỉ thấy nói nhiều trong quá khứ, tức là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ Quốc, chứ trong hòa bình người ta đã dần quên đi.
-Khi nói đến lãnh tụ, người Việt mình thường nghĩ ngay đến những điều thiêng liêng mà  người ấy mang lại cho dân tộc. Tên gọi “lãnh tụ” do Nhân Dân tôn vinh chứ có phải do thi cử, do ai bầu ra hoặc phong tặng đâu. Đấy chính là giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của dân tộc. Người lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước có thể không phải là lãnh tụ, nhưng lãnh tụ dứt khoát là người lãnh đạo cấp cao nhất .Lời kêu gọi của lãnh tụ mới có sức mạnh lôi cuốn dân chúng tình nguyện, mới tập hợp được lực lượng.
-À, thì ra chú định nói đến chủ thuyết chứ gì?
-Vâng. Không có chủ thuyết làm sao mà tập hợp được lực lượng để làm cách mạng. Bác Hồ của chúng ta đã từng đưa ra “chủ thuyết” hết sức giản dị, “độc lập dân tộc”, “đại đoàn kết toàn dân ”rồi từ đó mà cụ thể hóa bằng lời kêu gọi “không có gì quý hơn độc lập tự do” và “đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công”.Sự thật lịch sử chứng minh điều ấy rõ như ban ngày
-Bác nói thế làm em lo quá. Nếu bây giờ xảy ra chinh chiến, không có lãnh tụ, dân biết nghe và làm theo ai ?
-Chú rặt lo bò trắng răng.Có cả một tập thể lãnh đạo to tổ bố, lo sợ nỗi gì!
-Lo chứ sao không? Chỉ huy đánh trận, phải có người đứng đầu . Mọi người nhất nhất phải nghe lệnh và làm theo người ấy, chứ tập thể ra lệnh, mỗi người một phách thì mình biết phải theo ai? Vả lại, tập thể có cử ra người chỉ huy mà người ấy nói với dân không ai nghe, không ai tin thì còn dạy bảo, kêu gọi được ai?
- Tập thể ắt phải nhất trí đường lối chung và đưa ra nghị quyết .Tuy nhiên vai trò cá nhân trong lịch sử cũng vô cùng quan trọng
-Những năm hòa bình xây dựng kinh tế, người đứng đầu tập thể không chịu nhận trách nhiệm cá nhân khi mắc sai lầm, khuyết điểm, không bị kỉ luật gì cả, hậu quả là… hòa cả làng. Giả dụ họ là người chỉ huy đánh trận mà thiếu sáng suốt, thiếu quả cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đem “nướng” hết quân, rồi bỏ chạy  hoặc phải rơi vào tay giặc thì ai còn dám tin tưởng mà đi theo họ nữa? .
-Đấy cũng là điều khiến ta phải trăn trở nghĩ ngợi. Trước những thử thách khốc liệt, chắc chắn người ta phải đặt câu hỏi, hi sinh vì cái gì, hi sinh cho ai, mình bảo vệ ai? Nếu giành thắng lợi thì cuộc sống có được cải thiện hơn không, hay lại vẫn trái ngang như cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn.
-Chú đi lạc đề rồi! Chú nên nhớ một điều là, khi đất nước lâm nguy thì Tổ Quốc trên hết, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, vì nước, vì dân, vì mình chứ còn vì ai nữa! Nên nhớ một điều, nước mất thì nhà tan. Không đánh nó thì nó đánh mình chết, không chết thì bị nó đè dầu cưỡi cổ…
-Nhưng mà…chưa có lãnh tụ. Hay là ta cứ lăng-xê một hai cá nhân đi là vừa?
-Không ăn thua. Dẫu công nghệ lăng- xê có hiện đại đến mấy vẫn là “bàn tay không che nổi mặt trời”. Bây giờ là thời kì hỗn loạn các giá trị. Giả dối nhiều rồi, tốt nhất là quay về xây dựng lại nếp sống văn hóa nói thực, làm thực, trả lại giá trị thực cho mọi điều. Và cứ yên tâm đi! Thời thế tạo ra anh hùng. Khi đât nước có ngoại xâm, chắc chắn sẽ lại  xuất hiện Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Ái Quốc…Với lại tinh thần, tư tưởng chống ngoại xâm của chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta đó thôi!