Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SUY NGẪM VỀ DỊCH THƠ KHẮC TRÊN VÁCH NÚI BÀI THƠ NĂM 1468 CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG

Nguyễn Chính Viễn
Thứ tư ngày 29 tháng 6 năm 2011 8:40 PM

Tôi đã chuyện trò với ông Vũ Anh Tuấn, người đã từng tu nghiệp ở Trung Quốc nhiều năm- Ký sư Khai thác Mỏ- Phó Giám đốc Công ty đã nghỉ hưu, hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, Hội viên CLB UNESCO thơ Đường Viết Nam, về bài thơ khắc trên đá của Vua Lê Thánh Tông. Ông đã in 2 tập thơ Đường do NXB HNV in vả có nhiều thơ in trên các báo Trung ương và địa phương.
          Bài thơ vua Lê Thánh Tông làm năm 1468 được khắc vào vách núi Truyền Đăng (nay là núi Bài Thơ- TP Hạ Long Tỉnh Quảng Ninh) đã lâu nên phôi pha mưa gió có chữ đã bị bào mòn
          Nhà giáo Nguyễn Thanh Dân đã trèo lên rờ từng nét chữ và ghi lại để tra cứu và đoán định. Qua các bản ghi, các bản dịch nghĩa và các bản dịch thơ đang lưu hành ở Quảng Ninh có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nhận thức đây là một bài thơ của một vị vua anh minh văn võ kiêm toàn, trị vị thời gian dài trong lịch sử đất nước, có nhiều bài ngâm vịnh, câu chữ thật hàm xúc và thể hiện khí phách của một vị vua biết nhìn xa trông rộng trong công cuộc cai trị. Những năm tháng học ở Trung Quốc đã giúp ông hiểu biết nhiều về chữ nghĩa ngôn từ của Trung Quốc.
         Do vậy, Ông Tuấn đã mạnh dạn nêu ý kiến của cá nhân ông để quý vị xem xét, thẩm định. Mục đích là làm sao cho bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách đá đạt như nguyên tác và dịch chuẩn xác nhất lưu truyền cho đời sau. Ông đã đi sâu vào từng khía cạnh:

I – CÂU PHÁ ĐỀ VÀ CÂU THỪA ĐỀ (CÂU 1&2)
          1 – Theo GS Nguyễn Huệ Chi và Viên Hán Nôm hai câu 1 & 2 là :“ Cự tẩm uông dương triều bách xuyên/ Loạn Sơn kỳ bố bích liên thiên” Ông đã dịch nghĩa  là : “Nước lớn mênh mông trăm sông chảy vaò/ Núi non la liệt như quân cờ màu nước tiếp liền trời”. Ông Mai Hải dịch thơ : “Trăm sông triều hội biển mênh mông/ Xanh biếc trời xa, núi trập trùng”
          2 -  Theo cụ Nguyễn Duyên Niên, Ông Trần Nhuận Minh, Ông Hào Minh, Ông Nguyễn Thanh Dân là : “Cự lãng uông uông triều bách xuyên/ Quần sơn cơ bố bích liên thiên”. Ông Nguyễn Thanh Dân dịch nghĩa là :
“ Sông lớn mênh mông triều dâng, (như từ trăm sông dồn lai)/ Núi san sát dăng hàng sắc biếc liền với sắc trời”. Ông Hào Minh dịch thơ là : “Trăm sông dồn lại sóng dâng đầy/ Xanh biếc trời mây núi xếp dầy”. Ông Trần Nhuận Minh dich thơ là : “Cuộn núi trăm sông sóng dựng đầy/ Núi bầy thế trận xanh liền mây”.
Như vậy xét nguyên tác câu 1 ở chữ thứ 5 bị bào mòn nhẵn, không còn tự dạng.
Có 3 ý đề xuất: - Ý thứ nhất cho đây là chữ “triều” ngĩa là chầu về, dịch là chầu vào ( Ông Nguyễn Huệ Chi , Ông Mai Hải).
- Ý thứ 2 chữ “triều” nghia là nước thủy triều nên dịch là
triều dâng ( Ông Nguyễn Thanh Dân).
- Ý thứ 3 cho đây là chữ “triều” nghĩa là vênh lên, vểnh lên
 dịch là sóng triều vểnh lên dào dạt (Ông Hào Minh).
             3- Bàn luận xem chỗ nào là hợp lý và chuẩn xác.
A- Về câu 1 : “ Cự tẩm uông uông…bách xuyên”, cho nên theo ông
 chữ thứ 5 đúng nguyên tác phải là chữ” triều” dịch là “triều dâng”. Còn dịch câu này sao cho chuẩn xác cần bàn về cách dịch chữ “xuyên”. Các tác giả nhà thơ đã dịch chữ “xuyên” là “sông”. Câu thơ này tả cảnh nước “triều” dâng lên mênh mông, sóng xô dào dạt, nhấp nhô nước từ các ngách núi dồn dập đổ về. Do vậy chữ “xuyên” dịch là “dòng” nước mới đúng ngữ cảnh: Dòng nước mưa trên đường, dòng nước khe núi. Sông lớn sông dài dùng chữ “xuyên” không đại diện nổi. Dòng nước nhỏ là suối thì sáng tạo là chữ “khê”, Nguyễn Du đã tả : “Bước lần theo ngọn “tiểu khê” mà không gọi là “tiểu xuyên” là ý ấy. Nếu là con sông dài, to phải bắc cầu thì sáng tạo chữ “giang” : Trường Giang, Hắc Long Giang, Cửu Long Giang, Bạch Đằng Giang….có ai gọi là Bạch Đằng Xuyên đâu ? Nếu sông to rộng có bến cảng, cửa khẩu, có thuyền phà neo đậu, thì sáng tạo chữ “hà” : Hoàng Hà, Hồng Hà. Thời Lê Thánh Tông chữ Hán đã phát triển tại sao nhà thơ (vua) không dung chữ “hà”, chữ “giang” mà lại dung chữ “xuyên”. Vịnh Hạ Long hai bên là núi,  dưới là nước nhà thơ dùng chữ “xuyên” phải dịch là “dòng” nước mới đúng!
          B – Về câu 2 :  “ …kỳ bố bích liên thiên”. Có hai ý trái ngược nhau .
- Ý thứ nhất cho đây là  “ Loạn Sơn kỳ bố”
- Ý thư hai cho đây là “Quần sơn cơ bố”
Đây không thể là chữ “loạn sơn kỳ bố” được. Vì loạn sơn nghĩa là núi mọc lung tung. Mà kỳ bố nghĩa la sắp xếp, sắp đặt như quân cờ, quân cờ sắp đặt theo hàng lối ngay ngắn hẳn hoi. Hai ý này trái ngược nhau, tự nó triệt tiêu nhau thành vô nghĩa. Đây phải là” Quần Sơn cơ bố” mới đúng nguyên tác : Núi non Hạ Long quần tụ như sắp đặt, sắp xếp đến tận chân trời là đúng ngữ cảnh ở đây! Trong bài “An Bang phong thổ”, Lê Thánh Tông đã dùng chữ “quần” để tả nhiều núi như câu : “Hải thượng vạn phong, quần ngọc lập” và có dùng chữ “ cơ bố” ở câu 2 : “ Tinh là cơ bố thúy tranh vanh”. Như vậy trong thơ Lê Thánh Tông thường dùng chữ”quần” và “cơ bố”. Hai ông Hào Minh và Nguyễn Thanh Dân xác định đây là chữ “Quần Sơn cơ bố” là đúng.
          C – Kết luận : Vậy hai câu thơ này nguyên tác như ông Nguyễn Thanh Dân chép ra là hợp lý : “Cự lãng uông uông triều bách xuyên/ Quần Sơn cơ bố bích liên thiên”. Dịch nghĩa là : “Trăm dòng triều dâng, sóng cả dạt dào mênh ông/ Núi non san sát như sắp xếp xanh đến tận chân trời”. Dịch thơ là  “ Trăm dòng biển biếc sóng triều dâng /Thăm thẳm trời xanh núi trập trùng”

II – HAI CÂU THƯC ( CÂU 3 & 4) :
        Rất may mắn hai câu này chữ còn nguyên vẹn không bị bào mòn. Cả hai ông Hào Minh và Nguyễn Thanh Dân rờ lại từng nét chữ đối chiếu với bản của cụ Nguyễn Duyên Niên đều thống nhất câu chữ như sau : “Tráng tâm sơ cảm hàm tam củ/ Tín thủ dao để tốn nhị quyền”. Tuy vậy về chữ Hán theo Viên Hán Nôm, GS Nguyễn Huệ Chi, Ông Minh Hải ghi 3 chữ “hàm tam củ” có khác, “hàm” là quẻ trong kinh dịch, còn “củ” là bắp vế. Ông Nguyễn Thanh Dân ghi chữ Hán có chữ “khán” nghia là “gào”, “gọi to” và chữ “củ” là trống”, tiếng trống . Hai câu này thật ham súc nên ai cũng thấy khó hiểu và khó dịch hơn cả. Nhưng đặc điểm của thơ Đường là gợi mở, gợi ý không nói hẳn ra nên dịch đúng nghĩa hai câu này phải đọc cả toàn bài mới nắm hết ý và còn phải đọc cả các bài thơ của Lê Thánh Tông để nắm phong cách, thói quen dùng chữ Hán, hồn vía thơ Lê Thánh Tông,  thì dịch hai câu này mới thoát ý. Vì vậy có nhiều nhà thơ nổi tiếng, nhiều nhà Hán Nôm dịch hai câu này nhưng ý đều khác hẳn nhau :
   1 - Nhà giáo Nguyễn Thanh Dân dịch nghĩa là : “ Trong lòng xúc động mạnh mẽ gọi nhanh ba hồi trống/ Thuận tay đề thơ tả sự khiêm nhường
( của người năm hai quyền). Sao lại là ba hồi trống mà không phải là ba tiếng trống canh ba từ trên trạm gác Truyền Đăng vọng lại ?
    2- Ông Hào Minh dịch thơ là : “ Vừa nghe trống dục lòng thôi thúc/ Tay
vung quyền kiếm gió thần bay”. Chữ “dao” ở đây là xa xôi không phải là dao kiếm và chữ “quyền” là quyền hành không thể dịch là : tay vung quyền kiếm được!
   3 –Ông Trần Nhuận Minh dịch thơ là : “Nao long chở vọng ba hồi trống/ Vững chí làm nên những tháng ngày”, cách dịch này thoát ý quá. Đây là lễ hội gì đâu mà phải đánh ba hồi trống để khai hội? Đấy nên hiểu là trống điểm canh ba, đánh ba tiêng trống mới đúng.
 4- GS Nguyễn Huệ Chi dịch nghĩa là : “Có tráng trí nhưng lúc mới cảm
thông vẫn phải theo người/ Như quẻ hàm hào cửu tam/ Nay một tay mặc sức tung hoành từ xa, quyền uy như thần gió”
5- Ông Mai Hải dịch thơ : “Có chí xưa đành theo kẻ khác/ Vung tay nay
tóm cả quyền chung”. Lê Thánh Tông là ông vua có khí phách, sao lại “chí xưa theo kẻ khác”? Còn việc”vung tay nay tóm cả quyền chung” chỉ để nói đến con người tự cao,tự đại, độc đoán chuyên quyền. Cho nên hai câu này phải hiểu : “Người có chí lớn nghe tiếng trống  canh ba như thúc giục lòng mình- Tùy ý đề ra chiến lược tầm xa thực hiện mạnh mẽ hai nhiệm vụ phát triển non sông”.

III – HAI CÂU LUẬN ( CÂU 5 & 6)
Hai câu này về chữa Hán có chữ viết khác nhau nhưng âm Hán Nôm đọc giống nhau, hai câu đó là : Thần Bắc khu cơ xâm hổ lữ/ Hải đông phong toại tức lang yên” . Dịch thơ là : “Tinh binh, dũng tướng quanh thành Bắc / Khói  bụi, tàn chinh chốn biển Đông”. Không có gì cần bàn!
 
  IV – HAI CÂU KẾT ( CÂU 7 & 8)
Hai câu chữ Hán là : “ Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại/ Chính thị tu văn yển vũ niên”, về dịch nghĩa dịch thơ đều sát nghĩa gần giống nhau. Duy có dịch bốn chữ “tu văn yển vũ” còn có chỗ hiểu khác nhau nên đã dịch khác nhau.
1- Ông Hào Minh dịch :  Trời Nam sông núi còn đây mãi/ Xây dựng giang
san chính lúc này”
2- Ông Trần Nhuận Minh dịch là : Trời Nam muôn thuở non sông vững/
Là lúc dùng văn dựng nước này”
   3-  Ông Mai Hải dịch : “ Muôn thuở trời Nam non song vững/ Chính thời văn trị dẹp binh nhung”.
       Dịch hai câu này phải dịch rõ 4 chữ “Tu văn yển vũ” mới đạt yêu cầu. Vì thực tế trong Đại Việt Sử Ký toàn văn đời Lê Thánh Tông ta thấy :
- Về võ chỉnh đốn lại tổ chức cho tinh binh, biên cương phía Tây và
phía Nam.
- Còn về văn xây dựng luật Hồng Đức, tổ chức các khoa thi kén chọn
người tài, lập ra Hội tao đàn Nhị Thập Bát Tú, đích thân nhà vua làm nguyên soái.
       Chính lúc này ta phải chỉnh đốn mặt võ, xây dựng nền văn trị phát triển đất nước cường thịnh. Nên hai câu trên nên dịch là : “Vạn thuở trời Nam sông núi vững / Xây văn, gìn võ giữ non sông/”
          Trên đây là những suy nghĩ của ông Vũ Anh Tuấn qua trao đổi chuyên trò với tôi, theo tôi là những suy nghĩ đầy trách nhiệm. vì vậy tôi xin ghi lại và kính đề nghị quý vị độc giả nào phát hiện bản nguyên tác chuẩn xác bài thơ Lê Thánh Tông ghi trên vách đá núi Bài Thơ năm 1468 xin chỉ giáo và đẻ trao đổi.
           Sau đây là bài dịch nghĩa, dịch thơ bài thơ của vua Lê Thánh Tông của ông Vũ Anh Tuấn:
       
  1 – Ghi lại bài thơ cua Lê Thánh Tông

Cự lãng uông uông triều bách xuyên
Quần sơn cơ bố bích liên thiên
Tráng tâm sở cảm hàm tam củ
Tín thủ dao đề tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sẩm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên nam vạn cổ hà sơn tại
Chính trị tu văn yể vũ niên

 2 – Ông Vũ Anh Tuấn dịch :
A-  Dịch nghĩa  :

Trăm dòng triều dâng sóng cả dạt dào
Núi non trùng điệp xanh đến tận trời
Chợt trống canh ba vang vọng chí lớn
Tùy ý đề chiến lược tầm xa mạnh cả đôi đường
Ta đủ binh hùng, tướng giỏi đang giữ vũng thành Bắc
Nơi báo hiệu giặc giã chốn biển Đông cũng khói lặng, lửa tàn yên bình
Non nước trời Nam muôn thuở vững bền
Chính lúc này ta phải chỉnh đốn mặt võ, xây dựng văn trị.

 B – Dịch thơ thể Đường Luật:

Trăm dòng biển biếc, sóng triều dâng
Thăm thẳm trời xanh, núi trập trùng
Trống dục, canh ba vang chí lớn
Tầm xa quyền mạnh vững đôi đường
Tinh binh , dũng tướng quanh thành Bắc
Khói lụi, tàn chinh chốn biển Đông
Vạn thuở Trời Nam sông núi vững
Xây văn, gìn võ nước non hùng.
 
C -  Dịch thơ thể lục bát:
            Trăm dòng sóng cả triều dâng
   Ngàn xanh vách đá trập trùng trời cao
            Canh ba giục chí anh hào
   Hai quyền vững mạnh tầm cao lâu dài
            Hùng quân thành Bắc trong ngoài
   Tàn chinh yên ả đất trời Biển Đông
           Đời đời bền vững non sông
   Dựng văn, chỉnh võ chính trông thời này.
 
Nguyễn Chính Viễn ( Thực hiện )
      ĐTDĐ   : 0125 773 9970
    

Phụ lục đính kèm bài : “Suy ngẫm về dịch bài thơ Lê Thánh Tôn…”


 BÀI THƠ CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG BẰNG CHỮ HÁN ( Chũ viết của Ông Vũ Anh  Tuấn)

Vài lời phi lộ:
Một số bạn đọc của “trannhuong.com” đã đề nghị tôi  “Email” tiếp bài thơ chữ Hán của Vua Lê Thánh Tông. Sau khi xin ý kiến Nhà Văn Trần Nhương
Được sự đồng thuận, tôi xin “Email” bài thơ chữ Hán mà Ông Vũ Anh Tuấn viết.( Vì chụp qua ĐTDĐ nên ảnh không được nét lăm mong quý vị thông cảm)
Bài thơ ở vách đá không có đầu đề. Đến nay một số chữ và dòng chữ đã bị bào mòn mất hết, các nhà khảo cứu phải căn cứ vào các bản ghi chép khác nhau mà điền vào cho nên đã nảy sinh các dị bản. Cụ thể, các chữ đã bị bào mòn mất là: Chũ thứ tư ( dương hay uông?) của câu 1, chữ thứ nhất (loạn hay quần) của câu 2, các chữ 3,4,5,6,7 ủa câu 5 và toàn bộ câu 6.
           Vậy tôi trân trọng ghi lại để gửi tới bạn đọc của “trannhuong.com”

Nguyễn Chính Viễn
ĐTDĐ : 0125 773 9970