Việc một số tàu hải giám của Trung Quốc, vào ngày 26 tháng 5 vừa qua đã ngang ngược vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, khống chế và cắt cáp, phá hoại thiết bị thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 (thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam), cũng như việc họ nổ súng xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 31 tháng 5, đã một lần nữa khiến hàng triệu trái tim yêu nước không khỏi bức xúc và cùng khắc khoải hướng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lại thêm lần các bờ nước mênh mang vẫy gọi lòng người hướng về với vời vợi nỗi nhớ niềm thương… Thật đúng như lời của nhà văn John Don (đã được nhắc tới ở phần mở đầu tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” của văn hào Mỹ Ernest Hemingway): “Mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ bé đi. Cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà anh, cái chết của bất cứ con người nào cũng sẽ làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại…”.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, có thể nói, với vấn đề bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, hầu như các nhà lãnh đạo ở thời kỳ nào cũng chung một quan điểm: Có thể mềm mỏng trong ngoại giao để giữ hòa hiếu với các nước láng giềng, góp phần tạo dựng bầu không khí yên bình, thuận cho phát triển, song một khi những thứ tài sản vô giá ấy bị xâm phạm thì phải kiên quyết bảo vệ tới cùng.
Còn nhớ, trong những ngày đầu chúng ta mới giành được chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù thế nước đang trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, chính quyền mới phải đối phó với các loại thù trong giặc ngoài, song Bác Hồ của chúng ta vẫn rất kiên quyết trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Trước khi lên đường sang thăm Pháp (tháng 5 năm 1946), để gạt đi những thông tin thất thiệt về việc chính phủ Cụ Hồ “đổi hòa bình bằng nhượng đất”, cắt Nam bộ cho Pháp, Bác đã gửi thư trấn an đồng bào Nam bộ. Bức thư có đoạn: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Trong thư Bác còn có những lời căn dặn da diết, bây giờ đọc lại không khỏi bùi ngùi xa xót: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. Sau này, thực tế đã chứng minh, khi dã tâm “cướp nước ta lần nữa” của thực dân Pháp hoàn toàn phơi lộ, Bác đã kêu gọi đồng bào nhất tề đứng lên “Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Trở lại với những hành xử rất không hay ho của phía Trung Quốc đối với vùng biển thuộc chủ quyền của ta, đối với ngư dân ta, ngoài việc được biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, thể hiện rõ thái độ phản đối của Chính phủ ta, trên nhiều diễn đàn, nhiều trang mạng, tôi còn được đọc ý kiến của một số bậc cách mạng lão thành. Tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Bên cạnh những phân tích mang tầm chiến lược của một nhà lãnh đạo giàu trải nghiệm, Đại tướng Lê Đức Anh còn có những ý kiến giản dị lẽ đời mà càng ngẫm càng thấy thấm thía. Như khi phóng viên đặt câu hỏi: “Thưa ông, người ta nói rằng nhỏ thì khó mạnh. Mà yếu thì làm việc gì cũng khó. Với tư cách là một người dân nước nhỏ ở cạnh nước lớn, ý kiến của ông như thế nào?”, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định ngay: “Nhỏ không có nghĩa là yếu” và “nước nhỏ mà để mất nhà, mất cửa, mất chủ quyền thì còn gì mà sống”.
Câu nói bất giác làm tôi nhớ tới phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cách đây ít lâu, nhân một chuyến ông tới thăm và làm việc với một đơn vị Hải quân: “Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.
Thông điệp từ các vị trí cao nhất của Nhà nước ta đã rõ. Đó cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của ông cha ta từ trước tới nay. Vậy thì muôn con tim Việt hãy hòa chung một mối, cùng hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc, nơi đang khẩn thiết vang lên những tiếng gọi thiêng liêng hội tụ ý nguyện của bao đời…
(Nguồn: Văn nghệ Công an số 153, ra ngày 6-6-2011)