Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT PHẠM QUANG TRUNG NHƯ THẾ

Trần Huyền Nhung
Thứ hai ngày 6 tháng 6 năm 2011 3:59 PM

Trần Huyền Nhung
Con người, tạo vật toàn mĩ nhất của tự nhiên lại luôn luôn không bằng lòng với chính mình, luôn luôn sống trong mâu thuẫn: cuộc sống của đời người là hữu hạn - cả về không gian lẫn thời gian - làm thế nào để vươn tới cái khát vọng cao cả vô cùng tận của đời sống. Thơ ca - một trong những “niềm vui thích cao quý nhất mà loài người tạo ra mình”(K. Mác) - đã sinh ra để giải quyết một phần mâu thuẫn đó. Đã có bao quan niệm về “thể loại nữ hoàng này”. Có người cho đó là “thần hứng” (Platon), là “ngọn lửa thần” (Đecgiavin), thậm chí còn là “những cơn điên loạn thần thánh”… Còn đối với chúng ta, thơ văn gần gũi biết bao, là cái cao cả mà không xa lạ, đẹp bình dị mà không bình thường, thân thuộc và thân thiết… đúng như nhà phê bình Phạm Quang Trung đã từng quan niệm về văn chương: “Văn chương, văn học luôn là chủ - suốt đời tôi chỉ là kẻ nô lệ kiêu hãnh, hết lòng phụng sự chúng mà thôi!”.
     Nhà thơ, nhà văn - danh hiệu cao quý không phải ai cũng có được, cho dù “con người sinh ra vốn là nghệ sĩ” (M. Gorki), cho dù mỗi người trong chúng ta đều có một nhà thơ trong tâm hồn mình. Viết văn, hai tiếng ấy đơn giản bao nhiêu thì cũng khó khăn bấy nhiêu. Ai trong cuộc đời chẳng đã hơn một lần cầm bút viết văn, làm thơ. Song viết văn làm thơ để làm gì? Giải trí ư? Hay một công việc thần bí, thiêng liêng? Cả hai quan niệm hình như đều không phải, đều không thật phù hợp lắm với đặc trưng cơ bản của văn chương xưa nay. Chế Lan Viên từng cho rằng: “Thi sĩ không phải là Người, nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Yêu, là Ma, là Qủy…” (Tựa Điêu tàn). Trong khi Phan Kế Bính lại chủ chương: “Văn chương chỉ là một thứ nghề chơi…”. Thực ra những quan niệm đó không thật đúng cho lắm. Văn chương là tiếng hát của trái tim, là điểm dừng chân của tâm hồn, không đơn giản nhưng cũng không quá linh thiêng, thần bí. Đến với văn chương nghiêm túc là thứ nghề lao động khổ sai mà Phạm Quang Trung suốt đời tự nhận mình là “kẻ nô lệ”, nhưng  lại “kiêu hãnh” hết lòng để phụng sự cho văn chương. Maiakopxki đã phải kêu lên:
 Nhà thơ trả chữ
                       với giá cắt cổ
Như khai thác
                chất hiếm “Radium”
Lấy một gam
                  chải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ
                 chải mất hàng tấn quặng ngôn từ
        Đó là một công việc đầy lao lực song cũng đem lại niềm hạnh phúc vô biên. Nên khi chấp nhận thận phận “kẻ nô lệ”, Phạm Quang Trung đã biết “kiêu hãnh” ngẩng cao đầu để tôn thờ, phụng sự suốt đời cho văn chương. Phải biết sống hết mình cho nghệ thuật, phải có cách nhìn nhận chín chắn và đúng đắn thì Phạm Quang Trung mới có thể đúc kết được một quan niệm như thế. Bằng chứng là những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình của Phạm Quang Trung đã được xã hội công nhận gồm các tác phẩm chính đã xuất bản: Học giả với thi nhân (khảo cứu - 1994); Văn chương với Lê Quý Đôn (khảo cứu - 1994); Tiếp cận giá trị văn chương (lý luận, phê bình - 1995); Lý luận trước chân trời mở (lý luận - 1998); Cảm xúc văn chương và vấn đề dạy văn ở trường phổ thông (khảo cứu - 1998); Lặng lẽ giữa trang văn (lý luận, phê bình - 1998); Nhà văn Xuân Thiều như tôi được biết (phê bình - 1999); Thơ trong con mắt người xưa (khảo cứu - 1999); Thổ cẩm dệt bằng thơ (phê bình - 1999); Sống với văn chương cùng thời (lý luận, phê bình - 2000); Thức cùng trang viết (lý luận, phê bình - 2003); Đến từ con chữ (lý luận, phê bình) - 2007; Ai tri âm đó (lý luận, phê bình - 2009), Hồn cây sắc núi (lý luận, phê bình - 2010), Mỹ học (Giáo trình Đại học - 2010), Quan niệm văn chương cổ Việt Nam - Từ một góc nhìn (chuyên luận - 2011)…Tham gia dịch Sherlock Holmes Toàn tập (Conan Doyle).
    Giáo sư Đặng Thai Mai đã từng nói: “Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết sống đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết của loài người. Đó chính là cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại” (Quá trình bồi dưỡng nghề viết văn của tôi, in trong Công việc viết văn, Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, tr.84). Nhắc tới Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Trung là tôi nghĩ ngay tới quan niệm về văn chương có sự mâu thuẫn giữa “nghề” và “nghiệp” mà Anh đã sớm quyết định chọn lựa. Phạm Quang Trung bày tỏ quan điểm của mình cụ thể hơn ở bài trả lời phỏng vấn “Viết văn là nghiệp hơn là nghề do Lâm Viên thực hiện. Khi bàn về hoạt động lý luận phê bình, Phạm Quang Trung lên tiếng: “Có lẽ cần tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động lý luận, phê bình văn chương, và cũng có thể nói ở hoạt động viết văn nói chung. Phải làm sao biến nó thành công việc hàng ngày của mỗi nhà văn, nhà lý luận, phê bình. Nói khác đi, trong đầu anh phải luôn nuôi dưỡng những dự định, những ý tưởng sáng tạo. Theo tôi, nên coi viết văn là nghiệp hơn là nghề. Đã là nghiệp thì nó vận vào mình, ta buộc phải đi theo sự dẫn dắt vô hình như một định mệnh của nó, và có muốn khác đi cũng không thể được. Trong đời sống văn chương sôi động như hiện nay, mình phải chọn lựa những hiện tượng văn chương nào để dụng bút đây? Tôi hay tự hỏi rồi tự tìm câu trả lời: cần qua hiện tượng văn chương đó để giúp tháo gỡ một khâu còn vướng mắc nào đó trong đời sống văn chương đương đại; phần khác, qua hiện tượng văn chương đó, tôi có thể gửi gắm một phần quan niệm của bản thân về nghệ thuật và về cuộc sống. Như vậy chắc sẽ làm nên ý nghĩa xã hội của hoạt động lý luận, phê bình đồng thời thúc đẩy đời sống văn chương tiến triển”.
     Nói đến Phạm Quang Trung, người ta thường nghĩ ngay tới một nhà văn hóa, một ngòi bút nghiên cứu có tên tuổi hiện nay. Nhưng cũng cần nói thêm: Anh còn là một nhà giáo, một nhà văn. Chính vì thế sức nặng của nhận định trên trong khi trả lời phóng viên không chỉ là sự đúc kết đầy kinh nghiệm của một nhà phê bình từng trải, mà thêm vào đó còn là cái tâm thực của sự thể nghiệm lương tri của một nhà giáo, của một người trong cuộc, từng lăn lộn với sáng tác và chịu đựng sự trả giá từ quy luật “sàng lọc” nghiệt ngã đối với mọi giá trị văn chương chân chính. Có phải vì thế chăng mà Phạm Quang Trung đã hạ bút đưa ra quan niệm “Văn chương, văn học luôn là chủ - suốt đời, tôi chỉ là kẻ nô lệ kiêu hãnh, hết lòng phụng sự chúng mà thôi!” một cách chắc nịch, đầy quả quyết và giàu thuyết phục. Một nhận xét bao quát mang tính lí luận thể hiện rõ mối liên hệ giữa “nghề” và “nghiệp”. Nhưng qua ngòi bút của Phạm Quang Trung, câu nói ấy đã trở nên nhuần nhị  như một lời thủ thỉ tâm sự, tự rút ruột ra để nói. Rất chủ quan mà không hề tư biện, Phạm Quang Trung luôn tỏ ra  sắc sảo trong việc lý giải theo nguyên tắc diễn dịch: “Về chức phận xã hội, trong tôi có hai con người: con người khoa học văn chương  và con người phê bình văn chương. Tôi nguyện thủy chung với cả hai con người đó trong suốt chặng đường còn lại của đời mình. Có đồng nghiệp chân tình bảo tôi: “Đời người ngắn ngủi lắm! Nên biết lượng sức mình”. Một đồng nghiệp khác lại thẳng thừng khuyên: “Muốn yên thân thì chớ có đi vào phê bình. Cái nghề ấy bạc bẽo lắm đấy!”. Để cuộc đời có ý nghĩa, ai chả muốn thành đạt, để cuộc đời hạnh phúc, ai chả muốn yên ổn. Nhưng tôi sinh ra đời vốn là người giàu lòng tự tin. Và trời ạ, cùng với năm tháng, lòng tự  tin trong tôi hình như không có dấu hiệu thuyên giảm, nên ở tôi hầu như không còn nỗi phân vân của sự chọn lựa nữa rồi. Dẫu sao, tôi cũng coi những lời khuyên chí tình kia như sự nhắc nhủ cho riêng mình... (Trích trong bài Ý nguyện của nhà phê bình trong tôi). Nhận định đó của Phạm Quang Trung làm nổi bật nội dung cơ bản trong mối quan hệ giữa nghề văn và cuộc sống. Đó cũng chính là sợi dây bền chắc giúp cho mọi cánh diều tài năng bay bổng vươn tới tầm cao của thời đại, của con người mà không e sợ chới với.
      Trong suốt cuộc đời, trước những khát vọng sáng tạo không cùng, văn hào M. Gorki đã dành hẳn một khoảng lớn cho tác phẩm Những trường đại học của tôi, trong đó miêu tả những cảnh đời cơ cực mà mình đã trải qua. Có thể xem đó là một định nghĩa đầy văn học cho mối tương tác giữa nhà văn và cuộc sống, đó cũng là đặc trưng thẩm mĩ của văn học, của tác phẩm văn học mà nhịp nối chính là nhà văn - chủ thể sáng tạo. Cuộc sống với những hiện thực phong phú phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ luyện câu thì văn chương chỉ còn là một thứ ngôn từ trống rỗng và vô nghĩa. Lục Du, người viết hàng nghìn câu thơ, lúc sắp mất đã để lại những lời trăn trối mang sức chiêm nghiệm của một hồn thơ tài năng, đi trọn cuộc đời mới thấu hiểu nổi cái lẽ: “Công phu của thơ là ở ngoài đời” . Thì ra, sức nặng của trang thơ, của những con chữ lại chính là ở cuộc đời đầy sương gió ngoài kia. Bằng sự trải nghiệm cuộc đời “đưa đò” trên giảng đường, Phạm Quang Trung đã nghe được cuộc đời đầy phức tạp, bộn bề bao âm thanh của mọi số phận. Cái tâm của một nhà phê bình văn học chân chính cũng xuất phát từ cái tâm của người Thầy lấy chữ “nhân” làm đầu. Nhà văn phải là người, nói như Nam Cao, “mở lòng òa với cuộc đời, đón bắt mọi âm thanh của cuộc sống” (ý trong Trăng sáng). Đó chính là điểm mấu chốt quyết định thành công của nghề và nghiệp văn trong mọi thời đại.
      Trở lại với quan niệm văn chương của Phạm Quang Trung: trong sự tôn thờ vị chúa tể của mình là văn chương, ta thấy có thân phận của kẻ “nô nệ” đồng thời có cả niềm “kiêu hãnh”. Thế nào là “nô lệ”? Đó chính là quá trình vật lộn, trăn trở để tìm ra ý nghĩa của văn chương chân chính. Nếu như cái kết luận của văn sĩ Điền trong tác phẩm của Nam Cao là kết quả một quá trình vật lộn nhọc nhằn, thì cái việc coi “cuộc sống là trường đại học chân chính” cũng hết sức công phu, đòi hỏi một bản lĩnh, một ý thức cao của người nghệ sĩ - điều mà không phải ai cũng có được, không phải cây bút nào cũng dễ dàng tìm được. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Phạm Quang Trung tự nhận mình là kẻ “nô lệ” của văn chương. Có lẽ nên coi cách nói ấy không đơn thuần chỉ là việc ghi chép lại những sự kiện luôn biến động của đời sống. Cho dầu Phạm Quang Trung có ý thức về điều đó để nguyện “hết lòng phụng sự chúng” thì nhà văn cũng chỉ mới dừng lại ở đó tư cách nhà chính trị, văn học chưa phải là văn học, mà chỉ là cuốn sử biên niên thuần túy. Sâu xa hơn, Phạm Quang Trung đã đứng ở góc nhìn của một kẻ “nô nệ” để cảm nhận sâu sắc nỗi đau của của thân phận con người trong đời sống xã hội. Ở đây, không phải là cái cảm chợt đến, mà có nguyên căn từ sự hiểu biết sâu sa hơn nhiều. Nó là sự lóe sáng từ trong sự nhuần nhụy của tư duy cảm xúc ở nhà văn. Còn “kiêu hãnh” ư? Phạm Quang Trung chỉ muốn làm chủ được ngòi bút của mình, bởi thế không phải “nô lệ” nghĩa là cúi đầu thấp hèn. Ngược lại, Anh luôn ngẩng cao đầu một cách trong sáng trước chủ nhân của mình. Ngòi bút phê bình của Anh đường đường chính chính, không có sự tranh luận quá gay gắt, mà thầm lặng đi vào lòng độc giả nên có sức lan tỏa rộng, không chỉ với các bạn văn mà còn với cả học sinh, sinh viên của mình…
     “Tiếp xúc với Phạm Quang Trung, nhiều đồng nghiệp phải thừa nhận anh là một người khiêm nhường, từ tốn. Ở một góc nhìn nào đó, quả có thế thật! Trong lý luận, anh hay e ngại khi phải nâng vấn đề lên thành những quy luật, bản chất có tính nguyên lý phổ quát cho mọi thời và cho mọi nước. Trong phê bình, anh ưa dùng những từ hay tập hợp từ phụ gia kiểu “có lẽ”, “theo tôi”, “dường như”... Bảo đó là cách nói đưa đẩy là chưa thật hiểu anh cho lắm. Lược bỏ chúng đi, anh không còn anh nữa. Tuy xét từ một góc độ khác, anh lại là một kẻ tự tin đến mức gần như xác tín. Anh không chút do dự khi lớn tiếng tuyên bố: Mỗi thế hệ có chức phận của mình, và giờ đã đến thời của thế hệ anh. Hãy can đảm đưa vai ra mà gánh vác chức phận thiêng liêng do thế hệ trước truyền lại sao cho thật xứng đáng. Nếu không, thế hệ anh sẽ chỉ là cái bóng mờ trong tâm tưởng của những người đến sau (Chân dung tự họa).
    “Và điều cần nói sau cùng là đã cận kề cái tuổi ‘tri thiên mệnh’ mà Phạm Quang Trung vẫn khí hồn nhiên. Chẳng hạn anh cho rằng: Rồi sẽ đến cái thời các nhà phê bình thuộc những khuynh hướng khác nhau ở ta ngồi lại với nhau, xiết chặt tay nhau, thành tâm và thiện chí, vì sứ mệnh chung lớn lao và cao đẹp mà dân tộc và thời đại đòi hỏi. Hẳn có nhiều người từ phía này cũng như từ phía kia sẽ chế nhạo anh, hoặc bằng tiếng cười mỉa mai, hoặc bằng nụ cười chua chát. Ôi! Đúng là đồ hoang tưởng. Mỗi nhà phê bình tài danh được khẳng định bằng chính ‘lập trường’ mỹ học của mình. Tìm tiếng nói chung ư? Tốt thôi! Nhưng hãy đợi đấy! Chỉ có điều, liệu có đủ kiên tâm không mà chờ với đợi!”.
“Đại để Phạm Quang Trung là một khối mâu thuẫn như vậy. Cũng may, các yếu tố tạo nên khối mâu thuẫn ấy chưa đến nỗi xung khắc với nhau. Nếu không, anh ta đã chẳng làm nên cái gì ra hồn cả”.
         Cách nói của Phạm Quang Trung trong Chân dung tự họa vì thế nên hiểu như một cách nói nhấn, một sự gợi mở cho một vế còn ẩn chứa. Nó hướng ngòi bút vào cái nhìn toàn diện hơn, có sự đồng cảm và dè chừng hơn. Và, văn học một thời của chúng ta thường vươn lên tầm sử thi với những nét hoành tráng, với những chiến thắng của thời lửa đạn đầy kiêu hãnh mà phần nào lãng quên số phận của con người với những nỗi đau, với nét tâm tư sâu kín. Cái kiêu hãnh của Phạm Quang Trung là muốn nhập tâm vào từng góc độ, từng khía cạnh của văn chương, để rồi anh tự hào là “kẻ nô lệ đầy kiêu hãnh” có thể suốt đời phụng sự cho văn chương cao quý.
    Từ trên nền một sự hiểu biết và sự cảm nhận sắc sảo ấy, quan niệm văn chương của Phạm Quang Trung được triển khai với một cấp độ mới. Đó là sự nắm bắt những ước mong tha thiết nhất của dân tộc và của nhân loại. Phạm Quang Trung không hề đề ra những tiêu chuẩn mang tính chất quy phạm đối với bất kỳ nhà văn chân chính nào. Đó chỉ là quan điểm cho riêng mình, nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc và rất cần thiết cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta. Tôi xem đó là nét dự cảm của văn chương, nhưng tuyệt nhiên không hề giống với những lý giải siêu hình đầy ma quái. Nét dự cảm văn chương, với Phạm Quang Trung, có căn nguyên từ sự đào sâu khám phá hiện thực thời đại của người nghệ sĩ. Quan niệm hết sức giản dị ở ngôn từ nhưng đã gây cho người đọc sự cảm nhận về “chất” của quá trình khám phá cuộc sống đa chiều. Song có lẽ thú vị và sâu sa hơn cả trong quan niệm văn chương của Phạm Quang Trung là ý nguyện “hết lòng phụng sự” – dành cả đời tâm huyết cho văn chương.
     Từ cuộc đời đến tác phẩm cần một nhịp nối là nhà văn mà ở đây là nhà phê bình. Nên chăng cần xem quan niệm văn học, văn chương của Phạm Quang Trung là những lời tâm sự của người cầm bút về thiên chức, phẩm chất của nhà văn. Đấy là sự nhiệt tình đến mức nồng cháy, là lòng thủy chung máu thịt với cuộc đời. Đấy còn là một cách nhìn phát hiện, một nhân cách sống và viết đáng kính nể và khâm phục. Quả thực đó là những bài học bổ ích cho những người cầm bút, nhất là cho thế hệ trẻ chúng tôi. Từ cá nhân tìm đến nhân loại, đó chính là nhịp nối của một trái tim yêu thương con người “từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả” (P. Êluya). Bên cạnh đó, Phạm Quang Trung mong muốn mọi tài năng nghệ thuật bao giờ cũng đi cùng với sự khổ luyện luôn rất cần sự lưu tâm hơn của mọi người. Bởi lẽ, gắn bó với cuộc sống mới chỉ là điều kiện tiên quyết nhưng chưa phải là tất cả. Một năng khiếu nghệ thuật chính là nhân tố truyền sức sống cho những tác phẩm lớn lao. Những cống hiến hướng tới những công trình có giá trị của Phạm Quang Trung phần nào đã nói lên được “tố chất” bẩm sinh của người cầm bút. Nên xem quan niệm văn chương của Phạm Quang Trung chỉ đúng với những ai đã và đang hiến mình cho thứ văn chương chân chính của muôn đời.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/6/2011
                                                   T.H.N