Tôi mượn lời bình luận của giới quan sát quốc tế tại cuộc đối thoại Shangri-La, Singapore, diễn ra trong ngày 5/6/2011 về bài diễn văn “khá ngắn gọn trong khuôn khổ tham luận chung với chủ đề “Đối phó với các thách thức an ninh hàng hải mới” của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, để mở đầu bài viết này.
Tôi không đưa lại tin của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam, mà các trang Web và Blog cá nhân hay gọi là báo “lề phải” - ngụ ý là chỉ nói một chiều, mà lấy tin từ Đài BBC viết về sự kiện này. Theo Đài BBC, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói cứng rắn về Trung Quốc như vậy tại một diễn đàn quốc tế công khai.
“Bài phát biểu của ông Thanh chỉ sau bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt chừng nửa tiếng, và trong khi ông đại tướng trình bày tới cử tọa quốc tế quan điểm của Việt Nam, thì tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cuộc tuần hành phản đối chính sách của Trung Quốc vẫn còn đang tiếp tục.
Bộ trưởng Thanh nói về vụ tàu hải giám (Trung Quốc) gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. Sau đó trong phần trả lời câu hỏi, ông còn nhắc tới vụ việc hồi năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ trình Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng, thì cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ: Chúng tôi mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng những gì họ tuyên bố công khai với thế giới và kêu gọi hai bên phải hết sức kiềm chế, giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
Phần trả lời câu hỏi của ông bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã được cử tọa, bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, bình luận là thẳng thắn và mạnh mẽ một cách hiếm thấy.
Thí dụ, ông nói về đàm phán lãnh thổ tại Biển Đông, và khẳng định quan điểm của Việt Nam là chỗ nào liên quan hai nước thì đàm phán song phương, nhưng chỗ nào liên quan nhiều nước thì phải đàm phán đa phương.
Quần đảo Trường Sa và đường yêu sách chín đoạn liên quan tới nhiều nước, thì phải đàm phán đa phương.
Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bố áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.
Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế.…
Trả lời câu hỏi về các động thái hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là việc mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga, ông Thanh nói: Đúng là chúng tôi đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm Kilo 636 của Nga, và việc này hoàn toàn công khai minh bạch.
Ông khẳng định đây là việc làm bình thường phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.
Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này.
Có lẽ không cần bình luận gì thêm về tiếng nói cứng rắn đối với Trung Quốc như trên của một vị lãnh đạo cao cấp, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng tại một diễn đàn quốc tế công khai trước mặt Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, với sự tham dự của nhiều Bộ trưởng Quốc phòng nhiều nước khác, trong đó có Mỹ.
Lâu nay trên các trang mạng nhan nhản những lời bình luận phê phán thái độ “hèn nhát” của lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc trước các sự việc diến ra ở Biển Đông. Không thiếu những người lớn tiếng đòi hỏi lúc nào Việt Nam cũng phải “đằng đằng sát khí” đối với Trung Quốc, cho rằng có như vậy mới thể hiện được lòng yêu nước, mới “lo cho vận nước lâm nguy”! Còn nếu không thì đều là những “kẻ hèn nhát”, “những kẻ không yêu nước”, thậm chí “bán nước”! Cách đây một năm, ngày 19/4/2010, trong một bài viết trên blog này, nhan đề “Xin cho hai chữ bình yên”, tôi có viết: “Việc xử lý mối quan hệ của ta với Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ ý đồ bành trướng trong khu vực và thế giới, thì trong mọi tình huống phải theo đường lối ngoại giao khôn khéo của Bác Hồ, như Bác đã xử lý nhiều tình huống cụ thể trong những tình thế vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc của thời kỳ đầu mới giành được chính quyền, không thể khác được. Việc xác định bạn và thù trong đường lối đối ngoại là cực kỳ quan trọng, không thể vì một sự “bức xúc” nào đó mà xác định bạn thành thù và ngược lại, không vì một sự “hảo hảo” nào đó mà biến kẻ thù thành bạn. Song, tôi nghĩ, có nhiều mối quan hệ đối ngoại mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết những điều phức tạp của nó, mới có đủ thông tin để xử lý các tình huống mà người “ngoại đạo” không biết được. Bác Hồ từng bị người này người khác hiểu lầm trong một số đối sách với Pháp, với Tưởng Giới Thạch trong những năm đầu cách mạng mới giành được chính quyền, đến mức Bác phải viết thư gửi đồng bào nói rằng “Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”.
Có lẽ những người từng viết trên Blog nặng lời phê phán thái độ “hèn nhát” đối với Trung Quốc của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trong một vài lần phát biểu về quan hệ Việt – Trung trước đây, nay nghe những lời này chắc phải suy nghĩ lại, nhất là khi ông nói: Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này.
Trong cuộc đời tôi đã từng gặp không ít người nói rất hay nhưng làm thì ngược lại. Hồi chiến tranh chống Mỹ tôi biết có những người nói rất to về lòng yêu nước, về sự dũng cảm “chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc” nhưng rồi lại không dám ra mặt trận, tìm mọi cách để được đi học nước ngoài. Bây giờ trong số những người ấy không hiễm có người luôn lớn tiếng kêu gào chống Trung Quốc xâm lược. Trái lại, có những người chẳng đao to búa lớn gì, cứ lặng lẽ sống, nhưng khi Tổ quốc cần, chỉ một lời kêu gọi họ đã lên đường ra mặt trận, cầm súng chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của đất nước. Tôi vẫn tin ở cảm nhận của mình: Đâu phải cứ lên gân lên cốt, lúc nào cũng đằng đằng sát khí chống Trung Quốc mà giữ được bờ cõi bình yên. “Có nhu có cương, khôn khéo và cương quyết”, tôi tin ở các nhà lãnh đạo chính trị sẽ biết cách ứng xử thế nào để khi cần nhu thì có nhu, khi cần cương thì có cương, đạt được kết quả có lợi nhất cho đất nước.
Và, chỉ đến khi không còn con đường nào khác phải cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân thì mọi người Việt Nam đều sẵn sàng, một lòng một dạ đứng lên tiêu diệt kẻ thù. Không thể nào khác được!
Chú thích ảnh: Đại tướng Phùng Quang Thanh với các Bộ trưởng Quốc phòng một số nước tại cuộc đối thoại Shangri-La
Nguồn: Blog quang194-Đầu gối-yahoo!360plus