Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT TỪ TỔ QUỐC NGỜI SÁNG CẢ TẬP THƠ

PGSTS.Nguyễn Trường Lịch
Thứ tư ngày 8 tháng 6 năm 2011 11:23 AM

          Ở tập Nhật ký trong tù có bài thơ Tức cảnh - bài cuối cùng khép lại tình trạng bị tù đày của Bác Hồ tại nhà lao của bè lũ Tưởng Giới Thạch suốt “mười   bốn trăng tê tái gông cùm” trên đất Trung Hoa. Xin ghi lại bài thơ chữ Hán và bản dịch của Nam Trân:

 

      Thụ tiêu( sao) xảo hoạ Trương Phi tượng // Cành lá khéo in hình Dực Đức

      Xích nhật trường minh Quan Vũ tâm. //  Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công.          

      Tổ quốc chung niên vô tin tức,      //  Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng,

      Cố hương mỗi nhật vọng hồi âm.   //  Tin tức bên nhà bữa bữa trông.

   
Tôi nhận thấy, trong bản dịch, từ Tổ quốc được chuyển thành Cố quốc khiến người đọc chưa thể thỏa mãn, bởi cảm hứng chủ đạo của bài tứ tuyệt này chưa được thể hiện thật chính xác. Thiết nghĩ, cái thần thái của bài thơ chính là nỗi trằn trọc, bồi hồi nhớ nước, nhớ quê hương đang xoáy sâu vào trái tim và khối óc của chủ thể sáng tạo. Lẽ ra người dịch nên giữ đúng từ Tổ quốc trong nguyên bản. Bởi đây là nhãn tự hòa quyện vào máu thịt trọn đời của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, - người công dân Việt Nam trên đất Pháp lần đầu tiên tự xác định cho mình sứ mệnh cao cả với danh chính ngôn thuận là người yêu nước Ngưyễn Ai Quốc. “Thay mặt những người yêu An Nam: Nguyễn Ai Quốc” đã gửi tới Hội Quốc Liên bản Yêu sách của Nhân dân An Nam (1) vào năm 1919, bởi thời bấy giờ đất nước An Nam đã rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp.   

      Trong địa hạt thi ca, ngôn ngữ thơ chủ yếu phải là ngôn ngữ hình tượng văn bản. Ở Nhật ký trong tù, hai chữ Tự do được nhắc đi nhắc lại tới 12 lần thì từ Tổ quốc chỉ xuất hiện một lần duy nhất qua bài Tức cảnh. Quả thật, đó là một nhãn tự quý và hiếm, xuyên suốt 126 bài, được viết trong tình huống bi tráng từ khi bị bắt 29-8-1942 tại phố Túc Vinh, thị trấn huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây và mãi đến ngày đến ngày 10-9- 1943 mới được tự do.(theo như Bác đã ghi trong nguyên bản)(2)

             Nguyên bản chữ Hán :       -  Tổ quốc chung niên vô tin tức 

            được  Nam Trân dịch  là:    -  Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng (3)

  Nếu giữ nguyên được từ Tổ quốc, người đọc sẽ dễ dàng tiếp nhận trọn vẹn ý nghĩa của hình tượng này hơn là từ Cố quốc có phần lạ lẫm. Mặt khác, nếu so sánh quá trình phát triển của từ Hán - Việt thì từ Tổ quốc mới xuất hiện trên văn đàn nước ta ở thời kỳ cận hiện đại, khác với từ Cố quốc, Cố hương đã được dùng từ thời cổ trung đại.

     Thực chất ở Nhật ký trong tù cũng như nhiều bài thơ khác của Bác Hồ, hình tượng Tổ quốc từng được thể hiện qua nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau theo phong cách ẩn dụ - tượng trưng của thơ Đường - Tống, thông qua các hình ảnh vừa sâu sắc, vừa phong phú, sinh động:

 - Tâm hoài cố quốc thiên đường lộ       //  Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ

 - Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh //   Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

 - Nội thương Việt địa cựu sơn hà       //   “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than.

 - Dao vọng Nam thiên ức cố nhân     //     Trông lại trời Nam , nhớ bạn xưa.

      Còn ở một số bài thơ khác hình ảnh Tổ quốc cũng được nhắc lại nhiều lần qua các từ đồng nghĩa:-    Giang sơn muôn dặm dựng cơ đồ 

         -    Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng.

        -    Non sông gấm vóc có ngày nay....

     Các hình tượng nối tiếp nhau đều biểu hiện chồng chất khát vọng Độc lập  Tự do của dân tộc Việt Nam suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống kiên cường bất khuất của tổ tiên, ông cha từ bao đời được hun đúc son sắt trong con người Hồ Chí Minh. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/XII /1946) Người đã khẳng định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất Nước...” Sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân đã kết thúc thắng lợi ở chiến trường Điện Biên, trên đường về lại thủ đô, tại núi thiêng Nghĩa Lĩnh, Người đã truyền dạy: Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đây chính là lời thề sông núi trước các bậc Tổ tiên từ ngàn đời đã dựng xây đất nước Việt Nam tươi đẹp này.

      Niềm vui sướng của Người lại được bộc lộ dạt dào khi về thăm Pắc Bó, sau 20 năm trở lại chíến khu xưa và gặp lại nhân dân Cao Bằng giữa đất trời miền Bắc tự do, Bác vui vẻ reo lên: - Non sông gấm vóc có ngày nay.                                

 
 Tuy vậy, miền Nam - một nửa đất nước - vẫn đang chìm trong máu lửa trước  mũi súng của kẻ thù thì quyết tâm sắt đá của lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng toàn thể dân tộc lại được kết tinh - hội tụ trong tuyên bố hào hùng, vang lên khát vọng thống nhất Tổ quốc thấm nhuần ý chí tự cường, tự lập xuyên suốt thời gian và không gian lịch sử bốn ngàn năm: - “Không có gì qúy hơn độc lập tự do ”.       
     
 
Đấy chính là điều cơ bản ngời sáng nhất trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh quán xuyến toàn bộ sự nghiệp cao đẹp của Người được hòa quyện trong mạch nguồn chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm. Dù nhìn theo góc độ nào thì nhân vật trữ tình và cái Tôi trữ tình trong tập Nhật ký ... không thể là ai khác, mà chính là người chiến sĩ tha thiết yêu Tổ quốc: - Nguyễn Ai Quốc - Hồ Chí Minh - Người đã suốt đời “ vâng mệnh quốc dân ra mặt trận” chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân muôn quý ngàn yêu.  .   

       Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 121 của Người, để tỏ lòng biết ơn Người, tôi xin dịch lại bài thơ Tức cảnh :

         Cành lá khéo in hình Dực Đức,

        Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công.

         Tổ quốc quanh năm tin tức vắng,

        Cố hương ngày tháng đợi hồi âm. NTL(ĐHQGHN)

 

  

1-Hồ Chí Minh toàn tập-tậpI- Nxb Chính trị quốc gia.HàNội-1995/ tr435

2+3- Từ cuốn Nhật ký trong tù- Hồ Chí Minh-Nxb.Văn học-HàNội-1983