Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT BÀI VIẾT CŨ VỀ TẬP “THƠ TÌNH BÙI CHÍ VINH”

Lại Nguyên Ân
Thứ hai ngày 25 tháng 4 năm 2011 5:46 AM
 
Hồi năm 1989 xuất hiện tập “Thơ tình Bùi Chí Vinh” (Nxb. Trẻ, Tp.HCM.). Ngay sau đó trên báo chí văn nghệ có những bài chê, thậm chí phê phán tập thơ này. Còn nhớ, một lần nghe buổi Tiếng thơ đài Tiếng nói Việt Nam phát một bài phê phán tập thơ này, tôi bèn vớ lấy một tờ giấy viết rất nhanh ý kiến của mình, đại ý trong ấy tôi đem thơ Bùi Chí Vinh trong tập vừa xuất hiện đó đối lập với kiểu thơ tình nhạt nhẽo của số đông nhà thơ viên chức ngoài Bắc. Bài viết ấy ít lâu sau tôi đưa Vũ Quần Phương, người phụ trách phòng văn học ở ban văn nghệ Đài TNVN; anh Phương đã chuyển bài ấy cho Nguyễn Bùi Vợi, khi đó chủ trì nội dung các buổi Tiếng thơ; ông Vợi bèn dàn ra một cuộc tranh luận kéo dài hàng tháng. Đầu tiên dành cả một buổi đọc hết bài của tôi, sau đó kêu gọi bạn nghe đài khắp nơi thảo luận, thực ra đều là các ý kiến phê phán. Ngoài các bài phát trên Đài, tôi còn nhận được một số thư từ của bạn đọc gửi đến tận nhà riêng (họ tìm ra địa chỉ thông qua anh Ma Văn Kháng), những thư từ này thì vừa có chỗ tán thành tôi, lại vừa có chỗ phê phán tôi. Việc qua đi, đến khi tôi hỏi Nguyễn Bùi Vợi cho tôi xin lại một bản đáng máy cái bài viết gây sự ấy của mình thì mới được biết là hầu như không thể tìm được. Nhưng lại có những người như Võ Văn Trực bảo rằng bài ấy của tôi vẫn có người giữ. Nghĩ lại cái thời ở Hà Nội còn rất hiếm cửa hàng photocopy nên bài vở viết ra mà chưa chép lại hoặc thuê đánh máy, là có thể mất hẳn, vì các tòa soạn rất ít khi trả lại bài dù đăng hay không.
Đôi khi tôi muốn xem lại bài viết ấy (để xem hồi ấy mình “điên” đến mức nào mà lại “bốc” một nhà thơ trẻ và “gây chuyện” với một vài tá nhà thơ công chức trung niên như thế), nhưng hiểu rằng tình thế là bất khả.
Gần đây, khi lục lại đống bản thảo cũ của những năm còn viết tay, tôi chợt tìm thấy 2 trang của một bài viết dở, hình như là định trở thành một bài điểm sách (tập “Thơ tình Bùi Chí Vinh”), nhưng đã không hoàn thành để gửi đến bất cứ báo nào. Hai trang viết dở này dù còn cho tôi chút chứng cứ của sự việc đã qua (hai bài viết khác nhau nhưng ý kiến là của cùng một người), cũng không làm nguôi nỗi nhớ bài viết đã mất. Không phải vì “con cá mất bao giờ cũng là cá to” như ta thường nói về người đi câu. Tôi khoe mẩu viết cũ này để nhân đây “kêu xin” bạn nào còn may mắn giữ được bản chính hoặc bản sao bài viết kia, biết cho “nỗi nhớ” của tôi mà cho tôi xin lại. Nếu điều hy hữu ấy xảy ra, tôi bội phần cảm tạ.
23/4/2011
LẠI NGUYÊN ÂN
                
 

Giữa một làng thơ phần đông chừng mực trong lĩnh vực thơ tình, Bùi Chí Vinh dường như bất giác trình diễn một kiểu nhà thơ, một kiểu con-người-trữ-tình hơi khác lạ, bụi bặm nhiều hơn, hè phố nhiều hơn, dễ “hứng bất tử”, rất ít đắn đo kén chọn câu chữ khi cảm hứng chợt đến. Đây là một thứ thơ trực tiếp, − tợ như “bóng đá trực tiếp”, − ít bài bản và cũng dễ để lộ những sơ hở “nghề nghiệp”. Nhưng cái cái cảm hứng thật thì vẫn còn là cảm hứng, thậm chí trên chính những câu chữ lời lẽ ít chọn lọc.
Ở thơ trữ tình thì đương nhiên con người trữ tình phải là một người tình. Anh ta là trai, cái tật mê gái của anh ta cũng cổ như trái đất. Mà con gái những năm này (đâu chỉ có con gái!), như trả đũa một thời nào khắc kỷ, đang say sưa phô diễn vẻ đẹp cơ thể, vẻ đẹp nhục thể, bằng đủ thứ ngôn ngữ thời trang. Người trai mê gái ở thơ Bùi Chí Vinh lại không hề giống những thi-sĩ-gà-công-nghiệp, say đắm trong khuôn khổ không gian của các nan lồng! Thơ Vinh đã đuổi theo vẻ đẹp đàn bà ấy, bằng một ham mê rất ít chất nho sinh (và cũng ít đạo đức giả) nhưng nhiều chất quán xá, phố phường. Cái chất tạm gọi là “quán xá phố phường” ấy, cộng thêm cái khí chất ngang tàng ngất ngưởng, ở thơ này, ngẫm ra cũng là phần nổi lên bật lên của một tâm hồn Nam Bộ bộc trực thật thà.
Trong khắc kỷ có vẻ đẹp, mà trong bỗ bã trần tục cũng vậy. Nếu tính đến một truyền thống tương đối có kinh nghiệm trong việc truyền đạt cái vẻ đẹp khắc kỷ thì việc thử nghiệm truyền đạt các vẻ đẹp thế tục trần tục nhục cảm trong thơ, trong nghệ thuật sẽ còn khó hơn nhiều. Bùi Chí Vinh cũng đứng trước những  khó khăn tương tự. Làm sao để chất trực cảm, trực tiếp của xúc cảm thơ không bị cạn cợt, bề ngoài, làm sao để con mắt thơ hiếu động, háu đói trước các vẻ đẹp nữ tính kia có thể gợi lên những rung động chiều sâu, thậm chí là những rung động siêu hình, − phải chăng vẫn là những câu đố trên hướng thơ này?
[viết khoảng 1990]
● (L.N.Â. đánh máy lại đúng như bản viết tay cũ)