Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀNH THANH BẦN VÀ BÀI THƠ ÁM ẢNH

Lưu Quốc Hòa
Thứ bẩy ngày 23 tháng 4 năm 2011 10:30 PM
 
Một lần lên Hà Nội công tác, tôi ghé thăm một Biên tập viên trang Lucbat.com. Được giới thiệu về tập thơ Bành Thanh Bần. Thú thật tôi nghe tên cứ nghĩ tác giả là một lão nông nhà quê nghèo khó bần hàn nhưng yêu thơ mà bán lúa hay bán bò bán lợn để in . Nghĩ vậy thôi chứ không lục vấn. Người làm thơ bây giờ nhiều quá, bùng nổ và lạm phát kinh dị, có khi vượt cả nghề nông nhàn đi làm thợ xây thợ mộc… Để kiếm bài thơ hay bây giờ cũng rất khó. Hình như nó cách tân quá, bóng bẩy quá, galăng quá mà... trượt khỏi thơ. Thôi! đấy là việc của những nhà phê bình thẩm định, cái hạng tôi ngu đần biết quái gì về thơ mà táy máy vào, tôi chỉ cảm nhận thấy hay thì bảo là hay và thấy không hay thì tảng lờ. Tôi là công chúng nên nghĩ ngợi cũng đứng về phía công chúng yêu thơ mà bình phẩm.
Đi dự trại sáng tác Liên Hiệp lần này tại Đồng Mô tôi được Nhà thơ Chu Thị Linh Quang,Hội văn nghệ Hà Nội và quê ở Xứ Đoài- Sơn Tây. Lại một lần nữa chị Quang nhắc tên Bành Thanh Bần và gần ngày tổng kết trại, chị Linh Quang bảo tôi: ”Cậu Hòa ơi! Chiều nay anh Bành Thanh Bần đến giao lưu với VNS trại ta đấy”.
Khoảng 3 giờ chiều khi chúng tôi đang tíu tít chuẩn bị cho buổi giao lưu thì có một chiếc xe hơi rất sang đỗ trước cổng khách sạn Thiên Mã, Một đại gia cao lớn và nét mặt hiền khô bước ra. Chị Quang chỉ tôi: “Anh Bần đấy”… Té ra anh không “Bần” tý nào. Chị Quang bảo anh chính là Giám đốc Khu du sinh thái Hồ Tiên Sa- Ba vì-Hà Nội .Theo tư duy nhà quê bảo thủ của tôi, tôi vẫn nghĩ: Làm thơ thì thôi làm tiền và ngược lại. Ông này vừa làm tiền, vừa làm thơ kể cũng kỳ quặc. Thì cứ để ông ấy thả thơ xem béo gày thế nào.
Là tác giả văn xuôi tôi ngồi nghe các tác giả thơ lần lượt lên giao lưu… Kể cũng bất công, bọn văn xuôi mài đũng quần suốt đêm suốt ngày để sáng tác nhưng không bao giờ được đọc tác phẩm, không được hoan hô hoan hiếc bao giờ. Đem văn xuôi ra đọc có khi vào trại điên Thường Tín.
Các tác giả thơ “hách” thật. Họ giơ tay lên trời, bổ tay xuống đất, ánh mắt liu riu như ma làm, như nhập đồng nhập cốt mà đọc mà ngâm. Cái mông đung đưa lả lướt như ca sỹ như diễn viên lên sân khấu. Rồi người nghe vỗ tay như pháo nổ. ..Vậy người làm thơ phải đông hơn người viết văn là cái chắc. Văn là gạo nấu thành cơm (có thể là khê, là sống xít) còn Thơ là gạo nhưng cất thành rượu uống vào say lử say lừ.
MC giới thiệu Bành Thanh Bần đọc thơ. Khác với tác phong của giới thơ phú, anh lên diễn đàn trông thô vụng và thiếu tự tin, hấp tấp mở tập thơ chọn bài “Lễ động thổ vắng anh” và đọc không được diễn cảm. Bài thơ như sau:
Lễ động thổ xây nhà cho các con anh
Không có anh, dẫu anh là bố
Trong tờ Sớ vẫn ghi tên anh là chủ
Em thầm đọc lên lòng bỗng nghẹn ngào
Các con anh hỏi mẹ vì sao
Bố không về sáng nay hở mẹ?
Cứa lòng em lời con thơ bé
Các con ơi!
Đứng bên mẹ, vái thay bố đi nào
Vẳng đến tai em lời hàng xóm thầm thào
Sao bố chúng không về phải mượn người động thổ?
Họ đâu biết từ khi tình tan vỡ
Anh lấy người ta
Ngôi nhà mới xây anh đã đứng tên động thổ rồi
Ngôi nhà ông bà chia cho nay ngửa cổ thấy giời
Thương em, thương các cháu bơ vơ, ông bà cho em thêm tiền xây lại
Tìm kiếm mãi không có người đúng tuổi
Làm lễ động thổ cho ngôi nhà này…Em biết cậy nhờ ai?
Nếu anh về
Lòng em sẽ nguôi ngoai
Anh biết không
Cả ngày qua em mỏi tìm khắp phố
Công an hộ khẩu Phường thương em mách nhỏ
Mượn tuổi người dưng em nhờ họ động thổ thay anh!
Chín nhát cuốc bổ vào nền nhà có động đến trời xanh
Các con bíu chặt em
Trời đổ mưa nặng hạt
Bát nhang cúng ngoài trời ngơ ngác
Khói ngoằn nghèo bay lên, bay lên
Nước mắt của trời hay nước mắt của em…?
Ngôi nhà sắp xây bến đỗ bình yên
`Mong đón anh về dù chỉ một lần hay mãi mãi
Khấn thầm với trời xanh
Lòng em thắt lại
Bóng ai động bên thềm, có phải anh không?
 Bài thơ anh là một câu chuyện buồn khi đôi vợ chồng nọ tan đàn sẻ nghé, mỗi người mỗi nơi. Anh chồng lấy vợ mới đã xây nhà mới, anh ta đã động thổ đứng tên ở tổ ấm khác và theo luật Thọ Mai không còn quyền đứng tên động thổ tại ngôi nhà thứ nhất với vợ cái con cột.. Thế thôi! Cái xót là chỗ ấy, cái đắng đót là ở chỗ ấy. Bài thơ là đoạn văn xuôi bằng thơ và nhìn kỹ hơn là cái biên bản tóm tắt hay cũng có thể là dòng nhật ký của một phụ nữ mất chồng, mất một cách đau đớn không phải vì tai nạn hay ốm đau… Mất đơn giản mà không giản đơn là chia tay nhau vì hôn nhân thất bại. Ngày động thổ là ngày quan trọng được xếp vào hàng thứ ba trong đời người mà đơn lẻ lo toan. Trong cuộc sống vợ chồng bao giờ người đàn ông cũng là thành lũy, là phên dậu cho đàn bà nương cậy dù người đàn bà ấy có là nguyên thủ quốc gia cũng không muốn vượt quyền, cái diễn biến tâm lý thông thường ấy làm người đàn bà hoang mang và hờn tủi, sự hờn tủi đầy nữ tính, đầy thảng thốt và bật ra thành lời, thành nước mắt. Người đàn bà ấy không oán than, hờn giận tiếng bấc tiếng trì lên án chồng, đấy là điều đặc biệt gây ám ảnh lay động tâm thức người đọc. Càng về cuối bài thơ càng gây cao trào:
Chín nhát cuốc bổ vào nền nhà có động đến trời xanh
Các con bíu chặt em
Trời đổ mưa nặng hạt
Bát nhang cúng ngoài trời ngơ ngác
Khói ngoằn nghèo bay lên, bay lên
Nước mắt của trời hay nước mắt của em…?
Hay câu kết:
Bóng ai động bên thềm, có phải anh không?... Đều làm cho người đọc thảng thốt, ám ảnh
Cái hay của bài thơ là “tứ”. Bành Thanh Bần đã đóng cái tứ ấy, định vị cái tứ ấy để dệt câu chữ vào. Cái tứ là con ong chúa để đàn ong thợ vo ve bay lượn xôn xao đem mật ngọt về tổ, theo tôi thành công bài thơ nằm ở chỗ ấy. Câu chữ lại mộc mạc, thủ thỉ nhưng không cẩu thả, mà theo tôi nghĩ : Nếu dùng con chữ bóng bẩy quá bài thơ này sẽ “hỏng hẳn”. Bản thân cuộc sống tình cảm con người bao giờ cũng cần sự dung dị và đằm thắm, cái đằm ấy nằm ở tầng triết lý nhân sinh: Phụ nữ bao giờ cũng là người thất bại nặng nề nhất khi hôn nhân đổ vỡ, họ giận đến tím gan ruột nhưng lại rất độ lượng tha thứ, tính ổn định trong tình cảm cao hơn đàn ông.
Bài thơ trúc trắc vần điệu, phóng túng và phá niêm luật ấy làm tôi váng vất… Khi kết thúc bài thơ tôi thấy lòng nặng trĩu. Tôi bỏ cả thông lệ của người thưởng thức mà không vỗ tay, lặng lẽ đứng lên bỏ về phòng ngấm ngầm lau nước mắt, phải đến 15 phút sau mới quay về hội trường, tôi không dám nhìn Bành Thanh Bần bởi nghĩ đến bài thơ tôi lại không cầm nổi nước mắt.
Tôi lặng lẽ đề nghị anh xin lại bản thảo và lúc chia tay khác với bạn bè, tôi không ôm hôn bắt tay, không lấy số điện thoại và khi đọc được bài viết này chắc anh đã quên gương mặt khắc khổ nhà quê của tôi.
Cũng không sao anh Bần nhỉ? Ngưỡng mộ nhau thầm lặng vẫn hơn ồn ào nhưng trong thẳm sâu tâm thức tôi kính nể anh về tấm lòng. Tấm lòng đôn hậu làm nên bài thơ mà tôi thích… Thích thơ để không bao giờ nghĩ đến bỏ vợ con và nếu xây nhà mới còn có quyền ĐỘNG THỔ…... Anh đã gửi thông điệp cho cuộc sống bằng thơ. Thông điệp ấy không ồn ào, cao đạo mà nhẹ nhàng nhưng tôi coi đấy còn gấp nhiều lần những bài giảng đạo đức khô cứng. Nhà văn: Lưu Quốc Hòa
        Lưu Quốc Hòa