Hà Nội, ngày 9 tháng 4 năm 2011
Kính gửi : - Nhà thơ Trần Nhương
- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Tôi vừa đọc trang tưởng niệm nhà thơ Hoài Anh trên Báo Văn Nghệ số 15( 9-4-2011) nhưng có chuyện không vui. Báo in bài “Nén tâm nhang” của tác giả Đỗ Ngọc Yên, bài dài 25 dòng, thì có tới 16 dòng Đỗ Ngọc Yên chép nguyên si và gần nguyên si bài tôi viết về nhà thơ Hoài Anh. Bài này tôi đã in trên Tạp chí THƠ số 5-2010 , vừa rồi đã được post trên lethieunhon.com và trannhuong.com nhân ngày nhà thơ Hoài Anh qua đời.
Một số bạn bè bảo đấy là hành vi đạo văn của tác giả Đỗ Ngọc Yên. Tôi thì không muốn nói nặng lời, nhưng nhờ hai nhà thơ - hai ông chủ hai trang website văn chương công bố giúp ý kiến này của tôi, vì tập chân dung văn học của tôi sắp in, trong đó có bài viết về nhà thơ Hoài Anh, kẻo một số bạn đọc không rõ, lại cho là tôi “ chép văn” của Đỗ Ngọc Yên thì nghịch cảnh quá.
Đoạn văn mà Đỗ Ngọc Yên chép gần nguyên si của tôi, chỉ đổi đôi chữ. Như tôi gọi nhà thơ Hoài Anh là anh, thì tác giả Đỗ Ngọc Yên đổi gọi là ông. Nhiều đọan giống nguyên si cả câu, cả chữ, cả dấu chấm, dấu phảy.
Xin trích nguyên văn đoạn văn của tôi đã in trên trang 64-65, Tạp chí THƠ số 5-2010:
“...Quê anh, cái làng nhỏ bên bờ sông Châu, tôi chưa có dịp về thăm. Chỉ biết qua lời anh kể, đấy là làng nghèo của vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam. Anh bỏ làng đi theo người cha vào bộ đội năm anh mười hai tuổi. Rồi anh cũng rất ít có điều kiện trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hình ảnh quê nghèo, đồng trắng nước trong đã theo anh những ngả đường phiêu bạt. Ở cái làng quê nhỏ bé và lam lũ ấy, anh còn hai người em trai của mình. Đời anh vinh hoa không biết có tới được đâu, chứ hai người em trai anh ở lại làng thì gánh trăm đường lận đận. Anh từng kể tôi nghe, anh thương hai người em của anh lắm. Họ là những người nông dân chân chỉ, chưa từng được đi xa khỏi làng. Đã vậy, một người em lại thiệt thòi không nói được. Anh em về thăm nhau, người em chỉ ú ớ vài tiếng, người anh thi tuổi cao tai nghễnh ngãng, không nói không nghe được gì với nhau, nước mắt trào ra. Quê anh còn người dì ruột em mẹ anh, tuổi đã cao lắm rồi. Bà như quả trám khô, cho anh nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Mẹ anh lâm bệnh mất sớm, khi mấy anh em anh còn rất nhỏ. Bà dì và hai người em của anh cũng chả biết anh là nhà văn nhà thơ nổi tiếng hay không nổi tiếng, chỉ thương anh đi công tác xa quê lâu quá không về...”
Còn đây là đoạn văn của tác giả Đỗ Ngọc Yên in trên báo Văn Nghệ số 15 ( 9-4-2011):
“...Quê ông là nơi làng nhỏ bên bờ sông Châu, làng quê nghèo của vùng đồng chiêm trũng Hà Nam. Ông đi theo người cha vào bộ đội năm mới mười hai tuổi. Hình ảnh quê nghèo, đồng trắng nước trong đã theo ông trên suốt những ngả đường phiêu bạt. Ở cái làng quê nhỏ bé và lam lũ ấy,ông còn hai người em trai của mình. Họ là những người nông dân chăm chỉ, chưa từng được đi xa khỏi làng. Đã vậy, một người em lại thiệt thòi không nói được. Anh em về thăm nhau, người em chỉ ú ớ vài tiếng, người anh thì tuổi cao tai nghênh ngãng, không nói không nghe được gì với nhau, nước mắt cứ trào ra. Ông còn người dì ruột ở quê, tuổi đã cao lắm rồi. Bà như quả trám khô, giục ông nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Mẹ ông lâm bệnh mất sớm, khi mấy anh em còn rất nhỏ. Bà dì và hai người em của ông chỉ thương ông đi công tác xa quê lâu quá không về...”
Thưa hai nhà thơ quý mến! Tôi chả rõ vì sao tác giả Đỗ Ngọc Yên lại hành vi như vậy? Đạo văn ư? Thì rõ rồi. Quả thật tôi không hài lòng với việc làm này của tác giả Đỗ Ngọc Yên.Vì đây là tư cách của người cầm bút !
Xin nhờ hai nhà thơ post dùm, để bạn đọc đánh giá, nhận định giúp. Xin chân thành cảm ơn !
VŨ TỪ TRANG