TIẾNG NÓI NHÀ VĂN (HỘI VIÊN)
Tháng 03 năm ngoái, 2010, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam thành lập từ 1957, Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên được phong anh hùng với tư cách nhà văn (xin phép lưu ý các đồng nghiệp và bạn đọc : trong Hội cũng có nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ được truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang với tư cách nhà quân sự).
Qua một vài đồng nghiệp ở Hà Nội, tôi nghe nói, nhân sự kiện quan trọng đó, chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh đã trù liệu sẽ tiến hành một số công việc như tái bản tác phẩm của Chu Cẩm Phong, đặc biệt là “Nhật ký chiến tranh”, với dung lượng khoảng 700 đến 1.000 trang, tổ chức hội thảo, lễ tưởng niệm ở qui mô toàn quốc.v.v…Nghe vậy, tôi vui mừng nghĩ : có thế chứ, vậy là chủ tịch và toàn Ban chấp hành Hội (khóa 7) luôn rất quan tâm đến nhiệm vụ phát huy truyền thống; nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong xứng đáng được tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu như đã được làm với bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.
Nhưng có lẽ do việc chuẩn bị và tiến hành đại hội 8 của Hội nên trong năm 2010 chưa thấy làm gì.Tháng 01năm nay , tôi gọi điện cho nhà văn Trung Trung Đỉnh, ủy viên BCH Hội (khóa 8), giám đốc NXB Hội nhà văn, nhắc anh năm 2011 này là tròn 40 năm kể từ khi nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh, NXB nên tái bản “Nhật ký chiến tranh”, nếu anh Đỉnh đồng ý, tôi sẽ chuẩn bị bản thảo và viết lời giới thiệu như tôi đã từng làm với NXB Văn học và NXB Đà Nẵng.Nhà văn Trung Trung Đỉnh hồ hởi nhất trí liền và hỏi lại tôi ngày nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh.Tôi cho anh biết đó là ngày 01 tháng 05 năm 1971.Anh giao hẹn ngay : vậy thượng tuần tháng 3 NXB phải có bản thảo để sách ra kịp lễ kỷ niệm có thể tổ chức vào cuối tháng 4 đầu tháng 5.Sự đáp ứng nồng nhiệt của nhà văn – giám đốc Trung Trung Đỉnh không khác gì dòng nước mát tưới nhuần cho niềm tin của tôi bấy lâu đã gần như khô quắt đối với các quan chức trong Hội ta, nhất là khi thấy báo cáo chính trị tại đại hội 8 không nhắc gì đến Chu Cẩm Phong, không nhắc gì đến truyền thống chiến sĩ – nghệ sĩ, truyền thống chiến sĩ văn hóa mới của Văn hóa Cứu quốc, tổ chức tiền thân của Hội nhà văn Việt Nam và các hội khác trong khối văn hóa nghệ thuật (nhân tiện, xin tiết lộ một bí mật riêng, trên lá phiếu của tôi ở đại hội 8, tôi chỉ để lại tên các ứng cử viên Vũ Hồng, Đào Thắng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Xuân Hà, còn thì tôi gạch hết).Tôi hoàn thành công việc đúng hẹn với giám đốc Trung Trung Đỉnh.Được biết nhà thơ Hữu Thỉnh cũng rất chăm lo đến việc tái bản“Nhật ký chiến tranh”, đã đích thân tham gia bằng bài giới thiệu của mình với tư cách chủ tịch Hội. Cảm động trước sự chăm lo ấy, giám đốc Trung Trung Đỉnh cho tạm ngưng việc in sách lại (Nghe nói đã ra can được mấy trăm trang) để chờ đón bài của chủ tịch vì phải in lên phần đầu.
Về lễ tưởng niệm kết hợp hội thảo tìm hiểu giá trị con người và tác phẩm của nhà văn anh hùng Chu Cẩm phong, tôi đề nghị Hội ta nên đổi mới cách tổ chức bằng mấy biện pháp sau đây :
1/ Thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông ngày giờ và địa điểm, mời tất cả các bạn hữu đồng chí đồng đội và bạn đọc của Chu Cẩm Phong cùng tất cả những ai quan tâm tới dự.
2/ Giấy mời trực tiếp thì gửi một số tới gia đình nhà văn Chu Cẩm Phong, các nhà nghiên cứu phê bình và đại diện các cơ quan hữu quan.Xin mạn phép nhắc Ban tổ chức đừng quên gửi giấy mời tới Viện trưởng Viện Kiểm sát ND tỉnh Quảng Nam Đinh Xuân Thảo, một cán bộ cựu kháng chiến, là người đã tích cực chủ động tham gia hoàn tất hồ sơ và đã trực tiếp gặp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để đề nghị chủ tịch lưu ý hồ sơ xét phong anh hùng cho nhà văn Chu Cẩm Phong.
3/ Nên xem xét để nhân dịp này bãi bỏ việc trao phong bì cho các tham luận như thường làm trong các cuộc hội thảo.
4/ Nhà xuất bản Hội nhà văn nên sớm ra thông báo trên VTV và các phương tiện truyền thông khác mời độc giả đặt mua.Tôi tin rằng trong 85 triệu dân Việt Nam cũng có ít nhất 1.000 người muốn mua “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong.
5/ Tổ chức bán sách “Nhật ký chiến tranh” tại hội thảo và nhân dịp này xây dựng một mạng lưới những người tự nguyện nhận phát hành “Nhật ký chiến tranh”, kêu gọi những người có tiền và có tâm mua “Nhật ký chiến tranh” gửi tặng bộ đội Trường Sa cùng tất cả các đơn vị trên toàn tuyến biên phòng hải đảo.
Nói chung, cần nỗ lực thực hiện một cuộc họp mặt tưởng niệm kết hợp hội thảo với chi phí ít nhất, giảm tối đa tính hình thức, tăng tối đa tính thực chất, tính hiệu quả.
Riêng phần tôi, xin trân trọng báo cáo với Ban chấp hành : tôi sẽ tự lo mọi chi phí để có mặt kịp thời tại Hà Nội tham dự buổi sinh họat văn hóa quan trọng này.
Đà Lạt 11.04.2011.
BMQ