Sáng nay thấy choáng với chuyện kiểm tra. Chỉ trong 1 ngày, cơ quan quản lý, cơ quan hành chính nhà nước đủ loại thông báo tiến hành cả chục cuộc kiểm tra. Bộ Y tế “Kiểm tra ra soát tình hình nhập khẩu và sử dụng sữa Trung Quốc”. Bộ Xây dựng thì “Kiểm tra kháng chấn các công trình xây dựng”. Bộ Tài chính thì “kiểm tra giá và thuế 7 mặt hàng thiết yếu”. Chính phủ yêu cầu “Kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản”. Bộ công thương thì “Kiểm tra xác minh các nguồn tin thất thiệt việc tăng giá xăng”. Cục hàng không thì “Kiểm tra các máy bay”. Bảo hiểm xã hội thì “kiểm tra việc lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế”.
Trung ương, bộ ngành kiểm tra, các tỉnh cũng kiểm tra. TP HCM “kiểm tra các mặt hàng bình ổn”. Quảng Bình thì kiểm tra các mỏ titan. Tích cực nhất là Hà Nội. Nào là “Kiểm tra việc quản lý dược phẩm và mỹ phẩm”; “kiểm tra nhà ở cho người thu nhập thấp được rao bán”, kiểm tra Hồ Gươm xem còn cụ Rùa nào nữa, rồi “tiếp tục kiểm tra xử lý việc xe tải đi vào đường cấm, giờ cấm”.
Các cuộc kiểm tra này được kiểm tra khi việc kiểm tra thị trường ngoại tệ, vàng đang được… kiểm tra. Hà Nội cũng đang kiểm tra nhà siêu méo, siêu mỏng. Bộ Công thương đang kiểm tra các cây xăng dọc biên giới. Bộ Tài chính thì đang kiểm tra giá sữa tại một số DN. Trên toàn quốc, các dự án đầu tư đang được gấp rút và dồn dập… kiểm tra.
Sắp tới có thể sẽ có kiểm tra chất lượng các nhà 5 tấng, kiểm tra các đường ngang dân sinh, kiểm tra tàu biển sau các vụ đổ nhà, tàu lửa đâm ô tô, chìm tàu chết 11 người vừa diễn ra.
Dường như kiểm tra sinh ra từ sự bất ổn, hoặc bất minh, hoặc bất thường. Kiểm tra sinh cũng ra từ sự lo ngại, từ sự sợ hãi.
Nhiều cuộc kiểm tra, chính xác chỉ là để kiểm tra, vì kết quả- cái mà người dân quan tâm thì lại không có. Chẳng hạn việc kiểm tra tin đồn về giá xăng, tin đồn về tỷ giá, tin đồn về chứng khoán…năm nào cũng được tuyên bố là sẽ kiểm tra nhưng hầu như năm nào cũng lại xuất hiện tin đồn. Ưa thích kiểm tra, chính xác là ưa thích “tuyên bố kiểm tra” nhất, có lẽ là liên bộ Tài chính- Công thương. Hai bộ này tháng nào cũng phải kiểm tra một cái gì đó. Cái ưa thích kiểm tra nhất có lẽ là giá. Kết quả: Việc kiểm tra giá sữa trong năm 2010 là có loại sữa tăng giá tới 19,79%. Kết quả của việc kiểm tra giá thuốc là thuốc tăng không phanh. Kết quả của việc kiểm tra hàng hoá là ngay cả hàng bình ổn, nhận trợ cấp lãi suất bằng 0% của nhà nước, hoặc mất tích trong các siêu thị treo biển “bình ổn”, hoặc vẫn bán với giá còn đắt hơn ngoài chợ cóc. Còn ngoài chợ cóc thì giá theo tin đồn, tăng kiểu “té nước theo xăng” một cách phi mã, tăng lối đi tắt đón đầu.
Cuộc kiểm tra nào cũng xuất phát từ sự cần thiết. Nhưng nhiều cuộc thực không biết là để làm gì. Chẳng hạn kiểm tra “kháng chấn” các toà nhà. Nếu như các toà nhà trước năm 1997 không có kháng chấn thì sẽ xử lý sao? Đập bỏ?
Hay việc giám sát vốn của các tập đoàn kinh tế, một hình thức tối cao của cuộc kiểm tra, kiểm tra rồi thì để đó.
Hay kiểm tra máy bay đời cũ liệu có cần kíp bằng kiểm tra khoảng 16 ngàn xe chuồng gà quá niên hạn đang nhan nhản ngoài đường? một trong những tác nhân gây ra số lượng tử vong bằng cả…sư đoàn mỗi năm?
Hay việc kiểm tra kẻ tung tin đồn thất thiệt về giá xăng có ý nghĩa gì khi giá xăng được tuyên bố là “sắp tới sẽ được điều chỉnh nhanh hơn” và luôn rập rình tăng, thậm chí ngay sau khi một Bộ trưởng nào đó quả quyết không có chuyện tăng. Mới nói nhiều cuộc kiểm tra là để khắc phục sự bất nhất, và hầu hết là việc “chưa làm hết” trách nhiệm của chính các cơ quan đang tiến hành kiểm tra. Mới nói nhiều cuộc kiểm tra cho có, bởi hiệu quả của việc kiểm tra lại phụ thuộc vào cái hứng của đối tượng bị kiểm tra.
Có lẽ, cần thêm các cuộc kiểm tra để kiểm tra các cuộc kiểm tra.
Có quá nhiều cuộc kiểm tra. Và sẽ còn diễn ra nhiều cuộc khác. Nhưng các cuộc kiểm tra này hầu hết đều diễn ra theo lối chữa cháy, tức là khi sự việc, hoặc thảm hoạ đã xảy ra.
Một tờ báo đã chạy tới 3 kỳ loạt phóng sự điều tra về những mỏ đá tử thần. Ở đó, xác phu đá này vừa được khiêng đi thì đã có phu đá khác đến thế chỗ. Ở đó, những vụ sập núi như Lèn Cờ phải đếm cả ngón chân mới hết. Ở đó, có những đá tặc bị mìn nổ ngay trên lưng, chết banh xác. Có những thường dân đứng cách cả trăm mét vẫn bị đá bay vỡ đầu. Có các DN thổ phỉ coi mạng sống phu đá không quá 2 triệu đồng mỗi tháng. Có 30 mạng sống đã bị đá đè đến chết, mà chỉ riêng năm ngoái, đã có 5 phu đá tử vong. Nếu như ở Lèn Cờ, vào một ngày xửa ngày xưa nào đó, ngay sau khi tai nạn đầu tiên xảy ra mà việc kiểm tra đã được tiến hành thì đã không có thảm hoạ 1-4. Đã không có cảnh cả chục gia đình, 51 đứa trẻ tan cửa nát nhà. Cũng không cần “Một Tập đoàn kinh tế” phải hảo tâm đứng ra nhận nuôi con cho các nạn nhân trong vụ Lèn Cờ.
Cứ với kiểu kiểm tra vuốt đuôi thế này thì không biết sẽ còn bao nhiêu thảm hoạ Lèn Cờ nữa. Cũng không biết còn bao nhiêu cuộc kiểm tra nữa sẽ diễn ra sau những thảm hoạ, Lèn Kỳ chẳng hạn.