Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hoàng Yến trên ngã ba mây

Lê Thiếu Nhơn
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:07 PM

Lê Thiếu Nhơn

Lần đầu tiên tôi nghe nhắc đến Hoàng Yến khi ngồi hầu chuyện thi sĩ Yến Lan. Tôi còn nhớ, cái buổi chiều trở gió năm 1997 ở góc chợ An Nhơn – Bình Định, tôi hỏi về vụ Nhân Văn – Giai Phẩm như một cách chia sẻ quá khứ xót xa với thi sĩ Yến Lan. Tác giả danh phẩm “Bến My Lăng” cho tôi xem tập thơ “Những ngọn đèn” với bìa và lời tựa của Văn Cao, ông bảo: “Thời ấy đều là mấy bài thơ lẻ in trên tờ Nhân Văn hoặc tờ Giai Phẩm, chỉ có tập này của mình và tập “Tình người soi dặm đường” của Hoàng Yến là hai tập thơ hoàn chỉnh thôi!”. Vào lại Sài Gòn, tôi bắt đầu tìm đọc sáng tác của Hoàng Yến. Với độ lùi thời gian, “Những ngọn đèn” của Yến Lan còn đọng những câu gai góc, còn “Tình người soi dặm đường” của Hoàng Yến chứng minh một giọng thơ đa cảm lạc lõng giữa giai đoạn thi ca phải phục vụ cho những mục đích cụ thể hơn. Nghĩ mà thương Hoàng Yến năm 30 tuổi, ngay giữa mùa Tết chiến dịch Hòa Bình năm 1952, ông đã phiêu lãng: “Chiều cuối năm chưa xuống. Sương xuống nhiều hơn mưa. Bứt lá bỏ dòng suối. Thả xuân về dưới kia”.
Hoàng Yến là một cây bút tài hoa. Ông viết kịch, viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết đều có những thành công nhất định với đề tài lịch sử. Ba tiểu thuyết khá dày dặn “Câu thơ yên ngựa”, “Chân mây khép mở” và “Người học trò áo xanh” đều trực tiếp đánh động những suy tư mới, trắc ẩn hơn, nhân ái hơn về những con người trong quá khứ. Hình như buồn đau đang nếm trải càng khiến ông lặn sâu vào vết tích cha ông như một sự sẻ chia, như một niềm an ủi. Những truyện ngắn ông lấy không gian hiện đại như “Mất lửa” hay “Ngưỡng cửa” không thuyết phục bằng những truyện ngắn khai thác yếu tố lịch sử như “Chẩn bệnh Hiền Vương” hay “Nợ hoa”. Ngay ở thể loại kịch cũng vậy, những vở kịch nói về người đương thời dù có tiếng vang như “Hình và bóng” hay “Mưa bóng mây” cũng không thú vị bằng những vở kịch khai mở huyền bí dĩ vãng như “Kẻ trộm nước trời” hay “Quận chúa Ngọc Sương”. Nếu có cơ hội thuận lợi, tôi sẽ viết về kịch Hoàng Yến thành một bài nhận định riêng, ở đây xin giới hạn nói về thơ Hoàng Yến.
Sau vướng mắc Nhân Văn – Giai Phẩm, nhà thơ Hoàng Yến ngỡ từ giã thi ca để làm một công chức mẫn cán tại Cục nghệ thuật biểu diễn. Thế nhưng, phẩm chất thi sĩ của ông vẫn luôn lấp lánh. Tôi chưa từng trò chuyện trực tiếp với Hoàng Yến, chỉ đọc tác phẩm để hiểu con người. Thỉnh thoảng, tôi gặp Hoàng Yến đi bộ dọc con phố trước nhà con gái ông – nữ sĩ Hiền Phương. Mỗi lần như vậy, tôi lặng lẽ nhìn ông, không khác gì một cụ già hưu trí nhàn tản. Ông bước chậm rãi và thong dong trên vỉa hè, nhưng đôi mắt hắt ra thứ ánh sáng khiến ai trông thấy cũng phải nghĩ rằng, đó là một con người không dễ bắt nạt. Tôi không thể xác định Hoàng Yến đang đi bên lề cuộc sống ồn ả hay đang đi bên lề văn chương thị phi, chỉ mơ hồ cảm nhận hình như ông không có nhiều bạn và cũng không muốn người khác xen vào những ý nghĩ sốt ruột của ông. Một sự cô độc đáng kiêu hãnh! Tôi nghĩ thế khi nhớ bài thơ “Một giọng đàn một dòng sông” mà Hoàng Yến viết từ năm 1957: “Tiếng đàn bên tai tưởng trong cơn mê sảng. Ánh đèn đường hay sáng bóng trăng. Mưa bụi rơi không tiếng bên thềm…Đã từ lâu tôi có biết khóc đâu. Mỗi tiếng đàn đưa tôi xuống một chiều sâu. Đi về những dặm chim. Những con đường hôm qua máu rỏ. Lãng quên chưa hề mọc cỏ…”
Với Hoàng Yến, có lẽ thao thức lớn nhất của đời ông là sáng tạo. Thao thức ấy, được ông gửi gắm trong tuồng hát bội “Tiếng trúc thần”. Khi Hung Thần trao cây trúc cho Đông Lâm đã ra điều kiện: “Khi nào công việc ngươi làm đè nặng lên ngươi như hòn đá tảng. Khi nào nguồn sáng tạo trong ngươi đã cạn. Khiến ngươi chạy trốn bản thân ngươi. Và hồng tiêu chỉ còn những âm thanh mòn mỏi biếng lười. Chính lúc đó ta sẽ gọi ngươi về cõi chết”. Cuối cùng, Đông Lâm ngộ ra: “Suốt cuộc đời ta nay mới hiểu. Sự sống và sáng tạo như hình với bóng. Dù cái chết kề bên cũng đừng dao động. Đừng bao giờ buông thả bản thân”. Năm 1955, Hoàng Yến viết bài phê bình tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu một cách thẳng thắn, cũng vì nguyên nhân duy nhất là nhằm đề cao sự sáng tạo. Lúc cầm cây bút trên tay, Hoàng Yến chối từ mọi sự dễ dãi. Như một lời tự động viên bản thân ngày theo cách mạng từ năm 1950, ông viết bài thơ “19 tháng 12” bằng những hình ảnh quyết liệt
“Chưa biết đường đi bao lâu
Chỉ biết cuộc đi bắt đầu
Chưa biết đường xa hay gần
Chỉ biết đường mang dấu chân
Một người dân không – nô-lệ
19 tháng 12
Từ ngày ấy
Tôi đi vào Tổ Quốc
Như đi vào bí mật của tình yêu”
Sau tập thơ “Tình người soi dặm đường” như một lần chạm ngõ thi ca, Hoàng Yến đau đáu hơn với chữ nghĩa. Ông tự nhắc mình qua bài thơ “Nếu có lần sau” ẩn giấu không ít nghiệt ngã của kẻ đam mê
“Nàng thơ bỗng cười to
Chỉ tay vào ngực
Nơi sự thật không trang sức
Một gã làm thơ công chức
Bôi bẩn mực giấy trắng lương tâm
Lại đòi làm cây trầm đứng thơm cả núi
Tôi cúi đầu
Nếu có một lần sau
Dù phải kiếp ngựa trâu
Xin yêu người trong vô thức
Viết bằng mực của trái tim đau”
Hoàng Yến làm thơ không nhiều. Một tuyển thơ Hoàng Yến vừa được NXB Hội Nhà Văn ấn hành, dày ngót nghét 200 trang kể cả phần dịch thơ Puskin, nhưng riêng tập “Giấc xưa” đã đủ cho ông đồng hành với nền thơ nước nhà thế kỷ 21. “Giấc xưa” phô diễn một kiểu thơ mông lung, đa thanh và phức cảm. Ngoài bài thơ “Hắn” dài hơn 100 câu ám ảnh như một cuốn tiểu thuyết phản ánh biến thiên của một số phận chìm nổi (mà muốn hiểu phải đọc trọn vẹn chứ không thể trích dẫn) thì 16 bài thơ còn lại trong “Giấc xưa” phác họa khá trọn vẹn chân dung nhà thơ Hoàng Yến “chỉ thương cho thơ không biết đường nói dối, mỗi độ gió thu cởi áo cây bàng”
Một nhà thơ đích thực, dù che đi lý lịch, che đi địa vị thì diện mạo vẫn hiện ra trong thơ. Tuổi thơ Hoàng Yến “hái bằng tai” nỗi khắc khoải “Làng” hiu hắt: “Nơi tôi sinh ra giữa đêm tăm tối. Định mệnh hãi hùng mang bộ mặt quỷ ma sà xuống bên nôi. Thằng bé bò lê nhặt vào mồm mọi thứ gặp trên đất. Và hái bằng tai từng tiếng quạ chiều rơi, dưới cây đa chùa ru tuổi ấu thơ”. Và cuộc đời Hoàng Yến chuồi theo những “Không đề” ngổn ngang mâu thuẫn: “Anh sinh trên mảnh đất nhóm chợ, mà chưa đủ khôn, để tập làm quen với chuyện li hôn. Như gã già xưa rậm râu, kè kè bên mình nỗi đau thế kỷ. Như một gã trai sau chuyến đi xa, bước xuống sân ga, tay không, mà nặng trĩu vai hơn kẻ mang nhiều hành lý”.
Hoàng Yến không có thái độ cách tân thơ bằng hình thức cầu kỳ. Ông thay đổi thẩm mỹ thơ từ chính nội dung. Do đó, Hoàng Yến viết được nhiều thể loại một cách mới mẻ. Thơ lục bát của Hoàng Yến xa vắng: “Giấc xưa bỏ ngỏ chờ em. Lầu xưa vẫn đợi trăng lên mặt người. Em xuôi bến lạ tìm mơ. Thuyền côi cắm mục hai bờ sông mưa”. Thơ ngũ ngôn của Hoàng Yến lắt léo: “Ôi! Cái nhìn vạn lý. Vụ li dị trường thành. Trời viết mây hồi ký. Cây tòa án vẫn xanh”. Thơ chia mỗi khổ bốn câu theo lối truyền thống của Hoàng Yến vẫn không cho phép vần điệu che mờ cảm xúc: “Thần ái tình chết từ đầu thế kỷ. Lứa đôi nay không thề bóng trăng xưa. Tình chung thủy là món hàng xa xỉ. Sao ngõ hẹn một đời anh vẫn đứng đội mưa?”
Cốt cách thi sĩ khiến cuộc đời Hoàng Yến như bềnh bồng giữa nhân gian. Ông tự thú “người ta trách tôi mơ mộng, bảo rằng tôi sống trên mây”. Ông gọi những ngày được sống trong tình yêu là “trên ngã ba mây”. Với chín khúc nức nở, khi đọc “Trên ngã ba mây”, tôi tin rằng bài thơ này rồi sẽ được in lại trong nhiều tuyển thơ dành cho đôi lứa. Bởi lẽ, Hoàng Yến lý giải tình yêu rộn rã và mạnh mẽ
“Tên em
Chiều nhớ
Hành hương
Tiếng dế đồng sương
Tên em
Một thiên đường đã mất
Một thiên đường chưa mở ngỏ
Một thiên đường xưa cha ông để lại
Di truyền anh qua ký ức bào thai
Qua vùng sáng trên trang sách nát
Qua thân xác trần truồng những giấc mơ trôi dạt
Đêm đêm tấp bến Ngân Hà”
Nhịp điệu thơ Hoàng Yến luôn gấp gáp. Ông kéo gần lại những hình ảnh tưởng chừng cách ngăn nhau ở những cự ly nhất định, với từ ngữ phóng khoáng: “Trong trái tim em có vàng của mặt trời, than của đêm đen. Song giữa hai vùng đệm, có mặt trăng đến ở… Trên mỗi chặng hành hương, em là bóng –trăng – đường, làm dịu vết thương của lửa”
Đọc những câu chữ Hoàng Yến vung ra rối rít như những trận gió chờ vỡ òa giông bão, tôi cho rằng vẻ đẹp thơ ông nằm ở sự tự vấn. Ông tự vấn trước người tình: “Anh thôi soi mặt vào tấm gương trăng. Bỗng thấy hiện lên một khuôn mặt khác. Hóa ra mình là thằng người hèn nhát. Nhờ tình yêu đẽo đá kê cao. Nhờ tình yêu khêu một ngọn đèn. Để được thấy bóng mình thành ông khổng lồ trên vách. Song lại để cái nghèo cướp đi chiếc áo cuối cùng chưa kịp rách”. Ông tự vấn trước “Cuộc chơi” phận kiếp ngắn ngủi: “Lạch bạch tụt lại sau, một cảm giác nhỡ tàu…Lúc chết xòe tay ra, hóa ta người đến trước”.
Chính nhờ biết cách tự vấn sâu sắc, dù cho Hoàng Yến “tài sản anh chỉ một tâm hồn” vẫn tỏa sáng một miền yêu thương với con người xung quanh. Không thể nói khác hơn, tôi đã thấy qua thơ, một người đàn ông Hoàng Yến thương vợ với tất cả sự mẫn cảm và yếu đuối: “Anh đứng bên đầu giường, nhìn em trong đêm lặng. Anh cúi hôn bàn tay, thơm mùi xà phòng giặt. Anh cúi hôn đôi mắt, còn thức bên nôi con”. Tôi cũng đã thấy qua thơ, một người công dân Hoàng Yến yêu hòa bình với tất cả sự tử tế và lương thiện: “Anh không mặc vừa tấm áo công danh. Không tìm tiếng tăm trong họng súng chiến tranh, buộc lòng anh cầm súng. Ôi, giá như loài người biết đánh nhau bằng bông súng trên ao làng”.
Khi về hưu sau mấy chục năm công tác chỉ với mức lương tương đương một viên chức mới vào công sở, Hoàng Yến đã từng thảng thốt: “Dưới mây lành của đất, các bạn đã chôn. Một kiếp buồn lay lắt của Nỗi Người” nhưng ông chưa bao giờ quay lưng với một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn: “Anh bán máu, nếu cần cả mạng sống. Nhưng anh không bán hy vọng, dù hy vọng đã ra nghĩa trang. Thế hệ trẻ không-chịu- nghèo sẽ tới. Chân trời đẩy ra xa. Nhân phẩm có thịt da. Nắng thơm mùi áo mới”. Tôi nghĩ, những dòng bộc bạch ấy là liêm sĩ của một nhà thơ chân chính. Và tôi viết về Hoàng Yến, dẫu sớm dẫu muộn, cũng chỉ nhằm mục đích giúp “thế hệ trẻ không-chịu-nghèo” sẽ đọc để hiểu ông, một tiền bối đáng trọng của văn chương Việt Nam hôm nay!
                                  Sài Gòn, những ngày giáp Tết Kỷ Sửu 2009