Đọc Trắng án Nguyễn Thị Lộ - Hoàng Quốc Hải – NXB Phụ Nữ - 2004)
Ngày trẻ, đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, khi xem đến 2 câu: Thiện căn vốn tự lòng ta\ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài… tôi, nói vụng vong linh thi hào, nảy sinh ý nghĩ rất “hỗn” rằng: một tài năng lớn như Nguyễn Tiên Sinh cần chi phải đi rao giảng đạo đức kiểu… rẻ tiền? Bây giờ, khi đã bị đời “sửa lưng” cho đôi ba vố sương sương; thấm đòn, ngẫm ra mới thấy cụ Nguyễn “thâm” ghê. Tuổi trẻ “nóng đầu” hay mang cái bịnh “biết một mà chẳng biết hai”. Ấy hãy còn đỡ. Tệ hại hơn, có những chuyện, thực tình, ta chẳng biết cóc khô gì mà lại cứ tưởng mình biết tuốt! Tôi giờ không còn trẻ; nghĩa là tôi không còn đủ “nóng đầu” để sùng bái cuồng nhiệt tài năng. Tài năng quí thật; nhưng giá trị của tài năng hình như cũng ít nhiều mang tính… phù du. Nếu phải chọn lựa giữa tài và Tâm, bây giờ tôi dứt khoát chọn Tâm. Tai họa thay là những kẻ bất tài thiếu Tâm; nhưng có tài mà không Tâm, với xã hội, lại là… đại họa! Càng “đại họa” hơn nếu tài năng kia lại là cái tài cầm bút!
Tôi đọc “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” - và tôi cảm thấy có nhu cầu chia sẻ. Về cái Tâm. Vậy, đâu là Tâm của nhà văn trong “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”?
Điều thứ nhất tôi thấy, nhà văn đứng về phía kẻ yếu!
“Trắng án Nguyễn Thị Lộ” là một tập tiểu luận, khảo luận - cộng thêm một số bài mang dáng dấp tản văn. Ấy là chuyện “người thật, việc thật”, hoàn toàn không mang tính hư cấu. Nhưng điều ấy còn chưa quan trọng; cái quan trọng là - với trực giác của người cầm bút – tôi cảm nhận; hình như; ông viết rất thật - kể cả những sự thật mà người ta cần không ít cái Tâm, cái Dũng mới dám nói ra. Những con người, những số phận - từ lịch sử đến đương đại - mà nhà văn đề cập, khắc họa chân dung là ai? Là những người yếu! Họ bị ruồng bỏ, họ gánh thiệt thòi, họ mang bất hạnh; mà, oái oăm thay, họ lại chính là công thần của đất nước, là tài năng của xã hội, là nhân cách của cộng đồng. Tại sao bị ruồng bỏ, tại sao thiệt thòi, tại sao bất hạnh? Xem ra, nhà văn đang đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn, một vấn đề lớn. Vấn đề này không còn mang tính cá biệt – quy vào một cá nhân, một thời đại – mà đã trở nên vấn đề xuyên suốt, ám ảnh xung quanh thân phận con người. “Chữ tài liền với chữ tai…”, Nguyễn thi hào đã nói hộ chúng ta. Tài năng gây đố kị, ganh ghét. Tài năng là mầm mống của tai họa. Rõ rồi. Nhưng còn nhân cách - tức cái Tâm? Lại càng tai họa! Nếu kẻ bất tài ganh ghét tài năng thì kẻ vô lương lại không thể nào chịu đựng được lương tâm. Và, vô phúc thay, nếu những kẻ vô lương kia mà có quyền, có thế thì tài năng, nhân cách tất tật đi đời! Nghề đời, phù thịnh không ai phù suy. Chấp nhận “phù suy”, chấp nhận thiệt thòi để viết đúng với lương tri, ấy là Tâm.
Sang điều thứ hai: nhà văn dám nói thẳng, nói thật về những thực trạng!
Những thực trạng mà nhà văn dám nói thẳng, nói thật là gì?
Thứ nhất, sự băng hoại về đạo đức xã hội. Điểm này, Hoàng Quốc Hải không nói một mình. Ông chia sẻ quan điểm cùng những đồng nghiệp có Tâm và tác phẩm của họ. Ấy là Nguyễn Thị Ngọc Tú với “Ảo ảnh trắng”, Là Hoàng Tiến với “Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm”, Là Văn Lê với “Nếu anh còn được sống”, là Hứa Văn Định với thơ v.v và v.v…. Với các tác phẩm chọn chủ đề đương đại thì rõ rồi; nhưng còn các tiểu thuyết lịch sử? Khi đề cập đến “Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm” nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng không ngần ngại nói rõ: … Hoàng Tiến đã đẩy tâm lí lịch sử tiếp cận song hành với tâm lí đương đại mà không có gì khiên cưỡng…. Vậy đó, viết tiểu thuyết lịch sử, hiểu nôm na theo tôi, cũng phần nào giống như… kể chuyện cổ tích. Nhưng cái “chuyện cổ tích” ấy được nâng lên hàng tác phẩm nghệ thuật khi nào? Khi nó là “cổ tích viết cho người lớn”. Chuyện này thì Hoàng Quốc Hải rõ hơn ai hết; bởi ông là “chuyên gia” hàng đầu về tiểu thuyết lịch sử. Con người muôn thuở vẫn là con người; dù ta có chuốt lục, tô hồng gì cũng không thể phủ nhận sự thật rành rành đó. Vua, quan – ngay trong các triều đại cực thịnh - vẫn cứ là một giai tầng vừa có tác dụng tích cực vừa mang yếu tố phản động. Vấn đề là - nếu một xã hội có nền tảng văn hóa tốt, phát huy được cái Tâm, thiết lập được định chế, kỉ cương sáng suốt, nghiêm minh thì sẽ phần nào kềm giữ, ức chế được tính phản động mà phát huy tính tích cực. Còn ngược lại? Sẽ là sự trì trệ, sự xuống cấp đi dần đến kết cục suy tàn! “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”; nguyên lí ấy chắc chắn người cầm bút nào từng đọc "Thủy Hử" của Thi Nại Am đều không lạ. Ấy vậy nhưng "dám nói" phải là người cầm bút có Tâm (…vô úy!). Và chịu nghe lời "trung ngôn nghịch nhĩ" để sửa lại cũng phải cần những nhà lãnh đạo có Tâm, đủ can đảm đặt quyền lợi tổ quốc, nhân dân lên trên quyền lợi riêng của bản thân mình…
Thứ hai, sự khủng hoảng của cội nguồn văn hóa. Văn hóa dân tộc, lịch sử dân tộc, ấy là lĩnh vực chuyên môn, sở trường của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Có lẽ vì thế mà trong các bài tham luận, tiểu luận ông đề cập nhiều, nói nhiều? Chưa hẳn; bởi không phải ông đang nói; hình như tôi nghe ông đang gào. Người ta chỉ gào lên khi xúc động, khi tình thế nguy cấp. Vì sao xúc động, và cái gì nguy cấp? Ấy chính là mầm mống khuy bản, xa rời cội nguồn văn hóa dân tộc. Là một nhà chuyên môn, ông hiểu sâu, hiểu rộng vấn đề này. Là một nhà văn (tôi muốn nói: Nhà Văn!), ông cảm nhận được cái nguy của một cộng đồng mất gốc. Chính vì thế mà ông xúc động. Nỗi xúc động ấy, tôi tin, không phải chỉ riêng một mình Hoàng Quốc Hải có; nhưng từ “dám… biết” đến “dám nói” bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách… hơi dài. Tìm cái cội nguồn đích thực ấy, cần phải đi đâu? Đi vào lịch sử! Mà người dân thì đang “đói” sử. Lịch sử đang bị sai lạc, đang bị lấp liếm, đang bị lãng quên. Chuyện sai lạc và lãng quên, nhà văn đã nói nhiều, tôi không cần nhắc lại. Còn chuyện lấp liếm, thử đơn cử một ví dụ: đa số người Việt học lịch sử đều biết đến công lao của nguyên phi Ỷ Lan; nhưng liệu có bao nhiêu người trong số 80 triệu dân Việt biết rằng bà đã bức chết 76 cung nữ cùng Dương thái hậu? Đó rõ ràng là một tội ác. Cái tội ác ấy, chúng ta không biết hay cố tình không biết? Chưa hết, còn qui mô và tính tàn khốc của vụ việc Trần Thủ Độ tàn sát tôn thất nhà Lí, Nguyễn Huệ mang quân vây khổn Nguyễn Nhạc trong thành Qui Nhơn, hay mối quan hệ đầy nghi vấn giữa thái hậu Dương Vân Nga và thập đạo tướng quân Lê Hoàn…. Trong cái vụ thảm án Nguyễn Thị Lộ khiến đời sau phẫn uất kia, ngoài những kẻ chủ mưu, vị minh quân lỗi lạc Lê Thánh Tông có liên đới trách nhiệm không? Rõ ràng là có! Thực chất tàn bạo, bẩn thỉu của vụ án Lệ Chi Viên ông có biết không? Chắc chắn biết! Thế nhưng, vị minh quân ấy xuống chiếu “phục hồi danh dự” cho Nguyễn Trãi (phục hồi cho triều Lê của ông thì đúng hơn!) mà phớt lờ Nguyễn Thị Lộ. Một hành vi lấp liếm. Biết mình đang lấp liếm mà vẫn cứ lấp liếm. Đông cơ lấp liếm ấy vì cái gì? Vì tư lợi! Vì bao che! Đó chính là “điểm đen” trong cái tâm sáng suốt của ông vua lỗi lạc vào bậc nhất lịch sử Việt Nam. Ấy vậy nhưng, vì ông có công to nên chúng ta - những bậc thức giả đời sau - lại tiếp tục lấp liếm cho ông cái hành vi lấp liếm. Ấy là sự di căn của tệ nạn lịch sử. Hình như chúng ta đang nhìn nhận lịch sử theo kiểu “xúy xóa” tội cho người có công. Nhìn nhận kiểu ấy, vô hình trung chúng ta đã tạo tiền lệ để những “công thần” đời sau tự cho mình cái quyền… phạm tội! Sức mạnh của một xã hội Pháp trị tối cần tính trung thực, nghiêm minh; tội ra tội, công ra công, không thể nhập nhằng. Lịch sử, theo tôi, là một cơ thể sống. Đã cơ thế sống, tất nhiên nó buộc tồn tại bằng cả sự ưu việt và tính bất toàn. Bóp méo hay vê tròn lịch sử - bất cứ với động cơ gì - đều là những nỗ lực phi luân. “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” đã dám nói; nói khá rõ ràng, thẳng thắn về điều đó. Theo tôi, đó là Tâm…
Thứ ba, sự ì ạch của cỗ xe văn học Việt Nam!
Văn học Việt Nam đang… lùng bùng, không lối thoát. Đó là cái thực trạng trần trụi mà nhà văn Hoàng Quốc Hải diễn tả tế nhị bằng cụm từ “chững lại”. Căn nguyên từ đâu? Nhà văn nêu ra nhiều căn nguyên; nhưng theo tôi, cái căn nguyên “sinh tử” chính ở chỗ: ...Công chúng độc giả không tìm được tiếng nói chung giữa họ với tác phẩm của nhà văn…; gọi một cách bi hài hơn thì là “ngôn ngữ bất đồng”! Vì sao bất đồng? Vì công chúng cảm thấy nhà văn viết không thật. Thành thật, đó chính là cái Tâm của văn, của người viết văn. Mà văn chương của chúng ta – như nhà văn Hoàng Quốc Hải viết – đang: … Dư thừa cái “Xảo” mà hẫng hụt cái “Nhân”…. “Nhân” là gì? “Nhân” chính là “Tâm”. Tôi tâm đắc với một ý của nhà văn: …Cái Tâm kém, tức người bạc, văn viết được đấy, nhưng nó không đọng. Chưa hết đời mình đã hết đời văn…. Văn chương không thật, tức thị là văn chương lừa dối. Lừa dối một người đã có tội; lừa dối cả một dân tộc rõ ràng là trọng tội, là đại thiếu Tâm! May, công chúng ta không dễ bị lừa. Họ chán ghét sự dối trá, và họ “biểu tình bất bạo động” bằng cách quay lưng, không đọc, không mua. Càng cay đắng hơn, không phải “không mua” hẳn đâu; bởi nếu có tiền, họ đi mua… sách dịch!
Nói thế, không có nghĩa là “vơ đũa cả nắm” về thực trạng văn học. Vẫn còn nhiều nhà văn có Tâm và những tác phẩm có Tâm. Nhưng trong cái “chợ trời” văn chương thật - giả lẫn lộn; giả nhiều hơn thật; cái thật đang bị cái giả cùng kéo… chết chùm. Công chúng bị “tung hỏa mù” tới mức cứ thấy hàng sách văn học “made in Viet nam” thì kết luận phăng là… của giả! Cái thật không được đoái hoài một thời gian, tất nhiên, “thật” cũng sẽ cùn mòn, thui chột. Chắc có người ngạc nhiên, tự hỏi: “của giả” ở đâu ra mà lắm thế? Không tính đến những cây bút bất tài, hết “nhựa”; chỉ xét trường hợp “hàng giả” của những nhà văn có năng lực; theo tôi, căn nguyên xác đáng nhất mà nhà văn Hoàng Quốc Hải đưa ra có lẽ là: những nhà văn ấy đang xa rời cội nguồn dân tộc, xa rời quần chúng; nói cách khác, khi đặt bút, họ không thèm quan tâm đến chuyện quần chúng nghĩ gì mà chỉ quan tâm đến chuyện… sếp nghĩ gì. Và khi nào mà họ còn chưa đủ Tâm, đủ Dũng để quên đi cái bóng đen ám ảnh của chức tước, gạo cơm trên những trang văn, họ vẫn sẽ chỉ tương ra toàn “của giả”!
Làm gì để đưa “cỗ xe” văn học Việt Nam ra khỏi thảm trạng lùng bùng, không lối thoát? Cái giải pháp “đáng tiền” nhất mà nhà văn Hoàng Quốc Hải đưa ra có lẽ là: …Phải chấp nhận sự tự do sáng tạo, tự do tìm tòi, tự do tạo lập khuynh hướng. Phải chấp nhận sự hình thành từng nhóm các khuynh hướng sáng tác. Trên cơ sở các nhóm khuynh hướng ấy phát triển tới đỉnh cao, sẽ nảy sinh trường phái. Một nền văn học không có các trường phái vẫn cứ là một nền văn học bấp bênh….
Điều thứ ba, và cũng là điều cuối cùng tôi thấy, nhà văn quí trọng cái Tâm hơn cái tài!
Không phải ông nói suông. Ông hành động đúng thế. Hẳn rằng ông đã thấm thía cái ý tưởng của thi hào Nguyễn Du: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài. Ông quan tâm đến những con người có Tâm. Những tên tuổi văn chương mà ông đề cập với một sự ưu ái lớn trong tác phẩm đều “lớn” về cái Tâm. Tài năng họ có thể chưa lớn; nhưng nhân cách họ, theo mô tả của ông, rõ ràng… không có chỗ chê! Ấy vậy mà họ “không có bảo hiểm”, họ bị thiệt thòi; chính vậy mà mối quan tâm, ưu ái của ông dành cho họ lại được nhân đôi - bởi họ vừa có Tâm, vừa là… kẻ yếu! Ông đề cao chính sách thiên về “Nhân trị” của đời Lí – và sau đó đến đời Trần. Đó là một sự nhìn nhận dũng cảm và sáng suốt. Đề cập đến Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, điều ông đánh giá cao nhất về vị vua này chưa hẳn là công lao lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan xâm lược Nguyên – Mông. Hình như theo ông, cái vĩ đại nhất nơi Trần Nhân Tông là hành vi: …bỗng chốc trút vương miện, cởi hoàng bào, bỏ vương trượng cầm lấy thiền trượng, mặc áo nâu sồng, mang dép cỏ, đội mũ rơm đi thuyết Pháp, đồng thời sáng lập ra một môn phái Phật…. Đánh đuổi ngoại xâm, cai trị tốt để người dân được áo ấm, cơm no; ấy đã là “Nhân”; nhưng chưa phải “chí Nhân”. Còn ngồi ở ngôi vua là còn… lợi riêng. Hơn thế, lo cho người dân chuyện áo ấm, cơm no là chỉ mới lo cái “ngọn”. Làm sao cải biến một xã hội …vô minh, trọc trược, vô luân, thất đức, chỉ chăm lo tư kỉ và trục lợi… mới là lo cái “gốc”. Từ bỏ ngôi vua, ấy là “xóa sổ” cái lợi riêng; một hành vi “bất ngôn chi giáo” còn hiệu lực hơn trăm vạn lời giáo huấn suông. Hoằng dương Phật pháp Thiền tông, bồi dưỡng cho chúng sinh cái Trí, cái Dũng, cái Nhân, ấy mới là “chí Nhân”, là cùng cực “vị tha”, lo cho dân từ gốc. “Thượng” đã “chính” đến thế, bảo sao “hạ” còn “loạn” được? Chưa hết, lúc còn tại ngôi, cái “Tâm Phật” của Trần nhân Tông còn thể hiện ở một hành vi mà, theo tôi, cần phải tôn vinh như một “điểm sáng” chói ngời trong lịch sử: đốt tráp thư xin hàng và ước hàng giặc của các quan trong ngoài triều! Đó là hành động “chí Nhân”, biểu hiện sự minh triết, lòng tin và tình yêu thương đối với con người! Thời Tam Quốc, Tào Tháo cũng từng làm vậy; nhưng cái động cơ lợi - hại của Tào Tháo hoàn toàn khác động cơ nhân – nghĩa của Trần Nhân Tông. Cái nhân – nghĩa của Ngài thể hiện trong lời khuyên viên quan nội hầu: …Thế giặc lớn như vậy, đến ta còn hoang mang , huống chi người khác…. Hỡi ơi! Cái Trí, cái Tâm, cái Dũng của tiền nhân nào phải ở đâu xa; thế mà chúng ta không biết, không học, không lấy đó làm gương thì, phải chăng, đúng như nhà văn Hoàng Quốc Hải đã gào lên: Đại Bất Hạnh!
…Hình như tôi vẫn còn muốn nói thêm về “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”. Nhưng… tôi chợt giật mình khi nhớ đến câu “Tri giả bất ngôn…” của Lão Tử. Thôi thì, nói gọn một câu, “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” là một cuốn sách đáng đọc. Ấy là ý riêng của tôi. Có thể sai. Nhưng xin độc giả cứ thử xem rồi phán xét tôi sau. Cũng chẳng muộn màng…
Đất Phú - đầu đông Giáp Thân