( Đọc Gió thu vừa chạm ngõ, Thơ Trần Nhương, NXB Hội Nhà văn, 2024)
Trần Nhương sinh ngày 17 tháng 12 năm 1941 (tuổi tân Tỵ) tại Lâm Thao, Phú Thọ. Đến đầu năm 2025 này ông đã tám mươi tư tuổi. Tuổi ấy đã có thể nghỉ ngơi thư giãn, chăm hoa tưới nụ, chèo bể bơi trăng, tiêu dao sông núi, bù khú bạn bè, tĩnh lặng ngẫm nghĩ, có thể tạm bằng lòng với những gì mình đã có. Nhưng Trần Nhương thì không. Cái đã có hình như không làm ông bận tâm mấy. Ngược lại, như một anh chàng mới vào nghề, chưa ngơi đam mê, hăm hở, vẫn hì hục vẽ tranh, viết văn, làm thơ, làm báo, chủ nhiều trang web, dự nhiều cuộc vui, có mặt trong hầu hết cuộc họp lớn nhỏ hội hè, không nề hà những buổi cà phê sáng của một nhóm nhỏ bè bạn…Một ngày 24 tiếng hình như không đủ với ông.
Cuối tháng 12 năm 2024 vừa rồi, Trần Nhương lại cho ra mắt tập thơ Gió thu vừa chạm ngõ, gồm 83 bài (một con số chắc không phải ngẫu nhiên, kỷ niệm tuổi 83 của ông chăng?). Cầm trên tay tập thơ, chưa vội đọc, tôi cứ hình dung với một kẻ ham chơi lớn tuổi như ông, liệu thơ phú, câu chữ có còn run rẩy, xanh tươi như thuở đang trai, cái thuở chúng tôi cùng làm việc với nhau ở môi trường quân đội mấy mươi năm về trước. Tôi đã bất ngờ. Thơ Trần Nhương vẫn trẻ trung, mê đắm theo cách của ông, cái trẻ trung mê đắm mà không phải cây bút nào cũng giữ được theo thời gian.
Trước hết nói về sự trẻ trong thơ Trần Nhương. Xin chọn Bài thơ viết ở Vinh. Bài này Trần Nhương viết tháng 7 năm 2018 nghĩa là lúc tác giả gần 80 tuổi. Đúng cảnh Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (Nguyễn Công Trứ). Bạn có hình dung được một anh chàng tuổi tỵ (Trần Nhương tuổi tỵ?) gặp một cô bé có người cha cũng tuổi tỵ đã mất hiện còn người mẹ chưa già. Anh chàng tuổi tỵ (80 tuổi) kia đã nói gì với cô bé? Không phải một lời hỏi thăm, thông cảm mà là một ướm hỏi nối dây diều táo bạo:
Lạ nhỉ sao anh cũng tuổi ấy
Hao hao năm tháng tuổi thơ đầy
Hay em giới thiệu anh… cho mẹ
Như nối dây diều thêm cánh bay
(Bài thơ viết ở Vinh)
Bạn có thấy có gì lạ trong câu Hay em giới thiệu anh…cho mẹ không? Hình như có chút ngập ngừng sau dấu ba chấm kia. Nhưng rồi mọi việc cũng trôi êm, như thể vượt qua cánh cửa hẹp. Tôi cho rắng nếu không trẻ, không tinh nghịch khó có thể vượt qua được tình huống éo le này. Đó chỉ có thể là câu chữ của một tâm hồn trẻ!
Xin dẫn thêm một ví dụ. Bài Nụ cười ngõ nhỏ viết cuối năm 2022. Một dòng tin nhắn nói rằng Em đang đến chỗ anh đây. Nhưng đường xa gập ghềnh lối núi, mùa hanh tung bụi, áo khăn choàng kín cả người…, người chờ đến gày con ngõ mà cô gái vẫn chưa đến:
Người chờ đến gày con ngõ
Vẫn chưa thấy tiếng xe reo
Rặng xoan bặt không ngọn gió
Nắng nghiêng ngày ngả sang chiều
Chờ đến gày con ngõ là một cách chờ chứa đựng cả sự thấp thỏm, vào ra, lo âu, mỏi mòn…,từ sáng qua chiều nhưng không một chút sốt ruột, bực mình. Không say đắm chắc chắn không thể kiên nhẫn đến như vậy, và không phải tuổi trẻ chắc chắn cũng không thể yêu như vậy. Nếu kiên nhẫn là đức tính của chàng trai, nhân vật chính trong câu chuyện này, thì hăm hở, vượt qua muôn dặm chông gai là niềm tin của cô gái:
Ơn giời rồi em cũng tới
Sáng trưng ngõ nhỏ nụ cười
Vòng tay có gì bối rối
Đất nghiêng sắp chạm đến trời
Một chi tiết mang tính báo hiệu sự tốt lành sau một ngày mỏi mòn chờ đợi: Sáng trưng ngõ nhỏ nụ cười. Bạn thấy đấy, nếu người chờ là gày con ngõ, thì người đến là sáng trưng nụ cười. Một cuộc hẹn không thể nói là không hạnh phúc. Vì đó là cuộc gặp của Đất với Trời, chỉ có thể là cuộc gặp của những người tuổi trẻ tìm thấy nhau trong trời đất, dẫn đến một hạnh phúc tất yếu: Thế là mùa thu đã chín/ Dành cho chỉ có hai người. Cả bài thơ như một câu chuyện tình yêu có mở nút, thắt nút, có cao trào và kết thúc. Điều đặc biệt có thể cảm nhận được là tiếng đập trái tim người viết, một tiếng đập nguyên khôi như tình yêu tuổi trẻ, tạo ra sự trôi chảy rất tự nhiên, giản dị của ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ thường ngày. Và phía sau sự giản dị kia là một nụ cười hóm hỉnh của một cụ già yêu!
Có thể bắt gặp rất nhiều trong tập thơ Gió thu vừa chạm ngõ lấp ló những nụ cười hóm hỉnh sau mỗi hàng chữ. Điều này được nói trực tiếp khá nhiều trong hội họa của ông (Các triển lãm Thi hứng 1,2,3,4,5 tranh Trần Nhương). Còn trong thơ Trần Nhương chất trẻ trung ấy hễ có dịp là tràn qua câu chữ. Một buổi chiều Đại Lải: Chiều chưa tắt nắng mà lòng đã đêm. Một ngày tháng ba như cuộc tình đã nhạt: Những cô gái lớn nhanh hơn tuổi/ Ngực áo rưng rưng chũm cau (Ngẫu khúc tháng ba). Một lần trên bến sông: Em đổ vào anh hương cốm thịt da ngầy ngậy (Sông gày). Một ngày rét non: Rủ nhau vào cuốn ổ rơm/ Ôm em anh thấy rét hơn ngoài trời (Rét non). Một mùa đông, “chưa đi chưa biết Đồ Sơn”: Phố ngủ sớm như người vừa cưới vợ/ Đêm khỏa thân bao cô gái đang mơ (Đồ Sơn mùa đông). Một ngày mùa thu lên núi: Sữa non pha loãng chiều như loãng/ Lối núi mơ hồ chếnh choáng say/…Có kẻ mộng du như ma nhập/ Ôm trọn mùa thu trong cánh tay (Lối núi). Một sáng trên đường Hà Nội: Em nhông xe máy hở mười phân lưng/ Tay ga anh bỗng ngập ngừng/ Vượt lên hay cứ lưng chừng bám theo (Sáng nay) vv …Chẳng có gì khác thường ở đây nếu tác giả là một chàng trai đang độ xuân thì! Nhưng tác giả là một cây bút đã ngoại tám mươi thì không chỉ khác thường mà còn hơi bị phi thường. Người thơ nhập thế, câu thơ tung tẩy, ý thơ phồn thực, khí thơ trẻ trung, giọng thơ hóm hỉnh, hơi thơ thả lỏng, điệu thơ tang bồng…Tác giả của Gió thu vừa chạm ngõ cho thấy tuổi tác không là gì với ông, tuổi tác cho ông kinh nghiệm và từng trải, nhìn nhiều và thấy nhiều để giúp ông vượt qua cái đăm chiêu của thời gian, cái hạn hẹp của không gian, hòa nhập với cái đang diễn ra của thì hiện tại! Có nhiều cách đến với thơ. Cách của Trần Nhương (Trong thơ cũng như trong hội họa của ông) là bỏ qua cái nghiêm nghị cổ điển, nhưng cũng biết tự tiết chế, không quá buông thả ngòi bút của mình để thiên hạ biết ông không còn trẻ nhưng chưa chịu già, đã luống tuổi nhưng vẫn còn đam mê, không câu nệ khen chê, dám xông vào những đề tài nhậy cảm (nude), dám nói những điều có vẻ như là kỵ húy, dù trong bụng ai cũng thích, ai cũng tò mò: một bộ ngực trần gợi cảm, một đường cong mê hồn, một vùng kín khiêu khích, một dấn thân lộ liễu…Rõ ràng chất trẻ đó không phải cây bút nào cũng có, cũng giữ được, cũng dám, đặc biệt khi người ta cao tuổi, đã bị ràng buộc nhiều rào cản!
Nhưng thơ Trần Nhương không chỉ có những nét trẻ có vẻ tếu táo kia. Thơ ông còn chứa đựng những khoảnh khắc tâm trạng rất thi sỹ, kín đáo và riêng tư như vẻ đẹp tĩnh lặng của một bức tranh lụa, của một mặt hồ lặng sóng. Đi nhiều, nhìn nhiều, thấy nhiều là để tĩnh lặng và ngẫm nghĩ, là để hình thành cái cảm thấy, nghĩ thấy, những thứ rất cần cho thi ca, hội họa. Thơ và họa không chỉ để miêu tả cái nhìn thấy, mà còn là nơi biểu hiện những xúc cảm thẫm mỹ, cái đến sau của trực cảm, cái lắng lại của nhìn thấy, cái trừu tượng và biến hóa của tưởng tượng. Chẳng hạn tiếng chuông ngân trong tâm cảm một lần ông trải qua ở Mạc tư khoa:
Chuông chiều vắt nửa sang đêm
Bạch dương ngơ ngẩn để quên nắng vàng
(Nhà thờ trinh nữ)
Hoặc lần trở lại Đại Lải trong tâm thế khắc khoải, bất định giữa quá vãng và thực tại: Quá vãng đã một đi không trở lại, nhưng thực tại thì bồn chồn nửa tiếc nhớ thắc thỏm, nửa xót xa vô thường:
Người đã thành năm ngoái
Khắc khoải chiều Tam Dương
(Thắc thỏm)
Có khi là một phút riêng tây. Ai nói đời chỉ toàn những ngày vui? Ai biết đời buồn nhiều hay vui nhiều? Ai nói sau những tếu táo kia không có những phút yếu lòng? Thi nhân muôn đời đều không ai thoát được nỗi buồn vô cớ, như thể Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu (Huy Cận). Một nhánh lau bạc gợi đến miên man bao điều: buồn vì thời gian phôi pha, buồn vì gánh nặng năm tháng, buồn vì đường trần gập ghềnh, buồn vì vấp ngã khôn lường:
Hoa lau phơ phất mái đầu
Sợi nào đã bạc vì câu dỗi hờn
Đường xa mỏi gối chân chồn
Quãng nào vấp ngã gánh buồn trĩu vai
(Riêng tây)
Có khi là một đêm xứ Lạng với một tâm tư lẫn lộn trước một ấn tượng màu sắc, trong một trạng thái khó xác định Có một Lạng Sơn không xứ Lạng:
Qua Kỳ Lừa mưa trôi phố núi
Trời mạn Đồng Đăng bỗng tối nhanh
Tô Thị bồng con băng đường tiểu ngạch
Đèn lồng đỏ ối lối Tam Thanh
(Đêm Lạng Sơn)
Có khi là khoảnh khắc giao mùa tiết ngâu xứ Đoài với nỗi buồn ly biệt, cảnh đó người đâu, cảnh quen người vắng, như thể người đi một nửa hồn tôi mất (Hàn Mặc Tử):
Thương em phận mỏng như mây
Từ nay khuất bóng giữa ngày tiết ngâu
Em đi đâu, em về đâu?
Xứ Đoài còn một nỗi sầu thiên thu
(Tiết ngâu)
Trở lên, tôi chỉ mới nói qua về hai sắc thái chất trẻ trung và chất thi sỹ trong thơ Trần Nhương ở tập Gió thu vừa chạm ngõ. Hiển nhiên còn khá nhiều những khía cạnh khác mà một tập thơ dày dặn mang tới. Tác giả là cây bút có nghề. Nhưng cũng là cây bút hồn nhiên. Ngôn ngữ thơ ông phóng túng, gần gụi, tung thả…gần với ngôn ngữ giao đãi hằng ngày. Nghệ thuật của thơ ông không có gì thật đặc sắc, bù lại, sự chân thành như một phẩm chất của ngòi bút. Nhưng thơ ông cũng không phải thật như đếm. Thơ ông là tạng của ông, là điệu tâm hồn của ông: tinh nghịch, tinh tế và giản dị. Đúng như trong bài thơ tự Diễu mình, ông bộc bạch: Vẫn tròn vị lão Trần Nhương/ Vẫn hoan hỉ vẫn vô thường, vô vi. Và trên hết, giữa bao ngổn ngang của trần thế, ông vẫn còn biết bao day dứt: Vẫn bao giây phút bần thần. Đến đây thì ta biết vì sao tâm hồn ông trẻ trung, tâm tư ông thường nặng trĩu buồn thương. Đọc thơ ông thấy thêm yêu những ngày đang sống, thấy làm thơ cũng chỉ là một công việc hàng ngày, không có gì quá cao sang, đặc biệt, nhưng cũng không phải là dễ dàng, giản đơn. Cũng có một đôi câu, một đôi bài viết vội như thể không tránh khỏi của một tập thơ trên tám chục bài. Nhưng làm sao được, chắc chắn ông đã tự lọc ra qua nhiều phế phẩm để đi tới tập thơ này. Cái cần loại ra vẫn chưa kỹ, nhưng cái ở lại trên sàng nhiều hơn. Âu đó cũng là văn học: phải qua rất nhiều cái loại bỏ để đến cái hoàn thiện. Gió thu vừa chạm ngõ là tập thơ dễ đọc, dễ tiếp nhận, dễ đồng cảm. Xin chúc mừng ông, tác giả nhà thơ Trần Nhương.
Ngày 31 tháng 12 năm 2024
LÊ THÀNH NGHỊ