Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÚNG TÔI LÀM “BÁCH KHOA TRI THỨC QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN” - Chuyện chưa kể

Lê Huy Hòa
Chủ nhật ngày 29 tháng 12 năm 2024 2:52 PM

Lê Huy Hòa



Kể từ lần đầu tiên cuốn” Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân” (Thượng tá
Lê Huy Hòa chủ biên. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật) ra mắt bạn đọc (2003) đến nay đã hơn 20 năm. Lần này, theo đặt hàng của một nhà sách tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi lại có dịp trở lại với công việc của người biên soạn, qua những ý kiến đóng góp xác đáng của các nhà khoa học quân sự, các chuyên gia quan tâm tới lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đặc biệt là mong muốn của đông đảo bạn đọc gửi thư, email… để sách sớm có dịp tái bản… Tiếp thụ những ý kiến đó, trong lần xuất bản này, chúng tôi tiến hành hiệu chỉnh, bổ sung một số đơn vị và hệ thống kiến thức mới… và đặt một tên mới “bình dị”, phổ thông hơn: “Tri thức bách khoa quốc phòng toàn dân”. Với phiên bản mới, ngoài Lời tựa, Lời Nhà xuất bản, cuốn sách được bố cục thành 10 tập! Hy vọng, với những cố gắng mới này của Ban Biên tập, các tác giả, cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu muốn tìm hiểu về Di sản “Tri thức quân sự, Văn hóa Quân sự Việt Nam” ngày càng cao và sâu của bạn đọc, nhất là bạn đọc ngoài quân đội. Và thêm một lần lý giải câu hỏi của thời đại: Vì sao, một dân tộc nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu như dân tộc Việt Nam lại đánh thắng những kẻ thù mà sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội nhiều lần! Đó chính là” Sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của quốc phòng toàn dân là vô địch” như Đảng ta đã khẳng định! Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin “giải đáp” những quan tâm của nhiều độc giả, nhất là các bạn trẻ, gửi thư về Ban biên soạn muốn tìm hiểu về ý tưởng,
cơ duyên cùng những bước chuẩn bị bản thảo tập sách lần đầu ấy… 1


... C

uối năm 2000, sau khi kết thúc khóa học Lý luận Chính trị quân sự cao cấp, Học viện Chính trị - Quân sự, cơ quan giải quyết cho tôi nghỉ phép. Cũng vào thời gian đó, cô con gái đầu của vợ chồng tôi đi du học ở Cộng hòa Pháp về nước nghỉ hè, có đưa về người bạn trai ngoại quốc “ra mắt” nhà gái. Vợ chồng tôi tôn trọng quyết định của con, tuy có phần ái ngại bởi con còn quá trẻ, dính vào chuyện hẹn hò sớm sẽ ảnh hưởng tới việc học hành cũng như tương lai của con. Nhưng chúng tôi hiểu tính cách của con nên không can thiệp sâu về chuyện này. Hai mẹ con tâm sự hằng đêm, tôi không bận tâm, vì tôi quan niệm, trong nhà không cần đến 2 “bộ trưởng” giáo dục… Con gái là tupe người mạnh mẽ và tự lập, đó là nét tính cách nổi trội ở con, hình thành từ thời còn nhỏ, hơn nữa, còn được mẹ “huấn luyện” những kĩ năng mềm khá bài bản! Khi ấy, trong đầu tôi thoáng nghĩ đến việc ra quân, nếu các con quyết định đi đến hôn nhân… Khi lên cơ quan, tôi được biết, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, nơi tôi làm việc vừa xuất bản cuốn” Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam” (phiên bản mới). Tôi xuống thư viện cơ quan mượn sách mang về nhà. Cô bạn thủ thư thấy tôi mượn “Từ điển”, có chút ngỡ ngàng, vì biết tôi là dân phòng biên tập sách văn nghệ, ít liên quan tới kiến thức quân sự đa ngành! Tôi nói tránh là mượn cho phụ huynh tra cứu. Cô bạn cười, nét cười pha chút chia sẻ… Có cuốn từ điển trong tay, ý tưởng về cuốn sách bách khoa với bố cục phân môn dần hình thành rõ nét trong tôi. Hơn thế, do có ít nhiều kinh nghiệm từ các lần tổ chức các đơn vị kiến thức ở các cuốn bách khoa tri thức tôi đứng chủ biên như: Bách khoa tri thức phổ thông, Bách khoa tri thức học sinh, Bách khoa kiến thức gia đình hiện đại… đã xuất bản và được bạn đọc đón nhận nên tôi cảm thấy khá tự tin và hào hứng khi bắt tay vào tổ chức bản thảo mới này. Tên cuốn từ điển quân sự ám ảnh và cũng gợi ý cho tôi khi chọn tìm tên cho cuốn sách dự định làm!? Sau nhiều lần cân nhắc, tôi đã chọn được một cái tên cho tập sách tương lai: Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân. Tôi có tham khảo mấy người bạn trong đơn vị và mấy đại gia làm sách về tên sách, về dự định của tôi, mọi người hầu như ủng hộ, tuy tôi biết họ cũng có đôi chút phân vân, nghi ngại… Tôi hiểu, vì họ biết nội dung của sách sẽ khái quát một lĩnh vực rộng, đòi hỏi phải đầu tư công sức, thời gian và… nguồn kinh phí để thực hiện! Vậy là suốt một tuần liền, tôi nghiên cứu cuốn từ điển, đặc biệt là phần các tác giả các chuyên mục, mục từ… ở nhiều ngành, bộ môn, các quân, binh chủng… nhất là làm quen và tìm hiểu các thuật ngữ chuyên ngành quân sự, dù sao với tôi cũng là dân “ngoại đạo” theo ý nghĩa nào đấy, kiến thức về quân sự của tôi còn nhiều hạn chế… Có một suy nghĩ luôn “thường trực” trong tôi, làm sao cuốn sách bảo đảm tính phổ cập dưới dạng phổ thông nhất, để bạn đọc là dân sự khi đọc cũng có thể hiểu được những đơn vị kiến thức quân sự, quốc phòng căn bản nhất, hiểu về văn hóa quân sự Việt Nam, nghệ thuật quân sự, và đặc biệt là “lao động” quân sự của cha ông ta ngày trước, những cán bộ chỉ huy, chiến sĩ của chúng ta hôm nay… xây chắc niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; và trên hết, sẽ thêm một lần nữa khẳng định chân lí của thời đại: không một kẻ thù nào có thể khuất phục được dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ nền hòa bình ấy! Tổ tiên, Cha ông ta đã làm tốt điều ấy, các thế hệ kế tiếp cũng sẽ làm tốt sự nghiệp cao cả, thiêng liêng ấy!

Tôi bắt tay vào xây dựng Đề cương tổng quan cho cuốn sách. Tôi bố cục phân môn thành 11 phần, (có thêm phần Phụ lục để “cơi nới, mở rộng” nội dung cuốn sách) - dù sao cũng chỉ có tính chất tương đối nhưng cũng đạt được tính tổng quan của công trình. Sau khi dựng xong Đề cương, tôi liên hệ với Trung tướng Đoàn Chương, người thủ trưởng đáng kính của tôi (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), bấy giờ là Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng (đã mất) và chuyển cho ông Đề cương tổng quan cuốn sách, nhờ ông góp ý. Sau đó, tôi gặp Thượng tá Hoàng Đức Nhuận, người mới từ Trường sĩ quan Lục quân 1 về Phòng Lí luận Chính trị Nhà xuất bản Quân đội nhân dân làm biên tập viên. Người sĩ quan này từng giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự xem ra là người làm tôi thấy yên tâm, hơn thế, mối quan hệ của anh với đội ngũ giáo viên của Học viên Chính trị Quân sự sẽ là thế mạnh khi mời các thầy hợp tác trong tư cách tác giả cuốn sách. Khi coi Đề cương, tôi thấy anh thích thú và tôi ngỏ lời mời anh tham gia làm Thư kí Ban Biên tập cuốn sách. Anh vui vẻ nhận lời. Tôi bàn với Nhuận, triển khai ngay việc tổ chức làm bản thảo, ưu tiên cho các phần viết mới, trước mắt tìm cách “kết nối” với các thầy trong Học viện trước. Người đầu tiên chúng tôi hẹn gặp được là Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Phát, Trưởng khoa Chính trị, Học viện Chính trị - Quân sự. Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý tưởng làm sách cùng các tiêu chí viết cho các chuyên mục và chuyển Đề cương tập sách, anh vui vẻ nhận lời sẽ cùng với các giáo viên trong khoa bắt tay vào viết. Người tiếp sau chúng tôi tiếp cận là Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Huy Dương, công tác tại Học viện Quốc phòng. Anh là người tôi quen biết từ trước, khi anh theo học hệ chỉ huy tham mưu tại Học viện Quân sự mang tên Phrunze (Liên Xô) - cùng thời gian tôi sang làm chuyên gia Tiếng Việt ở Nhà xuất bản Tiến Bộ (Matxcova). Anh là cộng tác viên “ruột” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Vốn là lính trận, lại có tố chất của người nghiên cứu, ngay khi nghe chúng tôi trình bày Đề cương tập sách, anh nhận làm người trực tiếp viết và tổ chức bản thảo các phần thuộc “chuyên môn” của anh và đồng nghiệp trong Học viện. Bước đầu xem ra là suôn sẻ, tôi thêm vững tin, cuốn sách của chúng tôi sẽ sớm có kết quả như mong muốn!

Các chuyên mục phân môn còn lại, chúng tôi lên danh sách các cộng tác viên, - những cộng sự từng tham gia viết, biên soạn, dịch thuật… ở các công trình đã công bố trước đây - trao đổi và “đặt hàng”. Đó là các cộng tác viên tên tuổi như: Ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ, nhà ngoai giao, Trung tướng - Viện sĩ Trương Khánh Châu, Đại tá - Phó Giáo sư Hoàng Đình Châu, Đại tá - Thạc sĩ Vũ Hồng Anh, Đại tá - Tiến sĩ Vũ Như Khôi, Kĩ sư Lưu Trung Thái, Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Dịch giả, nhà “Trung Quốc học” Dương Danh Dy, Thượng tá Lê Thế Mẫu, Dịch giả, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân… Khi nghe tôi trình bày ý tưởng, các nội dung chuyên mục tập sách, ai nấy đều vui vẻ hợp tác. Riêng phần: “Vũ khí tự tạo trong chiến tranh giữ nước”, tôi tìm mượn cuốn sách cùng tên của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng trong thư viện cơ quan. Sau đó tôi vào thành (tên gọi khu Hoàng Thành - Thăng Long) liên hệ gặp đồng chí Cục trưởng. Ông vui vẻ tiếp tôi và sẵn lòng hỗ trợ những yêu cầu của Nhà xuất bản và Ban Biên tập, có điều ông cũng lưu ý, đề tài này thuộc vấn đề “nhạy cảm” (sách đã in dưới dạng lưu hành nội bộ). Điều ông nhắc bữa ấy, vào giờ phút quyết định chuyển bản thảo qua Nhà xuất bản, tự tôi đã đi tới quyết định: gác lại phần nội dung này, dù cho tới hôm nay, vẫn cảm thấy nhiều tiếc nuối, có phần hụt hẫng!? Nội dung phần này cũng chẳng có gì là “mật”, nhưng giải thích vì sao buộc phải gác lại, các bạn hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời vậy!? Riêng tôi, tôi nghe theo linh cảm của người làm sách mà thôi!? Ngoài ra, các phần nội dung có tính kế thừa (những công trình cá nhân, tập thể) đã in hoặc chưa in thành sách, tôi tìm cách liên hệ và trao đổi về “bản quyền”; có công trình cần tổng thuật hoặc chọn lọc, tôi cố gắng thuyết phục để nghiệm thu đạt tiêu chí của một cuốn sách “bách khoa” với phương châm” khái quát toàn diện, phổ thông”. Đối với các lĩnh vực khoa học kĩ thuật quân sự, chúng tôi tuyển chọn và lược dịch từ các cuốn Bách khoa toàn thư hoặc Bách khoa chuyên ngành về quân sự của các nước. Chúng tôi hy vọng, Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân ra đời sẽ đem đến cho bạn đọc những điều bổ ích trong cuộc sống thường, sự hứng thú trong đời sống tinh thần và kích thích khả năng tìm hiểu sáng tạo… Cứ như vậy, các nội dung triển khai đã lần lượt được chuyển về. Để chủ động và rút ngắn thời gian biên tập bản thảo, sớm chuyển qua nhà xuất bản duyệt in, chúng tôi tổ chức một ban biên tập tinh gọn, gồm 5 thành viên, mỗi người đảm nhận biên tập theo chuyên môn của mình. Thư kí biên tập cuốn sách theo dõi, đôn đốc các cộng tác viên chuyển nội dung bản thảo và giao cho các biên tập viên. Tôi là người đứng chủ biên, có nhiệm vụ “lắp ghép” các phần như bố cục phân môn theo Đề cương. Tôi nhớ, khi nghe tin chúng tôi làm cuốn sách này, đồng chí Giám đốc Nhà xuất bản nơi tôi làm việc đã gọi tôi lên, thuyết phục đưa về nhà xuất bản in. Ông nói với tôi, đề tài này phù hợp với chức năng của nhà xuất bản, có thể sẽ đưa vào diện “đề tài đầu tư” từ tiền ngân sách. Nếu phía những người làm bản thảo đồng ý, nhà xuất bản sẽ tạm ứng trước một khoản tiền. Thực lòng, chúng tôi nghĩ, lời đề nghị của ông là hợp lí, nhưng nghĩ sẽ phải làm thủ tục “giải ngân”, chuyện gửi bản thảo đi “giám định” ở các cơ quan tham mưu… sẽ mất nhiều thời gian, và chắc khó tìm được sự đồng thuận về quan điểm “tổng kết” những vấn đề thuộc chuyên môn, tôi nói với ông, những người làm cuốn sách này theo cơ chế xã hội hóa, đã có nhà sách tư nhân đặt hàng. Tiền Nhà nước đầu tư, tôi nghĩ dành cho các công trình khác cần thiết hơn… Thấy ông không vui, nhưng biết làm sao chiều lòng ông được!

Trong khi Ban Biên tập tiến hành phân công xử lý bản thảo phân môn cho từng người, tôi nghĩ đến những công việc không thể thiếu đối với bất kì cuốn sách nào trước khi đưa xuống nha in: Lời Tựa, Lời dẫn (Lời thưa)…” - “Một cách trình bày quan điểm của người làm sách, của nhà xuất bản và quan trọng là định hướng dư luận khi tiếp cận nội dung sách…” (Nhà văn Hồ Anh Thái). Tôi bắt tay viết Lời dẫn và Lời tựa (dự thảo) cho tập sách. Riêng Lời tựa, vì còn chờ ý kiến “đề cử” của mọi người trong Ban Biên tập chọn ai đứng tên, đã là một việc chiếm khá nhiều thời gian. Nó có ý nghĩa quan trọng, với sức “hấp dẫn” về uy tín chuyên môn của người đứng tên, liên quan cả yếu tố “đầu ra” của sách… nên chuyện phải cân nhắc cũng là thường tình. Về chuyện tìm người đứng tên ở Lời tựa cuốn sách, bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không sao quên được, chuyện này có thể viết… dài kì nữa! Người đầu tiên, chúng tôi nghĩ đến là Đại tướng, nguyên Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Anh em trong ban Biên tập đều nhất trí cao. Chúng tôi có ý thăm dò qua vị Thư kí lâu năm của Người, nhưng thấy việc tiếp cận quả không dễ, không phải ông ta gây khó, dễ, mà ông vốn là người thận trọng, nếu chờ ông thu xếp lịch… để Đại tướng dành thời gian đọc hàng ngàn trang bản thảo, như vậy, thời điểm sách ra sẽ khó “ấn định” được!? Bởi thế, chúng tôi lại “vắt óc” tìm chọn người khác. Bấy giờ, ông Lê Như Tiến, công tác bên Văn phòng Quốc hội, cũng là người trong Ban Biên tập, đề xuất nên mời một vị tướng, hiện là lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Tôi thấy ý kiến này khả thi (theo nhiều nghĩa). Tôi nói ông Tiến thu xếp đăng kí gặp vị tướng này (tốt nhất gặp tại nhà riêng của ông cho tiện). Chỉ vài ngày sau, ông Tiến báo tin, vị tướng đã nhận lời tiếp chúng tôi tại tư dinh của ông. Tôi còn nhớ như in, buổi tối hôm ấy… hai chúng tôi đội mưa đến nhà vị tướng này theo hẹn, ôm theo chồng bản thảo và… Lời Tựa (Dự thảo), bấm chuông, lát sau có người giúp việc ra mở cửa, tôi nói với bà chúng tôi đến theo hẹn của chủ nhà. Bà dẫn chúng tôi vào phòng khách chờ,bà nói ông ấy vừa từ quê lên. Phòng khách khá rộng, trên tường có treo nhiều bức ảnh tư liệu khổ to, cảnh bộ đội, xe vận tải trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ…, đập vào mắt chúng tôi là bộ ghế xalon bằng gỗ quý được chạm khắc cầu kì, nước gỗ tự nhiên, bóng mượt. Có mấy cái gối cũng được làm bằng gỗ quý. Ở ngay chân cầu thang là một chiếc tủ kính loại 3 ngăn, bên trong bầy các chai rượu khác loại, có cả mấy bình rượu ngâm động vật quý hiếm; ngay sát cửa ra vào, cạnh giá để giày, dép là xấp báo xếp cao ngất ngưởng, vẫn còn nguyên đai (giấy gói báo ghi tên người nhận) các tòa soạn gửi tặng. - Tôi bật cười không thành tiếng và nghĩ, chủ nhà bận, còn thời gian đâu mà đọc báo ở nhà! Theo lời ông Tiến, vị tướng này từng là lính hậu cần, trong chiến tranh có mặt ở hầu hết các cung đường Trường Sơn huyền thoại… Lát sau, ông bước từ trên lầu xuống theo cầu thang cũng được làm bằng gỗ quý nhưng điều làm chúng tôi… bất ngờ là ông vận bộ đồ pizama có sọc, trong miệng vẫn vắt vẻo que tăm, tôi đoán ông vừa dùng bữa tối. Nhìn thần thái ông có chút mệt mỏi sau chuyến về thăm quê. Cả hai chúng tôi cùng đứng dậy, lễ phép chào chủ nhà. Và đưa hai tay về phía ông. Ông cũng quên bắt tay đáp lễ như thông lệ khi đón khách(!). Ông ngồi xuống xalon gỗ, hai chân thu lên ghế, xếp bó gối. Ông Tiến nói lí do hẹn gặp, ông im lặng không nói gì. Đến luợt tôi cung kính nâng tập bản thảo, kèm Lời tựa (dự thảo) đưa về phía ông. Vị tướng vẫn yên vị trên ghế, đưa một tay đỡ tập bản thảo từ tôi, và đầu cúi xuống, xếp tập giấy vào ngăn dưới bàn uống nước. Tôi có chút thất vọng, kịp liếc xéo về phía ông bạn đi cùng. Tiếp theo, ông mời chúng tôi uống nước, không ngớt kể chuyện quê nhà, chuyện ông vừa về dự lễ khánh thành nhà thờ họ, ông có góp tiền công đức… rồi xoay qua kể công việc trên cương vị mới rất bận… quên luôn việc chúng tôi vừa trình bày. Thấy việc nhờ vị tướng này khó cho kết quả như kì vọng, tôi lấy chân đá nhẹ vào chân ông Tiến, và nháy mắt ngầm ra hiệu… về. Chưa kịp coi phản ứng của bạn, tôi đứng phắt lên, lễ phép thưa với ông: “Xin lỗi và cám ơn thủ trưởng đã tiếp đón, chúng em biết thủ trưởng bận, sẽ khó sắp xếp thời gian giúp bọn em, vậy bọn em xin lại bản thảo…”. Thấy thái độ kiên quyết của chúng tôi, ông cầm tập bản thảo trả lại, tôi nhìn vào mắt ông nhận thấy có chút ngỡ ngàng! Trên đường về, ông Tiến nói, bữa nay tôi thấy bạn “hơi bị nóng tính”, không như tên các cụ đặt! Trong bóng tối của màn đêm sau cơn mưa, tôi nghe thấy ông bạn cười thành tiếng. Tôi im lặng không nói gì, trong tôi vẫn chưa hết “sốc” về cuộc gặp vị tướng này, điều ấy đã găm vào kí ức của tôi, khó gỡ bỏ! Các bạn biết, người làm sách nhiều khi cũng gặp những chuyện ngoài mong muốn như vậy, có nhiều chạnh lòng cũng phải nuốt trôi để làm công việc mình lựa chọn… Việc tìm người đứng Lời tựa tập sách, sau cùng, cũng thật tình cờ, một sự tình cờ có hậu. Trong Ban Biên tập có Trung tá, Nhà báo Đặng Việt Thủy, một cây bút truyện cười hiện đại và Nhà viết sử bình dân, người cùng đơn vị với tôi, hiểu rõ việc chúng tôi đang cần đã “mách nước” gỡ khó. Chẳng là phu nhân của ông cùng làm việc với cô con dâu của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo. Lúc này Tướng quân đã nghỉ hưu. Chớp cơ hội, tôi và Trung tá Đặng Việt Thủy “lên” kế hoạch tiếp cận ông nhờ việc còn dang dở này. Khi được tin Tướng quân mời đến nhà, chúng tôi mang theo 5 phần chính của nội dung bản thảo tập sách, kèm theo Dự thảo Lời tựa tập sách. Buổi tối hôm chúng tôi đến nhà, ông đã pha nước, ngồi ở phòng khách chờ khách. Bữa ấy, ông vận thường phục tiếp khách. Sau khi chúng tôi tự giới thiệu, trình bày ý tưởng và quá trình tổ chức bản thảo, mời ông đọc thẩm định một số nội dung chính của tập sách, dưới dạng bản thảo đã vi tính và đứng tên Lời tựa cho tập sách. Ông vui vẻ nhận lời, thấy ông có chút ngạc nhiên về công việc chúng tôi làm, ông nói sẽ coi bản thảo và hẹn chúng tôi sau một tuần đến để trao đổi. Chưa bao giờ tôi thấy vui và có phần phấn chấn như buổi tối hôm ấy. Một tuần sau, chúng tôi đến. Thượng tướng, Giáo sư tiếp chúng tôi thật ấm áp, trọng thị. Gương mặt, ánh mắt vị tướng già, cả một đời cống hiến cho quân đội, đất nước vẫn ánh lên nét tươi tắn, thông thái. Tôi ngắm nhìn cặp lông mày rậm của vị tướng “Văn, Võ song toàn” mà không nén được sự cảm kích, khâm phục, xen cả niềm tự hào nữa… Ông niềm nở tiếp chúng tôi, trực tiếp rót trà và nâng li mời từng người. Trên bàn là tập bản thảo xếp ngay ngắn, một chiếc kính lúp nhỏ đặt bên cạnh. Trong câu chuyện, ông nói đã đọc bản thảo với một sự hứng thú… Ông đưa tay lần giở từng trang bản thảo, có những ghi chú ở một số trang để chúng tôi kiểm tra lại… cả trong Lời tựa cuốn sách (dự thảo), ông cũng cẩn trọng viết thêm, căn chỉnh lại câu chữ… Sau cùng, ông nhìn chúng tôi và nói giọng có phần xúc động: “Cám ơn và xin chúc mừng các cháu đã làm được một việc có ý nghĩa! Chính bác cũng không nghĩ, các cháu lại tổng kết sớm được như vậy…”. Nghe ông nói, trong lòng chúng tôi thấy yên tâm về công trình của chúng tôi và như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới cho công việc trước mắt cũng như sau này của nghề làm sách… Nhưng cũng chính lúc phấn khích như vậy, hình ảnh vị tướng vận đồ pizama tiếp khách bữa tối mưa trước lại hiện về, tôi cố xua đi, cổ họng thấy nghèn nghẹn, cảm giác chua chát… Phần việc tiếp theo là tìm ảnh tư liệu cho tập sách. Công việc này với chúng tôi không khó, khi “chốt” xong tiêu chí và số lượng ảnh đưa vào sách vì ảnh tư liệu về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân đã có sẵn ở các phòng tư liệu ảnh bên Báo Nhân dân, Thông Tấn xã, Báo Quân đội nhân dân, các tập sách ảnh của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã công bố nhiều năm nay…

Riêng phần “Các Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam qua các thời kỳ”, tôi đã trực tiếp viết (dạng sivil) mỗi Bộ trưởng 500 chữ (1 trang bản thảo A.4). Nhưng riêng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên, Thượng tướng Chu Văn Tấn (1910 - 1984), Bộ trưởng từ 1945 - 1946, phải đối diện vấn đề “nhạy cảm” chính trị vào thời điểm bấy giờ! Viết về Ông, dù dạng “lí lịch trích ngang”, để qua vùng “kiêng kị” quả không dễ! Tôi bàn với anh em trong Ban Biên tập, quyết định, sẽ chỉ in ảnh chân dung các Bộ trưởng (Năm sinh…, thời kì đương nhiệm). Toàn bộ ảnh chân dung các bộ trưởng đã có. Riêng ảnh Bộ trưởng đầu tiên xem ra khó… kiếm! Ảnh Ông ở các kho tư liệu… đều “mất tích”! Mấy ngày liền, chúng tôi đi tìm kiếm mà không cho kết quả. Tôi chợt nhớ đến có người bạn cộng tác viên trên Cao Bằng. Tôi gọi nhờ anh giúp việc này. Anh nói có quen anh Nông Quốc Bình, hiện công tác ở Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, có trụ sở ở trên đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội). Tôi liền đến gặp anh Bình, nói việc này nhờ anh giúp. Anh Bình nhiệt tình ủng hộ. Anh nói, anh có quen ái nữ của Thượng tướng Chu Văn Tấn, anh gọi điện ngay và nói việc chúng tôi nhờ. Anh Bình nói, con gái của cố Bộ trưởng nhận lời, hứa giúp và mời chúng tôi đến nhà. Tôi và người cộng sự làm chế bản vi tính của cơ quan phóng xe đến nhà chị theo hẹn. Khi chúng tôi đến, chị mời chúng tôi vào nhà. Tôi nói nguyện vọng của chúng tôi muốn có ảnh chân dung Thượng tướng để in trong tập sách. Thoạt đầu, chị có đôi chút ngờ vực… Khi tôi đưa chị coi Chứng minh thư sĩ quan Quân đội, thấy nét mặt chị dịu đi, rồi dẫn chúng tôi lên gian thờ của gia đình. Nhìn di ảnh Thượng tướng trong Lễ phục quân nhân, tôi mừng rỡ không ghìm được cảm xúc. Tôi đặt vần đề mượn “nóng” di ảnh đi scanner (sao chụp). Chị gật đầu đồng ý. Chúng tôi thắp nhang lên bàn thờ, nói thầm điều mong muốn với người trong ảnh. Ngay sau đó, chị kê ghế, hai tay nhấc tấm ảnh vẫn để nguyên trong khung kính giao cho tôi. Tôi nói cảm ơn chị và hứa, sẽ đưa trả ảnh ngay sau khi xong việc. Chúng tôi mang ảnh tới thẳng Nhà in Báo Nhân dân trên phố Hàng Tre, Hoàn Kiếm nhờ người quen ở phòng chế bản của báo giúp. Thật may mắn, dù đang giờ nghỉ trưa, nhưng anh em ở bộ phận chế bản thấy việc cần làm gấp đã xử lí nhanh, chúng tôi nhờ in tới 2 tấm. Sau đó chúng tôi quay lại nhà cố Thượng tướng trả lại tấm di ảnh, không quên cám ơn nữ chủ nhà về sự giúp đỡ quý báu này!

Mặc dù đã có được tấm ảnh quý, tôi vẫn chưa thấy yên tâm. Bằng trực giác của người làm sách, cái cần quan tâm trên hết là đảm bảo độ “an toàn” khi cuốn sách chào đời - có nghĩa, cuốn sách sẽ được nhà xuất bản ký phát hành! Ở đây không còn đơn thuần là kinh phí đầu tư, mà là công sức của cả một tập thể các tác giả là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu… và uy tín của nhà xuất bản đặt lên vai người đứng chủ biên công trình… Tôi trao đổi mối quan tâm này với anh Lê Như Tiến và hỏi xem, trong số những người anh quen biết, có người nào “gần” Tổng Bí thư đương nhiệm nhất? Nghe tôi nói về việc muốn nhờ, anh nói, người quen thì nhiều, nhưng đi đường công văn hành chính sẽ dích dắc, đôi khi “hư” việc… Tôi chợt nhớ tới người lái xe riêng của Tổng Bí thư bữa tôi gặp ở Quán bia Đường Lê Hồng Phong, bữa anh Tiến đãi nhóm bạn nhân có khoản Nhuận bút trả lời phỏng vấn độc quyền của một tờ báo lớn. Anh Tiến nhìn tôi vẻ đắc ý, cười tươi, ánh mắt lấp láy. Vậy là “nhất trí “cao. Vì biết Tổng Bí thư rất bận, nếu gửi cả bản thảo sẽ làm mất nhiều thời gian đọc… Tôi quyết định chọn Phần nội dung: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý về lĩnh vực Quốc phòng - An ninh”, Lời Tựa của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, có kèm ảnh chân dung các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ, xếp trong phong bì thư loại to. Chúng tôi gặp người lái xe và nhờ chuyển tới tận tay cho Tổng Bí thư. Biết việc chúng tôi nhờ là việc có thể làm được nên anh vui vẻ nhận lời. Một tuần sau gặp lại, người lái xe cho chúng tôi biết, vào các buổi tối muộn, vẫn thấy Tổng Bí thư coi bản thảo… Điều bất ngờ thú vị, có chút “thót tim”: mấy ngày sau, tôi nhận được cú điện thoại của ông Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật nói, các cậu chưa “nộp” bản thảo cho nhà xuất bản mà đã có “công điện” qua điên thoại bàn của Văn phòng Tổng Bí thư “phúc đáp”, ủng hộ việc xuất bản cuốn sách, cả việc “khen” khéo chọn người viết Lời tựa… Tôi chỉ còn biết “khai báo” sự thật như tôi vừa kể với ông giám đốc. Vốn là người thừa kinh nghiệm làm sách lãnh tụ… nên ông cũng thông cảm với việc chúng tôi làm. Chuyện bức ảnh “nhạy cảm” về vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên xem ra “ổn”! (Chuyện trong sách khi in ra có ảnh của Thượng tướng,cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên, tôi nhớ có anh bạn làm báo ngành công an còn “lo”, cả “hù dọa” cá nhân chủ biên cuốn sách. Tôi hiểu mà không muốn nói cho bạn biết, những người làm sách chúng tôi rất cẩn trọng với những gì “kiêng kị, nhạy cảm” nhưng không vì thế mà mất đi bản lĩnh - cái đáng giá nhất của người “cõng chữ làm sách” (một cách nói chỉ nghề làm sách) ở mọi thời đại!). Mọi công việc hoàn chỉnh bản thảo diễn ra khẩn trương, những công việc bếp núc như: ráp nối các phần nội dung, thiết kế sách, sửa lỗi kĩ thuật, dàn trang… suốt gần một tháng ròng, một mình tôi trực tiếp “phân việc” cho ban biên tập, ngồi cùng người thiết kế, dàn trang trên máy vi tính. Sau này, khi nhìn lại, chúng tôi cũng không thể hiểu, làm sao có thể có nhiều năng lượng đến vậy!? Còn chuyện đặt họa sĩ Văn Sáng vẽ bìa, tôi đã có dịp kể lại khá chi tiết trong bài viết về người họa sĩ - cựu chiến binh này in trong tập “Lạc vào cõi sách 1”, Lê Huy Hòa. Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản năm 2024. Trong đời làm sách, bìa cuốn “Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân” (tên sách chữ mạ vàng, trên nền tấm ảnh ghép toàn cảnh bức phù điêu “Thủ đô Hà Nội kháng chiến- 1946” bằng chất liệu đồng sáng kéo dài từ mặt gấp của bìa 1 trải dài qua gáy sách, sang hết diện tích bìa 4 và phần gấp mép),thấy thật hoành tráng và mang nhiều ý nghĩa, do chính người họa sĩ trẻ thiết kế, có lẽ là một trong những bìa sách mà chúng tôi ưng ý nhất…

Khi đã có bản thảo trong tay, tôi sang gặp ông Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật xin đăng kí liên kết xuất bản. Ông Trịnh Thúc Huỳnh, bấy giờ vừa nhận bàn giao chức vụ mới, Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản vui vẻ tiếp chúng tôi. Tôi có biết và quen ông từ trước, nên trong lần gặp này, ông tỏ ra phấn khích, nhất là khi biết chúng tôi tự huy động vốn để in và phát hành cuốn sách “nặng kí”... Ông nhất trí sẽ kí thỏa thuận liên kết theo phương thức nhà xuất bản cấp Quyết định xuất bản và thu quản lí phí. Ông không quên nói chúng tôi có yêu cầu gì, xin thẳng thắn đưa ra! Thấy tâm trạng thoải mái của ông, tôi nói, chỉ đề nghị Giám đốc, Tổng Biên tập chỉ định 1, 2 biên tập viên “gà nòi” trực tiếp đứng tên biên tập, không chuyển bản thảo về ban biên tập. Như vậy sẽ rút ngắn được thời gian bản thảo chờ ở nhà xuất bản và thuận tiện khi cần trao đổi ý kiến! Ông nhất trí với “đề xuất” khác lạ của chúng tôi. Tôi nghĩ, gặp được và thoải mái trao đổi với một sếp ở một nhà xuất bản lớn như ông, rõ ra là ông có niềm tin vào những người làm sách mặc áo lính chúng tôi. Kỷ niệm này theo tôi suốt những năm sau này! Tôi còn được nghe anh Nguyễn Đức Tài, biên tập viên cuốn sách kể lại, trong thời gian biên tập cuốn sách, ông nhắc, dặn dò, làm sao để những trích dẫn các Văn kiện của Đảng, Nhà nước có trong bản thảo đạt độ chính xác cao nhất. Và thật may mắn, chỉ sau hai tháng chuyển sang nhà xuất bản, bản thảo “Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân” với độ dày hơn 2000 trang, khổ 19x27 cm đã được duyệt và kí in! Khi sách in ra, ông Trịnh Thúc Huỳnh, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản kể lại, ông đã trực tiếp mang sách lên tặng Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí Trưởng Ban Đảng, sau khi coi sách đã nói với ông: Tôi xin chúc mừng các đồng chí và mong Nhà xuất bản có thêm nhiều cuốn sách như thế hơn nữa… Kể lại câu chuyện trên, ông Giám đốc, Tổng Biên tập vẫn như chưa hết xúc động…

… Cho tới hôm nay, khi chúng tôi chuẩn bị bổ sung cho lần tái bản cuốn sách để đời trong đời quân ngũ: “Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân”, với phiên bản tên mới: “Tri thức bách khoa quốc phòng toàn dân”, mà trong suy nghĩ của tôi, nếu không có những ngày theo học ở Học viện Chính trị Quân sự, được trang bị những kiến thức cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, được sự “chỉ giáo” của những “quân sư” đỉnh như Cố Giáo sư, Thượng tướng, AHLLVTND Hoàng Minh Thảo (người viết Lời tựa cuốn sách), Trung tướng Đoàn Chương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng (người đọc giám định tập sách), cùng các tác giả trong nhóm biên soạn bộ sách như Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Phát, Khoa Chính trị, Học viện Chính trị - Quân sự (sau là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Học viện), Cố Đại tá, Tiến sĩ Phạm Huy Dương (Chủ nhiệm Khoa Đào tạo, Học viện Quốc phòng - đã mất); Nhà Vật lí lí thuyết, Dịch giả Phạm Văn Thiều (Trung tá, nguyên giáo viên Khoa cơ bản, Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, sau đổi tên là Học viện Kỹ thuật Quân sự, người thẩm định nội dung của Phần Lịch sử Kỹ thuật Quân sự - Vũ khí, trang bị Quân sự), Nhà văn, Thượng úy Nguyễn Bình Phương (sau là Đại tá, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) - Biên tập ngôn ngữ tập sách cùng các giáo viên ở hai học viện (Học viện Chính trị - Quân sự và Học viện Quốc phòng) thông tuệ, tận tình, trách nhiệm, chúng tôi chắc không dám nghĩ tới việc tổ chức biên soạn, và chắc tôi cũng không đủ tự tin đứng chủ biên cuốn sách này trên tư cách một học viên tại chức vừa qua khóa đào tạo ngắn ngày… tại Học viện lớn của Quân đội. Bài viết xin tạm dừng ở đây, chúng tôi sẽ xin được kể tiếp chặng đường sau của hành trình cuốn sách khi rời “bệ phóng” là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật đến với với bạn đọc trong và ngoài nước…