Vanvn- Đoàn Tử Huyến từ một cán bộ giảng dạy ở trường đại học về nhận công tác tại Nhà xuất bản Lao động với chức trách khiêm tốn là biên tập viên dịch thuật nằm trong cơ cấu của Phòng sách Văn học. Lúc này, biên tập viên của phòng này có nhà văn – dịch giả Nguyễn Xuân Du, trưởng phòng, nhà văn Trần Dũng, nhà thơ Quang Khải, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu và tôi. Nay có thêm Đoàn Tử Huyến.
Một vóc hình mảnh khảnh, thanh nhã. Một cặp mắt hiền hiền thâm trầm. Một mái tóc rậm xõa bay lãng tử. Một say mê tận tụy với công việc. Một sức làm việc bền bỉ. Một khát vọng âm thầm và một xung lực cảm hóa tràn trề. Một tầm nhìn văn hóa sâu rộng. Đó là Đoàn Tử Huyến.
Nhà văn – dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Đây là thời kỳ hoàng kim của Nhà xuất bản Lao động với cả loạt tác phẩm được in ấn phát hành tới đông đảo bạn đọc, gây tiếng vang lớn ra ngoài xã hội, trong giới văn chương. Trong đó nổi bật đáng kể là những tác phẩm dịch thuật với sự đóng góp không nhỏ của Đoàn Tử Huyến, trong vai trò là dịch giả và tổ chức bản thảo. Một số lớn tác phẩm tiêu biểu của văn học nước ngoài được ra đời ở thời kỳ này. Chẳng hạn, của Dino Buzzati, của Stefan Weight, của Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, của M.Afanasievich Bulgakov…
Giai thoại bạn bè kể lại rằng, chính đích thân Huyến đã rắp tâm dồn sức để dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Bulgakov “Nghệ nhân và Margarita” đúng lúc anh mắc một căn bệnh hiểm. Và may mắn thay, ơn Trời, vào lúc công việc dịch thuật vô cùng nặng nhọc trong đau đớn của bệnh tật được hoàn thành thì anh thoát hiểm.
“Trời đã cho Nhà xuất bản Lao động chúng ta một Đoàn Tử Huyến!”. Tôi nhớ đó là một câu nói bột phát của nhà văn Trần Dũng trong một buổi chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau trong một chuyến đi nghỉ ở Đồ Sơn. Thú vị thật, một cá nhân nhỏ nhoi thôi, nhưng vẫn có thể có khả năng nâng tầm vị thế của một tổ chức!
Tôi và Đoàn Tử Huyến tự nhiên nhi nhiên như có duyên thầm bạn bè với nhau. Số là năm 1995, tôi được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa V và tiếp đó là khóa VI. Rời Nhà xuất bản Lao động tôi về nhận công tác ở Hội Nhà văn. Ở cương vị mới này, tôi được Ban Chấp hành Hội, phân công làm Trưởng ban Sáng tác và ít lâu sau là Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài.
Thực ra thì việc in ấn phổ biến các tác phẩm xuất sắc của thế giới đã có từ trước, nhưng còn rất đơn sơ, với bản đánh máy, rồi mang các tác phẩm văn học nước ngoài photo phát hành trong nội bộ hội viện của Hội. Lúc này, một Tạp chí có quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu mở rộng tầm hiểu biết và thưởng thức văn chương thế giới cho nhà văn và bạn đọc đã chín muồi nên nhất thiết phải được ra đời. Và tôi cùng Ban Chấp hành, đặc biệt là Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, trong tình hình ấy, nhớ ngay tới và lập tức mời Đoàn Tử Huyến về phụ trách tờ Tạp chí này với danh nghĩa là Phó tổng biên tập.
Vui vẻ nhận lời, tôi có cảm giác Đoàn Tử Huyết rất yêu nhiệm vụ mới vậy, Huyến bắt ngay vào công việc. Một kế hoạch như đã được nung nấu từ lâu, với sự giúp sức của bạn bè đã được Huyến lập tức phác thảo và thực thi. Tức tốc, họa sĩ Văn Sáng đã thiết kế xong bìa Tạp chí với một hàng chữ danh xưng chân phương trên nền bìa trắng tinh khôi, đẹp trang nhã và sang trọng.
Số 1, số đầu tiên được chuẩn bị trong hồi hộp chen lẫn không ít lo âu. Lo âu và phân vân vì với việc in tiểu thuyết “Sự bất tử”, đây là lần đầu tiên bạn đọc và nhà văn nước ta được biết đến tác phẩm của Milan Kundera bằng tiếng Việt. M. Kundera, nhà văn Tiệp Khắc mang quốc tịch Pháp, một tác giả đang nổi tiếng với nhiều sáng tạo và quan niệm nghệ thuật còn mới mẻ ít nhiều ngỡ ngàng với bạn đọc và chính giới văn chương. Chính là Huyến đã có công lớn trong tinh thần và cả tình yêu, sự quyết tâm ở việc này, cùng với sự góp sức của nhà văn dịch giả tài năng Phạm Xuân Nguyên.
Cái khởi đầu bao giờ cũng là khó khăn và đầy thử thách. Nó như phát súng mở màn của một trận đánh. Với không ít mặc cảm lo âu bối hồi. May thay, mọi dị nghị băn khoăn đã được giải tỏa. Mọi người cùng thở phào. Số 1 Tạp chí Văn học nước ngoài gây tiếng vang tốt đẹp. Đầu đi đuôi lọt. Có cảm tưởng, Tạp chí từ đây đã tạo được cảm hứng để thực hiện trách nhiệm với một ý nghĩa tốt đẹp nào đó trong công việc của mình.
Viết đến đây, tôi thấy cần nói thêm một điều tôi cho là quan trọng. Bây giờ đây, Tạp chí Văn học nước ngoài đã thôi không xuất bản nữa. Nó đã làm xong nhiệm vụ của nó rồi thì phải. Lác đác đây đó trong dư luận, nhớ về nó, một số bạn đọc nhà văn thường có tâm sự tiếc nuối và ca ngợi công sức của những người làm ra nó, trong đó có nhắc tí chút đến tôi. Về điều này tôi xin nói ngay. Trên thực tế, nói cho công bằng, công lao và vinh dự này về cơ bản và chủ yếu thuộc về nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến, chứ không phải ai khác! Đoàn Tử Huyến, kiến trúc sư tài ba của Tạp chí!
Đó là những tháng ngày đằng đẵng Huyến gần như dốc toàn tâm toàn ý, tận tâm tận lực, say sưa hết mình để có các số Tạp chí Văn học nước ngoài thật sự bổ ích lần lượt ra đời, một món ăn tinh thần luôn chờ đợi của bạn đọc và nhà văn. Giấy trắng mực đen còn đây. Hàng trăm tác phẩm tinh hoa của văn học văn hóa thế giới, từ “Văn Tâm điêu long”, một văn bản cổ xưa của văn hóa Trung Hoa tới lý luận về tiểu thuyết hiện đại của Ortéga Y Gasset, thơ Allen Ginsberg… đã được chuyển ngữ một cách tin cậy mang giá trị lâu dài và được ra đời trong sự săn sóc đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Đoàn Tử Huyến. Giá mà có được một nghiên cứu nho nhỏ về tác dụng của Tạp chí với công việc cụ thể của nhà văn, thì chắc cũng sẽ là một tư liệu không đến nỗi nhạt nhẽo. Vì chính tôi, tôi cũng tự nhận rằng mình nhiều lúc đã như là một tín đồ mê mải của M. Kundera và Ortéga Y Gasset…
Rất mừng là nền nếp và tinh thần làm việc cũng như thành quả công sức của Huyến sau khi Huyến thôi làm việc ở đây đã được tiếp tục thật mỹ mãn với bộ máy lãnh đạo mới, trong đó chủ yếu là nhà văn dịch giả Thái Hà và nhà thơ Xuân Tùng, 2 Phó tổng biên tập của Tạp chí.
Tôi và Đoàn Tử Huyến tâm đầu ý hợp trong công việc. Chúng tôi biết tôn trọng và thực sự quý mến nhau. Suốt 10 năm tôi công tác ở Hội và ở Tạp chí là thế. Trục trặc cũng có đôi khi, nhưng rồi cũng được nhanh chóng cởi bỏ. Nhớ nhất là một lần chúng tôi có chỗ khác nhau chút ít là việc nho nhỏ này. Lúc này đã là đầu thế kỷ XXI. Tình hình kinh tế- xã hội đã có nhiều thay đổi. Việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đã phát triển và phổ biến hơn bao giờ hết. Tivi, báo viết, báo nói, sách vở… có khoảng trống nào là lập tức được lấp đầy băng rôn quảng cáo ngay.
Trong tình hình Tạp chí Văn học Nước ngoài vốn kén người đọc, khó khăn về cân bằng thu chi, anh em đã nghĩ đến việc tận dụng bìa sau của Tạp chí làm việc này để có thêm tí chút thu nhập. Đoàn Tử Huyến kiên quyết phản đối. Một mực kiên trì, không chấp nhận đến mức cực đoan cố chấp. Bìa sau của Tạp chí suốt mấy năm ròng lúc nào cũng trắng bong. Giống như một biểu tượng của một dòng chảy văn học văn hóa hoàn toàn thuần khiết, trong veo và cô độc trước mọi cám dỗ của lợi lộc vật chất.
***
Năm 2005, tôi nghỉ việc ở Hội và Tạp chí. Huyến thôi không làm ở Tạp chí nữa. Chúng tôi không còn dịp gặp nhau. Nhưng tôi thì không lúc nào nguôi nhớ Huyến, nhất là từ lúc anh rời bỏ cõi tạm đi về miền mây trắng cách đây đã 5 năm… Đoàn Tử Huyến, dịch giả và nhà kiến tạo tài năng. Đoàn Tử Huyến, một tình yêu văn chương thuần khiết, sang trọng đến mức đắm đuối. Văn chương, một suối nguồn trong xanh không một gợn bụi bặm chốn trần ai.
Nguồn vanvn