Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ LÊ CẢNH NHẠC

Lê Bá Thự
Thứ ba ngày 17 tháng 12 năm 2024 10:52 AM

(Đọc “Đi về phía mặt trời” của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc)

Lê Bá Thự

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc sinh ngày 15/ 8 /1957. Quê Vũ Quang, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Đại học tại Liên xô (cũ); Tiến sĩ Giáo dục học; Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số. Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ tháng 1/1996), Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội.

“Đi về phía mặt trời” là tập thơ vừa trình làng của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, gồm hai phần - phần 1: Dặm đời và phần 2: Hồn Việt. Nhan đề của tập thơ lấy từ tiêu đề của một bài thơ trong tập thơ này, bài Đi về phía mặt trời. Tác giả quả là sâu sắc và tinh tường khi chọn tiêu đề giàu tính biểu tượng, biểu đạt hàm súc nội hàm của “Dặm đời” và “Hồn Việt”. Đây là bài thơ viết về dòng sông Đak Bla, chảy qua thành phố Kon Tum, dòng sông chở nặng phù sa, bao đời nay nuôi sống người Bana, Jrai và Xơ Đăng - những dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt con sông Đak Bla không chảy từ Tây sang Đông như bao dòng sông khác trên đất Việt, mà ngược lại, chảy về hướng Tây, về phía mặt trời. Cho nên tác giả mới bảo rằng, dòng sông này chẳng bao giờ tắt nắng, là dòng sông hướng về khát vọng:

Chảy theo mặt trời từ Đông sang Tây

Như lòng dân luôn luôn hướng về nguồn sáng

Hướng về mặt trời, hướng về khát vọng

Đak Bla… Đak Bla chẳng tắt nắng bao giờ.

Đi về phía mặt trời là bài thơ hay viết về Tây Nguyên, bài thơ gây ấn tượng sâu sắc, khơi gợi cảm xúc thẩm mĩ và nhuần nhuyễn trong sử dụng phép tu từ. Đây là bài thơ biểu tượng của niềm tin và khát vọng của các dân tộc Tây Nguyên sinh sống dọc con sông độc đáo này.

Có thể nói, thơ của Lê Cảnh Nhạc là thơ của cảm thức thời gian, cảm thức con tim và cảm thức thân phận con người. Trong bài này tôi muốn đi sâu vào phân tích cảm thức thời gian trong thơ ông. Bởi thông qua những con chữ đắc địa được chọn lựa công phu, giàu trữ tình, đậm tính nhân văn nhà thơ đã trải lòng mình, đã thổ lộ những nỗi niềm sâu lắng của mình qua thời gian, qua những năm tháng ắp đầy kỉ niệm:

Thời gian như thác đổ

Cuồn cuộn về biển dêm

Ước gì sông ngừng chảy

Ngược dòng thời hoa niên

Trắng đen xô dạt tóc

Lịch buông như lá rơi

Ngày nào xuân biếc lộc

Bây giờ thu chơi vơi

Đông đã run trước ngõ

Nắng đã nhạt chân đồi

Thềm cao không tiếc nuối

Thắp chiều lên thắm trời

(Thời gian)

Và đây nữa:

Ta đếm tuổi ta bằng số bạn bè

Ta đếm cuộc đời bằng nụ cười thân thiết

Rồi tất cả chúng ta đều được ban cái chết

Bởi người thầy vĩ đại: Thời Gian

(Người thầy vĩ đại)

Thật đáng buồn cho thân phận con người khi thời gian không bao giờ quay trở lại, cho dù ta có tiếc nuối bao điều đã ra đi, cho dù ta có buồn phiền hay than vãn. Tuy nhiên thời gian không tước đi tất cả, và để phần nào an ủi con người thời gian đã ban tặng “ngày mai”:

Cảm tạ thời gian đã ban tặng ngày mai

Trao cho ta cơ hội thứ hai

Để làm lại những gì cần làm lại

Dẫu tiếc nuối bao điều đã ra đi mãi mãi

Mũi tên thời gian vút khỏi cung rồi

Day dứt trong ta tê buốt cuộc đời

Bởi không còn ngày mai những gì ta đã gặp.

(Còn và mất)

Đối với mỗi chúng ta, mũi tên thời gian đã vút khỏi cung rồi, cho nên thời gian cứ thẳng cánh mà bay đến miền vô tận. Tuy nhiên nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã phát hiện ra rằng, cũng có lúc thời gian dừng lại, đó là khi ta bấm máy, đây là khoảnh khắc diệu kỳ cho phép ta “đóng đinh” những kỉ niệm, những dấu ấn cuộc đời.

Thời gian trôi đi

Chỉ dừng lại ở phút giấy bấm máy

Đóng đinh khoảnh khắc diệu kỳ

Một cánh chim trời, một giọt sương mai

Gương mặt bé thơ, nụ cười toả nắng…

(Khoảnh khắc)

Tôi thích cụm từ “đóng đinh” trong bài thơ này, bởi nó giúp ta lưu giữ những khoảnh khắc diệu kì mà rồi ra chẳng bao giờ quay trở lại. Đóng đinh là sự khẳng định, “chắc như đinh đóng cột”, để cuộc đời ta vẫn còn đọng lại những dấu ấn của thời gian.

Xét cho cùng, ta chẳng thể trách cứ thời gian, bởi thời gian vận động theo quy luật của tạo hoá. Cho nên, là chuyện đương nhiên khi chẳng còn thời hoa lửa, khi tuổi xuân đã ở phía cuối trời. Nhà thơ buồn lòng khi ngày về hội lớp kẻ còn người mất. Qua rồi, thậm chí xưa rồi, thời áo trắng vô tư và trong sáng mà ta chẳng thể níu giữ. Sau những năm tháng bươn chải trên đường đời, sau những dặm đời được mất - một đời mưu sinh, một thời xa vắng, bây giờ đã đến lúc ta lại về với ta, ta phải về với ta, và ta lại về họp lớp khi tuổi xuân đã phía cuối trời:

… Bạn bè ơi đâu rồi thời hoa lửa

Ngoảnh lại tuổi xuân đã phía cuối trời

… Ký ức học trò tươi rói những tâm hồn

Đứa cháy lòng mình đứng trên bục giảng

Đưa lênh đênh sóng cả chốn quan trường

Đứa thiêu đốt lòng mình từng con chữ

Đứa thương trường biền biệt ly hương

Nhớ bạn bè khuất nẻo nghìn trùng

Còn ở chốn nao răng nỏ về họp lớp

… Một đời mưu sinh, một thời xa vắng

Khép lại rồi, quần tụ với nhau thôi.

(Bạn bè ơi)

Tôi cũng có bài thơ viết về thời gian, với những tâm tư, những nỗi niềm đồng điệu với những bài thơ ắp đầy cảm thức thời gian của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc:

Bao giờ cho đến ngày xưa

Để tôi với bạn vẫn chưa có gì

Để ta vẫn tuổi xuân thì

Mộng mơ mơ mộng những gì bụng mong

Hồn trong như suối nước trong

Yêu nhau hơn cả phải lòng lẫn nhau

Bây giờ tóc đã trắng màu

Thời gian liệu có bạc đầu như ta?

(Thời gian - Lê Bá Thự)

Có một đề tài đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ. Đó là đề tài Người Mẹ. Ta không thể đếm xuể ngàn vạn bài thơ và ca khúc viết về mẹ, tôn vinh, ngợi ca và tri ân người mẹ. Mẹ được ví với những gì cao quý, đẹp đẽ, dịu hiền, đáng yêu nhất trên cuộc đời này: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lua chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu. Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. Thương con thao thức bao đêm trường…”.

Là một nhà thơ giàu cảm xúc, Lê Cảnh Nhạc làm thơ về mẹ là lẽ đương nhiên. Nhà thơ ví mẹ là “ngọn gió Tín Phong”, ngọn gió Tín Phong thổi quanh năm, tức bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đây là cách ví von độc, lạ, làm tôi thích. Tín là tin tưởng, Phong là gió. Gió Tín Phong có nghĩa là gió “Tin Tưởng”. Cụm từ này nói lên tất cả. Gió Tín Phong còn gọi là gió Mậu Dịch. Ngày xưa, người Âu, người Trung Quốc đã lợi dụng các đợt gió mậu dịch để giong buồm buôn bán trên con đường tơ lụa trên biển. Với sự xuất hiện của những cơn gió này thì việc làm ăn buôn bán, giao thương của họ được thuận lợi. Chung cục ngọn gió Tín Phong là ngọn gió ban phước lành và theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông - chu kì thời gian lặp đi lặp lại, mẹ là ngọn gió Tín Phong, có nghĩa là, theo thời gian, Mẹ mãi mãi tồn tại trên thế giới này:

Mẹ bốn mùa là ngọn gió Tín Phong

Cho con giong buồm ra khơi vào lộng

Như làn heo may hoa về thụ phấn

Mẹ chắt chiu đơm trái chín thơm vườn


…Tình mẹ dạt dào ngọn gió mùa xuân

Vạn vật sinh sôi khởi nguồn sinh khí

Đi đến cuối trời chưa qua tà áo mẹ

Gói trăm ngàn ngọn gió phía Cực Đông.

(Gió và mẹ)

Người ta ví cuộc đời như là một đại lộ, nơi con người kinh qua nhiều trải nghiệm. Vật đổi sao dời theo thời gian, đường đời lúc thăng lúc trầm, lúc thăng ta gọi là “thịnh”, lúc trầm ta bảo là “suy”.

Theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, sống trên đời mỗi người chúng ta chỉ tựa hồ một hạt cát “nhỏ nhoi”. Nói dzậy, nhưng không phải dzậy, thực tế cho thấy, hạt cát này tuy nhỏ nhoi, bé tí teo, nhưng nó không “vi mô” mà “vĩ mô”, vĩ đại vô cùng. Cát hiện diện ở mọi nơi khắp chốn trên trái đất này, cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi, cứ ngỡ cát mong manh nhưng lồng lộng can trường:

Hạt cát nhỏ nhoi, mênh mông sa mạc

Thăm thẳm biển khơi, bát ngát đất trời

Cát trẻ trung, cát vĩnh hằng không tuổi

Cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi

Tận cùng đất, tận cùng trời hồn cát

Ngỡ mong manh mà lồng lộng can trường

Bụi của đá kết thành trùng điệp đá

Lầm lụi đơn sơ sống giữa vô thường

(Cát)

Và đây nữa, theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc:

Cuộc đời như hạt cát

Khi bay lên ngang trời

Khi rơi vào quên lãng

Khi lặng thầm chơi vơi


… Ta vẫn là hạt cát

Lăn lóc trong dòng đời…

(Ta chỉ là hạt cát)

Có thể nói, cát với con người tuy hai mà một, dù đi đâu về đâu, đối với chúng ta, theo thời gian, theo dòng đời, dù vui, buồn, dù sướng, khổ, rốt cuộc“thân cát bụi lại trở về cát bụi”. Và đó là cái kết công bằng theo quy luật thời gian dành cho mỗi con người.


LBT.