Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÀNH CHƯƠNG – NGUYỄN DUY: TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT

Lã Nguyên
Thứ hai ngày 26 tháng 2 năm 2024 9:49 AM



18.2, Nguyễn Duy nhắn: “Lão xếp lịch lên Thành Chương dự lễ kí hiệp ước, đề nghị Thành Chương hợp tác với Nguyễn Duy làm một “kiệt tác độc nhất vô nhị” ở xứ này nhé. Thành Chương vẽ tùy hứng, đẹp hết cỡ, Nguyễn Duy đề thơ hay hết mình, 49 tranh + 49 bài = tuyển tập “Xi En Eo”, bây giờ để chơi, con cháu sẽ in. Ráng trong một năm sẽ xong, 2025 mở rượu ăn mừng <…> Tôi muốn kéo cả nhóm Sử, Thúy dự cái lễ kí kết độc nhất vô nhị này”. Thế là sáng 22.2, Nguyễn Duy, Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy và tôi có cuộc tao ngộ với danh họa Thành Chương tai Việt phủ của ông. Với tôi, đây là cuộc hội ngộ kì thú. Thú, vì nhận ra, hai con người rất đỗi khác nhau, người này vẽ tranh, là nghệ sĩ của màu sắc đường nét, hình khối, Chúa tể ngự trị không gian, người kia là nhà thơ, nghệ sĩ ngôn từ, Tiểu hóa công thống lĩnh thời gian, ai cũng dựng cho mình “triều đình riêng một biên thùy”, vậy mà hóa ra họ lại giống nhau một cách kì lạ. Ấy là tôi nói về sự giống nhau ở con người nghệ sĩ, không bàn về con người tiểu sử của họ.

Vào những năm đánh Mĩ ác liệt, miến Bắc ta“31 triệu nhân dân/ Tất cả hành quân/ Tất cả thành chiến sĩ” (Tố Hữu, “Chào xuân 1967”). Nghệ sĩ cũng không phải là ngoại lệ. Thời ấy toàn dân “tay súng tay cầy”, “tay búa tay sung”, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, kể cả những người chỉ ngồi ở Hà Nội, sống yên ấm đuề huề với vợ con, ai cũng vào vai lính, nhân danh người chiến sĩ để hát, vẽ và viết. Thành Chương, Nguyên Duy không ngồi ở hậu phương để vẽ tranh, làm thơ. Họ đi lính, làm chiến sĩ, chiến đấu ở nơi mũi tên hòn đạn ác liệt. Nguyễn Duy kể, ông là lính thông tin, chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, đường Chín – Nam Lào, nặng vỏn vẹn 47 cân, nhưng lúc nào cũng mang vác trên người 37 kí. Vậy mà cứ thử ngắm tranh Thành Chương và đọc thơ Nguyễn Duy mà xem! Đằng sau mỗi bức tranh của Thành Chương, ta thấy hình tượng tác giả – người sáng tạo bao giờ cũng hiện lên trong tư thế duy nhất: tư thế nghệ sĩ. Ông là người hành động, người của đời sống thường nhật, nhưng khi sáng tạo, hình như ông chỉ đứng ở tư thế nghệ sĩ, hóa thân trọn vẹn vào tư thế ấy, dùng đường nét, hình khối để trò chuyện với công chúng nghệ thuật. Nguyễn Duy cũng vậy. Ông thường xem mình là “cỏ”, là “hạt bụi”, “hạt cát”, “giọt nước”, “chìm nổi với đám đông”, suốt đời làm thơ trong thân phận một “chúng sinh” và sớm ngộ ra: “Chỉ làm thơ anh mới được là mình
giữa trang thơ anh thành chính chủ”
(Nguyễn Duy, Nhà thơ).

Năm 1957, mới lên 8, sau lần đưa bức “Đôi gà tồ” dự triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế tại Luân Đôn và giành giải vàng, Thành Chương đã được xem là thần đồng hội hoa. Nguyễn Duy cũng sáng tác rất sớm, ngay từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Năm 1972, cùng Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mĩ Dạ, ông giành Giải nhất cuộc thi thơ của báo “Văn nghệ”. Đó là thời kì phát triển cực thịnh của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. “Cảm ơn Đảng cho ta dòng sữa”, “Cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng/ Mỗi bước đi gần nâng bước đi xa” (Tố Hữu, “Bài ca xuân 71”). Linh hồn của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa là tính đảng. Tính đảng đòi hỏi nghệ sĩ “Nghĩ trong những điều đảng nghĩ” (Lời Chế Lan Viên). Với ý nghĩa như thế, hội họa của Thành Chương và thơ Nguyễn Duy hòa vào mạch chung của nền văn nghệ thời đại mà vẫn chảy theo giòng riêng. “Còn thơ, còn dân/ Ta là dân, vậy thì ta tồn tại” (Nguyễn Duy, “Nhìn từ xa…. Tổ quốc”). Nguyễn Duy viết thế. Hội họa của Thành Chương cũng toát lên tinh thần ấy. Thơ Nguyễn Duy là “rượu của chúng sinh”: “Ta dù lếch thếch lôi thôi/ Mong thơ sinh hạ được đôi ba dòng <…> Cứ làm rượu của chúng sinh/ Cho ai nhắm nháp, cho mình say sưa” (Nguyễn Duy, “Bao cấp thơ”). Hội họa Thành Chương là đêm hội, là ánh trăng, trăng cốm, trăng non, trăng rằm náo nức sắc màu, là nụ hôn và sự ôm ấp của cái đẹp trinh nguyên giành cho con người. Cái làm nên linh hồn của nghệ thuật Thành Chương là tinh thần nhân loại và tính dân tộc. Minh triết và linh hồn dân tộc của người Việt không rong chơi nơi phố thị, mà cư ngụ ở làng. Tôi đang sợ rồi đây linh hồn dân tộc sẽ bơ vơ, không còn nơi cư ngụ, vì mấy chục năm nay, người Việt đang đô thị hóa toàn bộ lãnh thổ của mình bằng mọi giá. May mà dòng nghệ thuật lưu giữ linh hồn dân tộc vẫn không ngừng chẩy trôi trong sáng tác của những nghệ sĩ như Thành Chương, Nguyễn Duy. Thời chiên, nghệ sĩ của ta nhìn làng mạc, nhà cửa, đâu đâu cũng hóa mặt trận, thành chiến lũy, vũ khí. Nguyễn Duy nhìn chiến lũy hóa ra mái nhà, còn mặt trận thì vẫn là cái làng: “Chiến tranh như trận cháy làng/ Bà con ta trắng khan tang trên đầu” (Nguyễn Duy, “Về làng”), “Thương ai dỡ những mái nghèo/ dựng căn hầm vẫn dựng theo dáng nhà/ nhà dân che nắng mưa sa/ chắn che cái chết cũng là nhà dân” (Nguyễn Duy, “Hầm chữ A”). Tranh Thành Chương cũng vậy: các bức vẽ của ông, từ hình khối, đường nét, màu sắc, cho tới các motif chủ đề, dẫu không trực tiếp nói về làng, người xem vẫn nhận ra linh hồn của làng quê cổ truyền vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong một tiểu luận viết vào dịp Tết con Mèo năm ngoái, tôi có nhận xét thế này: Việt phủ Thành Chương là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, ngôn ngữ kiến trúc ở đây hoàn toàn thống nhất với ngôn ngữ hội họa của ông. Ông gọi đây là “PHỦ”, nhưng tôi thấy cổng vào phủ lại là cổng làng. Đó là một cái cổng độc đáo, tuy không giống với bất kì cái cổng nào mà ta đã biết, nhung ta vẫn nhận ra ra ngay hình ảnh quen thuộc của CỔNG LÀNG.

Vâng, từ Hà Nội lên Việt phủ, qua cổng làng, chúng tôi thực sự trở về LÀNG. Chúng tôi đi trên ĐƯỜNG LÀNG, nơi có bờ tre, hàng trúc, có bể cá, hồ sen, giếng cổ, lại có nhà Thủy đình diễn trò xiếc nước khi làng vào hội và ngồi thưởng trà dưới tán những cây bồ đề, cây đa cổ thụ.

Về làng là về NHÀ, về nơi thờ cúng Tổ tiên, về nơi sinh hoạt thường nhật. Trong Việt phủ có rất nhiều tòa nhà và ngôi nhà, mỗi ngôi, mỗi tòa, kể cả bài trí bên trong, đều theo kiểu cách riêng, không lặp lại bao giờ. Nơi đây có những ngôi nhà gỗ cửa bức bàn khang trang cổ kính, lại có có cả nhà tranh vách đất với đống rơm và vật dụng nhà nông như cầy, bừa, xay, chày cối giã gạo. Chủ nhà ở đây là Thành Chương, nên về Việt phủ ta còn được thăm khu lưu niệm cố nhà văn Kim Lân, thân phụ nhà danh hoa và chiêm ngưỡng khu bảo tàng tranh cự kì hoành tráng, mĩ lệ của ông.

Về làng còn là trở về một VÙNG VĂN HÓA TÂM LINH. Trong Việt phủ có đình chùa miếu mạo với rất nhiều tháp. Hầu như mỗi bước đi ở đây ta đều có thể chiêm bái tượng Phật; tượng các vị La Hán và các pho tượng Chàm, nổi bật nhất là biểu tượng Linga được đặt ở hai khu riêng biệt. Chiêm ngưỡng Việt phủ như một vùng văn hóa tâm linh, từ vô số những pho tượng, thế phong thủy của nó, cho tới những giếng cổ được xây theo kiểu “trời tròn đất vuông”, ta nhận ra tín ngưỡng dân gian và đằng sau tín ngưỡng là MINH TRIẾT của người Việt.

Việt phủ Thành Chương là quần thể kiến trúc đồ sộ, độc đáo, lưu giữ bộ sưu tập cổ vật khổng lồ thể hiện công sức lớn lao không thể kể hết và tình yêu dân tộc vô bờ bến của một CON NGƯỜI. Nhưng Việt phủ không phải là Bảo tàng trưng bày cổ vật, mà là một công trình nghệ thuật. Giá trị lớn là của nó là bằng tài năng của một nghệ sĩ, Thành Chương đã sử dụng kiến trúc và bộ sưu tập cổ vật đồ sộ như một hệ thống kí hiệu có chủ ý, làm thành ngôn ngữ riêng để tạo ra một VÙNG KHÍ QUYỂN LÀNG, nơi cư ngụ của linh hồn Việt và minh triết Việt.

Để khép lại những gì vừa viết, tôi xin nhấn mạnh điều này: Thành Chương và Nguyễn Duy có một điểm khác biệt cơ bản như thế này. Thơ Nguyễn Duy là phần cực nhọc, lam lũ nhất của làng quê và thập loại chúng sinh, nơi “Bà và mẹ hóa cánh cò cánh vach/ Ông và cha man mác kiếp trâu cày” (Nguyễn Duy, “Về đồng”). Nghệ thuật của Thành Chương lại là vùng bình yên, thư thái nhất của tâm hồn và trí não Việt. Đứng trong Việt phủ, da thịt và mọi giác quan của tôi đang cảm nhận thấm thía sự bình yên, thư thái ấy. Sự khác biệt ấy không loại trừ nhau, mà làm thành hai mặt tương phản của một thế thống nhất. Ông họa sĩ và ông thi sĩ thành bạn của nhau vì thế chăng?

Gần 40 năm nay, kể từ hồi “Đổi mới”, lớp văn nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa thuộc thế hệ Thành Chương và Nguyễn Duy gần như không còn ai sáng tác nữa, nếu có sáng tác thì họ cũng không thể tạo ra dấu ấn gì mới mẻ. “Đứng trong thập loại chúng sinh”, “Cứ chìm nổi với đám đông”, sống bằng tâm hồn Việt, Thành Chương và Nguyễn Duy càng già, ông này vẽ, ông kia viết càng khỏe. Cầu chúc hai nhà nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ vui xuân ấm áp đặng tạo thêm nhiều cái đẹp hơn nữa dâng hiến cho đời.

LN

(Đêm 22.2. 2024, Những ấn tượng tươi mới sau khi thăm Việt phủ)