Tại hội nghị ngày hôm nay với Chủ tịch nước, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng con số 350 ngàn tỷ để chấn hưng văn hóa là còn ít! Ông nói, đó là quan điểm của các nhà văn, trong đó có ông... Nhưng tôi cũng là một nhà văn, tôi hoàn toàn không đồng ý với ông Thiều. Tôi cho rằng 350 ngàn tỷ là một con số khổng lồ trong hoàn cảnh kinh tế xã hội của nước ta hiện nay. Và nữa, trong tình hình mà công cuộc "đốt lò", chống tham nhũng chưa thấy tia hy vọng
nào: càng đốt, càng chống...thì tham nhũng càng phát triển, vụ sau ăn tợn hơn vụ trước: con số 350 ngàn tỷ sẽ lập tức trở thành miếng mồi béo bở cho các "nhóm lợi ích" được nhanh chóng lập lên để xà xẻo, tư túi mà thôi, chứ "văn hóa", hầu như sẽ chẳng có được milimet nào tôn cao thêm lên từ cái núi tiền đó...
Văn hóa Việt Nam hiện nay đang tụt hậu, thậm chí có mặt còn suy đồi đi, hoàn toàn không theo kịp sự phát triển của kinh tế. Mà một đất nước muốn phát triển nhanh, vững chắc, lành mạnh phải phát triển đồng đều cả ba mặt: kinh tế- chính trị- văn hóa.
Văn hóa tụt hậu, suy đồi, câng phải chấn hưng là đúng rồi.
Nhưng bắt đầu từ đâu? Hình như những người có trách nhiệm đã đặt sai vấn đề khi cho rằng văn hóa tụt hậu, suy đồi là do thiếu tiền! Nên cần đổ một núi tiền 350 ngàn tỷ vào chấn hưng văn hóa!
Đó là một tư duy sai lầm nghiêm trọng.
Đúng là tiền- là vấn đề đầu tiên, bởi không có tiền sẽ không làm được gì, chỉ khua môi múa mép xuông! Nhưng đổ một núi tiền xuống cái "cơ thể văn hóa" đang suy đồi, tụt hậu, xuống cấp như hiện nay, chỉ cho ra những hậu quả bi thảm hơn mà thôi! Vấn đề là phải có một "cơ thể văn hóa mới" đủ lành mạnh để hấp thu số tiền kia, mới cho ra những sản phẩm văn hóa đúng nghĩa nâng tầm cho văn hóa chung của nước Việt.
Nên tôi cho rằng để chấn hưng văn hóa hiện nay, việc đầu tiên làm không phải là bơm tiền! Việc đầu tiên là cải cách triệt để các cơ chế chính sách quản lý văn hóa đã quá lạc hậu, không theo kịp với thời đại hiện nay. Những việc cần làm ngay là:
1,Cho phép tự do báo chí. Nhà nước chấm dứt việc bao cấp, hỗ trợ, can thiệp vào hoạt động báo chí dưới mọi hình thức. Nhà nước chỉ quản lý báo chí theo luật.
2,Chấm dứt độc quyền xuất bản, bãi bỏ kiểm duyệt, cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản. Nhà nước cũng chỉ quản lý xuất bản theo luật xuất bản.
3, Tôn trọng tuyệt đối quyền tự do sáng tạo và công bố tác phẩm của các văn nghệ sĩ ở mọi loại hình văn học nghệ thuật. Nhà nước chỉ thực hiện "hậu kiểm" và xử lý các tác giả văn nghệ sĩ vi phạm các "vạch đỏ" như: xâm phạm an ninh quốc gia, bán nước, kêu gọi bạo lực lật đổ, cổ vũ tội ác chống lại con người.
Tóm lại, việc cần làm đầu tiên là thay đổi cơ chế chính sách về quản lý văn hóa hiện nay, chứ không phải là "bơm tiền"!
Bởi thế dù rất tôn trọng ông Nguyễn Quang Thiều, tôi vẫn xin nhắc lại lần nữa, nhân danh một nhà văn: tôi không đồng tình với ý kiến ông Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam mà báo Tuổi Trẻ đã dẫn!