Trang chủ » Tin văn và...

LÊNH BÁT CỦA TÒA HÌNH SỰ QUỐC TẾ ÍT TÁC ĐỘNG TỚI ÔNG PUTIN

https://vnexpress.net
Chủ nhật ngày 19 tháng 3 năm 2023 8:49 AM

TNc: Dù có ít tác động, nhưng tuyên bố này là lương tri của những người yêu hòa bình

Giới chuyên gia nhận định lệnh bắt của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) với Tổng thống Putin chủ yếu mang tính biểu tượng, gần như không có tác động thực tiễn.

ICC, trụ sở ở The Hague, Hà Lan, ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Theo ICC, Tổng thống Putin "chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi", cũng như "không kiểm soát hoặc cho phép các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền làm điều này".

Theo Rebecca Hamilton, phó giáo sư tại Trường Luật Washington, Đại học American, việc phát lệnh bắt với Tổng thống Nga là "bước đi táo bạo" và mang một số ý nghĩa nhất định của ICC, bởi đây là cơ quan quốc tế duy nhất có khả năng thực hiện động thái pháp lý nhắm tới lãnh đạo Nga.

Quyết định được đưa ra sau cuộc điều tra của ICC về cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người liên quan đến chiến sự Ukraine, điều mà Moskva nhiều lần phủ nhận.

Đây không phải lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại vị, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm thủ đô Minsk, Belarus, hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm thủ đô Minsk, Belarus, hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, lệnh bắt của ICC đối với ông chủ Điện Kremlin chủ yếu mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine. Quyết định này có tác động thực tiễn rất hạn chế, bởi Nga không phải bên tham gia ICC và nước này cũng không công nhận thẩm quyền của ICC.

"Nga không phải bên tham gia Quy chế Rome về ICC và không có nghĩa vụ nào liên quan. Nga không hợp tác với ICC, các lệnh bắt do cơ quan này đưa ra vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị đối với chúng tôi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu sau khi lệnh bắt được công bố.

Từ góc độ pháp lý, tất cả 123 thành viên ICC đều có nghĩa vụ thi hành phán quyết do các thẩm phán đưa ra. Những thành viên này gồm phần lớn các nước châu Âu, một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nhưng không bao gồm Trung Quốc và Mỹ.

Theo lý thuyết, nếu Tổng thống Putin đến lãnh thổ của những quốc gia thành viên ICC, họ sẽ phải bắt ông và giao ông cho ICC. Nhưng trên thực tế, không phải mọi quốc gia đều tuân thủ phán quyết của tòa.

ICC hồi tháng 3/2009 ra quyết định truy tố Omar al-Bashir, tổng thống Sudan, với cáo buộc chỉ đạo chiến dịch giết người hàng loạt, tấn công dân thường ở Darfur. Nhưng sau đó, al-Bashir, người nắm quyền từ năm 1989 đến 2019, vẫn đến thăm một số quốc gia thành viên ICC nhưng không bị giới chức bất kỳ nước nào bắt theo lệnh của tòa án này.

ICC, cơ quan được thành lập năm 2002 theo Quy chế Rome về Tòa Hình sự Quốc tế, không có lực lượng cảnh sát hay bất cứ công cụ riêng nào để thi hành lệnh bắt của mình. Cơ quan này cũng không được quyền xét xử vắng mặt.

Ngay cả khi một quốc gia thành viên bắt và giao nộp người bị cáo buộc, ICC cũng rất khó kết tội các quan chức cấp cao nhất. Trong hơn 20 năm qua, ICC chỉ đưa ra 5 bản án cho các tội nghiêm trọng, trong đó không có bản án nào dành cho quan chức cấp cao các nước.

"Lệnh bắt về mặt lý thuyết đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình đưa người bị cáo buộc ra trước tòa, nhưng trong điều kiện hiện tại, việc bắt và buộc tội Tổng thống Nga gần như là điều không tưởng", theo các bình luận viên của Al Jazeera.

Theo Sergei Markov, cựu cố vấn của Tổng thống Putin, lệnh bắt do ICC ban hành hoàn toàn không có hiệu lực thực tế bởi ông chủ Điện Kremlin sẽ "không đến các quốc gia thù địch".

Nga vẫn là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và việc bắt lãnh đạo nước này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bất kỳ quốc gia nào thực hiện động thái đó, bình luận viên Tara Law từ tạp chí Time bình luận.

Dù vậy, lệnh này vẫn có thể khiến Tổng thống Putin gặp một số khó khăn khi ra nước ngoài, đặc biệt là tới các quốc gia công nhận thẩm quyền của ICC.

Mặt khác, lệnh bắt từ ICC được cho là sẽ gây ảnh hưởng tới hình ảnh của ông Putin, trong bối cảnh lãnh đạo Nga đang chịu sức ép cô lập ngày càng lớn từ phương Tây vì chiến dịch ở Ukraine.

Patrick Keenan, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Luật Illinois, lưu ý quyết định từ ICC còn giúp tăng ủng hộ của phương Tây với Ukraine, đồng thời thúc đẩy các nước gửi nhiều viện trợ hơn cho Kiev. Về lâu dài, nó thậm chí có thể thúc đẩy nỗ lực xây dựng một NATO mạnh mẽ hơn.

Robert Goldman, giáo sư luật tại Đại học Mỹ, đánh giá cáo buộc mà ICC đưa ra đối với Tổng thống Nga là "nghiêm trọng", nhưng ông cũng bày tỏ quan ngại việc theo đuổi hành động pháp lý đối với ông Putin ở thời điểm hiện tại có thể làm phức tạp thêm tiến trình hướng tới thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh lệnh bắt của ICC là "thái quá và không thể chấp nhận". "ICC đang đưa mình vào con đường tự hủy diệt", thượng nghị sĩ Andrey Klishas, thành viên đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, tuyên bố.