Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÓI LẠI VỤ LINH NGHIỆM VỚI TRẦN HUY QUANG

Trần Thị Thắng
Thứ bẩy ngày 11 tháng 6 năm 2022 8:12 AM


TNc: Sau khi trang nhà đưa bài Tản mạn văn chương ít ngày, chủ trang nhận được bài viết của nhà thơ Trần Thị Thắng. Chúng tôi đưa lên để có cái nhìn nhiều chiều

Thưa anh Trần Huy Quang

Vừa qua tôi có đọc bài anh viết Tản mạn văn chương về Linh nghiệm của anh trên báo Văn nghệ số 27 ra ngày 4-7-1992. Số báo chào mừng Hội nhà văn Việt Nam tròn 35 tuổi. Báo được đưa vào túi quà tạng 500 đại biểu trong đó có bí thư Đỗ Mười đến dự. Buổi kỷ niệm vào sáng thứ tư, chiều thứ tư tôi đã được một người thân ở viện Hồ Chí Minh báo đã có công văn sáng thứ năm gửi Ban bí thư, Ban tư tưởng và nhiều ban nghành của chính phủ, đảng về bài viết Linh nghiệm nói ám chỉ về bác Hồ và ảo tưởng không thật về đường lối cách mạng…. Văn bản được viện trưởng viện Hồ Chí Minh gửi do đồng chí Trần Thành viện trưởng ký và đóng dấu. Điều này tôi phải báo cáo ngay vói anh Hữu Thỉnh để biết mà xử lý. Anh Trần Huy Quang viết trong Tản mạn văn chương về Linh nghiệm in ra và anh gặp những khó khăn gì? Đó là một góc nhìn, còn thưa với anh Trần Huy Quang, anh em ở báo văn nghệ khi Linh nghiệm in ra, trên dưới xôn xao, chưa bao giờ anh em trong báo đoàn kết, chung lưng đấu cật để làm tình hình dịu đi ngay khi truyện LN ra đúng vào lễ của Hội Nhà văn. Và cũng chưa bao giờ anh Quang được anh em bóa Văn nghệ bao bọc, che chắn, lo lắng cho anh như thế. Báo văn nghệ nhiều phen lên bờ xuống ruộng, có lúc anh em khảng tảng, xong lại đoàn kết vượt qua những tai nạn nghề nghiệp để cùng nhau đưa tờ báo đi lên. Anh Thỉnh có thể anh Quang chưa bằng lòng, nhưng cách ứng xử của anh Thỉnh tìm mọi nút rối gỡ ra là gỡ cho báo, cho anh Quang, cho anh Thỉnh. Tôi có sang gặp thống đốc ngân hàng Cao Sĩ Khiêm, chúng tôi quen anh từ thuở anh làm bí thư Thái Thụy Thái Bình, sau làm bí thư tỉnh TB và sau cùng là Thống đốc ngân hàng Việt Nam. Anh cười và đọc rất kỹ truyện Linh nghiệm và nói ngay: Chuyện dở, áp đặt, anh đọc và trao đổi với Cụ: tay này viết truyện này xoàng lắm nên cũng chết yểu thôi. Anh em tôi lại nói bao chuyện vui khác, với tôi cuộc gặp hôm nay tôi không phải nói ra, những thành công viên mãn. Hôm sau lên gặp bác Đỗ Mười, điều đầu tiên bác nhắc nhở báo Văn nghệ: Hãy bảo tay Quang bảo trọng, đừng ngồi quán xá nhiều, gặp những tay cực đoan nó xô vào đánh có khi trọng thương thì khốn khổ. Tôi không hình dung một người lo trăm công nghìn việc lại để tâm tới tính mạng một tác giả vừa in một truyện không được lòng nhiều người vậy. Và tôi không nói gì nhiều và xin phép ra về với lời cảm ơn sâu sắc. tôi trở về nói chuyện lại với anh Hữu Thỉnh, anh Thỉnh cũng thở phào nhẹ đi một phần vì cả tôi và anh Thỉnh nghĩ bác Đỗ Mười sẽ mắng báo một trận, ai ngờ bác lại dịu giọng dặn giò rất chân thành. Ngày 16-7-1992, họp tòa soạn, cũng có vài ba ý kiến lo lắng, dăn dạy, đó là lẽ thường tình, vì tình hình báo Văn nghệ căng như dây đàn, mà anh em nói vậy tôi cho là rất yêu mến anh Quang. Anh có ghi tên tôi trong cuộc họp, thưa anh tôi không phát biểu gì, mấy chục năm làm báo tôi không phát biểu, vì tôi nghĩ làm gì cho báo thì làm, nói nhiều chỉ mất thì giờ. Anh Thỉnh vẫn không yên tâm, tôi lên găp anh Tố Hữu, vì bết rằng có chuyện gì về văn nghệ, nhiều cấp lãnh đạo vẫn hay hỏi ý kiến anh Lành. Khi tôi lên, anh Tố Hữu, biết tôi sẽ nói chuyện gì, một lúc sau anh nói như bác Mười: Về nói Quang phải bảo trọng, đừng để những kẻ vô thưởng vô phạt lúc này tung hô lên mây xanh, sẽ lại gặp kẻ cơ hội xô vào đánh thì chuyện càng to. Cái yếu kém của Truyện này là tác giả đặt giả định, và cái không cao tay ở đây là những người theo…là những người dân nông nổi, không phải trí thức, thày giáo, nên truyện này sẽ tự tàn… Tôi về nói lại với anh Quang lời anh Tố Hữu dặn nên bảo trọng

Vậy là hai nhà lãnh đạo có chung quan điểm giữ người viết, không để kẻ manh động cuồng tay động đến tác giả. Ở đây cái mác nhà văn còn được quan tâm, lo lắng, đó là điều hạnh phúc cho nhà văn ở những năm 1992

16-7-1992 họp chi bộ báo Văn nghệ có 14 người đến đông đủ. Anh Ngô Ngọc Bội đứng lên phát biểu: Truyện này xoàng lắm, chẳng có lớp có lang gì, áp đặt, còn tôi đây, còn các anh, truyện này người ta quên đi ngay. Còn nó là một truyện hay thì chúng ta đáng lo lắng vì còn mãi với người đọc. Bao năm tôi làm báo, làm phần văn xuôi, nếu truyện ngắn không hay thì cái tên truyện họ cũng quên ngay, nói gì đến tác giả . Nhưng trong chi bộ cũng phải thừa nhận không nên để lọt lưới truyện Linh nghiệm của Trần Huy Quang

Ngay sau đó tôi có được anh Vũ Binh Minh thông báo chính anh Quang đưa anh đọc để xếp truyện đọc trên đài Hà Nội, anh loại bỏ ngay. Nên chuyện này Thỉnh nó khổ, Quang cũng khổ, nhưng nó là thứ hai, thằng đứng đầu dơ đầu chịu báng

Điều này tôi không nói với anh Thỉnh một câu nào, vì chuyện đã xẩy ra rồi, và sống ở trên đời, chuyện gì qua, ta cho vào két sắt khóa lại. Anh Quang có nói về Đăng Bẩy không vui lắm. Xin thưa từ anh Bảy, anh Trực, anh Võ Thanh An, ai cũng lo cho anh. Anh Quang nhà gần đi bộ là đến cơ quan, xong việc là cắp ô về, anh ít quan tâm tới mọi người. Còn cả cơ quan quan tâm đến anh, không như anh nói trong Tản manh văn chương gần đây “Chốn này là những hang hùm…”:. Anh nhắc tới kỷ niệm QK Pháp, anh Bảy và tôi, anh Trương Vĩnh Tuấn lo làm báo in hai trang văn học Pháp để bán đươc cho đại sứ Quán Pháp làm quà cho đại biểu, ta thu về 1000USD, rất quan trọng khi kinh tế anh em cơ quan hẻo. Hay làm phụ trương do anh Trực. Quốc, Chương và Trương Vĩnh Tuấn làm là thêm kinh tế cho anh em. Anh đừng thấy vài trang khổ nhỏ mà thấy tờ báo con mà không vui. Sau này anh Đăng Bảy chịu trách nhiệm tờ Miền núi đó là công sức của BBT và Đăng Bảy gồng gánh bao năm, nó cũng có thêm tiền cho cơ quan chi tiêu khi kinh phí tờ chính luôn tằn tiện. Cơ quan ta còn mua gà công nghiệp, trứng, lợn cũng vì lương hẻo mà cải thiện thêm. Sau này anh em còn làm lịch bàn báo Văn nghệ, báo tết để cải thiện thêm cái tết, điều đó BBT rất cố gắng để tăng thu nhập cho anh em trong cơ quan

Tôi nghĩ rằng anh Trần Huy Quang của Vua lốp, Nước mắt đỏ luôn trong mắt anh em báo Văn nghệ. Anh vẫn được anh em báo văn nghệ yêu quý, đoàn kết để báo qua đoạn số 27 của năm 1992. Anh có bị treo bút một năm, anh Thỉnh có bị này nọ khi số báo để ra Linh nghiệm vào ngày kỷ niệm Hội Nhà văn lần thứ 35. Và khi có công văn của Viện Hồ Chí Minh gửi đi thì hầu như lãnh đạo để mắt để đọc Linh nghiệm. Nhưng tất cả qua đi, chúng tôi, riêng tôi vẫn luôn yêu quý anh, vì anh là lính viết về những người trên đường anh đi, trong trận đánh anh dự. Và bước vào đổi mới, anh có Vua lốp. Nhưng anh nên nhìn lại những người ở báo Văn nghệ từ hành chính đến nhà văn, biên tập viên, đều yêu quý anh, lo cho anh

Anh có nói nặng với tôi, anh không công bằng với Trần Thị Thắng luôn yêu quý anh. Nhiều đoàn thể, bạn đọc đến báo Văn nghệ bày tỏ ý kiến riêng về Linh nghiệm. Tôi là trưởng ban bạn đọc tiếp, không thể cái gì cũng đẩy lên anh Thỉnh, vậy phải hẹn lịch làm việc, và bớt áp lực cho BBT.Anh vốn là người không quan tâm tới cơ quan mấy, xong việc ở tổ văn là ra về. Trong khi đó BBT và chúng tôi từng số chạy đôn chạy đáo lấy quảng cáo, thêm thu nhập cho báo. Có năm báo tết Văn nghệ trẻ còn đọng 2000 số, chúng tôi phải gọi cho nhà máy giấy Bãi Bằng lấy cho. Sau tết Lương Ngọc An lên lấy tiền nói: Báo mình họ vẫn để trên tủ, cháu lấy tiền về rồi cũng ngại. Khi chúng tôi gọi điện lên thăm hỏi các anh ban giám đốc nói sau tết làm quà xuân cho anh em. Họ thương báo Văn nghệ mà lấy báo, vì họ yêu tờ Văn nghệ anh ạ. Đáng lẽ chuyện này chúng ta không nói rõ ra để làm gì? nhưng khi anh nói một vế, buộc tôi có những điều định bỏ trong két sắt, đành lôi ra một vài đoạn để chúng ta nói với nhau trong tình anh em, tình đồng nghiệp, tình chiến hữu, cuối cùng là để thông cảm và quý trọng nhau hơn

Cả anh và tôi cùng có một câu chung: cảm ơn những năm tháng còn ở báo Văn nghệ, chúng ta cũng lớn lên nhiều và sáng tác cũng nhiều điều được ngẫm nghĩ sâu lắng hơn

Kính anh