Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“NHÂN DÂN” VỐN ĐÃ LÀ… “ƯU TÚ”. VÀ, NHÀ VĂN THUỘC VỀ NHÂN DÂN

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi
Thứ năm ngày 2 tháng 6 năm 2022 10:03 AM



Văn đàn/dân mạng đang rôm rả bàn luận về đề nghị của các vị đại biểu Quốc hội việc xét danh hiệu nhà văn nhân dân/ưu tú. Đa phần ý kiến không đồng tình, với mấy lý do, nhà văn đích thực thì không cần đắp thêm một thứ mỹ tự danh hiệu gì, và e sẽ lại có những cuộc “chạy” danh hiệu rất xấu mặt cho nhà văn.vv…


Ý kiến của tôi: Cây bút sáng tác thơ, văn khi có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật, được dư luận bạn đọc xa gần yêu thích, mong đợi, ấy là lúc cây bút đó được bạn đọc/nhân dân tôn vinh danh hiệu cao quý Nhà văn, Nhà thơ. Sau đó nếu các cây bút có nguyện vọng gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam thì Hội làm thêm khâu thủ tục hành chính cho “danh chính ngôn thuận” là kết nạp hội viên. “Ấn” và “tín” vậy xem như đủ, nhà văn thuộc về nhân dân, thuộc về phe nước mắt, cùng đổ mồ hôi cùng sôi nước mắt với nhân dân rồi, không “ưu tú” thì còn ai ưu tú hơn. Hãy thử hình dung, nhà thơ Nguyễn Du viết “Long thành cầm giả ca” ca ngợi ca nương tên là Cầm: “Long thành có cô nàng mỹ lệ/ Tên họ chi ai hỏi ai hay/ Đàn cầm riêng có ngón hay/ Người trong thành quen gọi ngay cô Cầm”, với tài danh ấy, giả dụ cô Cầm đang đương thời thì chắc sẽ được phong nghệ sỹ ưu tú/nhân dân, và thử hình dung tiếp, nhà thơ Nguyễn Du cũng được phong danh hiệu “Nhà thơ Ưu tú Nguyễn Du” thì sao nhỉ? Hầy, chắc chắn khi xướng lên danh hiệu đó sẽ gây hiệu ứng như một cách hài tiếu, bỡn cợt nhà thơ. Bởi vậy, tôi đồng tình không nên đặt thêm danh hiệu, tước hiệu gì bên hai chữ giản dị mà cao quý Nhà Văn, Nhà Thơ.


Tuy vậy, dù muốn hay không thời nào cũng có thước đo cho “danh” và “thực” của thời đó. Đó là cách biểu lộ, ghi nhận tài năng, sự cống hiến của người nghệ sỹ, văn sỹ công dân, cũng là cách phản ánh nên gương mặt văn hóa phồn thịnh hay suy vi của thời đại đó. Cũng vì lý do này, có đề nghị kia chăng? Qủa vậy, tôi đề nghị: Nhà nước nên xác lập cấp độ thứ bậc nhà văn để có cơ chế đãi ngộ lương/thưởng, hay các ưu đãi đời sống/xã hội khác, dựa trên tài năng, cống hiến qua những sáng tác của nhà văn, nhà thơ, (các nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư nói chung), cho nền văn học nghệ thuật đất nước. Các nhà văn giầu tự tôn và dễ mặc cảm nên thường e ngại khi nói đến chuyện cơm áo, dù thực tế đời sống của nhà văn tự cổ chí kim đều dễ phải đối mặt với vấn nạn này. Văn đàn chẳng dậy câu than: “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu); Thi hào Nguyễn Du cũng từng kêu: “Văn chương đã ích gì cho tớ/ Cơm áo ngờ đâu phải lụy người”!


Cần thiết lập một cơ chế đãi ngộ đời sống cho các nhà văn có cống hiến cho nền văn học nghệ thuật đất nước tác phẩm xuất sắc. Thiết nghĩ, đó cũng là cách cư xử văn hóa và công bằng, chính đáng với nhà văn và tác phẩm.


1/6/2022

ĐTK