PUTIN VÀ ĐÁM SILOVIKI TRUNG THÀNH
Ai mật báo? Ai âm mưu bội phản? Ai dám lật đổ?
Ngày 4 Tháng Ba 2022, tức tám ngày sau khi quân Nga bắt đầu tấn công Ukraine, một mật báo viên viết: “Không ai tin cuộc chiến này sẽ xảy ra… Nay chúng tôi phải soạn các báo cáo sao cho trình bày một tình hình sáng sủa, chiến thắng, nếu không sẽ bị lên án là làm việc không tốt”. Người đưa tin bí mật ấy còn mô tả sự rạn nứt của quân đội Nga. “Chúng tôi đã mất liên lạc với những sư đoàn chủ lực của cuộc tấn công… Giả như sự kháng cự của Ukraine ở tầm lực thấp nhất thì các ông (quân Nga) cũng cần phải có 500,000 người, chưa nói đến hậu cần”. Viên sĩ quan FSB – người viết bản báo cáo mật – thú nhận: “Không có chọn lựa nào khác ngoài sự thất bại. Tôi ngủ rất ít, có thể vì quá mệt nhưng cũng có thể vì tôi có cảm giác mình đang sống trong một thế giới không thực”.
“Một thế giới không thực” là thế giới Putin thích được sống trong đó. Ngày 16 Tháng Ba, ngồi trên chiếc ghế bành bằng da màu trắng, xa trước mặt là một màn hình lớn dùng họp trực tuyến, ông ta nói, “Chiến dịch quân sự diễn biến thành công, đúng theo kế hoạch của chúng ta”. Có lẽ chưa bao giờ viên cựu đại tá KGB 69 tuổi này lại lạc lõng kinh khủng đến như thế, hoàn toàn không dự tính trước được chuyện các đoàn quân của mình sẽ bị sa lầy. Và cũng không nghĩ rằng có ngày sẽ bị phản bội bởi chính những người thân cận trong ngôi “nhà cũ” của mình.
GIẬN DỮ CÙNG CỰC
Bây giờ Putin đã vỡ mộng, trở về với thế giới thực. “Nay ông ta hiểu rằng mình đã sai,” chuyên gia về các vấn đề an ninh Andrei Soldatov nhận định: “Người của ông ta đã báo cáo những gì ông ta muốn nghe vì sợ ông ta nổi nóng khi biết tình hình rất xấu”. Lỗi là Ban chỉ huy 5 trong FSB. Họ đã thất bại hoàn toàn. Nhiệm vụ của ban này là cử điệp viên thâm nhập Ukraine, gây rối, kích động người dân nổi dậy chống chính quyền Kyiv và đón tiếp quân lính Nga.
Vì đâu thất bại? Tham nhũng là câu trả lời chính! “Kinh phí dành cho các điệp viên đã bị bòn rút vào túi riêng của những tay chỉ huy,” Vladimir Ossechkine viết trên trang blog của mình. “Putin tin rằng sẽ có nhiều cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia tại các thành phố lớn của Ukraine. Putin nhận báo cáo tươi hồng rằng khi binh lính Nga tiến vào sẽ được người dân Ukraine đón tiếp nồng hậu với hoa”.
Hỏi sao sếp điện Kremlin không nổi cơn thịnh nộ cho được. Viên chỉ huy Ban 5, Đại tướng Sergeï Besseda và viên phụ tá đã bị bắt quản thúc tại gia. Sau bốn tuần nổ súng tấn công Ukraine, Putin không thể ngờ rằng các quan chức chỉ huy cỗ máy an ninh của mình – quen gọi là những siloviki (từ được dùng chỉ đám tay chân thân tín xuất thân từ an ninh và trung thành tuyệt đối với Putin) lại bộc lộ nhiều yếu kém đến thế. Điều Putin đang lo lắng là khả năng ông bị lật ghế.
“Có không ít người muốn vặn cổ hắn,” cựu quan chức KGB Sergei Jirnov nhận xét. Ông này là tác giả cuốn Người Dẫn Đường (NXB Nimrod) với nội dung thuật lại những lần họp với Putin. Đây cũng là viễn cảnh đang được Washington nghĩ đến. “Nếu lớp tinh hoa an ninh Nga nhận ra rằng hệ thống đang hư thối, họ sẽ làm tất cả những gì cần làm để bảo tồn quyền lợi của họ,” Steven Hall, cựu viên chức CIA phụ trách các hoạt động tình báo Nga nhận định như thế trong một diễn đàn.
Lật đổ Putin? Chuyện chẳng hề đơn giản vì ông ta cực kỳ thận trọng. “Ông ta tự bảo vệ mình còn giỏi hơn cả Staline từng làm trước đây”, Nikolai Petrov, một chuyên gia về siloviki trong ban chiến lược Chatham House ở London nói. “Ông ta ra lệnh thực hiện những cuộc săn chéo ở hàng ngũ chỉ huy của các cơ quan an ninh nhằm triệt hạ ngay những tài năng lãnh đạo tự nhiên có tiềm năng sẽ là những kẻ âm mưu phản loạn. Thay vào đó là đề bạt những nhân viên chủ yếu chỉ biết gật, một lòng trung thành vì được nhiều bổng lộc. Và đó cũng là những tay chân tin cậy nhất, được cho là không thể nào bội phản. Một số những siloviki này đã quen biết Putin từ những năm cuối thập niên 1990, khi Putin giữ vị trí số hai trong văn phòng tòa thị chính Saint Petersburg".
MỘT BĂNG NHÓM TRỤC LỢI
Putin và những “đồng chí” của mình đã hợp tác gầy nên một nhóm mang tên Ozero chuyên xây dựng những datcha (nhà nghỉ mát bằng gỗ) ven hồ, gần biên giới Phần Lan. Họ tự tung tự tác, bất kể quyền lợi người dân. Những nhân vật quyền lực nhất của nhà nước Nga đã “sinh” ra tại Ozero gồm:
Vladimir Iakunin, 73 tuổi, xuất thân từ KGB và trở thành Tổng giám đốc ngành đường sắt Nga;
Gennady Timtchenko, 69 tuổi, và giàu sụ nhờ kinh doanh hydrocarbon;
Yuri Kovaltchuk, tiến sĩ vật lý 70 tuổi trở thành cổ đông chính của ngân hàng Rossia kiêm chủ nhân của ba kênh truyền hình, được gọi là “Ngân hàng của Putin”;
Nikolai Chamalov, 73 tuổi, cổ đông lớn thứ hai của ngân hàng Rossia.
Họ đều nhúng tay vào những thương vụ ít nhiều phi pháp diễn ra ở cảng Saint Petersburg, tổ chức bởi các băng đảng với sự bảo kê ngầm của văn phòng KGB địa phương.
Cùng thời gian ấy Putin giao tiếp với nhiều đồng nghiệp tại tòa thị chính, gồm Thẩm phán Dmitri Medvedv, 56 tuổi, từng được đẩy lên làm tổng thống trong những năm 2008-2012; hai cựu quan chức KGB là Igor Setchin, 61 tuổi, nay là Giám đốc tập đoàn dầu khí Rosneft; và Viktor Ivanov, 71 tuổi, trở thành Giám đốc hãng hàng không quốc gia Aeroflot.
Những vệ tinh xoay vần quanh Putin còn là những nhân vật với nhiều năm hoạt động trong KGB, như Nikolai Patruchev, 70 tuổi, hiện là Bí thư Hội đồng An ninh; Alexander Bortnikov, 70 tuổi, Chỉ huy FSB từ 2008. Ngoài ra còn có một cựu sĩ quan GRU (quân báo) Dmitri Kozak, 63 tuổi, cựu công tố viên Saint Petersburg và nay là cố vấn cho Putin về các vấn đề Ukraine. Putin cũng không quên những đồng chí sát cánh thời còn ở KGB, chẳng hạn Sergei Tchemezov, 69 tuổi, từng sống chung trong tòa nhà khi họ làm việc tại Dresden, Đông Đức hồi những năm 1980. Tchemezov đã được giao lãnh đạo công ty xuất khẩu vũ khí Rosobroronexport.
Đối với “câu lạc bộ” này, việc Putin lên nắm quyền có ý nghĩa quan trọng hàng đầu: Cơ hội gom núi đôla. Khi Putin bắt đầu nhiệm kỳ hai tổng thống Liên bang Nga năm 2004, gia tài của họ bắt đầu phình to. Trước nhất là bắt giam vua dầu khí Mikhail Khodorkovski để cắt xé công ty Youkos. Một silovik gom nhiều nhất là Igor Setchin, Thư ký riêng của Putin, với biệt danh “Dark Vador” như trong loạt phim Star Wars.
Tháng Mười Hai 2005, Setchin cùng Putin có mặt trong cuộc họp bàn về việc đưa Rosneft ra thị trường chứng khoán, cùng có mặt là Andrei Illarionov, Cố vấn kinh tế cho tổng thống nhưng sau này đã sang Mỹ tị nạn chính trị. Andrei Illarionov kể: “Hôm đó tôi báo cho mọi người biết rằng việc đưa Rosneft lên sàn thành công sẽ có một tỷ đôla dành cho những nhà quản lý tập đoàn này… Lúc ấy Putin quay sang Setchin hỏi, ‘Igor Ivanovitch, chuyện thưởng này là thế nào, sao nay tôi mới biết?’ Setchin mặt đỏ bừng, đứng lên nghiêm, miệng lắp bắp không ra câu nào – ‘Vladimir Vladimirovitch, Vladimir Vladimirovitch… Khi ấy tôi (Andrei Illarionov) hiểu rằng Putin trách Setchin sao không chia phần cho mình”.
Sau “thương vụ” Rosneft, có hai nhóm thế lực chia nhau tổ chức bòn rút tiền nhà nước. Trước tiên là ngân hàng Rossia trong tay Kovaltchouk, nhanh chóng thu gom Gazprombank, két bạc của tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom. Kế đó là Gunvor, một công ty chuyên kinh doanh hydrocarbon, trong tay của Timtchenko, phất lên rất nhanh thành công ty mua bán dầu hỏa lớn thứ ba thế giới với doanh số $70 tỷ. “Qua việc ưu tiên giao những chức vụ hàng đầu trong nền kinh tế cho những đồng chí cũ thời còn làm việc tại Saint Petersburg, Putin thực ra đã tặng cho họ những hồ bơi đầy tiền mặt” – bà Catherine Belton từng viết trong cuốn Putin’s People (NXB Harper Collins).
Khi đỉnh của kim tự tháp đã hình thành xong thì việc còn lại phải làm là kiểm soát tất cả. Hàng hàng lớp “tiểu đoàn siloviki” của Putin và những kẻ thân tín của ông ta đã túa ra khắp nước Nga và thâu tóm đến 70% các chức vụ quan trọng. Có đến ¾ chính khách Nga có lý lịch từng làm việc cho các cơ quan an ninh!
Tham ô, hối lộ, bòn rút mặc sức tung hoàng. Vài ước tính cho rằng trong 20 năm Putin cầm quyền đã có khoảng $800 tỷ bị bòn rút từ của công thành của riêng. Riêng tài sản cá nhân ông chủ điện Kremlin cũng xê dịch giữa hai con số $40 tỷ và $200 tỷ! Trong những giao dịch bí mật cần sử dụng mật danh, tên của một cảnh sát viên trong vở hài kịch thời Sô viết Mikhai Ivanovitch được dùng để ám chỉ Putin; Kosoi (gã mắt lé) ám chỉ Kovaltchuk; Gangrena là Timtchenko…
PUTIN TIN NGHE AI?
Putin tạo điều kiện cho “băng đảng” giàu có lên nhưng ông ta dần không tin ai trong đám soloviki. Hai năm trở lại đây, quan hệ của họ nhạt dần. Thời đại dịch, Putin giam mình trong văn phòng, áp đặt thời hạn cách ly dài, không tiếp xúc ai kể cả nhân viên thân cận. Cả đến Setchin trung thành nhất cũng phải không giao du với bất cứ ai trong ba tuần mới được phép gặp Putin mỗi tháng một lần.
Thật ra cũng còn một vài kẻ trung tín nhất vẫn níu kéo, chẳng hạn như nhà hoạt động ngân hàng Yuri Kovaltchuk. “Ông này xem như nhân vật quyền lực thứ hai ở Nga, có tầm ảnh hưởng nặng ký nhất trong số tay chân thân tín của Putin,” Mikhai Zygar (tác giả cuốn Les Hommes du Kremlin, NXB Cherche Midi) mới đây viết trong tờ New York Times. Putin và Kovaltchuk hầu như không xa nhau lâu bao giờ. Họ thường gặp nhau trong dinh thự mà Putin thích nhất, ở gần Valdai, trên đường từ Moscow đến Saint Petersburg. Đó là một tư dinh bốn tầng, diện tích sử dụng 3,500m2, ven hồ nước, với kinh phí xây dựng do chính Kovaltchuk chi ra. Kovaltchuk còn là một cỗ máy ý thức hệ đầy lý tưởng thần bí Chính thống giáo, và tin vào những thuyết âm mưu chống Mỹ. Tóm lại là đồng tư tưởng với Putin.
Có điều chắc chắn là hiện nay những người bạn KGB xưa của Putin đều không muốn chiến tranh. Họ đều là những người thực tế, đã có tuổi, muốn hưởng nhàn. Putin biết điều này và bắt đầu chiến dịch thanh trừng. Trong tầm ngắm đầu tiên là lực lượng vệ binh quốc gia, một cơ cấu hình thành năm 2016 với 400,000 tay súng, chủ yếu xuất phát từ Bộ Nội vụ. Có tin báo cho thấy sĩ quan chỉ huy thứ hai của lực lượng này, tướng Roman Gavrilov, 46 tuổi, đã bị bắt vì tội “lãng phí lớn trong sử dụng nhiên liệu và để xẩy ra quá nhiều binh sĩ tử thương”.
P. Nguyễn Dũng
Ảnh: Putin và Igor Sechin (cựu sĩ quan KGB, hiện là chủ tịch tập đoàn Rosneft) – một trong những tay chân thân tín của Putin (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)