Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

(Quốc Thường- Sưu tầm- Biên soạn)
Chủ nhật ngày 18 tháng 4 năm 2021 2:25 PM





Khi cha mẹ chưa là tấm gương
Công thầy cô là dã tràng xe cát.
Cha mẹ chửi nhau là làm tan nát
Công thầy cô dạy bảo ở trường.
( Quốc Thường)
Trong chúng ta đều có phần CON và phần NGƯỜI, mỗi con người khi sinh ra đã có mầm thiện lẫn mầm ác.
Nhân chi sơ tính bản thiện.
( Khổng tử)
Nhân chi sơ tính bản ác.
( Tuân tử)
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
( Hồ Chí Minh)
Vấn đề của giáo dục là làm sao để hạn chế cái ác, tăng phật tính cho con em chúng ta?
Nhân cách mỗi con người là sản phẩm của ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó môi trường giáo dục gia đình là quan trọng nhất.
Tôi đã từng xúc động vì một phụ huynh tuần hai buổi đưa con hơn chục cây số trên chiếc xe cup cũ lên nhà tôi học thêm. Lần nào gặp tôi, vị phụ huynh đó cũng cẩn thận xuống xe chào tôi. Cậu học trò ấy giống bố, lúc nào cũng lễ phép với tôi. Giờ nó vẫn vậy, dù đã ra trường nhiều năm rồi.
Tôi cũng gặp 1 ông bố, đi xe ô-tô sáng đưa con đến học. Nhìn thấy tôi, ông chưa một lần chào hỏi. Đứa con ấy, sau khi đỗ đại học, gặp tôi ngoài đường, nó vờ tỉnh bơ như không thấy, không biết.
Cha mẹ bạc đãi, bất hiếu với ông bà, hầu hết đó là phiên bản của chính mình trong tương lai.
Gia đình là nơi hình thành nhân cách đứa trẻ. Mầm ác độc hay thiện lương được gieo ngay khi đứa trẻ đang nằm nôi thậm chí có từ trong bụng mẹ. Cây độc thường không ra trái ngọt được.
Ở trường, thầy cô dạy đến ngã tư, thấy đèn đỏ các con phải dừng lại. Nhưng nếu những đứa trẻ, ngồi trên xe, thấy bố mẹ cứ vượt đèn đỏ vô tư, thì dần dần, đứa trẻ sẽ quên lời thầy cô dạy, nó cũng sẽ vượt đèn đỏ như bố mẹ chúng.
Nhà trường có trách nhiệm cùng gia đình giáo dục để trẻ hoàn thiện nhân cách. Nhưng điều đó không có nghĩa nhân cách đứa trẻ là sản phẩm chỉ của mỗi thầy cô, nhà trường.
Vụ việc, năm đứa con gái lột đồ đánh bạn ở Hưng Yên, học sinh quậy phá, hỗn với cô Tuất ở TH Sài Sơn B quả là thất bại thảm hại của giáo dục, xin đừng đổ lỗi hết cho thầy cô. Cái tâm ác của năm đứa trẻ đó, của lớp học đó phần nhiều là do môi trường gia đình tạo nên.
Tôi rất dị ứng câu gửi gắm cửa miệng của phụ huynh: "Trăm sự nhờ thầy". Tôi thường trả lời họ: "Giáo dục con là trách nhiệm chính của các bậc phụ huynh, thầy cô cùng phối hợp dạy dỗ. Ủy thác cả cho thầy cô, chắc tôi không dám nhận".
Sau mỗi vụ việc, chúng ta sồn sồn lên đồng chửi bộ giáo dục, chửi ông bộ trưởng, nhưng có ai chợt lắng lại, bắc tay lên trán tự hỏi, mình đã làm trọn vẹn vai trò giáo dục gia đình chưa?
Mình lên Facebook gọi thầy cô là con này, thằng kia thì tác động của mình đến việc dạy con cái thế nào? Nếu bản thân không là bậc cha mẹ mẫu mực thì sao mong có lớp sau lễ phép, biết kính trọng người lớn, quý trọng cô thầy được?
Xã hội đang lệch chuẩn. Một thời kỳ quá độ khi chúng ta mải miết làm kinh tế, lấy thước đo giá trị con người bằng giá trị vật chất người đó sở hữu. Rồi tất cả sẽ quay lại chuẩn. Rồi tình người, tính thiện lương sẽ trở lại là thước đo phẩm hạnh con người - tôi tin thế, dù có thể rất lâu. Trong thời gian chờ đợi hệ giá trị đạo đức đảo chiều, mỗi chúng ta hãy làm tốt vai trò của người làm cha, làm mẹ, hãy làm trong lành chính môi trường giáo dục trong gia đình mình. Hãy dạy con làm điều tốt, hãy dạy con sống thiện lương, dạy con học để nâng tầm bản thân chứ không phải học vì những con điểm.
Nếu phụ huynh còn gầm lên khi con bị điểm kém, nếu phụ huynh còn chất vấn thầy giáo: "Sao cháu nhà tôi chỉ được có tám điểm toán nhỉ? Ngày cấp một, cấp hai nó toàn điểm chín mười. Thì ra bệnh thành tích trong giáo dục không thể giảm tý nào.
Hãy nói với con: " Cố lên một chút nhé! Bố mẹ tin con sẽ làm được" và hài lòng, cổ vũ nó nếu từ điểm 2 nó đã được 3 điểm.
Để xã hội tốt, mỗi gia đình cần là cái nôi tốt trước đã. Đừng bất cứ chuyện gì xảy ra với một đứa trẻ, cũng đổ hết trách nhiệm lên thầy cô, nhà trường. Chúng ta, những bậc làm cha mẹ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Khi nhà trường dạy và học còn nhiều khiếm khuyết, xã hội còn nhiều cạm bẫy thì giáo dục gia đình lại càng quan trọng.
Chúng ta hãy dành cho con cái nhiều yêu thương, nhiều sẻ chia hơn. Xin đừng không gieo, không chăm mà mong hái quả ngọt...”!
PS
-QT chứng kiến nhiều nhà hảo tâm đủ mọi thành phần khi đi trao quà từ thiện cùng nhóm NAHL họ đưa theo cả con cái, cho các em trải nghiệm, trực tiếp trao quà cho người nghèo. Tôi tin chắc chắn, các cháu lớn lên sẽ là người tử tế, có 1 trái tim nhân hậu.