Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÃI MÃI LÀ MÙA THU

Phạm Đình Trọng
Thứ bẩy ngày 24 tháng 4 năm 2021 8:25 AM


TNc: Chiều nay 24-4, tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra tại Nhà tang Lễ thành phố HN, 125 Phùng Hưng. Nhà văn Phạm Đình Trọng từ Sài Gòn vừa gửi đến trang nhà bài viết đưa tiễn Hoàng Nhuận Cầm. Xin giới thiệu cùng các bạn.

Tháng sáu, năm 1976, hơn hai mươi người lính bụi bặm và phờ phạc chúng tôi vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc ở khắp các mặt trận, các quân chủng, binh chủng đã có truyện và thơ đăng ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội được Tổng cục Chính trị gọi về Hà Nội cho đi học khoá đầu tiên hệ đại học trường viết văn Nguyễn Du.

Trước đó, anh lính pháo cao xạ Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải khôi nguyên cuộc thi thơ 1972 – 1973 của báo Văn Nghệ, hội Nhà Văn Việt Nam với những bài thơ viết về những người lính mang kỉ niệm học trò, mang tình bạn học đường ra trận, những bài thơ lãng đãng cảm xúc như màn sương lãng đãng trên đường phố Hà Nội chiều cuối thu: Thư Mùa Thu, Vào Mặt Trận Khi Mùa Ve Đang Kêu . . . , người lính mang hồn thơ Hoàng Nhuận Cầm đã cởi chiếc áo lính ka ki Tô Châu, mặc áo sơ mi trắng dân sự cắp sách đi học tiếp khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp.

Chúng tôi ở Vân Hồ Ba, cạnh công viên Lê nin, công viên lớn nhất Hà Nội. Hàng ngày đi học ở 103 đê La Thành, đạp xe qua hai cạnh công viên, phố Nguyễn Đình Chiểu và phố Trần Nhân Tông đôi khi tôi vẫn thấy Hoàng Nhuận Cầm áo sơ mi trắng sóng bước bên người đẹp Phan Thanh Tú, nghệ sĩ múa xinh đẹp quê Hưng Yên nhưng là diễn viên đoàn Văn công Giải phóng từ rừng miền Đông Nam Bộ ra Hà Nội học đại học. Khi thì thấy Cầm – Tú thong dong trên hè phố Nguyễn Đình Chiểu. Khi thì chàng nàng thấp thoáng trong rừng cây công viên.

Học xong, đám lính chúng tôi, người về tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, người về nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, người về Xưởng Phim Quân Đội . . . đều ở hai bên đoạn đầu phố nhà binh Lý Nam Đế. Khi đó Cầm và Tú đã có một bé gái và có gian nhà nhỏ xíu ở phố Hàng Bún rất gần Lý Nam Đế.

Băng qua vườn hoa nhỏ Hàng Đậu. Đi đoạn ngắn phố Quán Thánh. Rẽ phải, qua vài nhà phố Hàng Bún là đến gian nhà nhỏ của Cầm Tú trên mảnh sân sau ngôi nhà mặt phố. Khi thì Cầm đi bộ sang Lý Nam Đế. Khi thì tôi lững thững đến Hàng Bún.

Một lần tôi đến Hàng Bún chỉ gặp Tú và gian nhà nhỏ xíu đã ngăn vách, chia đôi. Tú và con gái Hoàng Thư Trang ở nửa gian phía ngoài. Nửa gian trong Cầm ở nhưng cửa khoá. Từ đó tôi rất it gặp Cầm. Đến khi Cầm mang tập thơ mới xuất bản Xúc Xắc Mùa Thu đến Lý Nam Đế tặng tôi, tôi mới gặp Cầm. Ngay sau đấy tôi chuyển vào ở hẳn Sài Gòn.

Tối thứ ba, 20.4.2021, ở Sài Gòn đọc tin Hoàng Nhuận Cầm đột ngột từ bỏ những dòng thơ dang dở, từ bỏ cả những nỗi buồn dang dở ra đi mãi mãi, tôi bàng hoàng, sửng sốt.

Nỗi buồn cũng là năng lượng sống của Cầm

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn

Một nỗi buồn lẽ ra không nên có

Nhưng nếu không buồn

có lẽ

lại buồn hơn… (Nỗi Buồn Để Sống)

Cầm còn đủ nỗi buồn, soi vào nỗi buồn để càng hiểu cuộc đời, càng sống mạnh mẽ hơn, sao vội từ bỏ cuộc sống vậy, Cầm ơi!

Mở tủ sách tìm tập thơ Cầm tặng, tôi cứ lặng nhìn nét chữ của Cầm, nét chữ phóng khoáng, mạnh mẽ, cuốn hút, đầy năng lượng như con người Cầm mạnh mẽ, cuốn hút, đầy năng lượng khi đọc thơ trước khối công chúng lính trẻ, học sinh, sinh viên háo hức, say đắm.

1952 – 2021. Sáu mươi chín tuổi, tuổi cuối thu cuộc đời. Thư Mùa Thư, Mùa Thu Tôi Yêu là những bài thơ rất hay Hoàng Nhuận Cầm viết về mùa thu

Mùa thu tục ngữ ca dao

Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu (Mùa Thu Tôi Yêu)

Dừng lại ở tuổi sáu mươi chín, Hoàng Nhuận Cầm mãi mãi là một mùa thu dang dở.

Đêm 20.4.2021


Tập thơ riêng đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm


Nét bút Hoàng Nhuận Cầm để lại trang bìa lót tập thơ Xúc Xắc Mùa Thu
Tập thơ chung của hai người lính phố cổ Hà Nội. Vũ Đình Văn và Hoàng Nhuận Cẩm. Vũ Đình Văn lính trắc thủ ra đa đã hi sinh ngay trên xe ra đa khi đang quét sóng tìm mục tiêu cho tên lửa hạ máy bay Mỹ trong trận Hà Nội - Điện Biên Phủ Trên Không, đêm 27.12.1972. Hoàng Nhuận Cầm, lính pháo cao xạ.