Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÒNG NHÂN TỪ CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Nguyễn Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 1 tháng 2 năm 2020 8:58 AM





Chiến thắng giặc Nguyên - Mông, đất nước sạch bóng quân xâm lược, nhà vua đặc biệt coi trọng việc phát triển kinh tế xã hội bằng các chính sách khuyến nông, mộ phu khai khẩn đất hoang, chia ruộng cho nông dân, nơi nào bị binh lửa tàn phá thì giảm thuế, miễn tạp dịch, xây dựng các công trình thuỷ lợi, củng cố đê điều… Khuyến khích việc học hành, mở rộng thi cử chọn nhân tài, rất trọng nho sĩ, coi đó là đại diện của văn hiến nước nhà khiến trăm họ mừng vui, biết ơn. Cả nước hào hứng, sôi nổi cuộc sống mới. Giàu lòng nhân đức, nhà vua rất biết sự đóng góp to lớn của quân dân trong cuộc chiến tranh giữ nước, Ngài cho sử quan chép tập: "Trung hưng thực lục” và sai vẽ hình các tướng lĩnh, vương hầu có nhiều công lao. Đối với những người có tư tưởng và hành vi hàng giặc nhà vua đại xá khoan thứ, cho đốt hết những tờ biểu tư thông với giặc để xoá bỏ hiềm nghi, thực lòng hoà hợp dân tộc, khuyên mọi người thương yêu nhau cùng chung sức xây dựng đất nước. Đức vua luôn nhắc nhở các quần thần rằng: "Nhà Trần ta xuất thân từ nghề chài lưới ven sông, thiên hạ này là của trăm họ, nhờ dân mới có, bởi vậy phải hết lòng thương dân". Ngài thường có những chuyến vi hành thăm hỏi động viên đồng bào, cảm thông sâu sắc với mọi vui buồn của dân. Một hôm nhà vua đang đi, có người dân đón đường kêu oan. Nguyên người này có việc kiện Đỗ Thiên Thư. Xét mọi mặt Thiên Thư đều sai, nhưng hình quan không dám quyết vị sợ anh của Thiên Thư là Đỗ Khắc Trung đang làm quan to trong triều. Trần Nhân Tông dừng xe, sai quan xét xử công khai tại chỗ theo đúng pháp luật. Nhờ thế mà người bị oan thắng kiện. Đồng thời hạ chiếu nghiêm trị bọn quan tham.
Vua Trần Nhân Tông là bậc Minh vương hết lòng vì nước vì dân, không tham quyền cố vị, giàu sang phú quý không màng. Năm 1293, mới 36 tuổi, nhà vua đã nhường ngôi giao quyền quốc sự cho con là Trần Anh Tông, lui về làm Thái Thượng hoàng (triều Trần vị vua “về hưu” sớm nhất lúc 30 tuổi - Trần Minh Tông và muộn nhất 47 tuổi - Trần Nghệ Tông) hồi hương sống cuộc đời thanh tao đạm bạc, khoác áo tu hành tại chùa Phổ Minh (Tức Mặc - Nam Định), dốc lòng nghiên cứu Phật giáo, cùng các cao tăng Pháp Loa và Huyền Quang lập ra "Thiền phái Trúc Lâm”. Tại chùa Phổ Minh ngài đã giảng giải kinh Phật thụ giáo cho hàng ngàn đệ tử.

Trong phép trị quốc điều cơ bản là AN DÂN. Mà muốn an dân thì từ nhà vua cho đến những người nắm rường cột xã tắc ở mọi cấp phải nghiêm chỉnh thực thi đúng pháp luật đồng thời giàu lòng nhân ái. Qua tấm gương Trần Nhân Tông góp phần lý giải tại sao triều Trần nước Đại Việt ta mọi thần dân thống nhất đồng lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đức vua anh minh tạo nên sức mạnh vĩ đại ba lần đánh tan giặc Nguyên - Mông xâm lược. Kết thúc chiến tranh nhà vua ban hành quốc sách nhằm "lượng sức dân" phát triển kinh tế nâng cao đời sống, mở lòng khoan dung tha thứ cho những người nhất thời hồ đồ trót lầm lỗi để họ lập công chuộc tội, không hề có bất kỳ hành động trả thù nào. Việc làm của nhà vua rất đúng với truyền thống người Việt Nam từ xưa đến nay là giàu lòng nhân từ căm ghét sự tàn bạo. Tôn kính minh quân, khinh thường bạo chúa.
Tấm gương ngời sáng của Đức vua Trần Nhân Tông chẳng là bài học quý giá để ngày nay chúng ta cùng suy ngẫm hay sao?