Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÔ CẢM-VÌ ĐÂU NÊN NỖ I?

Dương Quốc Việt
Thứ năm ngày 23 tháng 1 năm 2020 8:46 AM




Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An



Một thực trạng xã hội đang được nhiều người quan tâm, đó là những biểu hiện của căn bệnh “vô cảm”. Quả thật với văn hóa truyền thống của người Việt, thì căn bệnh vô cảm rất khó phát sinh. Vậy căn bệnh này, xuất phát từ đâu? Nó có đúng thật là vô cảm không? Để trả lời những câu hỏi này, nên chăng, xem xét vấn đề từ nguồn gốc xã hội. Điều này, khiến người ta cần phải lần giở lại quá khứ.

Xin được trở về với những ngày xưa, trong một giai đoạn dài, cái cá thể bị giẫm đạp, bị hòa tan vào tập thể, vào đám đông. Con người phải sống khép mình, như kẻ được ban ơn, đời sống tinh thần nghèo nàn, tư tưởng bị truy bức, cùng nhiều yếu tố hạn chế khác, như sẽ được chỉ ra trong bài thơ: “Lời của trái tim vô cảm” ở phần cuối. Ngay từ thời đó, trong các cơ quan nhà nước, người ta đã đúc kết rằng, để tránh mang vạ, để được an toàn, thì “thứ nhất ngồi ỳ-thứ nhì đồng ý”, trong họp hành, nhất là với những kẻ còn “thấp cổ bé họng”. Rồi “đấu tranh-tránh đâu” cũng vừa là một lời khuyên, lời cảnh báo… cho biết bao thế hệ.

Do hiệu ứng “Chim phải đạn sợ cành cây cong”, “Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng”, vốn đã là những phản ứng tự nhiên của muôn loài. Vì vậy, trong bối cảnh bất an thường trực, khiến con người trở nên sống “thủ thân”, “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, cùng căn bệnh “đa nghi-phòng thủ”. Bạn bè, đồng nghiệp bị oan uổng, người ta không dám lên tiếng bênh vực, có chăng cũng chỉ là những lời an ủi “vụng trộm”. Căn bệnh vô cảm vì thế đã được hình thành và ủ sẵn trong hàng ngũ những người làm công vụ, chỉ chờ có ngày bùng phát ra ngoài xã hội.

Thời đại “kim-tiền” ập đến, thế là người ta tận dụng mọi lợi thế của mình để kiếm tiền! Các cơ quan, trường học, bệnh viện…, tìm cách làm khó, để trục lợi. Con trẻ phải hứng chịu “kiếp nạn”, từ sự vô cảm của người lớn. Chúng bị ép học ngày, học đêm, bị tước đi những tháng ngày “thơ mộng”, kể từ lúc đi học, đến khi tìm được việc làm, là một cuộc marathon không ngừng nghỉ, giành giật, “sống mái”, trong môi trường giáo dục và xã hội gian dối, học tủ, học lệch, học để ứng thi, thiếu giáo dưỡng lương tri, từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Thử hỏi lớp trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường như vậy, sau này chúng sẽ ứng xử với xã hội ra sao?

Marcus Tullius Cicero (106 TCN-43 TCN)-một triết gia và nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã, đã để lại một danh ngôn rằng: “Xã hội làm gì cho những đứa trẻ của mình, những đứa trẻ cũng sẽ làm như vậy với xã hội”. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên, virus vô cảm, đã và đang lây lan, di truyền ngày càng mạnh mẽ. Bởi những thế hệ nối tiếp nhau, luôn phải “chịu đòn” từ những thế hệ đi trước, vốn đã mang căn bệnh này.

Với những điều đã tái hiện kể trên, người ta không khó để nhận ra nguồn gốc căn bệnh, cũng như giải pháp cứu chữa. Vấn đề là thực thi như thế nào? Cái đáng sợ nhất là, nguyên nhân biết, giải pháp có, nhưng thực thi thì không !!!

Cuối cùng, xin được chia sẻ bài thơ như đã dẫn ở trên.

LỜI CỦA TRÁI TIM VÔ CẢM

Hà Nội-đêm 26 tháng 12 năm 2018

Ta kể những dòng này
Không hẳn thanh minh
Trong khổ đau
Khiếp nhược tầy đình
Ta nợ đời-nợ Chúa
Kẻ bỏ rơi chức phận
Ta đã chết
Bởi ta vô cảm
Hãy chỉ một lần
Xin được lắng nghe!

Theo lũ các người
Ta xa dòng sữa mẹ
Những áng văn
Vần thơ
Những bản tình ca
Thắm tình nhân loại
Khiến thân ta
Cây khô cành héo
Trên đồi trọc
Ta bám vào sỏi đá

Ta được nuôi trong thù hận
Lấy sục sôi lấn lướt lương tri
Ta được dạy
Chỉ yêu màu của máu
Ta bơ vơ vô định
Chẳng đức tin
Vô thánh vô thần
Ta vụng trộm
Trong thổn thức bản năng
Giấu mình-khắc khoải

Theo lũ các người
Đi vào trận mạc
Đầu rơi máu chảy
Ta quặn hoài
Bao cảnh thương đau
Đến một ngày kia
Ta chai lì
Trong hoang tàn đổ nát
Trước xác chết
Ta đâu còn ghê sợ

Theo lũ các người
Biết bao lần
Thấp thỏm-ngóng tương lai
Ngày nối ngày
Trong hy vọng ngươi gieo
Để một ngày kia
Ta nhận ra ảo ảnh
Thất vọng ngập tràn
Bị dối lừa
Sao chẳng dám kêu than !?

Theo lũ các người
Đến những giảng đường
Ta được nghe
Những chuỗi ngày rao giảng
Chất chứa những ngôn từ
Làm ta xa lạ
Khiến ta mơ màng
Trong giấc ngủ triền miên
Kho giáo lý chất chồng
Đâu có chỗ cho ta thổn thức

Theo lũ các người
Đến nơi công sở
Ta ngỡ ngàng
Những cái bắt tay
Những cái nhìn lạnh lẽo
Nhân danh ta
Những miệng lưỡi điêu ngoa
Trong lấp vùi
Ngày nối ngày
Khiến thân ta hoen rỉ

Theo lũ các người
Ta phải sống
Trong thương vay khóc mướn
Sân khấu cuộc đời
Dẫu chẳng vui
Ta vẫn gắng hò reo
Dẫu chẳng buồn
Ta cũng vờ nhỏ lệ
Những tháng năm dài
Biến ta thành kẻ diễn

Theo lũ các người
Ta chìm trong đám đông
Dàn đồng ca
Bổng trầm trong hoang tưởng
Ta chỉ biết họa theo
Người cầm lái
Ta chỉ được vui
Được cất tiếng tụng ca
Nào còn chỗ
Cho mình ta thổn thức

Ta chẳng có góc riêng
Cho khao khát
Yêu thương
Bao lần rỉ máu
Những quặn đau
Chẳng thể sẻ chia
Ta đâu dám thét gào
Khi gặp cảnh trái ngang
Bởi những bài học thế gian
Xui khiến ta câm lặng

Hỡi các ngươi!
Bao cuộc đổi thay
Khiến thân ta run rẩy
Phận ta nhỏ nhoi
Đâu được tự do bày tỏ
Thân ta bầm dập
Kẻ chịu trận
Quen dần
Biến thành sỏi đá
Ta trở nên VÔ CẢM!

Dương Quốc Việt