1. Nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên sáng lập Trường VVND, giảng viên thỉnh giảng, từ Hội An bay ra dự lễ và phát biểu. Nhà văn năm nay 88 tuổi ta, một nóc nhà của nền văn chương hiện đại, đã có bài phát biểu tâm huyết và tầm vóc. Mời được cụ tham dự và phát biểu không dễ đâu, các bạn. Tôi không muốn nói ra điều này. Với những tên tuổi lớn của văn chương đất nước, chúng ta mỗi lần đón họ hãy nên nghĩ rằng có thể đây là những cơ hội cuối cùng. Nghĩ thế để ta thêm quý thêm yêu. Nhà giáo dục, GS. Hồ Ngọc Đại có mặt hôm nay cũng làm nên điều thiêng liêng như thế.
2.Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã phát biểu trong hai tư cách: Học viên viết văn K4, Tổng BT tạp chí VNQĐ. Khi phát biểu, anh không vướng víu cái chức danh hiện tại. Một bài phát biểu có tầm về tư tưởng, nhưng lại cũng rất xúc động, ân tình. NBP nói: Một nhà văn lớn đừng bao giờ lại nhìn văn học theo hướng phân chia trung tâm hay ngoại vi, lề trái hay lề phải. Nhà văn phải là câu chuyện tác phẩm, vì văn chương, vì con người và dân tộc.
3.Nhà thơ Hữu Thỉnh đến dự và phát biểu trong hai tư cách: Học viên VVND K1, Chủ tịch HNVVCN, Chủ tịch Hội các HLHVNVN. Anh phát biểu ân tình, và lấy làm tiếc về việc không có huân huy chương gì nhân 40 năm. Anh quý khoa và nói thế, chứ thực ra khoa chúng tôi chỉ biết lao động và công hiến chứ không nghĩ đến các danh hiệu này khác. Khoa chúng tôi không chịu hạ mình để đi làm các thủ tục nhiều khi rất nhiêu khê này.
Sau đó, có một số bạn văn của tôi đưa câu chuyện này lên FB như một câu chuyện cho vui. Lại đọc thấy một số comments bàn nọ bàn kia. Tôi hy vọng chúng ta hãy nghĩ cao hơn, đừng bàn những câu chuyện tầm phào như thế nữa!
4.Có hai đơn vị tài trợ kim cương cho cuộc 40 năm hôm nay, thật tình cờ, cả hai VIP đang ở nước ngoài cả, không về kịp. Họ làm các cử chỉ hào hiệp, nhưng không cần ai biết đến tên. Thật cảm kích và tri ân những tấm lòng như thế.
5.Cuộc 40 năm này do các thầy cô và sinh viên của khoa nhiều thế hệ, tất cả xắn tay lo cùng dưới sự điều hành ngăn nắp và ân cần của cô Đỗ Thu Thủy, phó khoa phụ trách và cô Trần Hồng Liễu phó khoa. Tất cả mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, ấm áp, ân tình. Tôi trong vai "Bộ trưởng Bộ ngoai giao" của khoa, cũng tự thấy mình hoàn thành nhiệm vụ.
5.Tối nay, ngồi lại với sinh viên, có học trò hỏi: "Ngày em học cấp 3, có cô giáo dạy chúng em bảo cái truyện Rừng Xà Nu không phải học nữa, bởi nó bị gạt ra chương trình rồi, bởi vì đó là tác phẩm của một nhà văn phản động...". Nghe thế, tôi bàng hoàng và đau lòng quá. Tôi bảo: "Thầy nhờ em, nếu có thể được, nói lại với cái cô giáo ấy rằng, thầy VG bảo sao cô lại có thể ăn nói ngu như vậy được? Rằng phải đọc rộng, mở mang đầu óc ra, thông minh lên mới có thể hiểu, yêu mến và kính trọng được nhà văn Nguyên Ngọc.
6.Bây giờ khoa tôi có một dàn lãnh đạo rất trẻ, giỏi giang, năng động, biết lo toan, biết trước sau. PCN Khoa Phụ trách Đỗ Thị Thu Thủy, Phó CNK đồng hành là TS Trần Hồng Liễu. Chủ nhiệm bộ môn Viết văn, Nhà NCPBVH, TS Mai Anh Tuấn. Phụ trách tổ Báo chí, Ths Ngô Phong. Vậy là yên tâm. Cứ thế mà đi lên, mặc cho "Dù ai nói ngả nói nghiêng".
7.Mặc dù các thầy cô, các vị khách mời trong dự kiến, học viên các khóa không về đầy đủ được, nhưng sự hiện diện của tất cả các Quý vị đã làm nên một cuộc đoàn viên ân tình, ấm áp, hứa hẹn nhiều kết nối và hợp tác.
Chúng tôi xin bày tỏ niềm biết ơn tới các vị khách quý, đại diện BGH nhà trường, các phòng ban khoa, thế hệ các học viên, sinh viên, tất cả đã làm nên một tiệc đoàn viên nhiều ý nghĩa. Chắc chắn chúng tôi còn nhiều thiếu sót, kính mong các Quý vị thể tất.
VG