Dấu ấn “bản năng gốc” trong trường ca “Phồn Sinh”
TS. Triết học Nguyễn Văn Vịnh
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục
Trường ca “Phồn Sinh” của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu được in vào cuối năm 2018 là kết quả của quá trình thai nghén 16 năm liên tục (2002-2018) của tác giả. Vốn là người được đào tạo căn bản về triết học và cả đời gắn bó với triết học (học hàm, học vị và công việc làm cho tới khi hồi hưu của anh đều liên quan với triết học), nhưng do có nhiều duyên nợ bẩm sinh với văn chương thi ca nên anh cũng đã là một thành viên từ năm 1997 của Hội nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Linh Khiếu vốn được ghi nhận là một trong những tác giả trẻ nhiệt thành hăm hở đổi mới thi ca đầu những năm 90 thế kỷ trước. Trong thập niên 90 ấy anh đã xuất bản 3 tập thơ (Chùm mơ tiên cảm - 1991; Mùa thiêng - 1995 và, Hoa linh - 2000) và đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên sau đó, vì lý do nào đó, mặc dù được biết anh vẫn sáng tác liên tục, nhưng hầu như lại rất ít tham gia vào đời sống văn học và không công bố thêm tác phẩm thơ nào. Năm 2018, nghĩa là mãi 18 năm sau, anh mới xuất hiện trở lại với 3 tác phẩm gồm thơ, trường ca và tùy văn. “Phồn Sinh” chính là 1 trong 3 tác phẩm đó.
Có lẽ một nền tảng triết học khá vững vàng đã ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác văn chương thơ ca của anh, vì vậy bàng bạc ở hầu hết các câu chữ trong các tác phẩm văn chương của anh là những triết lý nhân sinh, những cảm thức sinh tồn được truyền tải. Tác phẩm “Phồn Sinh” có thể được coi là “tập đại thành” trong sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Nó chắc chắn sẽ làm nên “Thi hiệu” tác giả. Về mặt học thuật, có thể nói “Phồn Sinh” là khái niệm độc đáo được tác giả trình bày và diễn giải với một nội hàm đồ sộ, một ngoại diên bao trùm. Cũng cần nói rõ, các khái niệm “phồn thực”, “phồn tạp”, “sinh sản”, “sinh sôi” và “phồn sinh”… hẳn là đã có từ rất lâu trong ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Nhưng khi sử dụng hai chữ “phồn sinh” trong một văn cảnh mới, một thế giới mới và một sinh quyển văn chương mới với nội hàm và ngoại diên mới thì chắc là một cách làm hoàn toàn chỉ có ở nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Vì vậy “phồn sinh” với một hình hài đương đại nó sẽ mang dấu ấn sâu đậm Nguyễn Linh Khiếu và rất có thể nó sẽ như một cái chốt làm nên tên tuổi của nhà thơ.
Là người sinh ra ở miền hạ lưu châu thổ sông Hồng, đó là nơi hội tụ tất cả những tinh hoa, những phồn tạp trong sự đài tải hỗn mang của dòng sông Mẹ của người Việt (sông Hồng). Đây cũng là nơi sông Hồng gặp gỡ với biển cả, vì vậy nơi đây cũng là nơi gặp gỡ của nhiều khác biệt trong trời đất, sông biển và con người. Cửa sông, cửa biển luôn là nơi biến động, bất định vô thường, do đó, tại đây muôn loài đều trong sự hối hả của sinh sôi nảy nở và thành hợp trong bốn mùa. Có lẽ vì vậy mà xúc cảm “phồn sinh” của tác giả hẳn là được hình thành từ thiếu thời khi chứng kiến sự giao hòa của đực cái muôn loài, từ đó đã khơi dậy, đánh thức “bản năng gốc” của một tâm hồn nhạy cảm, một bản thể phì nhiêu năng lượng trên gam màu chính là “nhục cảm”. Suốt từ đầu đến cuối trường ca “Phồn Sinh” của anh tràn ngập những cảnh giao hoan, ân ái tưng bừng, náo nhiệt thâu đêm suốt sáng của các “loài bay”, “loài bơi” và “loài bò”.
Là một người nghiên cứu triết học chuyên nghiệp chắc chắn anh đã có cơ hội (qua học tập và hoạt động nghề nghiệp) tiếp xúc, nghiên cứu hiểu biết những triết thuyết và tôn giáo lớn của nhân loại. Việc anh chọn một triết thuyết cụ thể nào đó cho cảm hứng thi ca của mình là một cái gì đó như “duyên nợ” vậy. Điều dễ nhận thấy sự ảnh hưởng rất lớn trong thi ca của anh là dấu ấn của Ấn Độ giáo (còn gọi là Hinđu giáo - Hinduism) với giáo lý là bộ kinh Vệ đà thần bí đồ sộ.
Theo đó những chân lý được giao giảng trong kinh Vệ đà (sự thông thái) là những chân lý thiên khải và tuyệt đối, nó tồn tại tiên thiên, siêu thời gian, các mệnh đề trong Vệ đà giống như các định lý, nguyên lý của toán học, con người dù có hiểu biết hay không nó vẫn tồn tại và sự hiểu biết của con người về Vệ đà là theo nhiều mức độ khác nhau. Ấn giáo chia thành 3 nhánh chính, tôn thờ 3 vị thần cơ bản nhất được gọi là Trimurti (Tam thần giáo) bao gồm: thần Brahma (Đấng sáng tạo), thần Vishnu (Đấng bảo hộ) và thần Shiva (Đấng hủy diệt).
Trong cộng đồng Ấn giáo nói chung thì nhóm tôn giáo tôn thờ thần Shiva lên làm chúa tể là đông nhất, lý do vì họ tin là thần Shiva là vị thần hùng mạnh nhất. Một đặc điểm luôn gắn liền với thần Shiva là chiếc dương vật. Biểu tượng dương vật - sinh thực khí nam được gọi là Linga được đặt trên biểu tượng của âm vật - sinh thực khí nữ gọi là Yoni. Người ta thờ thần Shiva với hình tượng dương vật Linga vì những câu chuyện chứng thực sức mạnh vô địch thiên hạ của Shiva đều gắn liền với dương vật. Hai linh vật “Linga” và “Yoni” là biểu tượng thần thánh của nhánh tôn giáo này. Nó biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và hủy diệt của thế giới. Một ý tưởng lớn khác của tôn giáo này là sự “giải thoát”, trong đó hàm chứa nhiều phương pháp thực hành, nhiều kiến giải uyên áo cho cõi nhân sinh. Tôn giáo này được truyền đến nhiều quốc gia Đông Nam Á trong đó có vương quốc Chămpa cổ của người Chăm và hiện người Chăm là một cộng đồng khá lớn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong “Phồn Sinh” hai biểu tượng Linga và Yoni thần thánh luôn hiện diện và làm nên sự sinh thành bất tận của muôn loài bất chấp mọi chính kiến đen tối đầy tính hủy diệt của mọi triết thuyết “tà ma” luôn ám ảnh loài người.
Tôi không hiểu Nguyễn Linh Khiếu chịu ảnh hưởng từ các triết thuyết cao siêu của Ấn giáo cổ đại, từ đời sống của người Ấn hiện thời nơi ông đã từng thực chứng, hay trực tiếp chịu ảnh hưởng của những tư tưởng Ấn giáo trong tâm thức và đời sống của người Chăm. Dù là ảnh hưởng từ một hay cả ba cách ấy thì rõ ràng “Phồn Sinh” là một tác phẩm hiếm hoi trong văn học Việt Nam đương đại thể hiện một cách sâu sắc và sinh động những tư tưởng đặc sắc của Ấn giáo ở khía cạnh phồn thực và sinh sôi bằng hệ thống ngôn ngữ, nhịp điệu, âm thanh và hình ảnh của đời sống châu thổ sông Hồng.
Những dòng sông luôn tạo cảm hứng cho các triết gia và các tao nhân mặc khách, trước những dòng sông lớn họ có nhiều cung bậc và sắc độ cảm xúc cũng như tư tưởng khác nhau. Hơn hai ngàn năm trước, Đức Khổng Phu Tử, ở tuổi gần bảy mươi, vào một buổi chiều cùng học trò đứng bên một dòng sông - được cho là Hoàng Hà - đã buột miệng nói rằng: Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ - Trôi chảy mãi ngày đêm không ngừng nghỉ như thế này ư? Câu nói này được ghi lại trong Luận Ngữ và đã là một đề tài thảo luận, đã tốn nhiều giấy mực cho câu chuyện này; Lời tựa trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung dẫn bài thơ thể hiện sự cảm khái của các bậc anh hùng hào kiệt theo kiểu Hảo Hán là: “Sóng Trường Giang sóng sau xô lớp trước/ Bao lớp sóng xô bấy anh hùng/ Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng/ Được mất lợi thành bỗng chốc hóa hư không…”; Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus, đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, để diễn đạt ý tưởng: mọi sự vật trong thế giới của chúng ta luôn luôn thay đổi, vận động, phát triển không ngừng. Thế giới như một dòng chảy, cứ trôi đi mãi.
Đối với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu thì xúc cảm về dòng sông Mẹ của Việt tộc được diễn giải theo một cách hoàn toàn khác: đó là nguồn sinh lực bất tận làm nên sự sinh thành, phát triển và trường tồn của một dân tộc, bất chấp mọi không gian và thời gian, mọi định chế chính trị. Sự “Phồn Sinh” là tất cả, là cội rễ của sự luân hành “sinh trụ dị diệt” của muôn loài. Ở đây “bản năng gốc” của muôn loài được tác giả khai thác một cách triệt để theo nhiều sắc độ, cung bậc của cảm hứng thi ca. Theo đó, “bản năng gốc” với sông Hồng và châu thổ sông Hồng chính là năng lượng, động lực và sức sống của bất tận muôn loài.
Nhân nói đến khái niệm “bản năng gốc”, cũng nên nói qua về ông tổ của thuyết Phân tâm học S. Freud người sáng lập ngành phân tâm học. Học thuyết phân tâm học lấy khái niệm vô thức làm trung tâm. S. Freud quan niệm: “Tất cả các hiện tượng tâm thần của con người về bản chất là hiện tượng vô thức. Vô thức là phạm trù chủ yếu trong đời sống tâm lí của con người. Mọi hoạt động trong tâm trí đều bắt nguồn trong vô thức và tuỳ theo tương quan của những lực lượng thôi thúc và ngăn cản được biểu hiện ra theo những qui luật khác hẳn với ý thức”.
S. Freud cho rằng, vô thức là cái mang tính sinh lí tự nhiên, là cái mang tính bản năng di truyền bẩm sinh từ đời nọ sang đời kia. Tuy nhiên, ông còn cho rằng vô thức ngoài nguồn gốc có tính bẩm sinh do cơ quan sinh lí phát động còn có sự tác động bên ngoài xã hội.
Cái đích cao cả của văn hóa, văn minh từ xưa đến nay vẫn được quan niệm là sự tiết chế những bản năng nhục dục mù lòa tăm tối tự nhiên của con người. Do đó, các tôn giáo, các triết thuyết xã hội đều tự cho mình cái sứ mệnh cứu giúp cho loài người tiết dục, diệt dục bằng các thiết chế xã hội, bằng các hệ thống chuẩn mực đạo đức (Kitô giáo, Hồi giáo, Nho giáo, Phật giáo…). Thế nhưng, với “Phồn Sinh”, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu muốn dùng sự tự do phồn sinh của muôn loài để chuyển đến cho con người thông điệp về sự tự do phóng dục mà theo ông đó là bản chất của mọi bản chất sinh tồn tự nhiên của muôn loài. Vì lẽ đó, ta thấy khắp “Phồn Sinh” dù tác giả luận bàn về chủ đề gì thì cuối cùng vẫn chỉ là để tụng ca sự sống hoan lạc của muôn loài.
Nghệ thuật diễn ngôn của Nguyễn Linh Khiếu trong tác phẩm “Phồn Sinh” khi mới hình thành, được biết, vốn được sắp đặt theo những qui tắc tiếng Việt một cách thông thường, vốn sử dụng các dấu câu trong các ý tưởng để người đọc hiểu điều muốn biểu đạt một cách bình thường. Thế nhưng tới bản in chính thức như hiện nay thì đã hoàn toàn khác hẳn, cả tập chỉ còn là một câu thơ dài khủng khiếp với 710 trang in khổ 16x24, hơn 130 ngàn chữ và 13 ngàn dòng thơ. Đây là sự thách thức sinh tử cho nghệ thuật diễn ngôn; mặt khác, đây cũng là một sự tôn vinh bạn đọc, trao quyền cho người đọc cơ hội - đồng sáng tạo, đó là tự do ngừngg mạch, ngắt câu theo cách của mình, nhưng xem ra đây lại là cơ hội quá rắc rối. Có lẽ để hiểu một cách mạch lạc người đọc sẽ phải có một cây bút để đánh dấu theo ý hiểu của mình. Trong nhiều trường đoạn tác giả sử dụng những tính từ láy đôi, những từ ngữ rất giàu âm thanh, màu sắc, nhịp điệu… nó đã vượt qua cách hiểu thông thường của câu chữ, đẩy cảm nhận của người đọc đến trạng thái hoàn toàn siêu thực, mơ hồ đầy thôi miên, ám ảnh chỉ còn là sự sục sôi nhục cảm “Phồn Sinh” của muôn loài.
Thi pháp của tác giả “Phồn Sinh” là triền miên suy ngẫm theo từng chủ đề cụ thể rõ ràng, được diễn đạt bằng thơ văn xuôi và tận dụng ngữ âm trầm bổng, chan chứa hình ảnh ẩn dụ, chủ ý dùng điệp từ, điệp ngữ, điệp khúc. Vậy đúng là hình thức thơ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Còn về nội dung tư tưởng của “Phồn Sinh” thì trong phạm vi bài viết này chúng tôi không đề cập tới mà xin tùy ở sự cảm nhận và thấu hiểu của bạn đọc.
Trong thơ Nguyễn Linh Khiếu luôn luôn tồn tại một trạng thái mâu thuẫn tự tại, từ bản thể, nhân sinh quan, tới ngôn ngữ sáng tạo. Những khía cạnh trái nghịch nhau về tư tưởng và hình thức được lồng ghép lại, vừa để phủ nhận, và cũng để thừa nhận lẫn nhau trong một thế biện chứng bất giải. Ngôn ngữ và từ ngữ luôn luôn mang trạng thái ngộ nhận, đầy ngờ vực, vì ngôn ngữ và từ ngữ chỉ là những thể cách biểu hiện một giai đoạn của sự khác biệt và bất toàn, tách mảnh, trong tư tưởng về bản thể, nhân sinh quan và vũ trụ quan.
Theo quan niệm truyền thống, một trường ca bao giờ cũng phải có một cốt truyện và trong đó các nhân vật chính, phụ được sắp đặt trong các khung cảnh nào đó để chuyển tải nội dung trong các thời gian và không gian nhất định. Với “Phồn Sinh” - một trường ca phi truyền thống thì không như vậy, tác giả lấy chính mình là chủ thể phát ngôn theo kiểu “rao giảng”, “phán truyền” các thông điệp trong các ngữ cảnh khác nhau. Trong “Phồn Sinh” không ít trang ông đã tự xưng mình là “Giáo chủ” của “Phồn Sinh giáo” để biện minh cho sự “rao giảng”, “phán truyền” của mình. Dĩ nhiên, ông cũng luôn luôn khẳng định muôn loài ở châu thổ Hồng từ con giun cái kiến đến con sâu con bọ, con chó con mèo, một ngọn cỏ, một nhành cây… tất cả cũng đều là giáo chủ.
Thi pháp “rao giảng”, “phán truyền” này chính là thi pháp “thánh kinh” của các tôn giáo và trước đây cũng đã được triết gia Đức P. Nietzsche (1844-1900) sử dụng trong tác phẩm nổi tiếng nhưng không hề dễ đọc là: “Zarathustra đã nói như thế” (Also sprach Zarathustra, 1883-1885). Trong vai nhà Tiên tri Ba tư cổ, triết gia Đức này đã đưa ra những phán truyền có tính hủy diệt đối với các giá trị châu Âu truyền thống. Phải chăng (?) nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cũng muốn qua “Phồn Sinh” để chuyển đến người đọc những thông điệp cốt tử nào đó./.