Nhân lễ kỉ niệm 40 năm Trường viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa viết văn-Báo chí), tôi nhớ lại một lễ kỉ niêm khác cách nay 20 năm.
Khi đó Trường Viết văn Nguyễn Du đã có Hiệu trưởng mới, nhân việc thầy Phạm Vĩnh Cư (Hiệu phó chuyên trách) sang Pháp 2 năm theo chế độ phu quân. Thực ra thì từ lâu, trong mắt các cơ quan quản lý, Trường viết văn Nguyễn Du đã luôn là cái gai cần phải nhổ hoặc thay máu, vì thế, việc thầy Cư sang Pháp là dịp tốt để cấp trên thực hiện điều đó). Trong buổi họp giao ban khi mới về nhậm chức, Hiệu trưởng mới coi việc tổ chức kỉ niệm 20 năm ngày thành lập trường là công việc quan trọng, một nhiệm vụ chính trị. Ông đưa ra kế hoạch phải “chạy” một cái Lao Động hạng Ba. “Tôi tham khảo rồi, giá chung là hai chục! Nhưng tôi có lời chắc bọn nó sẽ giảm xuống cho chỉ còn mười lăm. Chấp nhận được! Tôi nói với các bạn, tất cả đều phải có tiền hết. Không có xèng thì đừng mơ”-Hiệu trưởng cười cười bảo, như là ông đi guốc vào cái xã hội này.
Ngừng một lát ông nói thêm:
-Đấy chỉ là một khoản. Còn phải bỏ tiền tuyên truyền trên một số báo lớn; rồi là phải tổ chức gặp gỡ cộng tác viên; rồi nữa phải chuẩn bị để đón cựu sinh viên, các giảng viên và khách mời về dự…trăm thứ!
Sau đó ông trịnh trọng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, cho một vài cá nhân.
Tất nhiên là trừ tôi.
Thực sự thì tôi không quan tâm đến bất cứ việc làm, lời nói nào của ông Hiệu trưởng mới. Kế hoạch “chạy một cái Lao động” của ông càng khiến tôi thờ ơ, thậm chí sẵn sàng khinh “ra mặt”. Với tôi, Trường viết văn Nguyễn Du không cần thứ đó. Trường viết văn mà khát thứ đó, thì giải tán nhanh ngày nào tốt ngày ấy. (Sau này, nhân một lần bàn cách thức kỉ niệm ngày thành lập NXB Hội nhà văn, tôi bảo ông Giám đốc làm gì thì làm, nhưng chớ có chạy huân chương, ông cười to bảo: “Mày nghĩ tao vớ vẩn thế à, tao thiết đéo gì”! Tôi đánh giá rất cao thái độ đó của ông Giám đốc). Ngoài ra tôi thờ ơ còn vì tôi biết rõ về ông Hiệu trưởng mới. Thế là tuy thân xác ở Trường, nhưng mọi suy nghĩ của tôi dồn cả vào cuốn tiểu thuyết Đi tìm nhân vật mà tôi đang viết. Ngay cả mời giảng viên là việc của tôi, nhưng tôi cũng để mặc ông Hiệu trưởng thả sức “ban ơn” cho bạn bè ông. Đọc tác phẩm sơ khảo của sinh viên cũng là việc của tôi, nhưng tôi nhường nốt cho ông Hiệu trưởng mời người thuộc “cánh hẩu” và thậm chí tôi còn không thèm hỏi để biết họ là những ai.
Ngày kỉ niệm đến gần. Sau một loạt thương thuyết, cuối cùng chỉ có tờ báo Văn nghệ trẻ là đồng ý dành ra một góc nhỏ cho việc tuyên truyền kỉ niệm 20 năm thành lập Trường viết văn Nguyễn Du. Có lẽ vì khá nhiều người làm ở báo Văn nghệ từng học qua trường nên họ không nỡ từ chối. Ngay lập tức một cán bộ lâu năm của Trường được chỉ định chấp bút viết, để Hiệu trưởng đứng tên, một bài về Trường, dài khoảng ngót ngàn chữ. Tất nhiên là sẽ đăng kèm ảnh ông Hiệu trưởng mới. Chỉ thế thôi cũng đủ khiến ông ta vô cùng phấn khích. Vì thế ông bồn chồn mong sớm đến ngày cầm trên tay tờ báo có bài viết ký tên ông. Ông chỉ đạo thủ thư đặt mua 200 tờ, để cho vào các túi quà tặng khách.
Vài ngày trước khi báo vào nhà in, thì tôi nhận được cuộc gọi của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn. Ông bảo tôi theo lối “mắng mỏ” rằng, kỉ niệm 20 năm Trường viết văn mà không có bài của ông Phạm Vĩnh Cư là không ổn. “Thiếu ai chứ không thể thiếu ông Cư!”-Trương Vĩnh Tuấn nhấn mạnh. Ông nhờ tôi làm gấp một bài phỏng vấn “thật hoành tráng” thầy Phạm Vĩnh Cư và nhớ chọn một cái ảnh chân dung ông Cư thật sang trọng, đúng với phong thái “quý tộc” của ông ấy.
Tôi tất nhiên là thực hiện ngay, rất nhanh và bí mật. Vì Hiệu trưởng mới không muốn, không cho phép ai nhắc đến tên thầy Phạm Vĩnh Cư trước mặt ông ta. Hôm khai giảng khóa VI, chả hiểu sao thầy Cư vừa ở Pháp về nghe tin, bèn lò dò vào trường. Đang chuẩn bị phát biểu với quan khách, Hiệu trưởng mới tái mặt kéo trưởng phòng tổ chức ra truy vấn là ai đã báo cho ông Cư. Trưởng phòng tổ chức bảo không biết. Hiệu trưởng bèn chỉ đạo không ai được giới thiệu ông Phạm Vĩnh Cư với sinh viên và quan khách. Nếu ai cứ cố tình làm thì sẽ bị kỉ luật!
Ngoài tôi ra, chỉ có cô thủ thư biết thầy Phạm Vĩnh Cư sẽ xuất hiện trên số báo kỉ niệm 20 năm Trường viết văn. Đó là bài trả lời phỏng vấn tuy không dài, nhưng khái quát đúng tầm vóc và sứ mạng “độc đáo” của một trường đào tạo viết văn ở bậc đại học, với mỗi khóa duy nhất một lớp, hầu như chỉ có ở Việt Nam. Trương Vĩnh Tuấn xem xong bảo: “Phải thế này chứ!”. Không sửa một dấu phảy, ông Tuấn đưa thẳng lên vị trí trang trọng của tờ báo, chiếm trọn hai trang, trong đó ảnh thầy Cư đã gần nửa trang.
Chắc chắn là báo đã ra, tôi bảo với thủ thư nhanh chân mua và đem về trường. Lập tức 200 tờ Văn nghệ trẻ được chuyển đến thẳng phòng của Hiệu trưởng. Lúc đó vào buổi chiều, Hiệu trưởng không có ở cơ quan. Sáng hôm sau tôi đi làm muộn. Vừa tới nơi đã thấy cô thủ thư tái mét mặt, bảo rằng Hiệu trưởng đang nổi cơn lôi đình. Lý do là khi ông ấy mở báo ra, thấy ngay bài phỏng vấn và ảnh ông Cư to tướng. Ông ấy quy tội cho tôi và quyết định ném toàn bộ 200 tờ báo xuống gầm bàn làm việc, để ngày ngày ông ấy đặt chân lên cho bõ tức!
Thế là trong túi quà biếu khách lễ kỉ niệm 20 năm Trường viết văn Nguyễn Du năm ấy, không bao giờ có tờ báo Văn nghệ trẻ như kế hoạch ban đầu.