Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRAO ĐỔI TIẾP VỀ CHUYỆN BIỂN ĐÔNG

Vũ Ngọc Hoàng
Thứ tư ngày 23 tháng 10 năm 2019 4:02 PM
Kết quả hình ảnh cho ông Vũ Ngọc Hoà ng
Lời dẫn của "Bay lên Việt Nam": Đây là những lời tâm huyết, sáng suốt của một Trí thức từng là cán bộ cao cấp của Đảng, như những kiến giải với lãnh đạo đất nước trước tình hình “nước sôi lửa bỏng”. Tin rằng, đây cũng là tiếng nói phù hợp với ý nguyện toàn Dân tộc… BLVN xin trân trọng giới thiệu phần đầu bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng, vừa gửi cho chúng tôi.

Sau bài viết “Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông” đầu tháng 9 vừa qua, tôi đã nhận được nhiều ý kiến bình luận, phản biện. Trước hết, tôi rất cảm ơn quý anh chị và bạn đọc. Nhân đây, xin được trao đổi tiếp về chuyện Biển Đông xung quanh các ý kiến phản biện đó.
1.Có ý kiến cho rằng, hiện tại xét về tương quan lực lượng thì Trung Quốc mạnh hơn ta nhiều, ta không đủ sức chống lại họ, mà cũng không thể bài Hoa, kiện là có cớ để họ lấn tới, tấn công ta. Tôi xin thưa, ta đâu có định chống Trung Quốc. Đây chỉ là quyền tự vệ chính đáng bằng giải pháp hòa bình của một dân tộc văn hiến, có chủ quyền và biết tự trọng, chứ đi chống Trung Quốc để làm gì. Ta chỉ muốn sống hòa hiếu, hữu hảo thật lòng với láng giềng, trong đó có Trung Quốc, và bạn bè quốc tế năm châu. Bao đời nay Việt Nam vốn là một dân tộc yêu hòa bình và đường lối ngày nay là muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Ta cũng không hề có ý định bài Hoa, mà bài làm sao được khi hai dân tộc sống gần cạnh nhau đã do thiên định, nhân dân hai bên biên giới sáng sớm nào cũng nghe tiếng gà gáy của nhau, và Việt Nam cũng rất cần có thị trường lớn bên cạnh để cùng nhau hợp tác phát triển trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Còn việc ta phải kiện Trung Quốc như tôi đã nói là vì họ ép ta phải làm thế, ta càng nhân nhượng họ càng lấn tới, họ đã xúc phạm ta, nên không có cách khác, không thể để chân lý bị chà đạp, chủ quyền quốc gia và các quyền lợi chính đáng của dân tộc bị cường bạo cưỡng chiếm. Không kiện là hữu khuynh, coi chừng thỏa hiệp vô nguyên tắc. Kiện để mở đường, để làm cơ sở cho các đấu tranh tiếp theo. Nếu chỉ đấu tranh song phương thì lâu nay đã làm, và không có kết quả, dễ bề cho họ ép ta. Cần phải đa phương, phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, dựa vào luật pháp và cộng đồng quốc tế để đấu tranh. Có ý kiến bảo nên bắt đầu bằng việc đưa vấn đề Trung Quốc giành biển của Việt Nam ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời tiếp tục kiện ra quốc tế. Kiện về chuyện Bãi Tư Chính và Hoàng Sa, Trường Sa nữa, từng vụ cho từng vấn đề. Tôi nghĩ thế là rất cần thiết, đáng lẽ phải làm sớm rồi, còn kiện cụ thể những gì và như thế nào thì chắc chắn các nhà nghiên cứu luật pháp sẽ thông thái hơn tôi. Việc khởi kiện cũng nên khẩn trương làm ngay, càng sớm càng tốt, vì họ đang ngày càng lấn tới, để càng lâu càng khó, và hành động thực tế của họ đã vượt qua ranh giới đỏ rồi. Gần đây, họ còn tuyên bố một cách ngạo mạn rằng khu vực bãi Tư Chính là của họ, rồi họ kêu gọi Việt Nam đối thoại hòa bình, mặt khác cùng lúc họ tiếp tục cho nhiều tàu lớn lấn sâu hơn vào phía bờ biển của Việt Nam, chỉ còn cách đất liền một đoạn ngắn. Cần phải rất cảnh giác với các chiêu bài của Trung Quốc. Đối thoại là đối thoại vấn đề gì phải cho rõ. Bãi Tư Chính đang yên ổn là của Việt Nam, luật pháp quốc tế cũng đã rành rành như vậy, nhưng họ đang chuyển sang vùng tranh chấp, coi chừng ta lại mắc mưu. Họ đi những “nước cờ” rất bài bản với âm mưu thâm sâu, ta không thể đối phó từng nước một trong thế bị động và lúng túng. Và cần phải chống “nhóm lợi ích” thân Tàu, coi chừng chúng nó bán rẽ Tổ Quốc ta cho Phương Bắc.
Về chuyện tương quan lực lượng thì từ ngày xưa đã thế, Trung Quốc lúc nào cũng to lớn hơn Việt Nam. Mười mấy lần họ xâm lăng nước ta trước đây xét về tương quan lực lượng vật chất họ đều mạnh hơn ta. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc trước đây, Việt Nam thậm chí đã phải bắt đầu bằng gậy tầm vông. Tương quan lực lượng ngày ấy còn chênh lệch hơn nhiều so với bây giờ, thế mà cha ông ta đã dám hành động dũng cảm, rất đáng tự hào và kính trọng. Từ xưa đến nay Việt Nam chưa bao giờ gây chuyện với Trung Quốc, mà chỉ có việc Trung Quốc luôn ức hiếp và nhiều lần xâm lược Việt Nam. Họ luôn có âm mưu thâm hiểm muốn biến nước ta thành thuộc quốc chư hầu của họ. Chẳng lẽ vì tương quan lực lượng của ta yếu hơn mà đất nước và dân tộc này phải cúi đầu nhịn nhục, không có quyền ngẩng lên để đấu tranh tự vệ. Và ngày nay vấn đề tương quan lực lượng cần được hiểu theo tư duy mở, trong đó có yếu tố con người, truyền thống văn hóa, chân lý, bạn bè và luật pháp quốc tế nữa.
Còn ý kiến nói rằng nếu ta chống lại họ thì tạo cớ cho Trung Quốc tấn công lấy biển của ta? Vì sao lại xem việc thực hiện quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam là tạo cớ cho kẻ xâm lăng thực hiện âm mưu. Quả là một kiểu tư duy không thể hiểu nổi. Đó chỉ là kiểu ngụy biện cho một sự nhu nhược về tinh thần và bản lĩnh. Thực ra họ chẳng cần cái cớ ấy đâu. Chính họ đã tạo ra rồi cái cớ hết sức vô lý khi nói vùng biển của Việt Nam là của họ, còn Việt Nam từ chủ nhân họ vu cáo là kẻ xâm phạm đấy thôi.
2. Có ý kiến giải thích rằng Trung Quốc đã làm được gì ở đó đâu, còn VN ta đã đặt được dàn khoan ở Bãi Tư Chính rồi, đất nước vẫn hòa bình yên ổn, thế mới là sách hay và khôn khéo, có chuyện gì đâu mà phải la ầm lên. Nghe nói vậy càng thấy buồn lo. Ta đặt dàn khoan trên phần lãnh hải thuộc chủ quyền của đất nước ta, sao lại đi so sánh với việc Trung Quốc ngang nhiên tự do đi vào “vườn nhà” của ta. Họ còn nói đó là vùng chủ quyền của họ và yêu cầu ta phải rút đi. Thật là một sự xúc phạm! Thực tế họ đã xâm lăng ta mấy tháng nay rồi và đang biến một vùng biển rộng lớn của ta thành của họ, thế mà lại nói họ chưa làm được gì. Sao lại phải biện minh cho hành vi ngang ngược của kẻ xâm lăng? Tại sao lại phải ru ngũ nhân dân? Biện minh theo kiểu đó thì vô tình hoặc cố ý làm lợi cho kẻ xâm lăng.
Lần này coi ra họ rất quyết liệt hành động. Việc chiếm được biển của Việt Nam có ý nghĩa lớn lao đối với họ, còn không chiếm được thì chiến lược về giấc mộng Trung Hoa có thể bị phá sản. Và họ nhận thấy lúc này về phía Việt Nam có những yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện âm mưu của họ. Trung Quốc đang sử dụng kế sách “không cần đánh mà vẫn thắng”, tức là không cần nổ súng vẫn lấy được biển, đó là thượng sách. Họ vừa muốn chiếm biển của ta, vừa không muốn “mất” Việt Nam, tức là vẫn giữ được một VN nằm trong tầm kiểm soát của họ. Vì vậy, tốt nhất là làm sao lấy được biển mà VN ít phản đối hoặc là chỉ phản đối chiếu lệ. Nhưng đồng thời họ cũng hăm dọa bằng tàu lớn súng nhiều và sẵn sàng động binh. Còn diễn biến thực tế trên chiến trường mấy tháng nay thì rõ ràng họ đang tiến và ta đang thua từng bước. Họ tiến vào ngày càng sâu hơn, gần đất liền hơn. Từ chỗ họ nói Tư Chính là vùng tranh chấp rồi sau đó họ nhanh chóng chuyển sang nói là vùng biển của họ và vu cáo cho Việt Nam cố tình lấn chiếm, yêu cầu Việt Nam phải rút đi, rồi bảo Việt Nam phải đối thoại để cùng khai thác...
Tình hình thật nghiêm trọng nhưng nhiều người vẫn tỏ ra như chưa có gì nghiêm trọng. Mấy tháng nay họ đã vào ra vùng biển của ta nhiều lần, như đi chợ, như ao nhà của họ. Có đợt cả tháng sau ta mới lên tiếng. Đẩy đuổi thì xem ra không đủ sức làm lâu dài. Lên án cũng không ra lên án. Đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân VN và thế giới biết bản chất của vấn đề cũng không làm. La làng lên cho mọi người biết là kẻ cướp đã đột nhập nhà tôi cũng không. Kiện cũng không chịu kiện. Tăng thêm đối tác chiến lược mới cũng không. Hợp tác quân sự mới cũng không thấy…. Nói chung dân chúng không hiểu thái độ và đối sách của lãnh đạo nước ta ra sao. Mà xem ra đây cũng không phải là sự bình tỉnh của một cao thủ có kế sâu nên nhiều người đã bảo “chẳng hiểu vì sao mà phải thế”.
3. Có người phê bình rằng các ý kiến từ nhân dân không hiểu hết tình hình nên nhận định, đề xuất không phù hợp. Thậm chí có ý kiến còn phê phán chì chiết những tiếng nói từ những người yêu nước. Trong nhân dân, có người không đủ thông tin như lãnh đạo cũng là chuyện bình thường, nhưng có thể họ lại hiểu lòng dân hơn lãnh đạo. Ý kiến nào không hiểu tình hình mà nói không đúng thì nên chỉ ra, nói lại xem thử thế nào là đúng. Nhưng riêng việc mấy tháng nay Trung Quốc liên tục (gần như thường xuyên) xâm phạm biển của Việt Nam một cách trắng trợn, họ tuyên bố đó là biển của họ, Việt Nam thì không la, không kiện, không nói rõ cho nhân dân biết, đặc biệt lãnh đạo đất nước không lên tiếng mạnh mẽ rõ ràng quan điểm…, đó có phải là sự thật hay dân nói sai? Thực tế mấy tháng nay quốc dân đồng bào không được các cơ quan hữu trách hoặc báo chí chính thống thông tin kịp thời và đầy đủ cho biết tình hình Biển Đông của Việt Nam đang bị xâm phạm. Cứ làm như mọi việc vẫn bình thường, không có chuyện gì xảy ra, thậm chí kẻ xâm lăng vẫn còn được coi là “đối tác chiến lược toàn diện” quan trọng nhất của VN. Tại sao không thông báo kịp thời mọi việc cho nhân dân biết rõ tình hình? Phải chăng sự quan tâm của nhân dân đối với chủ quyền của đất nước là không cần thiết, đó không phải là việc của nhân dân? Tất nhiên gần đây báo chí chính thống ít nhiều cũng đã có nói đến, dù chỉ ở mức độ hết sức khiêm tốn. Hãy nhớ rằng, từ lâu Trung Quốc đã tác động nhiều thông tin ra thế giới và trong nước để chuẩn bị dư luận, và hiện nay họ vẫn đang ngày đêm tác động thông tin để nhiễu loạn phía Việt Nam. Còn phía ta, cần xem lại ta đang ứng xử ra sao đối với tình hình đất nước rất nghiêm trọng vì chủ quyền của quốc gia đang bị xâm phạm? Trong số những người dân yêu nước có thể người này người khác có lúc nóng nảy, nói sai điểm này điểm khác, đụng chạm…thì nói lại, uốn nắn. Nhưng phải biết quý trọng tấm lòng của họ, nuôi dưỡng, hun đúc và tích góp chí khí của dân tộc để mà giữ nước. Không nên, không được làm điều gì gây tổn thương cho lòng yêu nước của nhân dân.
4. Một số ý kiến phản biện rằng, nói đến liên minh quân sự là nguy hiểm, dễ gây ra chiến tranh. Mà họ cũng đã nổ súng đâu, đã có chiến tranh đâu mà nói đến liên minh chiến đấu. Lần trước tôi cũng đã nói không liên minh quân sự với ai để chống nước khác là quan điểm đúng đắn. Việc đó cũng là thể hiện tinh thần của một dân tộc yêu hòa bình, ghét hiếu chiến. Nhưng trong tình thế đất nước bị xâm lăng thì cần liên minh để bảo vệ chủ quyền. Chẳng lẽ thà chịu mất nước chứ nhất định không được liên minh chiến đấu để bảo vệ? Như ta đã biết và thường ca ngợi chiến thắng của phe Đồng Minh trong đại chiến thế giới II - đó chính là một liên minh chiến đấu vì hòa bình. Và khi ấy Việt Nam cũng đã đứng về phe Đồng Minh. Việt Nam và Lào đã nhiều lần cùng liên minh chiến đấu mà đến nay ta vẫn luôn ca ngợi liên minh ấy. Sau năm 1975 Việt Nam và Liên-xô cũng có lúc như vậy. Những lúc ấy, đó là sự cần thiết của tinh thần tự vệ chính đáng. Còn nói họ đã làm gì đâu mà ta lại tính đến việc liên minh chiến đấu? Sao lại biện minh là họ chưa làm gì? Họ đã chính thức xâm chiếm lãnh hải tức là một phần Tổ Quốc của chúng ta bị xâm lăng rồi, chứ sao lại nói “họ đã làm gì đâu”. Chẳng lẽ đợi đến khi “chậm mất rồi”, “thua mất rồi” thì mới bàn đến việc liên minh chiến đấu để tự vệ? Chủ động chuẩn bị tốt các biện pháp bảo vệ đất nước cũng là một cách phòng ngừa để chiến tranh không xảy ra. Còn nếu cuối cùng nó vẫn xảy ra thì đó là việc do đối phương muốn vậy, ngoài ý muốn của ta. Trong trường hợp ấy chúng ta sẽ chủ động hơn.
Trước đây có lúc Việt Nam đã ủng hộ và tham gia phong trào không liên kết. Gần đây cũng có ý kiến bảo chỉ cần nói Việt Nam không liên kết với bất cứ nước nào, bên nào là đủ rồi. Tôi cũng nhất trí với ý kiến ấy, nhưng đó là nói về đường lối đối ngoại đối với các vấn đề khác không liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (ví dụ trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hoặc các cuộc xung đột trên thế giới và khu vực). Riêng đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam thì tôi giữ ý kiến sẳn sàng liên minh với bất kỳ nước nào ủng hộ chủ quyền của ta để tự vệ chính đáng. Tất nhiên là không ỷ lại dựa dẫm ai và hành động liên minh đó trên thực tế chỉ thực hiện khi có xung đột. Nhưng về nhận thức, quan điểm thì phải xác định trước, chứ đợi đến lúc xảy ra xung đột rồi mới triệu tập họp lại để bàn thì quá trễ. Trong thời đại công nghệ ngày nay, những nước như Việt Nam ta chưa đủ điều kiện về công nghệ thì càng phải có liên minh mới sử dụng được hệ điều hành từ vệ tinh của nước này hay nước khác.
5. Có người hỏi lại “nếu liên minh chiến đấu thì liên minh với ai và như thế nào?”. Đó là công việc của các nhà quân sự, họ sẽ thông thái hơn chúng ta, và tôi tin rằng họ sẽ không bó tay để đưa lưng cho người ta bắn và ngồi nhìn chủ quyền quốc gia thiêng liêng bị người khác cưỡng chiếm và xúc phạm. Ngày nay, các vấn đề chính trị, quân sự trong đối ngoại nhìn chung thường có gắn với lợi ích kinh tế. Phần biển đông thuộc nước ta đang chứa rất nhiều khoáng sản có giá trị lớn. Cần đẩy mạnh khai thác để có nguồn tài chính cho hiện đại hóa đất nước, không cần phải “để dành” mà kẻ tham dòm ngó và âm mưu cướp bóc. Tất nhiên chuyện Biển Đông không chỉ là tài nguyên mà còn vị thế chiến lược về địa kinh tế và địa chính trị mới quan trọng hơn nhiều. Ta có thể mở cửa rộng hơn với chính sách thuế phù hợp và thủ tục pháp lý thuận tiện để khuyến khích các đối tác từ các nước tôn trọng chủ quyền của VN vào hợp tác đầu tư khai thác theo luật pháp của Việt Nam và đôi bên cùng có lợi (ví dụ như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Nga, Ôxtrailia…). Đồng thời ta đề xuất phương án cùng nhau liên minh bảo vệ vùng biển này để bảo đảm cho công việc đầu tư khai thác được an toàn và an ninh. Còn Trung Quốc, khi nào họ thay đổi quan điểm, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì ta hoan nghênh và cũng mời họ vào tham gia hợp tác khai thác như các đối tác nói trên.
(Còn nữa...)