Chưa bao giờ tương lai trở nên bất định với con người như những ngày chúng ta đang sống. Truyền thống văn hóa biến mất, sự phát triển hỗn loạn của văn minh kỹ thuật, môi trường thiên nhiên bị hủy diệt làm con người lạc lối trong thế giới hiện nay. Điều ấy càng trở thành ý thức của mỗi người thì sự bất lực kèm theo nó, tức là sự vắng bóng các hành động thích hợp, càng tạo ra tâm trạng nghi ngờ, bất an. Trong bối cảnh ấy, nhà thơ đương đại đối mặt với nhiều câu hỏi, tiếng nói của họ không ngớt vang lên. Nhưng thơ là một tiếng nói đi ở ranh giới giữa cái biết và cái không biết, lý tưởng và mê lầm, cái cũ và cái mới.
Ta sinh ra cô đơn
Giờ cô đơn đã cũ
Ta trưởng thành bởi sợ hãi
Sợ hãi cũng cũ rồi
Nguyễn Bình Phương tìm cách thoát khỏi truyền thống cũ kỹ. Có hai truyền thống: văn chương tiền chiến, nặng về tính biểu cảm, và chủ nghĩa hiện thực thời chiến tranh hai mươi năm, nặng về tính hữu ích. Một bài thơ hay không phải chỉ là một ý kiến hoặc một phát hiện tư tưởng, nó phải mang lại cho người đọc cảm giác tham dự vào thế giới, tương tác giữa cá nhân và đồng loại.
Người đi nhẹ nói thầm với ta
Nước chỉ là ký ức của mây
Lửa chỉ là ảo ảnh cũ mèm của đám cháy
Mỗi người có một niềm tin cậy
Nở rụt rè giữa đêm khuya thanh vắng
Người đi nhẹ sáng bừng như nắng
Mềm mại như hương thơm
Nhưng anh không hy vọng tràn lan
Tại sao không hy vọng tràn lan? Vì anh không tin sự phức tạp của đời sống có thể dự báo, tương lai có thể giản lược. Sự mất cân bằng là tính chất của thơ Nguyễn Bình Phương, giữa một bên là đắn đo, bồn chồn, một bên là trở về với trinh bạch đầu tiên, nhưng trong thơ sự mất cân bằng tạo nên động lực. Một số nhà thơ đương đại phá vỡ rào cản, dạt ra bên rìa, chống lại quan phương, bi kịch hiện đại. Nguyễn Bình Phương thuộc thiểu số ấy, mới hơn nhiều người, nhưng anh không công khai nổi loạn, ít tuyên bố. Anh nhìn thế giới bằng con mắt của người vừa yêu mến vừa lạnh lùng, vừa phán xét vừa hờ hững, trước cái đẹp và cái xấu, cao quý và dung tục. Bề ngoài, có vẻ như anh bằng lòng với hiện hữu. Thật ra, người thường xuyên thách thức nó.
Cuối cùng
cuộc chuyện trò cũng biến thành câu hỏi
Tại sao người nọ dẫn người kia lạc lối
Không phải bài thơ nào cũng hay, nhưng khi xuất sắc thì chúng thuộc về một thế giới khác, một kiểu viết khác, trường tâm linh khác. Cánh cửa của thế giới ấy không mở rộng, nhưng không khóa. Thế giới ấy có thể thơ mộng, hiền lành, nhưng dung chứa những kinh nghiệm chấn thương kỳ lạ, tuổi thơ bị giằng xé, những ước vọng mơ hồ khó giải thích. Đọc, bạn biết chúng hiện hữu.
Bỗng dưng chới với ở nơi cuối nguồn
đàn bướm bay xuôi
dòng sông chảy ngược
ngồng cải vàng mơ một đàn bướm khác
ta say dề dà bên lề cuộc tình
Bỗng dưng trần trụi ở giữa bình minh
một mình làm cả hoang vu một trời
nghe bài hát cũ gặp lời xin lỗi
buồn tênh vòm cây
Bỗng dưng ngờ ngợ những đường chỉ tay
bao nhiêu uẩn khúc nhìn mình chằm chằm
bao nhiêu đêm rằm đổ vào bóng tối thủa em chưa chồng
Bỗng dưng đánh mất tất cả mênh mông
một người tỉnh queo làm anh ngán ngẩm
Ngôn ngữ tự thu kín mình lại, chìm xuống để có cái nhìn rõ hơn. Thơ không lớn giọng, nhưng đó là một ngôn ngữ bị xô đẩy, lệch đi, bị bẻ cong lại, như ánh sáng đi qua nước. Anh có cảm xúc bén nhạy đối với nơi chốn, vị trí, thứ tự, trật tự. Dường như đôi khi đi đến tận cùng ở đường biên sự thật, nhưng rồi anh lại lập lại thăng bằng, ở câu thơ tiếp.
Đêm nay nước mắt giáng trần
Con đom đóm nhỏ xiu đêm nay lạc mẹ
Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con
Thơ Nguyễn Bình Phương khác với thơ cùng thế hệ anh ở chỗ nó không tạo ra hy vọng giả, ảo ảnh, an ủi tạm bợ. Mỗi khi đọc chúng, bạn có cảm giác như tiếp một người từ xa về, không ăn nói lưu loát, ngồi lặng lẽ trước mặt, nhưng sự hiện diện đủ làm nên toàn bộ câu chuyện. Câu chuyện ấy rời rạc, thì thầm, bí mật, hướng tới một điều gì dịu dàng hơn nữa, bí mật hơn, tốt đẹp hơn nữa.
Khuya khoắt thế còn lội ngoài đồng vắng
Vệt lân tinh nhẹ bẫng
Cái gì lội ngoài đồng vắng? Lân tinh hay bóng một người? Xương cốt ai? Để nhìn thấy, bạn phải sống qua khổ đau, hy vọng, từng lội qua cánh đồng mưa lũ, sống, chết cận kề. Nhìn thấy vệt lân tinh chính là giây phút của thức tỉnh, toàn vẹn, của việc mang vác gánh nặng, đến đây bỗng nhẹ hẫng, bạn chấm dứt sợ hãi. Một bài thơ trữ tình mang lại nỗi phân vân nhưng không giải thích nó. Thơ không thay đổi được điều gì, Nguyễn Bình Phương không có ảo tưởng ấy. Nhưng văn chương có thể làm cho sự vật trở nên dễ hiểu, làm cho nỗi đau khổ trở nên chịu đựng được. Có những vẻ đẹp không cần cắt nghĩa.
Thi thoảng ngày không mạch lạc
Giữa cầu thang đụng nhau
Đầu óc quay cuồng như bước chân tử tội
Trên vạt cỏ phác tường sớm tinh khôi
Thơ anh được viết dè dặt, giữa nhu cầu muốn được bày tỏ và nhu cầu giữ lại. Cũng có trường hợp tác giả hoàn toàn buông thả, để mặc cho cảm hứng dẫn đường, làm mới lại hoàn toàn một tâm trạng. Sự gặp gỡ ở giao tuyến của sự thật này và sự thật khác tạo nên tính huyền ảo. Anh là sự thách thức thẩm mỹ và bút pháp đối với các nhà thơ đi trước anh một thế hệ.
Nở như người ác ngồi tư lự
Nở như nỗi buồn đi mang làn môi xanh
Nở như ngọn đèn trôi êm ru từ bãi tha ma về
Sau tình yêu con đường lạnh
Bài thơ có khi tựa tiếng thở dài già cỗi, lúc như đứa trẻ phấn chấn, hồn nhiên. Nếu mục đích của thơ ca là làm cho tâm hồn trở nên sâu sắc, thì các nhà thơ phải đối diện với bất bình, tìm thấy ở đó ngôn ngữ của một hiện thực khác, chưa bao giờ thấy.
Dưới mùa mưa dầm dề họ ngồi chơi cờ tướng, con tốt sắn quần lội vào chỗ chết, lại chết một lần nữa, và cứ thế, không lăn tăn nghĩ ngợi, họ cười.
Trong giấc ngủ của họ con rồng trắng cựa mình ngần ngật, rồi sớm ra, hiển nhiên, những dòng mương trời ban nước về trong leo lẻo.
Tôi đã tới thượng nguồn sông Hồng, ngầu, mênh mông, dữ tợn là thế mà sinh ra một châu thổ lững lờ. Họ ở châu thổ ấy, rải rác, lo căng trong yên ả, khi hiểm nguy thì xúm lại thành rừng. Đừng ca tụng họ, đừng rắc bạc lên phù sa vì phù sa đã bạc, hãy trồng thêm những bãi bờ lơ đễnh, nếu bình yên là điều anh mong đợi.
(trích Những cư dân đồng bằng sông Hồng)
Bài thơ của anh có những khoảnh khắc tựa điểm sáng, hay cửa sổ. Suy tưởng trong thơ là chủ đạo, nhưng đó không phải là suy tưởng khô khan, mà xảy ra như một quá trình giữa sự vật và cảm xúc, giữa thế giới cụ thể và trừu tượng.
Khuất trong góc nhà tôi có cả ta cả giặc
Bánh xe màu lục, viên đạn vô hình
Đó là tác giả nói về đồ chơi trẻ con, nhưng không phải viết cho trẻ con, mà cho người lớn. Kinh nghiệm của nó, những câu thơ ấy, vừa là kinh nghiệm riêng của tác giả, như chữ màu lục, không thể truyền đạt bằng cách khác, vừa là gợi ý gián tiếp, lời nhắc nhở có ý thức. Đó là kỷ niệm về mất mát, nhưng mất mát cũng có nghĩa là từ chối sự chiến thắng. Trong sự từ chối chiến thắng, kẻ đã thất bại sẽ trở lại, người đã chết sẽ trở về, nhân chứng mở lời. Ở những cửa sổ ấy, thi sĩ dừng lại, nhắc lời nói của mình nhưng với giọng điệu khác, giọng tác giả, không phải nhân vật.
Một lời tỏ tình vừa cất
Xác những ve sầu buông rơi
Cảm hứng của anh về đất nước, về chiến tranh, về các bi kịch xã hội được thể hiện một cách khác hẳn so với những tác giả trước anh một hoặc hai thế hệ, ngay cả trong cùng truyền thống chính thống. Càng ý thức sâu sắc, người viết đương thời càng có cái nhìn toàn diện; càng có cái nhìn toàn diện, họ càng bình tĩnh hơn. Ý thức về các bảng giá trị khác nhau, các nền văn minh khác, mặt trái của lịch sử, làm cho văn chương của người viết hôm nay, trong đó có Nguyễn Bình Phương, khiêm tốn và bao dung hơn, và do đó, minh triết hơn. So với thế hệ trước.
Không phân biệt
Ngủ bên ngoài mái hiên hay ngủ trong lòng mẹ
Đâu cũng là giấc mơ
Thơ đến từ cảm xúc sôi nổi của thời đại nhưng khi viết xuống nhà thơ cần sự cô độc. Nguyễn Bình Phương là trường hợp ngoại lệ của dòng văn học chủ lưu, một tiếng nói có thể đơn lẻ đến thế, độc lập đến thế. Mặc dù không sở hữu từ vựng hoàn toàn mới, và đây là nhược điểm, không phải ưu điểm, không đảo lộn câu chữ, gây rối văn phạm, viết câu dài ngắn khác thường, Nguyễn Bình Phương là một phép công phá im lặng lớn chưa từng được gọi tên trong thơ. Con đường anh đi đến với độc giả của mình, vì mỗi nhà thơ thực sự chỉ có độc giả của mình, và không nên có những độc giả khác, con đường ấy sẽ dài, một phần vì vậy. Anh cũng có khuynh hướng của chủ nghĩa tối thiểu, đôi khi phảng phất Haiku Nhật, nhưng vẫn đầy tính trữ tình chủ quan của thơ hôm nay.
Rồi hoàng hôn lá mục
Vắng run người
Niềm thương nhớ bồi hồi, không da diết quá, không gào thét, đôi khi như nụ cười, nhưng bảng lảng đâu đó trong trời đất, như tâm tư của người duy nhất còn sót lại. Người sống sót là người chu đáo nhất.
Bạn bè đi làm kiếp vợ chồng
Đom đóm yêu nhau lập lòe chốn cũ
Sự khó hiểu của thơ anh là ở tính hờ hững, nhẹ hẫng của chữ. Chúng như cảm quan của cây cối, không gọi, không khóc, không rù quến. Có thể cho rằng đó là một thứ thơ mà cánh cổng đi vào bài thơ không mở rộng, mời chào, như người chủ nhà đãng trí, nhưng chỉ cần bạn bước qua cổng, sẽ có một khu vườn hương sắc chờ bạn. Bên cạnh những cách tân quan trọng, anh cũng có lúc dễ dãi với mình, sa vào lặp lại, vào hướng đi có thể đoán được. Ví dụ, một bài thơ trung bình:
Vân của vùng Duy Xuyên
Câu mở đầu hay. Tôi nghĩ đó là năm chữ khó cho bất kỳ tác giả nào; quả nhiên, anh tiếp:
Dẫn vào đêm thánh địa một nỗi niềm trắc ẩn
Vì vậy, kết thúc bài, sẽ là những:
Vân bỏ lại nụ cười bảng lảng
Rồi nghiêng nghiêng lẫn với mưa rừng
Thế là chưa xứng với câu mở đầu. Hình ảnh, màu sắc được Nguyễn Bình Phương diễn tả giản dị, linh động, vài nét phác họa mà gây cảm giác lưu luyến, mang ý nghĩa riêng.
Những con chim ngủ yên trong mặt trăng bằng nước
Mưa phùn bay giấc mơ màu ngọc
Ngôn ngữ siêu thực. Thiếu vắng mối liên thông giữa hai sự thực: của cuộc đời và của tưởng tượng. Thơ anh không dễ hiểu nhưng lại không tối tăm: có một ngưỡng cửa nào đó người đọc cần bước qua. Giới hạn ấy là về ngôn ngữ và văn hóa, tiểu sử và lịch sử, cái đúng và cái đẹp. Nguyễn Bình Phương cũng làm thơ lục bát, một trong những thể loại khó nhất của thơ Việt, và tạo ra được tiếng nói riêng biệt.
Người đi ba bước gặp trăng
Bảy bước gặp gió năm năm gặp trời
Hay:
Ngày thôi gậy trúc cầm tay
Hồn lam chướng đã phất ngay về trời
Chưa đặc sắc, nhưng so với lục bát cùng thời có cái khác lạ, nhờ phối hợp hình ảnh và ý tưởng, một kết hợp thường được các nhà nghiên cứu gọi một cách mơ hồ là tứ thơ. Nói về lục bát để thấy anh sử dụng nhiều thể loại, không cực đoan. Hình như anh không có nhiều thơ dài hay trường ca như các nhà thơ quân đội khác? Nhưng trong anh có khuynh hướng hiện đại sau chủ nghĩa hiện đại, và không xa với hậu hiện đại. Vẻ bàng quan như trước đây trong văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Nhưng có nhiều hơn một Nguyễn Bình Phương. Không thể dễ dàng nghĩ đến anh chỉ như nhà thơ hay nhà tiểu thuyết, một người lính hay kẻ lang thang mơ mộng, một người tham dự sâu vào đời sống đương đại hay kẻ thật ra thâm tâm hờ hững. Tôi nghĩ, cái nhìn của thi sĩ làm cho văn xuôi của anh trở nên thơ mộng hơn, trong khi cảm nhận của nhà tiểu thuyết làm cho thơ anh trở nên khách quan, điềm đạm hơn. Anh chăm chú nhắc đến kỷ niệm:
Những ánh sáng lặng im soi một phần quên lãng
Như lặng im chiếc cần câu chờ bí mật diệu kỳ vung lên từ nước
Như hình hài một con đường và anh, con đường đi ngược
Vang xa cùng dải Ngân hà
Không chỉ là hoài niệm, đó còn là sự đánh giá, chiêm nghiệm về những giá trị khác nhau. Anh là người xếp đặt các bảng giá trị, cho riêng mình, tất nhiên. Ngôn ngữ mang lại niềm hy vọng về những trật tự. Bài thơ thật sự, cũng như tình yêu thật sự, mang chúng ta tới sự thật, trực tiếp, xúc động. Quyền năng ẩn dụ của ngôn ngữ thơ làm thay đổi bạn trong phút chốc, nếu bạn là độc giả đích thực của thơ. Cần nhớ rằng số người đọc ấy không nhiều, đó là nhận xét đôi khi cay đắng, nhưng hoàn toàn đúng, cần thiết. Nghĩ rằng tất cả mọi người đều là độc giả của thơ, theo tôi là sai lầm lớn nhất của sự đọc, của phê bình. Thơ cần người đọc tinh hoa, không cần đám đông. Những người nào tìm thấy một nhà thơ đương đại như Nguyễn Bình Phương, đọc anh, vừa thấy mình là một với tác giả vừa thấy mình là người quan sát. Đó là một ngôn ngữ trữ tình nhưng xa cách, thiếu sự nồng nàn nồng nhiệt, gần như chống lại thương cảm, làm cho người đọc vừa sống cảm xúc của nhân vật vừa được nhìn ngắm thế giới của họ.
Sau tiếng chuông
Quả chuông âm thầm tê dại
Thơ Nguyễn Bình Phương thuộc dòng trữ tình- nhận thức. Thơ ấy đi qua nơi giao hòa của cái riêng tư và tập thể, cá nhân và lịch sử. Dường như anh chỉ có những nỗi đau âm ỉ, không ồn ào, làm bạn giật mình thức dậy trong đêm, lắng nghe, bồn chồn.
Vậy nhé
Hãy dừng lại tại đấy mà nghe
Nó đang ở cuối đường
Thân thể gầy còm vì chay tịnh
Bạn không hiểu lắm tác giả muốn nói gì, nguyên cớ của chữ chay tịnh, nhưng những câu thơ ấy làm bạn dừng lại. Bạn tin có một người nào đang nói, người ấy đi tìm ngôn ngữ cho riêng mình, để nói điều gì không nói được bằng ngôn ngữ nào khác. Nếu bạn đứng im, không la lối om sòm vì không hiểu, như trước một con thú lạ, hay một sinh vật ngoài hành tinh nếu bạn muốn thế, đưa mắt nhìn từ tốn, không kích động hay sợ hãi, bạn sẽ nghe tiếng nói ấy tiếp tục.
Vậy nhé
Hãy nheo mắt gập đầu chấp nhận
Bạn nheo mắt.
Sống đôi khi là ngưng thở
Ngồi im đôi khi cũng sang được mùa hè
Nếu cố gắng tìm hiểu, chưa chắc bạn đã hiểu. Tôi nghĩ là bạn nên từ bỏ ý định ấy, không phải vì hiểu là không cần thiết. Ngược lại. Nhưng đó không phải là điều quan tâm trước hết, ở đây.
Những ông vua cỏ chết rồi
Điếu văn đọc mãi toàn lời vu vơ
Cũng như khi bạn nhìn bông hoa nở đẹp, một người nhảy múa, nghe chim hót, bạn chỉ nhìn, nghe, thích thú, chứ không quan tâm lắm về ý nghĩa của những thứ ấy.
Rồi con mèo trung tính sẽ biến đi
Bí mật hiện ra giữa mờ sương của bạn
Nó tặng ta một bông cúc sắp tàn
Có cuộc đời chẳng chịu tàn trong đó
Nếu bạn là người đọc của anh, bạn sẽ quay lại. Nếu không phải, bạn sẽ đi luôn. Tôi tin nguyên tắc đầu tiên của chúng ta là thừa nhận rằng thơ không dành cho tất cả mọi người. Thực ra hội họa hay âm nhạc, toán học hay sinh học, cũng chưa bao giờ dành cho tất cả mọi người. Nguyễn Bình Phương nói lời sau cùng với nụ cười điềm đạm:
Vậy nhé
Tạm biệt, đừng đánh thức
Đừng nghe
Nhưng có thể nhìn thêm lần nữa
Trên đây tôi muốn trình bày kinh nghiệm trong việc đọc một bài thơ cụ thể của anh, bài Khoảng giữa, trong tuyển tập Xa xăm gõ cửa. Thơ Nguyễn Bình Phương không phải là thơ nhân chứng; anh ít đề cập trực tiếp đến những vấn đề xã hội, thời sự. Không đề cập không có nghĩa là không quan tâm. Sự chọn lựa ấy phát sinh từ bản thân ngôn ngữ của một tác giả, hoặc là ngôn ngữ tiếp nhận đối với thời thế, hoặc là ngôn ngữ loại trừ chúng, hay gạn lọc chúng. Tôi nghĩ, Nguyễn Bình Phương ở trường hợp thứ ba. Thơ anh góp phần làm giàu cho tiếng Việt đương đại, lặng lẽ mở cánh cửa ít người thấy, không lớn nhưng nhìn ra chân trời bát ngát, ít tiếng động nhưng nhiều biến cố, ở đó lịch sử không những đã đi qua, mà vẫn còn đang đi qua, mệt mỏi, thương xót, trên nền của một văn minh phai tàn.
Vào các tối thứ bảy
Tấm vẫn đi dọc bầu trời cùng những ngọn gió
Bước chân ngời ngợi ánh trăng
Trong cỏ úa mênh mông
Cám đã mộng
Trong nỗi đoạn trường của sắc đỏ
Chúng ta đã mộng
Con người không thể nhìn mãi vào đống gạch đá đổ nát, dù là ở Thăng Long hay tận Tháp Chàm, họ đi tìm hoài niệm mới. Thơ Nguyễn Bình Phương là hoài niệm mới. Anh nghĩ ngợi về một điều gì, đâu đó, thuở nào, chưa bao giờ chỉ ra; người đọc chỉ biết đã hiện hữu một thứ gì như hạnh phúc, sự thật, vàng son tình yêu. Thơ anh buồn nhưng không bi quan chán nản. Nỗi buồn làm con người lớn lên, bi quan làm họ gục ngã. "Xa xăm gõ cửa", khác với cái nhan đề tuyển tập thơ (*), là một tiếng thì thầm thân mật, lời nói khẽ của bạn bè đêm tối. Chúng tồn tại như ý thức của anh.
Dưới chân cầu có giấc ngủ nắng
Đom đóm xoay quanh những khóm lau vàng
Nhớ em anh buồn anh chóng mặt
Nước không người nước đi lan man
Tình yêu là đề tài kín đáo, gần như giấu mặt trong thơ Nguyễn Bình Phương. Tình yêu bí ẩn ấy không có nhiều nhục thể, không có thương nhớ bồng bột, nhưng dai dẳng, quyết liệt, âu lo. Xa xăm gõ cửa là một tuyển tập từ nhiều tập khác nhau, nhưng cũng có thể là một tác phẩm độc lập, bởi vì sự tập hợp mới có thể tạo ra cấu trúc mới. Trong ý nghĩa ấy, đó gần như là một thể nghiệm của Nguyễn Bình Phương, đi tới biên giới của chữ và nghĩa, giúp người đọc tưởng tượng về điều họ đã biết nhưng chưa tưởng tượng, cảm xúc cái mà họ nhận thức nhưng chưa cảm xúc. Trước anh, ít ai viết thế này về đêm:
Đêm vằn vện của hổ
Đêm ngật ngờ giấc mộng loài chim
Đêm đo đỏ khuôn mặt hút thuốc
Đêm nhung êm làn nước xanh đen
Chảy vào ngày trắng xóa
Thơ Nguyễn Bình Phương có nhịp điệu dịu dàng, êm ái, nhưng hàm chứa bước ngoặt bất ngờ, ý lạ. Vì vậy đôi khi nó có vẻ trúc trắc. Một thứ thơ chậm. Một thứ thơ trữ tình giàu suy tưởng.
Một bầu trời phẳng lì
Không mây không gì cả
Tường chói tiếng nói chói
Chói tấm biển chỉ đường ra ga
Gương chiếu hậu quắc lên quái gở
Lối nói nhiều hình ảnh, tiết kiệm chữ, ít bày tỏ, cũng làm cho thơ anh có tính trực tiếp. Dù vậy, khuynh hướng tượng trưng vẫn cao, tức là tính quy ước của một số lối nói và hình ảnh sâu đậm.
Ngày tháng xanh xao vì thương tổn
Đã bạc màu cả những ước mơ
Anh từng nghĩ mình là gì nhỉ
Người đàn ông da vàng
Trên con tàu này chuyến đi dài dằng dặc
Thơ giúp chúng ta làm vài điều gần như không tưởng, tạo ra những liên kết không thực, những khả năng bất tận. Thơ thử mở cánh cửa của thời gian dù biết rằng không mở được, thử làm thay đổi lịch sử mặc dù lịch sử đã xong. Bạn còn đòi gì nữa? Đó là cơ chế tự vệ sau cùng của nhân loại.
Ở trong khu rừng ma
Có những con hươu ma
Hình ảnh của anh là bóng tối, rừng, người lính, thuốc lá, lảo đảo, mưa, sự mờ nhòa, rã mục. Nhưng bên dưới là một điều gì khác, sâu đậm hơn nhiều. Phép nhân cách hóa ở anh không chỉ là một phương pháp tu từ thuần túy. Có một cái gì hơn thế, trong câu:
Đừng ném khăn xuống nước
Nước buồn
Khi anh đi xa hơn, câu thơ không còn được nâng đỡ bởi ý tưởng mới. Đó là khuyết điểm chung của nhiều nhà thơ, không chống được cám dỗ của quán tính (momentum) của bài thơ:
Đừng gieo mình xuống nước
Nước buồn
Những lầm lỗi lịch sử mơ hồ: ý thức xã hội không bày tỏ rõ ràng. Đôi khi có những giây phút tỉnh thức, chúng phát ra một thứ ánh sáng tự nhiên đủ làm chao đảo tâm trí.
Tôi cắt tóc
Một người cực lạ
Rũ khăn choàng váng vất bước ra
Nguyễn Bình Phương là người lính, có lẽ do nhiều cơ duyên, nhưng anh cũng có thể làm công việc khác, khi anh nhìn những vỏ đạn cũ.
Người lính chống cằm nhìn những vỏ đạn
Thơ nói về bất toàn. Của thiên nhiên, con người, thế giới. Cái đẹp gợi lên bất toàn. Một cặp tình nhân hạnh phúc: sẽ được bao lâu? Một cuộc cách mạng lừng lẫy: khi nào tàn? Còn tuổi trẻ?
Đêm nay nước mắt giáng trần
Con đom đóm nhỏ xíu đêm nay lạc mẹ
Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con
Có những nhà thơ bị ám ảnh về tạm thời, tan vỡ, như Xuân Diệu, chúng ta biết. Nhưng thơ đương đại vượt qua đau xót ấy, sự than khóc ấy, vì ngay từ đầu người trẻ hôm nay chưa bao giờ hạnh phúc đến mức "hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi"(XD). Cảm giác bất toàn trong thơ Nguyễn Bình Phương được nuôi giữ trong sức lặng lẽ chịu đựng.
Qua đường hầm nhỏ
Anh đang trở về
Đó là một đường hầm có thật ngoài đời, nhưng cũng là biểu tượng. Nguyễn Bình Phương có thói quen dùng nghĩa khác nhau của chữ. Đó là cách anh nhìn sự vật từ góc độ khác, xoay chuyển chúng trong hệ tọa độ ý nghĩa.
Tin vào đêm
Không tin bóng tối
Anh có những câu bất ngờ mở đầu bài thơ. Đôi khi chúng như ngọn dao chẻ đôi sự thật, đôi khi như con đường đi xuyên qua cỏ rậm, rừng bạt ngàn. Tuy vậy lúc nào cũng có một hy vọng, ẩn kín đáo dưới mỗi bài thơ, khúc quanh trong bài thơ ấy.
Không phân biệt
Ngủ bên ngoài mái hiên hay ngủ trong lòng mẹ
Một ngôn ngữ trực tiếp, giản dị, nhiều hình ảnh không mới lắm, lẫn vào những câu cũ, nhưng tác giả đã thực sự bước qua khung cảnh tâm trí mới, hệ thống thẩm mỹ mới, chia tay không thương tiếc với điều người khác đã nói quá nhiều.
Em nói gì với thân xác của em
Thân xác bỗng hồng hào náo nức
Thân xác em nói gì với trời đêm
Ngàn sao trên đầu ta rạo rực
Ơi đám mây đám mây nồng ấm
Mắt người tình còn rờ rỡ nữa không
Nhà thơ Việt Nam ít nói về thân xác. Thân xác khác với tình dục, tình dục khác với gợi tình. Không ngại bất cứ một đề tài nào, chạm đến những niềm tin cốt lõi, những thói quen buồn chán và đáng ngờ vực, thăm dò khả năng mới của ngôn ngữ, không ngừng mơ mộng.
Nai kêu
Rừng ẩm ướt
Sương mù lên che ngang mặt cây
Đá rì rầm rì rầm bên suối
Điếu thuốc lập loè con mắt thú rừng ơi
Sao tán cọ tơ non rười rượi thế
Sao nửa muốn choàng ôm
Nửa thu mình lặng lẽ
Tình yêu nào không dự cảm đớn đau
(Ở Định Hóa)
Thơ Nguyễn Bình Phương như truyện của Raymond Carver. Anh là người quan sát, nhiều hơn là tham dự. Chất trầm tư bàng bạc giữa các câu. Vẫn biết không thể tỉnh thức trong mọi lúc, nhưng thơ anh là cái nhìn thấu đáo, hư vô mà vẫn gần với dân gian. Đó vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu: tư duy thơ vừa bác học vừa bình dân, làm được cả hai thứ không phải dễ. Nhưng đó chưa phải là điểm xuất sắc nhất trong ngôn ngữ Nguyễn Bình Phương, tôi nghĩ ở anh có một điều gì khác nữa, mơ màng, thi vị, làm nên tính thơ của mọi ngôn ngữ, vẻ đẹp của tình yêu. Có một khả năng tái lập các khái niệm, tái tổ hợp các niềm tin, làm mới một cách sống. Cái chết cũng là huyền thoại.
Cuối cùng
trời cũng ở sau lưng
Cuối cùng
con suối thủa bé cũng chảy kịp tuổi già và trả ta ánh trăng
Anh không nhắc tới thiên đường địa ngục, sự tồn tại của đấng cứu chuộc. Điều ấy chỉ làm cho ám ảnh siêu hình trong thơ anh trần trụi hơn, khốc liệt hơn. Giây phút chiếu sáng là ngắn ngủi.
Ngày nào tha em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
Con diều vàng bén lửa giữa hoàng hôn
Trên tâm trạng phảng phất buồn rầu như gam màu xám, anh có những phút bừng sáng, tươi trẻ. Như tình yêu. Như thân xác.
Anh đã tới chỗ ấy
Đã gặp cái vầng trăng mươn mướt của anh
Có một niềm hối hận hay lời thú tội nào trong thơ Nguyễn Bình Phương? Ẩn dụ là công việc khó khăn của các nhà thơ. Bởi vì đời sống không phải là một sự vật mà là một quá trình, nên ẩn dụ phải là một quá trình.
Trong ký ức người điên
Đêm đêm lửa chập chờn tìm kiếm
Những bức tường màu lam
Tại sao màu lam, tôi không biết. Đọc thơ tạo ra kinh nghiệm mà không một quá trình nào khác có thể mang lại, chúng ta nhìn thấy gần khuôn mặt tác giả, nụ cười, ly biệt. Tôi tin vào chuyện kể của nhà thơ, nếu đó là nhà thơ có tài. Tôi tin rằng những câu thơ có thật như chính cuộc đời anh.
Anh đã tới chỗ ấy
Đã gặp cái vầng trăng mươn mướt của anh
Nó ngồi đó, một mình, không cô đơn nhưng tràn trề tĩnh lặng
Nó tự sáng hay em làm nó sáng
Bụi tóc tiên dại điên miên man
Vang lên những tiếng nói rối bời
Dù thế nào thì cũng đã tới
Anh tới đầy trống trải
Đúng như một con người
Chạy bạt tử trên gò hoang thoai thoải
Và reo vang
Đúng như một con người
Anh thành đốm nắng không nguồn cội
Thành đôi môi đẫm rượu
Lênh đênh qua hàng quán tàn phai
Với cái nhìn bạc màu kiêm ái
Anh nhận ra tro tàn kim cương
Trong chớp mắt chậm như vĩnh cửu
Còn nhớ chăng bầu trời quạnh hiu
Trong thân thể gầy gò nơi giam giữ phận anh thoáng chốc
Em hay vầng trăng khiến nó mịt mù
Kìa nước mắt đứng khoanh tay ủ rũ
Mang vị mặn khó hiểu
Ai sẽ là người giữ tiếng khóc của em
Trống trải
Chiếc áo sơ-mi khoác hờ lên bóng đêm
Là anh đấy. Những buổi chiều lá bay quanh mình
Một người đi chơi vơi như lửa
Ta rụt rè thắp ngọn đèn xưa
Lời thì thầm của em sáng lại
Bạn có thể đi tìm ý nghĩa trong thơ, nhưng đối với Nguyễn Bình Phương đó không phải là điều hoàn toàn có ích khi bắt đầu đọc anh, vì sự tìm kiếm ý nghĩa này thường xuyên bị ngăn cản bởi sự gián đoạn. Tất cả những điều này đến lượt chúng không phải là kỹ thuật trang trí, mà nằm trong nội hàm của nghĩa. Cách hay nhất để đọc bài thơ là đi dọc theo chiều dài của nó như hai người bộ hành dắt nhau đi. Thơ của người viết đương đại ngày càng trở nên khó hiểu, không phải vì họ sử dụng một ngôn ngữ khó hiểu mà vì người đọc không quen tiếp cận bài thơ mới. Mới và khó hiểu là hai thứ khác nhau. Đôi khi lỗi không phải ở người đọc mà ở nhà sư phạm và nhà phê bình. Lỗi ấy bắt đầu ở chỗ người đọc được khuyên phân tích một bài thơ là đi tìm ý nghĩa trong ấy. Hầu hết người đọc khi lớn lên sẽ không còn đọc thơ nữa vì họ bị lạc đường trong khu rừng chữ, đầy rẫy bài thơ dở và những nhà thơ mới nhưng bất tài. Tương tác cảm xúc của bạn với bài thơ là ngay lập tức, nguyên phát, bạn không thể gác điều ấy để chờ những quá trình phân tích nào khác.
Anh theo sông tìm đến những mùa trăng
Trong mùa trăng rất nhiều vầng trăng lạ
Bầy chim muỗi chờn vờn bay giữa lá
Nhớ em anh tức ngực đau đầu
Một bài thơ hay làm bạn vui thú. Archibald MacLeish: một bài thơ không phải là nghĩa. Nhưng là chính nó. (A poem should not mean. But be). Khuynh hướng ngôn ngữ trong thơ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, có lẽ cùng với Bùi Giáng trong Nam hay Trần Dần ngoài Bắc sau đó, nhưng khuynh hướng ấy không có các nhà lý luận; tác giả ít có những tuyên bố rõ ràng. Đó là một khuynh hướng mới, thổi luồng gió lạ vào sinh hoạt văn học, chưa thực sự được đánh giá đúng. Bài thơ là một sự vật. Bạn đến với nó như đến với một sự vật. Tôi nghĩ, trong thơ và trong tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương là người có khuynh hướng ngôn ngữ như thế. Chữ của anh trước hết là chữ, mặc dù không phải không có nghĩa. Từ góc nhìn ấy, vì vậy, thơ anh có vẻ huyền ảo ít gặp trong thơ cùng thời.
Tháng Tám day dứt
Bản nhạc cũ bắt đầu kết độc
Da thịt chán nản như lá khô
Lần thứ nhất chính mình là nỗi sợ
Lần thứ hai buồn hơn lần thứ nhất
Bấy giờ vào tháng Năm
Đường mòn cỏ vàng
Lũ trẻ lạc trường vẩn vơ thành bướm dại
ý nghĩ tàn những giấc mộng trưa
Không kịp nhìn lên vầng trán của mình
Lần thứ ba bỏ trống giữa bình minh
Mở mắt gặp âu lo lần thứ bảy
Bên chiếc gối mịt mờ
Cuộc sống dề dà không chịu bay
Tác giả khai thác mối quan hệ giữa thơ và giấc mơ chìm sâu trong vô thức, huyền bí, sự sống ở cõi khác, hình ảnh phản chiếu của chúng trong đời. Nhiều bài thơ là sự kiểm soát, sự dừng lại vừa phải, và lao động cật lực của việc viết đi viết lại, mà bất kỳ nhà thơ thực sự nào cũng trải qua.
Tôi nhớ những mùa nở rộ
Dọc bên kia bờ thời gian
Ngàn cánh vàng hoa điên điển
Nhớ người cựu binh bị ký ức mài mòn
Ngồi lẫn vào trong nước
Ngó đăm đăm một cánh cửa vô hình
Đôi khi những biến đổi trong một bài thơ khó nhận thấy, người đọc phải trở lại nhiều lần, yêu bài thơ đến mức không thể bỏ qua một cách khinh xuất, biết khiêm tốn như tác giả trước bài thơ, lắng nghe cho được sự khác nhau giữa một bên là tiếng nói xôn xao của thời đại, buồn phiền, giận dữ, và một bên là tiếng nói điềm tĩnh, gần với dân gian, như nước chảy trong đất, của tác giả. Tôi gặp những câu thơ như tia chớp, làm cho chúng ta ý thức được về bản thân và sự vật.
Tôi nhón gót về
Người chở đò góa chồng rên trong mê ngủ
Ngọn đèn thu lay lắt
Hình ảnh buồn nhưng không bi lụy. Thơ như thơ Nguyễn Bình Phương cần sự đọc sâu sắc. Khả năng đọc sâu sắc, tôi hiểu là thế này: hóa thân vào câu thơ, trở thành nhân vật trong bài thơ, trở thành tác giả. Trở thành người chở đò hay con đom đóm đi lạc mẹ. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhưng bạn phải nhảy vọt qua khoảng cách giữa sự thật trần trụi và sự thật tưởng tượng. Cảm giác giác quan, thị giác, rất mạnh trong thơ anh, một thứ thơ vốn không sử dụng nhiều tính từ mô tả.
Sáng tạo của nhà thơ thường được hiểu là quá trình tự bày tỏ, tự thể hiện, về tư tưởng và tình cảm, nhưng thực ra phần lớn sáng tạo ấy nằm trong quá trình thăm dò, thám hiểm, đến với cái chưa biết, thậm chí chưa có, thể hiện những kinh nghiệm mới mẻ dưới sự chiếu rọi của ngôn ngữ. Nguyễn Bình Phương thường trở lại với thiên nhiên, chất liệu nghệ thuật của anh ít mở rộng như các nhà thơ khác mà thường tập trung. Thơ anh trở thành phép diễn dịch bất tận đối với thời gian. Hoài niệm mới, tức là sự nhắc nhở một quá khứ giả tưởng, hướng về tương lai, không phải than khóc cái đã mất, mà các ý định ngầm để mô tả một xã hội lý tưởng, trở thành ý thức trong thơ anh. Nỗi buồn và cái đẹp khó tách rời nhau. Mặc dù ngôn ngữ trung thành với văn phạm, cú pháp, các hình ảnh là sự sắp xếp rời rạc các biến cố, các kết nối giữa chúng là đứt đoạn. Anh là mặt đất, mùa màng, cũng là con người lạc lối, kẻ mơ mộng cuối cùng giữa các bậc thang giá trị đang hỗn loạn.
Cuối cùng
mắt không phải để nhìn mà chiếu sáng
Khi ta gặp nhau thì trời hoá bạc
Trời xuống làm con thác
Đổ từ tóc em tới vai anh
Cuối cùng
mùa hạ cũng giữ được cho riêng mình một buổi chiều lành lạnh
Cuối cùng
chiếc gương cũng trào ra những bóng hình ứ đọng
Cuối cùng ai đó kêu to dưới cơn giông
Cửa đã mở
cửa đã mở
mở
mở
Cái đẹp của Nguyễn Bình Phương là cái đẹp tự kiềm chế. Anh không chỉ nói về đối tượng, đề tài, mà chính ra cũng nói về bản thân sáng tạo. Anh đi tìm an ủi, khích lệ, từ chối sự buông thả, sự lãng quên tập thể, là người giữ lại, và giữ lại được, cái đẹp cho chúng ta. Sức hấp dẫn của thơ anh nằm ở chỗ ấy, ở cái mộc mạc tự tin của ngôn ngữ, tuy bề ngoài lãnh đạm mà bên trong chất chứa nhiều kỳ vọng.
Nguyễn Đức Tùng
(trong chuỗi bài Đọc Thơ)
Tài liệu tham khảo:
1. (*) Nguyễn Bình Phương, Xa Xăm Gõ Cửa, NXB Văn Học, 2015.
2. Robert Hass, What light can do, NXB Ecco, 2012
3. Fiona Sampson, Beyond the lyric, NXB Chatto & Windus, 2012
4. Adam Kirsch, The modern element, essays on comtemporary poetry, NXB Norton, 2008.
5. Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, NXB Giáo dục, 2005