Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG - MỘT NHÂN CÁCH TRÍ THỨC TIÊU BIỂU

Mạc Văn Trang
Thứ ba ngày 24 tháng 9 năm 2019 8:52 AM



Sáng ngày 19/9/2019 Trung tâm Văn hóa Minh Triết, do Cụ Nguyễn Khắc Mai chủ trì, đã tổ chức buổi tọa đàm, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của GSTS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 2019).

Sau buổi tọa đàm Cụ Mai bảo, anh về viết bài nhé. Quả là khó, vì thú thực tôi chưa đọc được gì đáng kể trong số mấy chục công trình của một trí thức lớn, đa tài… Tôi mạo muội chọn cách nhìn khái quát về Nguyễn Mạnh Tường, từ góc độ Tâm lý học; hy vọng phác thảo ra đôi nét về Trí tuệ, Tình cảm, Bản lĩnh của một người Trí thức đầy tài năng, đức độ mà chịu bao nỗi đắng cay…

1. Một Trí tuệ hiếm có

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội, trong một gia đình công chức. Tiểu học học tại trường Paul Bert, sau học trường Albert Sarraut, Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường luôn là học sinh xuất sắc. Năm 1926, ông đỗ Tú tài triết học (16 tuổi), hạng ưu, được học bổng sang Pháp học Luật và Văn chương tại Trường đại học Tổng hợp Montpellier (1927). Năm 1929, ông đỗ Cử nhân văn chương, và năm sau đỗ Cử nhân Luật (1930). Tháng 5 năm 1932, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật, với luận án chính: L’Individu dans la vieille cité annamite (Cá nhân trong xã hội Việt Nam cổ) và luận án bổ túc: Essai de synthèse sur le Code de Lê (Tổng luận về luật đời Lê). Tháng 6 năm 1932, ông bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương với luận án chính: Essai sur la valeur dramatique du théâtre d’Alfred de Musset (Giá trị bi kịch trong tuồng của A. Musset) và luận án bổ túc: L’Annam dans la littérature française, Jules Boissières (Việt Nam trong các tác phẩm của Jules Boissières).

Ca ngợi thành tựu kiệt xuất này, ngày 29 tháng 5 năm 1932, nhật báo Le petit Meridional xuất bản ở thành phố Montpellier đã đăng bài diễn văn của Chủ tịch Hội đồng giám khảo trường Đại học của thành phố, nhận xét về luận án của một nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó có câu mang tính ngoại lệ: “Luận văn của Ngài quả là một tác phẩm pháp lý, hơn nữa còn là một tác phẩm pháp lý và văn học. Nền tảng của tác phẩm thật là vững vàng và không hề có một lời chỉ trích nào. Cả hình thức cũng thật xán lạn… Công trình nghiên cứu của Ngài thực sự là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh”….(Nguyễn Mạnh Tường, Wikipedia, 20/9/2019). Các báo ở trong nước thời đó đều có bài ca ngợi ông là niềm tự hào của xứ Đông Dương…

Với một Luận án TS về Khoa học và một Luận án TS về Văn chương cũng được bảo vệ năm 1932 cùng với lời nhận xét của Chủ tịch Hội đồng giám khảo trường Đại học như trên, cho thấy ở Nguyễn Mạnh Tường không chỉ có Tư duy KHOA HỌC vượt trội, mà còn có TRÍ TUỆ XÚC CẢM đặc biệt (Ngày nay Tâm lý học thường đo bằng chỉ số IQ và EQ). Với Trí tuệ đa năng như vậy nên ông là một Luật sư nổi tiếng nhất, thời trước 1945 cũng với Luật sư Phan Anh; đồng thời ông say mê nghiên cứu văn học cổ Việt Nam… Ông vừa đi dạy văn chương Pháp ở trường Bảo hộ (Lycée du Prétectorat, tức trường Bưởi, sau này là Chu Văn An), vừa dạy Luật tại trường Cao đẳng Công Chánh ((École Supérieure des Travaux Publics)… Ông nói đó là thời kỳ hạnh phúc nhất của cuộc đời ông.

2. Tư duy khoa học không thể phản bác

Tại Hội nghị của UBTWMTTQVN họp ở Hà Nội ngày 30.10.1956 đánh giá về những sai lầm trong CCRĐ, sau khi nghe ông Trường Chinh TBT Đảng Lao động VN báo cáo nhận những sai lầm trong CCRĐ, Nguyễn Mạnh Tường đã có bài thuyết trình 6 tiếng đồng hồ (sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng), thực chất là phản biện ý kiến của Trường Chinh.

Bằng TƯ DUY LUẬT HỌC, Nguyễn Mạnh Tường đã chỉ ra những sai lầm gốc rễ từ Đảng lãnh đạo một nhà nước VÔ PHÁP dẫn đến VÔ ĐẠO gây ra rối loạn xã hội, bao đau khổ cho con người và làm mất uy tín của Đảng cầm quyền. Sai lầm CCRĐ chỉ là cục bộ, phải nhìn toàn diện các mặt Kinh tế, Văn hóa, Tự do, Dân chủ, Nhân quyền mới thấy hết sai lầm gốc rễ từ Đảng cầm quyền. Ông bảo, ta đang áp dụng những thứ “luật” mà “hơn 400 năm nay không một nước Tây phương nào làm việc đó nữa”… Ông phân tích rõ những sai lầm của Đảng lãnh đạo và chỉ ra những điều phải thay đổi căn bản…

Tất nhiên ông Trường Chinh, Xuân Thủy và nhiều yếu nhân của Đảng Lao động ngồi đó cứ như bị “kim đâm nhoi nhói”… Sau này, ông khẳng định: “Luật sư đoàn là một tiêu chuẩn của một nền Dân chủ, rằng ở nước nào tiêu chuẩn đó thắng thế và có một Luật sư đoàn chân chính hoạt đông, nơi đó nền Dân Chủ chiến thắng”… “Như thế, việc chia làm ba ngành (Lập Pháp, Tư Pháp, và Hành Pháp) đã ngăn chặn những kẻ độc tài có cơ hội tập trung mọi quyền lực trong tay một người. Nguy cơ tổn hại về kinh tế, xã hội từ những thảm họa gây nên bởi sư độc quyền về chính trị, nói một cách chính xác, bởi những tay chóp bu, có thể được tránh khỏi, hay có thể giảm đến mức tối thiểu”…(Triết gia quân tử Nguyễn Mạnh Tường, TTVH Minh Triết, 2019, tr. 6). Nhưng tất cả những lý lẽ không thể phản bác của ông, chẳng có ai phản biện lại, chỉ quy một câu “chống Đảng”!

3. Tình cảm xót thương đồng bào không thể tả xiết

Bằng TRÍ TUỆ CẢM XÚC ông đã thấu hiểu nỗi đau khổ của đồng bào, nói lên nỗi xót thương không gì bù đắp được của những người chết oan trong CCRĐ cũng như tình cảnh thê thảm của đồng bào do cách lãnh đạo sai lầm của Đảng Lao động. Tất cả là bản cáo trạng lên án mạnh mẽ tội ác do chính thế gây ra.

“Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao Động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta…… Những người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được? Nếu chúng ta duy tâm và tin rằng linh hồn còn tồn tại thì một phần nào ta chuộc lại được tội lỗi của ta. Nhưng ta duy vật và các người ấy lúc chết cũng là duy vật. Do đó, cái nỗi khổ cực của họ ta biết rõ rằng bây giờ ta không thể nào thủ tiêu được nữa. Quyền hạn của ta không tới đó…

Với tinh thần của một người trong quần chúng, của một người công dân đau khổ trước bao nhiêu cái chết oan của người vô tội, tôi xin phép trình bày mấy ý kiến xây dựng. Chủ yếu tôi sẽ phê phán và truy nguyên các sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, nhưng theo ý tôi các sai lầm này chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao Động. Do đó tôi xin được góp ý kiến xây dựng quan điểm lãnh đạo của Đảng Lao Động.

Tại sao tôi lại tin như vậy? Là vì, không những trong Cải Cách Ruộng Đất chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu vực khác nữa…

Tình hình nước ta hiện thời ra sao? … Nhìn vào nông thôn, ta thấy hiện thời tình trạng thiếu đoàn kết rất phổ biến…, ta để cho chết chóc thê thảm những người hoặc già cả hoặc thơ ấu (trong các gia đình “địa chủ”)… Giai cấp công nhân đã phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức… một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ.

Về Mậu dịch nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động cho mình, nào đưa ra thị trường sữa hư mà không bao giờ nghĩ đến tính mệnh của người ốm, của trẻ sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng, thuốc lá mốc, phạm đến sức khỏe của nhân dân… Có thể nói được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán trách Mậu dịch.

Về hộ khẩu thì cán bộ tỏ vẻ không phải là nhằm duy trì trật tự an ninh… trái lại quấy nhiễu nhân dân, tạo ra một đời sống thành thị điêu đứng cho tất cả…

Nói về chính sách khôi phục kinh tế, ta thấy gì? … Một phong trào các nhà tư bản thu hẹp hoạt động của họ, hoặc “chuyển hướng” bằng cách đâm ra quay chỉ, bán nước mía, hay dệt vài thước vải vớ vẩn, hoặc đóng cửa ăn vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở Lao động vì vấn đề công nhân, với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký và nguyên liệu sản xuất, với Sở Tài chính vì thuế khoá đặc biệt… Các người tiểu thương buôn thúng bán mẹt, đẩy chiếc xe hàng tiều tuỵ trong phố cũng “được” nộp thuế, cũng như các người suốt ngày làm việc ở công sở hay công xưởng, tối về thức đêm dệt vài thước kiếm thêm tiền độ thân.

Hàng trăm, hàng nghìn công chức cũ về hưu, với gia đình của họ, trước đây sống bằng lương hưu trí, hai năm nay không được ai chiếu cố đến, chết dần chết mòn, có người đâm đầu xuống sông tự tử, có người hai lần uống độc dược để quyên sinh.

Còn như các cán bộ thì ta có cần nói đến không? Ta cứ trông mặt mũi, quần áo họ, ta chỉ cần hỏi con số những người qua các phòng khám bệnh, các bệnh viện, ta liếc mắt nhìn họ ăn uống những gì trong bữa cơm, là ta đủ hiểu khổ cực của họ.

Ta quên thế nào được các đồng bào tập kết ra ngoài Bắc, số phận con cái họ ở Hà Nội, Hải Phòng, số phận chính của họ bi đát quá nỗi! Khổ cực nhất cho các anh chị em là không nương tưa được vào một đời sống gia đình đề khuây khoả trong lúc thảm sầu….

Các hiện tượng trên đây có đúng không, tôi chỉ yêu cầu các vị đọc báo Nhân Dân, nghiên cứu các hồ sơ chồng chất lên ở Mặt trận Thành Hà Nội sau Đại hội lần thứ 3 vừa rồi, nghe ngóng lời than phiền của quần chúng, nhìn nhận các quang cảnh diễn ra dưới mắt của các vị là các vị đủ hiểu rồi”… (Sđd, tr. 95 đến 99)

Phải chăm chú quan sát, lắng nghe, thấu cảm với các tầng lớp nhân dân và suy tư nhiều lắm, Nguyễn Mạnh Tường mới diễn tả nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân không khác gì “Văn tế Thập loại chúng sinh“ của Nguyễn Du. Đó là thực trạng xã hội sau CCRĐ, nhưng Đảng coi đó là “bôi đen”, “Nói xấu chế độ”…

4. Bản lĩnh Trí thức phi thường

Nguyễn Mạnh Tường xác định, người Trí thức không nên tham chính mà cần đứng về phía Nhân dân phản biện chính quyền. Vì vậy, tháng 9 năm 1932, ông về nước nhưng không nhận một chức vụ gì của chính quyền thuộc địa, nên họ tìm cách gây khó khăn cho ông.

Ở nhà được khoảng ba tháng, rồi trở lại Pháp tiếp tục nghiên cứu. Ông đi du lịch và nghiên cứu các nước Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập,…và viết được bốn cuốn sách bằng tiếng Pháp. Năm 1936 ông về nước chỉ dạy học và mở văn phòng Luật sư…

Tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông đến. Ông kể: “Cụ gọi tôi là Ngài. Cụ nói: “Như Ngài đã biết, Chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới, giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan trọng. Xin Ngài giúp soạn giùm cho một bản lập trường của Chính phủ (thèse gouvernemental) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị”. Tôi đáp: “Công việc này quan trọng quá, xin Cụ nhờ một người nào giỏi và có kinh nghiệm hơn tôi”. Cụ Hồ nói: “Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được thôi”. (Sđ d, tr. 70)
Sau khi nộp bản tài liệu, ông được mời tham gia vào phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, ông đã không thể từ chối.

Năm 1989 được phỏng vấn, ông vẫn nói: “Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Do đó tôi đã từng từ chối nhiều lời mời ra làm bộ trưởng của nhiều chính phủ. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền. Người trí thức chỉ nên đứng ở lãnh vực thuần lý chính trị (politique spéculative), nghiên cứu, thúc đẩy các trào lưu” (Sđd, tr. 79)

Quả là một bản lĩnh Trí thức phi thường, vì ít ai tránh được sự cám dỗ của quyền lực, vinh hoa phú quý như ông.

Bản lĩnh của Nguyễn Mạnh Tường cũng thể hiện đầy đủ trong phân tích những sai lầm trong CCRĐ một cách thật trung thực, khách quan, trách nhiệm, không sợ bất cứ một sức ép nào. Chỉ có như vậy Tư duy mới có khả năng tiếp cận chân lý.

Nhiều năm trước khi chế độ độc tài Liên Xô sụp đổ, khi tọa đàm với giới Luật sư Xô-viết, ông tiên đoán: “Khi họ trơ mình trước quần chúng như một người đàn bà đĩ thõa nghèo nàn và trần truồng, tôi ngại rằng họ còn có thể tiếp tục độc quyền chính trị?… Đảng sẽ chọn sống xuống cấp trong im lặng thay vì bị nổ tung ra trước ánh sáng ban ngày với những vụ kiện mà uy tín của Đảng sẽ mãi mãi mất và thanh danh của Đảng sẽ bị hủy diệt, từ cấp cao đến cấp hạng bét” (Sđd, Tr. 7).

Bản lĩnh Nguyễn Mạnh Tường còn thể hiện ở không khuất phục trước nghịch cảnh. Ông nhớ lại sau vụ phản biện những sai lầm trong CCRĐ, ông bị quy là “chống Đảng” và lâm vào thảm cảnh. …”Và độc ác nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên luỵ đến bản thân, đến gia đình của họ. Có khi, đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chỗ khác. Tôi cũng không trách gì họ. Vì sự an toàn của họ, họ phải làm thế thôi. Nhưng đau xót lắm”…

… “Xin việc gì người ta cũng không nhận. Thoạt đầu, cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu. Bán bàn ghế, giường tủ, rồi bán quần áo, giày dép… cuối cùng phải bán đến cả sách vở tôi dành dụm thu thập sắm trong hai mươi năm. Bán theo giá bán giấy ký thôi. Rẻ mạt. Nhưng cần sống thì phải bán. Cứ mỗi lần bán sách là mỗi lần tôi có cảm tưởng như có ai lấy dao găm đâm vào tim của mình. Rồi tất cả đồ đạc cạn dần, cạn dần. Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè. Lâu lâu người này cho cái đồng hồ, người khác cho một ít tiền”…(Sđd, tr. 84 -85).

Đau nhất là một Thầy cãi giỏi như Nguyễn Mạnh Tường nhưng không cãi được cho mình. Khi được phỏng vấn sao ông không cãi? Ông nói: “Có. Tôi có nói chứ. Nhưng ai nghe? Người ta bảo cán bộ yêu cầu tôi phát biểu về nội dung khái niệm dân chủ chứ đâu có yêu cầu tôi “chống lại đảng”?!

Tuy sống trong điều kiện khốn cùng như vậy nhưng ông vẫn không quên lao động của một Trí thức. Ông nói: “Mấy chục năm qua, tôi hoàn thành được bốn công trình nghiên cứu. Môt là “Lý luận giáo dục” (ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18); hai là “Eschylle và bi kịch cổ đại Hy Lạp”; ba là “Virgile và anh hùng ca latin”; bốn là dịch vở kịch của Eschylle”. (Sđd, tr. 89).

5. Thay lời kết

Nguyễn Khắc Mai gọi Nguyễn Mạnh Tường là “Triết gia Quân tử”. “Ông là sản phẩm của một thời đại, một đi không trở lại của Việt Nam hiện đại… Thật ra khi nghiên cứu hai tư tưởng Dân chủ và Giáo dục của Nguyễn Mạnh Tường mà bỏ qua cái phẩm chất này (Triết gia Quân tử) sẽ không hiểu gì về tư tưởng quan trọng ấy của Cụ” (Sđd, tr. 3).

Nguyễn Đình Cống thì đánh giá bản lĩnh Trí thức phi thường của Nguyễn Mạnh Tường, lúc được Đảng CS trọng dụng ở đỉnh cao, hay lúc bị dìm xuống tận cùng dưới đáy vẫn giữ được là chính mình, không để bị lợi dụng. Không! Nhất định không!

Còn tôi rút ra bài học: Đảng Cộng sản không bao giờ dung nạp được những trí thức dù Tài năng, Đức độ như Nguyễn Mạnh Tường, vì ông luôn đặt Tổ quốc, Nhân dân, Chân lý lên trên Đảng!