Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THI SĨ TRẦN NHƯƠNG VÀ LƯNG TÚI THI CA

Nhà thơ Kim Chuông
Thứ năm ngày 19 tháng 9 năm 2019 10:18 AM





TNc: Nhà thơ Kim Chuông dưới Phòng để mắt đến tập thơ của Trần Nhương. Ông viết bài đò đưa in trên báo Văn nghệ số 36 ra ngày 21-9-2019, bài viết bắt thóp Trần Nhương qua những câu thơ và năm tháng thăng trầm. Cám ơn Kim Chuông và báo Văn nghệ . Xin giới thiệu cùng bạn đọc...


“Trí nhớ nằm trong óc. Còn kỷ niệm nằm sâu nơi mỗi con tim.”

Với Trần Nhương, tôi nhớ. Đã gần bốn mươi năm xa ngái, buổi ấy, tôi có duyên gặp chàng thi sĩ này cùng nhà thơ Tạ Hữu Yên về Thái Bình tham dự một hội nghị văn học của tỉnh.

Trần Nhương, người lính. Trần Nhương, nhà thơ. Trần Nhương, một dáng vẻ chân mộc, hóm hỉnh, dịu lành. Trần Nhương, một hồn thơ mang mạch chảy êm xanh mà ở phía sau khuất là bao tầng nén dồn, vật vã của gần ba chục năm “cuộc đời lính trận.”

Trần Nhương thuộc dạng đa tài. Tác giả của Văn xuôi, của Thơ, của Họa. Tác giả của hai mươi đầu sách, trong đó có ba Tiểu thuyết, sáu tập Truyện ngắn, Bút ký, Tản văn. Tập “Thơ Trần Nhương chọn lọc,” (Sách Nhà nước đặt hàng) dày gần 400 trang, là tập thơ thứ Chín trong “lưng túi văn chương” khá phồn sinh, phồn khí của cuộc đời thi sĩ

Cùng với hàng ngàn trang văn xuôi hấp dẫn về tình tiết, sự kiện. Giàu chất trữ tình, lãng mạn. Tinh tế về cách nhìn, cách nghĩ. 199 bài trong “Thơ Trần Nhương chọn lọc với 4 chương được trích trong Trường ca “Người làm ra cổ tích” ... Khẳng định : “Một Trần Nhương thi sĩ luôn ôm trong mình một vũ trụ Cao xanh. Một Trần Nhương thuộc về ngoại giới. Để rồi, mỗi va đập, diện kiến nào đó, hồn thi nhân đều rung lên những cung bậc, đều tự nó hát lên trước cảm xúc dạt dào.

Trong phần đầu của tập thơ chọn là mảng thơ của 28 năm cuộc đời người lính. Trần Nhương đi nhiều, viết nhiều, in nhiều trên các Báo, Tạp chí. Số bài được tuyển lựa, đưa vào tập chọn này chỉ là phần nhỏ những sáng tác tiêu biểu cho “Thơ Thời,” Thơ Những ngày đánh giặc. Thơ săn tìm từ một phía-ngoài-ta. Thơ có từ Tháng năm Đất nước chiến tranh, cuộc đời trận mạc. Thơ của không gian rộng mà người viết phải nén chặt và quên đi bao tư riêng để hướng về cảm hứng lớn là Nhân đân - Tổ quốc. Là ý thức, gom nhặt, đào tìm cái giá trị phản ánh. Giá trị hữu ích. Giá trị của tầng nổi trội vượt, là công cuộc đánh giặc cứu nước đang diễn ra trước năm tháng đời mình.

Theo nẻo tìm này, thơ Trần Nhương giàu chất ký. Thơ của Cảnh. Của Sự. Của bao nhiêu sự kiện dồn xô, luôn tấp lên cái nhìn thuộc về đại giác. Từ “Đường ra trận, Ngọn đèn trong hang, Đèo Khỉ, Ngủ giữa cung đường, hay Qua cầu phao, Tiễn em dưới vòm trời Vĩnh Linh” ... Thơ ở đây là những bức tranh đa sắc màu, đa diện. Ví như :

Em sửa đường trên đèo Ba Pông

Từng nhát cuốc có mây vào quấn quít

Trăng rất gần suối thì xa tít

Em ở trên này như trên cung mây

(Vành trăng trên đèo Ba Pông)

Hoặc :

Ở trong hang đèn thắp cả ngày

Khói bay ... Khói bay

Hai lỗ mũi đen sì những muội

Chiến sĩ công binh chờ trời tối

Đánh thức rừng khuya bằng tiếng cuốc mở đường

“Ngọn đèn trong hang”

Hoặc : Khi qua “Đèo Khỉ” :

Mặt trời qua đèo Khỉ cây sém lá

Mặt trăng qua Đèo Khỉ khuyết nửa vành ...

Chiến sĩ lái xe đi đánh Mỹ

Đứng trên Đèo Khỉ

vang câu hò ...

Hoặc : Đây là cảnh người lính ngủ trong “Nhà bạt” :

Đêm mưa mái ướt đầm đìa

Bên trong lính ngủ úp thìa ngáy vang ...

Có phải, là thi sĩ, họa sĩ, thơ Trần Nhương mạnh về nét vẽ? Song, trên nền lớn của hồn thơ dễ động, dễ vang ngân. Thơ Trần Nhương là dòng chảy tâm tình đượm nồng, sóng sánh. Người thơ này dễ ngác ngơ, dễ đa cảm, si mê. Cái đáng yêu mà trời phú cho Trần Nhương là vậy, để dọc lộ trình, Trần Nhương luôn nắm cầm, luôn hái về trên tay mình những mảnh lấp lánh của câu thơ hay, ý thơ hay trước “Bến mở” là Tình !

Hãy đọc : “Em thơm như thể sau khi tắm/ Sương khói giăng mùng bỏ thuốc mê.” Hoặc : “Hình như là đã từ lâu/ Vườn anh thoảng chút hương ngâu lọt vào.” Hoặc : “Lệch nhau trăng khuyết với rằm/ Yêu em, anh trẻ gần bằng tuổi em.” Hoặc : “Nụ cười lúc tuổi lên mười/ Ba mươi năm vẫn còn tươi đến giờ” ...

Quả thực, Trần Nhương của gốc rễ đa tình. Và, cũng cậy nhờ cái đa tình ấy mà nhà thơ có được cơ man những trạng thái xao động. Khi thì, chỉ là nỗi vu vơ của một giấc “Mơ xuân” : “Biết em chẳng về, anh vẫn đứng nơi đây/ Cây cổ thụ mà hương hoa trẻ quá.” Hoặc, đây là cái vu vơ trong mơ tưởng khi lang thang dạo gót bên hồ. “Hồ xanh, núi xanh, trời xanh/ Tiếng chim xanh ngắt đầu cành/ Nắng trong còn hơn cả lọc/ Thế mà chỉ một mình anh.” Hoặc, khi đối diện với cơn “Mưa bóng mây” : “Giữa đường ngỡ thế là xong/ Bóng mây một thoáng sao không tạnh ... buồn.” Hoặc, giây phút bỗng dưng bắt gặp: “Chớm thu nắng đổ về già/ Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì”... Để rồi, “Gặp thu cũng muốn ngoại tình/ Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông” ...

Từ cái gốc là vía hồn thi nhân với rất nhiều cái gợi, sức cảm, sức liên tưởng mang điểm sáng hội tụ, Trần Nhương viết nhiều về mẹ cha, về chị, về con, về quê hương, bạn bầu, đồng đội ... Thơ Trần Nhương có bài hay ở ý, ở tình. Ở cảnh huống. Ở sự tinh tế và “hóm”. Ví như, cảnh “Bạn quê” trong tương phùng, tri kỷ, khi : “Kệ cha thằng hám chức/ Thây mẹ con máu tiền/ Bác cứ theo em nhé/ Tý nữa là lên Tiên.” Hoặc, cảnh người con ly hương, hướng về cội nguồn máu thịt, khi :“Làng Sỏi làm nên cổ tích/ Cho ta trong trẻo bây giờ.” Hoặc, cảnh “Ngẫu hứng xe ôm,” khi “Đệm sau em cứ việc ngồi/ Đường xa dù có lên trời cũng đi.” Rồi, “Ước gì đi chẳng tới nơi/ Để anh đèo mãi một người sau xe” ... Hoặc, tất cả cảnh huống, cảnh sự trước những đối thoại trên đời kia được bước vào trang viết, được sáng lên hình hài thi tứ bởi cái “đa tình” của thi sĩ Trần Nhương, của lời chân thành, tự bạch : “Em hoành tráng Mongo ngát cỏ/ Anh chú cừu đắm đuối ngọn non tươi.” Và, “Lão già đầu bạc nâng ly rượu/ Uống đến tàn đêm chẳng ngớt sầu” ...

Trần Nhương có nhiều bài thơ hay được bạn bầu tâm đắc, phẩm bình. Như : “Chớm thu, Hình như, Vu vơ, Vừa đủ, Phù dung, Thầm lặng nhân dân, Lời dặn, Bài thơ tình của lính” v.v... Riêng bài thơ “Vừa đủ” được dịch bốn thứ tiếng : Anh, Pháp, Nga, Trung. Trần Nhương cũng đã bốn lần giành giải thưởng cho tập thơ “Bài thơ tình người lính,” Bộ Quốc phòng, (1984 -1989). Tiểu thuyết “Dòng sông không có đôi bờ,” 1998 và tập thơ “Gió tháng ba vẫn thổi,” 2002 do Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam trao tặng. Năm 2017, ông được nhận Giải thưởng Mekong River Literatur Awad (Văn học sông Mê Kông)

Bên mảng thơ mang điểm sáng của nền tựa trữ tình, một mảng thơ làm nên Trần Nhương trong đắp dầy, đổi khác. Trong sức mạnh công phá của trí tuệ, của ý thức, trách nhiệm nhà văn trước đời sống xã hội. Đấy là thái độ của người cầm bút trước nhân dân, trước thời đại mình sống. Trước vai trò, sứ mệnh góp phần cải tạo và dựng xây một xã hội tiến bộ, giàu nhân ái, văn minh.

Với cái nhìn “Chẳng có gì quan trọng,” Trần Nhương viết : “Những cuốn sách một thời như sấm Trạng/ Giờ bán cân bà đồng nát mua về/ Những quy phạm một thời như thước ngọc/ Thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê” ... Rồi, “Người quan trọng một thời bao thuộc hạ/ Giờ vẩn vơ đợi khách chẳng ai thăm” ... Bởi, : “Có thể anh vẫn là người/ Nhưng coi như đã chết/ Có ông quan đầu tỉnh nọ/ về vườn mười năm, sáng nào trước nhà cũng một bãi phân” (Đường về). Bởi : “Có kẻ trước nhân dân hống hách/ Chẳng vì dân chỉ bòn rút cho mình/ Quan thanh tra biến thành tên tham nhũng...” (Viết lúc trời mưa). Bởi, “Thành hoàng bao kẻ ăn theo/ Thương dân đóng góp bao nhiêu cho vừa” (Ghi trước cửa đình) ...

Rõ ràng, tìm những “vần thơ thép,” thơ “có lửa,” thơ Trần Nhương cứng hơn, lý hơn. Thơ trội vượt ở cái nghĩ. Thơ vươn tới chiều sâu của suy tư, phát hiện. Thơ ấn tượng, ám ảnh ở thi liệu, ảnh hình. Thơ xa xót. Thơ cho chính Ta thêm những lần mở mắt nhìn đời.

Ví như, “Trời mênh mông vẫn còn bao lối hẹp/ Người tươi cười che đậy lắm mưu mô”...“Voi to lớn ngại ngùng lũ kiến/ Quan như thần hóa bè lũ maphia.” Hoặc : “Nước triều vơi rồi nước triều lên/ Biển lớn thế vẫn chịu bờ trói buộc” (Ngọt đắng). Hoặc : “Người sừng sững Điện Biên/ Người thần tốc suốt chiều dài Đất nước”/ ... “Cả khi chết Người vẫn luôn minh triết” (Viết tặng anh Văn, (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Hoặc : “Có bao kẻ về dân không có lối/ Vật vờ giữa cõi nhân gian” (Thơ “Gửi Ông Nguyễn Sự”). Hoặc : “Nuôi Đảng từ trong trứng nước/ Chết thay cán bộ khi giặc truy lùng/ Bao cuộc chiến tranh dồn nhà, dồn cửa”/ ... “Khăn tang trắng mỗi mùa báo tử”/ ... “Bao triều đại suy vong/ Chỉ Nhân dân bất tử” (Lặng thầm Nhân dân) ...

Phải nói, là người lính, từng nhiều năm chiến đấu hy sinh gian khổ trên “Mặt trận đường Trường Sơn.” Là nhà văn đã xuất hiện, đi qua luyện tôi, thử thách khá dài trước thời gian đời người cầm bút. Trần Nhương là lứa nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Hơn chục năm gần đây, bạn đọc yêu Trần Nhương, quý Trần Nhương, tìm đến Trần Nhương nhiều hơn. Có tới gần ba mươi triệu người trong nước và thế giới luôn dõi tìm và đọc trang “trannhuong.com” với sức hút của văn chương, của vấn đề, sự kiện. Của uy tín nhà văn. Của Chủ bút Trần Nhương trước tâm huyết, truớc ý thức, trách nhiệm của nghệ sĩ, trước cuộc đời, thế sự.

Trần Nhương là “người Sướng.” Vâng. Người đa cảm, lắm day trở như ông, sao dễ dàng thanh thản trước dòng trôi thường nhật? Nhưng, Trần Nhương “Sướng.” Bởi, quan niệm sống. Bởi, cái vô tư, lòng yêu thương, không ghen tuông, đố kỵ. Bởi, chàng trai của làng Sỏi, Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ này, mười tám tuổi đã làm thầy, đứng trên bục giảng. Hăm ba tuổi làm người lính Cụ Hồ. Làm Trưởng Phòng Văn nghệ NXB Quân đội. Phó Giám đốc Qũy Văn học Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi, bây giờ là Biên tập viên trang Văn hóa Văn nghệ Báo Người Cao tuổi, khi chỉ năm sau, thi nhân Trần Nhương đã bước vào tuổi cụ “Lão Lai bát thập” rồi. Nhưng, Trần Nhương vẫn lao động hăng say. Trời vẫn cho ông nét tinh anh, khỏe đẹp. Đúng là ông lấy nickname là Trần Ham Vui nên “món” nào ông cũng đam mê. Bên cạnh văn chương ông rất mê hội họa, một họa sĩ không qua trường lớp mà đã triển lãm cá nhân ba lần giữa Trung tâm triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam. (Thi hứng I,II,III).

Trần Nhương đã bôn ba nhiều nước trên thế giới, lang thang khắp miền đất Việt. Tuổi này. Tháng ngày này, ông vẫn mê say với những cuộc dong chơi, thăm thú bạn bè, uống rượu, làm thơ, đọc thơ, rồi ký họa những chân dung bạn bầu, “Người đẹp”.

Bây giờ, mỗi lần nhớ Trần Nhương, tôi thường hình dung bóng hình một Văn Thi sĩ. Một Họa sĩ. Một “trannhương.com” trong nỗi canh cánh muộn sầu mà đẹp, nơi câu thơ ông viết tặng chính mình :

Lão già đầu bạc nâng ly rượu

Uống đến tàn đêm chẳng ngớt sầu

Hải Phòng, Thu Kỷ Hợi, 2019

K.C