Cách nay tròn mười năm, năm 2008, lấy cảm hứng từ việc đọc những nghiên cứu về loại hình học tác giả văn học trung đại Việt Nam của GS Trần Ngọc Vương, và công trình “Việt Nam thời Tây Sơn, Lịch sử nội chiến 1771 – 1802” của sử gia Tạ Chí Đại Trường, tôi đã viết một tiểu luận về Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh (1731 – 1788), đăng trên chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng của báo Công an nhân dân, lấy tên “Cánh chim bằng giữa trời loạn”. Bài viết có đoạn kết: “Loạn thế xuất anh hùng, thời đại loạn lạc đã sản sinh Nguyễn Hữu Chỉnh, và đến lượt mình, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã kịp để lại dấu ấn đậm trên gương mặt thời đại. Mô hình nhân cách mà Nguyễn Hữu Chỉnh tự thể hiện, tự bộc lộ bằng chính cuộc đời mình, đó là kiểu con người vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của những tiêu chí thông thường, con người hành động với khát vọng tìm kiếm mọi con đường giải phóng mọi năng lực và tham vọng của mình – con người tự do. Chung cục không may mắn của cánh chim bằng giữa trời loạn này không có nghĩa là sự lựa chọn ấy sai lầm, mà chỉ có nghĩa là tầm cỡ tài năng ấy chưa đủ cho một sự lựa chọn như vậy mà thôi. Để kết lại bài viết nhỏ này, xin được nêu ra đây một suy nghĩ của cá nhân người viết: cái bi kịch của sự lỡ dở mà cuộc đời đầy sóng gió của Nguyễn Hữu Chỉnh bày ra trong lịch sử, đó là mảnh đất tuyệt vời cho các nhà tiểu thuyết khai thác. Vì, hơn bất cứ một thể loại nào khác, tiểu thuyết thực sự phù hợp với những điều không bao giờ hoàn kết. Nhưng không hiểu tại sao cho đến giờ phút này, các nhà tiểu thuyết lịch sử của chúng ta vẫn tỏ ra thiếu mặn mà với nhân vật lịch sử đầy hứa hẹn Nguyễn Hữu Chỉnh?”
“Lời kêu gọi” ấy, có thể nói như vậy, hoặc là không đủ sức mạnh dẫn dụ, hoặc đơn giản là không được nghe đến, nên nó dần trôi vào im lặng và lãng quên. Bất đồ, mười năm sau, vào hạ tuần tháng 4 năm 2018, trong một lần tao ngộ, nhà văn Vũ Ngọc Tiến thông báo với tôi rằng ông vừa mới hoàn thành tác phẩm “Kẻ sỹ thời loạn”, một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thời cuối Lê, lấy Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh làm nhân vật trung tâm. Ông chia sẻ, sở dĩ viết tác phẩm này, là vì vốn đã rất thích nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Chỉnh. Viết xong ông mới vô tình đọc được bài viết của tôi, thấy “xem ra cả hai có nhiều điểm chung khi nhìn nhận con người đầy phức tạp, rất khó đoán định này”. Và đấy, chính là cơ duyên khiến tôi được đọc “Kẻ sỹ thời loạn” của Vũ Ngọc Tiến ngay khi nó còn ở dạng bản thảo.
Thật ra thì khái niệm “tiểu thuyết lịch sử” – tức tiểu thuyết về một “quá khứ xa”, như trong quan niệm mang tính phổ biến – là không đủ để ôm trọn “Kẻ sỹ thời loạn” của Vũ Ngọc Tiến. Tác phẩm bộn bề hơn thế. Vì ở tiểu thuyết này, ngoài truyện kể về thời Lê mạt với nhân vật trung tâm là Nguyễn Hữu Chỉnh, còn có truyện kể về thời hiện tại với cặp nhân vật chính là nhà di truyền học Duy Thiện và bà Hoàng Lan, hồng nhan tri kỷ của ông. Hai mạch truyện kể gắn với nhau theo cấu trúc truyện lồng trong truyện: Duy Thiện của thời hiện tại là người viết cuốn sách kể lại lịch sử cuộc đời của cụ tổ mình, tức Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Cuốn sách ấy chiếm chín chương, từ chương 3 đến chương 11, trên tổng số mười hai chương của “Kẻ sỹ thời loạn”. Nhìn ở phương diện mô hình hóa tiểu thuyết, không quan tâm đến “lịch sử” hay không “lịch sử”, thì cấu trúc truyện lồng trong truyện và kiểu nhân vật – nhà văn mà Vũ Ngọc Tiến phô diễn ở đây không hề là một độc sáng đối với tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Trước đấy, ít nhất, ta đã chứng kiến những điều này qua “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương, “Made in Vietnam” của Thuận, “Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh, “Khải huyền muộn” và “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà, và đương nhiên, không thể không kể đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Tuy nhiên có một điểm khác: nếu các tác giả của những tiểu thuyết kể trên bị hút theo mỹ học của mê cung văn bản, của cái mờ nhòe mù mịt rối lẫn giữa các giọng kể, các mạch truyện trong cùng một tác phẩm, thì hiệu quả tự sự mà Vũ Ngọc Tiến muốn chiếm lĩnh trong “Kẻ sỹ thời loạn” lại là tính mạch lạc và sự sáng rõ. Để làm gì? Để hiện thực hóa kiểu tiểu thuyết giáo trình (Lesson novel) của văn chương Mỹ và phương Tây hiện đại mà ông vốn rất tâm đắc, nghĩa là dùng tiểu thuyết như một hình thức “mềm hóa” cho việc chuyển tải một giáo trình hoặc một lý thuyết chính trị học, xã hội học, kinh tế học, quân sự học, thậm chí sinh thái học… nào đó. Ở đây, trong “Kẻ sỹ thời loạn”, cái được chuyển tải chính là bức tranh toàn cảnh về chính trị xã hội thời Lê mạt, một thời đại đầy biến động trong tiến trình lịch sử Việt Nam, một thời đại được đặc trưng bằng sự phân liệt và tranh chấp mạnh mẽ về quyền lực giữa các thế lực quân sự: Lê - Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn, rồi cái thế chân vạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn. Một thời loạn. Được/ bị hấp dẫn bởi ý niệm “giáo trình”, nên mặc lòng, từ giọng kể ngôi thứ ba hay chuyển dịch vào giọng kể của các nhân vật, nhà văn Vũ Ngọc Tiến vẫn luôn rất cặn kẽ khi trình bày từng diễn biến thời cuộc, từng bước tiến bước thoái, từng đoạn trồi sụt trong tương quan lực lượng giữa các bên, từng trận đánh, từng khúc rẽ mang ý nghĩa tác động đến kết quả toàn cục. Thậm chí, ngay cả những ngoại đề như việc xây dựng Hoàng thành và phủ Chúa (Trịnh) cũng được ông kể hết sức chi tiết, kỹ càng như trong một cuốn giáo khoa thư lịch sử.
Nhưng lịch sử vốn chẳng là gì khác ngoài là lịch sử của những diễn giải về lịch sử (F. Nietzsche: Lịch sử như nó vốn có là một cánh đồng lúa mỳ, lịch sử như ta biết (qua sự diễn giải) là những chiếc bánh mỳ). Bởi thế, dẫu có đặt mục tiêu vào một giáo trình lịch sử thì “Kẻ sỹ thời loạn” của Vũ Ngọc Tiến cũng chỉ là diễn giải của riêng ông, trong tổng số những diễn giải lịch sử khả thể, về thời Lê mạt. Diễn giải ấy tập trung ở nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh, người mà theo các nguồn sử liệu khả tín hiện có, luôn phải chịu những đánh giá rất nặng từ phía những người sống cùng thời. Vũ Văn Nhậm từng nói với Nguyễn Huệ khi Nguyễn Hữu Chỉnh tham mưu cho Nguyễn Huệ đem quân đánh ra Thăng Long: “Kẻ kia lấy thân phận người tôi trốn tránh mà về đầu hàng với ta, trong bụng chỉ muốn được hả lòng với nước cũ, nên nhờ uy lực của ta để thành công” (Khâm định VSTGCM). Hay như Dực Tôn hoàng đế của nhà Nguyễn, tức vua Tự Đức, khi đọc sử đến đoạn Lê Chiêu Thống phải dựa vào Nguyễn Hữu Chỉnh để giữ yên ngai vàng: “Tình thế đã đến thế này, còn cứ nương tựa vào Chỉnh là thằng giặc tráo trở, lật lọng, khác nào chất củi lên giàn lửa thì còn phút nào yên được” (Sđd). Hay như lời hai viên Nội hàn của vua Lê trong “Hoàng Lê nhất thống chí”: “Chỉnh là hạng người ý nghĩ cực kỳ hiểm độc, bụng dạ quá ư tàn nhẫn, mưu mô hết sức sâu sắc, giả trá rất đỗi khôn ngoan, mà ứng biến thì mau lẹ tuyệt vời. Con người ấy thực là một kẻ gian hùng ở đời loạn”. Nếu xét từ hệ quy chiếu Nho giáo với những tín niệm thép về chữ “trung”, chữ “nghĩa”, trước những quy kết kể trên, hiển nhiên Nguyễn Hữu Chỉnh đã bị coi là một trong những gương mặt khả ố nhất của lịch sử Việt Nam thời trung đại. Do vậy, diễn giải lịch sử của Vũ Ngọc Tiến trước hết là sự chiêu tuyết cho Nguyễn Hữu Chỉnh, và có thể thấy, đó là sự chiêu tuyết trên chính những nguyên tắc Nho giáo. Trong “Kẻ sỹ thời loạn”, nói đúng hơn, trong cuốn sách mà nhà di truyền học Duy Thiện viết để kể lại cuộc đời của cụ tổ mình, Nguyễn Hữu Chỉnh không hề là kẻ gian hùng, người phản phúc, lật lọng. Ông bỏ Trịnh theo Tây Sơn, đưa quân Tây Sơn ra đánh Bắc Hà, rồi lại bỏ Tây Sơn để diệt Trịnh phò Lê, nghênh ngang một cõi cho đến lúc bị Tây Sơn tận diệt, tất cả những quyết định ấy với Nguyễn Hữu Chỉnh đều là quyết định ở thế chân tường, là ngộ biến thì phải tòng quyền, không còn cách nào khác. Tác giả đã hơn một lần cắt nghĩa về ý chí quyền lực và niềm khao khát tạo lập thân danh với đời của Nguyễn Hữu Chỉnh: ông nhập thế, thoạt tiên chỉ mong tìm được minh chủ để cống hiến toàn bộ tài năng và những phẩm chất cá nhân hơn người của mình. Nhưng không có minh chủ, hoặc có nhưng không xứng đáng, hoặc xứng đáng nhưng ông lại không được tin dùng. Những sự cắc cớ ấy cứ lần lượt diễn ra, để rồi Nguyễn Hữu Chỉnh phải đi đến quyết định chung cục: ông sẽ tự mình làm minh chủ cho chính mình, không phụ thuộc bất cứ kẻ nào, tự mình trở thành một quyền lực dưới gầm trời này, tự mình thống nhất sơn hà, làm nên nghiệp lớn. Không phải để thỏa mãn cái nhu cầu được chi phối vận mệnh của muôn người trong thiên hạ, mà là để phụng vụ hết mình cho sự nghiệp “vì dân”. “Vì dân”, có thể nói, chính là tư tưởng xuyên suốt, là cái đích quan trọng nhất đời của Nguyễn Hữu Chỉnh, và cũng là hạt nhân trong sự tạo thành nhân cách “kẻ sỹ” nơi ông. Nói cách khác, đặt tư tưởng “vì dân” vào Nguyễn Hữu Chỉnh, nhà văn Vũ Ngọc Tiến không những đã thực hiện một diễn giải khác về nhân vật lịch sử đầy phức tạp và rất khó đoán định này, hơn thế, ông còn tái kiến tạo một Nguyễn Hữu Chỉnh như hình mẫu cho “kẻ sỹ thời loạn” theo quan niệm của riêng mình: đó là người trí thức (Nho giáo) lập thân giữa cảnh đời biến loạn đảo điên, kẻ đã biết buông bỏ sách vở thánh hiền và những trầm tư đạo lý để trở thành con người hành động trong thực tế, hành động liên tục, quyết liệt, với một sự kiên trì hiếm thấy, một lòng dũng cảm vô bờ, một niềm đam mê cháy bỏng, hành động như một hy sinh đến cùng để đất nước được thái bình, muôn dân được yên ấm.
Trong “Kẻ sỹ thời loạn”, Nguyễn Hữu Chỉnh còn được soi rọi từ nhiều mối quan hệ với các nhân vật khác – đặc biệt là với nhân vật Nguyễn Huệ - theo nhiều chiều thời gian, cả đồng đại và lịch đại. Tôi muốn nhấn mạnh chiều lịch đại, tức mạch truyện kể về thời hiện tại. Không khó để nhận thấy thời hiện tại ở đây đã hiện diện như một hình đồng dạng, hoặc một phiên bản của thời quá khứ - lịch sử tái lặp - với một vài chỉnh sửa nho nhỏ. Đây cũng là một thời loạn với tất cả những đặc trưng của nó: quan tham lại nhũng hoành hành, công lý bị chà đạp, pháp luật bị coi thường, người có thực tài bị dìm dập để cho kẻ cơ hội được ngạo mạn ngoi lên, dân lành bị bóc lột và hành hạ đến tận cùng, lòng người ly tán, tiếng cười đắc thắng của đồng tiền đã lấn át tiếng nói yếu ớt của lương tri. Ở cái thời loạn hiện đại này, nhà di truyền học/ kẻ sỹ Duy Thiện và các bạn của mình dĩ nhiên không thể thực hiện những công việc mà cụ tổ Nguyễn Hữu Chỉnh đã thực hiện: chiêu binh mãi mã, rèn kiếm luyện quân, sẵn sàng xông pha chiến địa để tranh hùng cùng các thế lực quân sự cát cứ khác. Nhưng tâm thế và mục tiêu hành động của họ thì không khác: đó là “vì dân”. “Vì dân” nên họ chấp nhận dấn thân vào một cuộc chiến không cân sức với tập đoàn tham nhũng họ Trịnh ở tỉnh H, những “ông vua con” nhân danh cán bộ đầy quyền lực, những kẻ “ăn hết của dân không chừa một cái gì”. “Vì dân” nên họ sẵn sàng chịu đựng mọi bầm dập về tinh thần và thể xác, thậm chí cả tính mạng, để tìm kiếm, tập hợp bằng chứng tố cáo tội ác của bè lũ quan tham, đặng trả lại danh dự và công lý cho những người dân thấp cổ bé họng. Nếu Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh “vì dân” đến tận lúc bị tứ mã phanh thây, thì Duy Thiện hậu duệ của ông cũng “vì dân” trong cả giấc mơ bất chợt sau bao năm tháng quằn quại trong bệnh viện tâm thần. “Vì dân”, với kẻ sỹ ở cả thời này và thời kia trong tác phẩm, đó không phải là khẩu hiệu, mà là một sự đặt cọc bằng máu.
Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, tự sự lịch sử (tiểu thuyết, truyện ngắn) luôn nổi lên như một khuynh hướng sáng tác rất mạnh vào những thời điểm mang tính bản lề của tiến trình lịch sử xã hội, như giai đoạn 1920 – 1940 hay giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Đó là những thời điểm nước Việt Nam từ giã một môi sinh cũ để bước vào một môi sinh mới, mang tính quốc tế hóa rộng hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Cuộc cọ xát quốc tế ấy đặt ra nhiều câu hỏi bức thiết, buộc người Việt Nam phải tự nhìn lại, tái phát hiện và tái định vị căn cước dân tộc của mình. Nhiều nhà văn đã quay về, đào sâu vào những vỉa tầng hồi ức trong quá khứ là vì thế. Có thể kể ra ở đây vài cái tên: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Quốc Hải, Võ Thị Hảo, Thái Bá Lợi, Lưu Sơn Minh v.v… và bây giờ là Vũ Ngọc Tiến (trước đấy ông cũng đã có ba cuốn tiểu thuyết lịch sử về 3 nhà cải cách Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ và hai tiểu thuyết lịch sử về thời Lê là “Sóng hận sông Lô”, “Quỷ vương”). Có thể nói, tìm câu trả lời cho hiện tại ở quá khứ đã thực sự là một hướng đi khả thi. Khi ấy, lịch sử được trưng dụng bằng nhiều cách: thêm vào, làm cho rõ hơn, phản biện, tái diễn giải, thậm chí tái kiến tạo. Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh trong tác phẩm “Kẻ sỹ thời loạn” của Vũ Ngọc Tiến, theo tôi, thuộc về kiểu nhân vật lịch sử được tái kiến tạo. Người đọc có thể sẽ phải tranh luận khá nhiều về tư tưởng “vì dân” của nhân vật này, nhưng không thể phủ nhận đấy chính là một đòi hỏi đau đớn của thời hiện tại, của một xã hội dân sự mà quyền công dân của nhiều bộ phận cư dân còn chưa được tôn trọng đúng mức.
Nói lịch sử cũng chính là hiện tại, là vì thế.
HN 8/2018