Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẦY MẠNH ĐÃ XONG MỘT CUỘC NGƯỜI KIÊU HÃNH

Ngô Văn Giá
Chủ nhật ngày 11 tháng 2 năm 2018 8:05 AM



giao_su_nguyen_dang_manh


Lần gần đây nhất tôi được ngồi “đánh chén” cùng thầy Nguyễn Đăng Mạnh (và mấy người bạn) vào dịp đầu tháng 12/2017. Hôm đó cũng chẳng phải tôi mời thầy, mà do Đỗ Ngọc Thống nghĩ thầy ở nhà mãi cũng buồn nên thấy thầy khoe khỏe, rước thầy đến cùng. Vui quá có thầy. Thầy nhâm nhi đôi giọt rượu, ăn rất ít, chỉ ăn được thức ăn mềm. Thầy vẫn hút thuốc lá. Lúc này thầy hầu như không còn khả năng nghe nữa. Lại thêm ngồi quán đông người ồn ào nên thầy hầu như không nói gì. Chẳng biết an ủi thầy thế nào cho phải, tôi chỉ đành thỉnh thoảng gắp thức ăn cho thầy, hỏi thầy có ăn được món này món nọ không…
Nhưng trước đó khoảng 2 tuần, vào dịp 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cùng với Nguyễn Đức Mậu và Phạm Xuân Nguyên lên nhà riêng thăm thầy, rồi chúng tôi nẩy ra sáng kiến rước thầy đi thăm Triển lãm tranh mang tên “Nét” của họa sĩ Lưu Công Nhân, bạn học từ thời phổ thông với thầy. Mặc dù sức khỏe không được tốt lắm, nhưng thầy rất hào hứng. Cô Thoại, phu nhân của thầy đồng ý để thầy đi, do cũng như nhiều lần khác cô thường khá yên tâm khi có tôi tháp tùng thầy.

Tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân hôm ấy chủ yếu là tranh nude, mà toàn là chân dung các thiếu nữ, rất đẹp và gợi cảm. Thầy không nhận xét gì về tranh. Lúc ngồi nghỉ giải lao giữa phòng trưng bày, thầy kể: “Tay Lưu Công Nhân ghê lắm nhé. Có lần, trong những năm còn Liên Xô, người ta mới “ưu tiên” cử tay này sang học vẽ. Khi được mời, tay ấy nói: Chúng nó muốn học vẽ thì sang đây tao dạy cho chứ tao làm gì phải sang học chúng nó…Thế mà rồi tay ấy chống không đi học đấy”. Nghe chuyện, tôi nghĩ ông họa sĩ này từ chối là phải. Bởi họa sĩ Lưu Công Nhân thuộc thế hệ lớp đầu của mỹ thuật kháng chiến, thời họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, được học hành theo tinh thần hội họa châu Âu, một thứ hội họa khai phóng, tồn tại cùng lúc nhiều trường phái (hiện thực, ấn tượng, siêu thực, lập thể...). Trong khi hội họa (rộng ra là văn nghệ) Liên Xô lúc ấy đang đề cao phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, chủ yếu là văn nghệ tuyên truyền. Thế thì cái tinh thần mỹ học Âu châu ở người họa sĩ này làm sao có thể dung chứa nổi thứ hội họa hiện thực XHCN cơ chứ!

Đấy, thầy Nguyễn Đăng Mạnh rất nhớ những mẩu chuyện như vậy, tưởng nho nhỏ thôi nhưng không hề nhỏ chút nào…Thế hệ học trò chúng tôi, do được gần gũi với thầy, được thầy kể cho vô khối chuyện đại loại như thế.

Gọi là đi “đàn đúm” (chữ hay dùng của thầy), thì cuộc xem triển lãm này là lần cuối cùng tôi được đi cùng thầy và nghe thầy trò chuyện.

Bây giờ thì thầy đã đi xa thật rồi. Mọi hình ảnh, ấn tượng, cái nghĩ về thầy trong tôi đang hết sức rối bời, lộn xộn. Tôi chỉ nghĩ, trong đời sống này, ngoài tư cách con người thường nhật, thầy cùng lúc tồn tại với ba tư cách: nhà nghiên cứu-phê bình văn học, nhà nghệ sĩ và nhà sư phạm. Cả ba tồn tại trong nhau, hòa huyết với nhau, bổ trợ cho nhau và làm giàu có cho nhau.

Đã có nhiều người viết về thầy, đặc biệt trong dịp mừng thầy tuổi 80 (tập hợp trong cuốn Người và Nghề, NXB HNV, 2010). Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh đến hai đóng góp quan trọng của thầy vào đời sống văn học của đất nước.

Thứ nhất, trong tư cách một nhà nghiên cứu phê bình, Nguyễn Đăng Mạnh là người đầu tiên đã minh định và xác quyết ba trường hợp quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại: Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng. Với Hồ Chí Minh, đang trong lúc có rất nhiều lúng túng, thậm chí sai lầm và dung tục khi tìm hiểu về thơ Hồ Chủ tịch, cuốn chuyên luận “Mấy vấn đề về phương pháp phân tích và giảng dạy thơ Hồ Chủ tịch” (1980) đã giúp cho giới giảng dạy và nghiên cứu có những cách hiểu, và nhất là phương pháp tiếp cận đúng đắn, chân thực hơn, nhờ vậy yêu và yên tâm hơn mỗi khi tiếp xúc với các tác phẩm văn học của Cụ Hồ. Cái chìa khóa của nhà NCPB Nguyễn Đăng Mạnh là ở chỗ cần phải có hai khái niệm công cụ để thao tác: thơ tuyên truyền và thơ nghệ thuật. Sau này, có những người vì động cơ thiếu thiện chí khác nhau, đã vu cho Nguyễn Đăng Mạnh có ý coi thường thơ của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Cũng vẫn tiếp mạch này, những năm 90 của thế kỷ XX, khi làm chủ biên chương trình Ngữ văn PTTH, ông đề nghị dịch chuyển tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” từ SGK Ngữ văn sang sách Tập làm văn, lập tức có ý kiến vu cho là gạt áng văn chính luận này ra khỏi chương trình, gây nên một scandal lớn, động đến cả nghị sự Quốc hội.

Thầy cũng là người đầu tiên nghiên cứu thấu đáo hai hiện tượng phức tạp bậc nhất của nền văn học giai đoạn 1930-1945, đó là Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng. Với Nguyễn Tuân, Nguyễn Đăng Mạnh đã có một cách tiếp cận toàn diện, hệ thống, tinh tế và sâu sắc về hiện tượng văn học phức tạp này với những từ chìa khóa: phức tạp, cái tài, chữ ngông, chủ nghĩa độc đáo, thờ nghệ thuật, duy mỹ, ngôn từ đua tranh cùng tạo hóa, cảnh sắc và hương vị đất nước…Với Vũ Trọng Phụng cũng vậy, các từ chìa khóa trong nghiên cứu của Nguyễn Đăng Mạnh là những “niềm căm uất khôn nguôi”, “tư tưởng bị quan định mệnh”... Có thể nói, vào những năm 80 của thế kỷ trước, với hai công trình này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã xác lập được vị trí vững chắc trong giới NCPB lúc bấy giờ. Từ đây, theo thời gian, ông lần lượt “húc vào” nhiều hiện tượng văn học tài năng, phức tạp và có cá tính/vấn đề như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Đăng Khoa và nhiều người khác. Với trường hợp nào Nguyễn Đăng Mạnh cũng có những kiến giải sâu sắc, tài hoa và tinh tế trên một hướng tiếp cận nhất quán “Nhà văn tư tưởng và phong cách”, cũng gọi ra được một cách thú vị, và có khi thần tình về “bản lai diện mục” của mỗi nhà văn chỉ trong một từ/ngữ đích đáng, sắc nét.

Thứ hai, GS Nguyễn Đăng Mạnh là người có khả năng cấy tư tưởng và tinh thần nghiên cứu, nhiệt hứng nghiên cứu vào các thế hệ học trò, đặc biệt trong hoạt động dạy-học văn ở bậc Đại học và Phổ thông. Đối với bậc đại học, thầy viết giáo trình, giảng dạy, hướng dẫn các học viên làm cao học và tiến sĩ, tổ chức các hội thảo và các sinh hoạt khoa học. Thầy có một “quyền uy” có khả năng gây ảnh hưởng đến một số học trò cả về tư tưởng nghiên cứu và quan niệm sống, nhân cách sống, thậm chí cả tác phong trong đời sống thường ngày. Thời tôi học cao học, dưới sự dẫn dắt của thầy, được tham gia sâu vào một Hội thảo lừng danh năm 1989 tại Khoa ngữ văn-ĐHSP Hà Nội mang tên “Chung quanh các vấn đề thời sự văn học” mà tinh thần của nó là lên tiếng cổ súy và khẳng định trào lưu đổi mới văn học. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo giới NC, LLPB, của các nhà văn tên tuổi, trong đó có những gương mặt sáng giá mới xuất hiện: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dư Thị Hoàn. Tinh thần của Hội thảo đã có trọng lượng thực sự góp phần thúc đẩy vào tiến trình đổi mới văn học lúc bấy giờ.

Không dừng ở đó. Khi đảm đương Chủ biên chương trình Ngữ văn ở PTTH, với quan niệm văn chương phải được là văn chương, học sinh phải được học văn chương đích thực, cộng với một thái độ quyết liệt, GS Nguyễn Đăng Mạnh có công lần đầu tiên trong nền giáo dục cách mạng đã đưa vào chương trình hàng loạt các tác giả thơ Mới, Tự lực văn đoàn, các nhà văn hiện thực khác. Lần đầu tiên “dưới mái trường XNCN” các thầy/trò mới dám công khai dạy/học Vội vàng, Thơ duyên, Tràng Giang, Tống biệt hành, Chữ người tử tù, Hai đứa trẻ, Số đỏ, Tây Tiến…Tất cả những tác giả, tác phẩm “có vấn đề” ấy đã đường hoàng bước vào học đường như những tác phẩm văn chương đich thực. Về điểm này, không thể không thừa nhận công lao to lớn của nhà giáo dục Nguyễn Đăng Mạnh.

Với hai điểm như vậy, GS Nguyễn Đăng Mạnh thực sự có đóng góp quan trọng vào công cuộc Đổi mới văn học, trong đó có văn chương học đường những năm đầu thời kỳ Đổi mới của đất nước.

Tôi cứ nghĩ, một người thực sự có tài mới là người có khả năng đẻ ra các giai thoại. Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng là vậy. Hoàng Ngọc Hiến là vậy. Và người thầy của tôi, nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh là vậy. Ông có khá nhiều các giai thoại. Có những chuyện chúng tôi biết một phần sự thật. Có những chuyện cũng có phần đồn thổi. Nhưng cho dù thế nào, chân dung Nguyễn Đăng Mạnh vẫn hiện lên như một người mang tinh thần KẺ SĨ. Ở đời, làm kẻ sĩ không dễ, kể cả theo đuổi tinh thần kẻ sĩ cũng khó. Cái hạt nhân cốt lõi của kẻ sĩ là dám sống đúng là mình, được là mình bởi những gì mình cho là phải, và có khả năng kháng cự lại đám đông. Ông là người “một đời va vấp” như cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Tại sao ông lại hay va vấp? Va vấp với ai? Vì chuyện gì? Truy tìm tận cùng cho các câu trả lời cũng không phải dễ. Vụ va vấp cuối cùng của ông là cuốn Hồi ký trôi nổi trên mạng. Bây giờ cũng chưa có một văn bản phát ngôn chính thống nào về cuốn này, nhưng nó cũng đủ gây sóng gió dư luận, đủ quy kết, chụp mũ này khác. Tôi cho rằng đến thời điểm này, cuốn Hồi ký cũng đã “nhẹ vía” đi nhiều khiến cho người ta không còn phải nghi ngại nữa…Người ta vẫn thường hay nói giới nghệ sĩ lắm khi tự chuốc lấy những hệ lụy không đâu (“Phong vận kỳ oan ngã tự cư”-Nguyễn Du). Nhưng đa phần, chỉ những người biết thượng tôn tinh thần kẻ sĩ mới hay phải chịu nhiều hệ lụy, thiệt thòi. Kẻ tùy thời thì dễ yên thân. Sau những lần va vấp, thầy lại càng sắc nhọn hơn, cứng cỏi hơn.

Có lần, một vị Giáo sư đồng nghiệp của thầy Mạnh nhận xét với chúng tôi: “Mạnh có cái cung bằng hữu”. Nghĩa là thầy Mạnh được ở chỗ đông bạn, đông trò. Bạn thầy là các đồng nghiệp, các nhà văn. Trò thuộc nhiều thế hệ, thầy cũng coi như bạn vong niên. Nếu ai được thầy yêu quý, sẽ có cảm giác rất dễ chịu và thú vị mỗi khi cùng thầy. Ngược lại, những ai bị thầy “khinh bỉ”, thì thầy không cả thèm bắt tay, bắt nhời, thậm chí giáp mặt cũng coi như không có. Trong giới phê bình văn học, không phải ai cũng được cánh nhà văn yêu quý, thậm chí còn “mặt giăng mặt giời”. Thế nhưng thầy Mạnh đã chiếm được lòng yêu mến của hầu hết những nhà văn. Bởi mỗi khi tiếp xúc, mỗi khi đọc Nguyễn Đăng Mạnh, họ thấy được tri âm, được trân trọng và chia sẻ.

Sau 89 năm với tất cả những vui buồn, những vinh quang và cay đắng, bây giờ thầy đã trút bỏ, để về với cõi Vô Cùng.Thầy đã xong một cuộc người kiêu hãnh.

Chắc thầy sẽ vui khi biết rằng anh linh cụ Nguyễn Tuân đang chờ thầy ở đó. Cụ Nguyễn đã có lần bảo khi chết cụ sẽ kéo vài thằng phê bình xuống cùng để nói chuyện văn chương cho vui. Chả biết cụ có thực muốn kéo ai không, và đã kéo được ai chưa, nhưng tôi tin rằng lần này cụ Nguyễn đã vui mừng đón thầy Nguyễn Đăng Mạnh.

Ngày thầy về cõi Vô Cùng, 9-10/2/2018.
Văn Giá