Trong một lần hầu chuyện cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp 15 năm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi được nghe ý kiến độc đáo của Cụ về thiết chế Vua Lê - chúa Trịnh đời Lê trung hưng (TK XVII - XVIII). Cụ nói, đại ý:
Người ta láy đi láy lại luận điệu của sử gia triều Nguyễn: họ Trịnh vô đạo, lấn át quyền Vua Lê. Khách quan có thể nhìn nhận khác. Cuối đời Lê sơ chế độ phong kiến chuyên chế đã đẻ ra Vua Quỷ dâm ô hiếu sát Lê Uy Mục, có nguy cơ làm tiêu ma sự nghiệp giải phóng vĩ đại của Tổ tiên họ Lê, vì vậy mới ra đời một kiểu “phân quyền” độc đáo trong chế độ quân chủ Đại Việt: Vua không trị vì mà ngồi làm vì, Chúa cầm quyền. “Ngồi làm vì” đấy, mà nhà Chúa, nắm cả quyền chính trị (Tổng quốc chính) lẫn quân sự (Đại nguyên soái Tiết chế chư quân thủy bộ), át thì có át, mỗi khi Vua quá hèn, vẫn không dám lật, bởi “cái vì” của người ta có thế bàn thạch là lòng dân. Có một ông Chúa Trịnh vì biết dựa lòng dân và củng cố sức dân nên chẳng những không để mất một tấc đất đức Lê Thái Tổ đã giành lại, mà còn chỉ bằng “ba tấc lưỡi” đòi được vùng đất biên giới có mỏ chì, mỏ đồng!
Chúa Trịnh mà cụ Hòe nhắc đến là Trịnh Cương, chấp chính từ 1709 đến 1729. Các sách Đại Việt sử kí tục biên và Lịch triều tạp kỉ ghi chép rõ cuộc đấu tranh ngoại giao bền bỉ, song song với củng cố sức dân và tăng cường binh lực trong 3 năm trời 1725 - 1728 đã giúp giành lại 120 dặm lãnh thổ vùng biên giới Tuyên Quang - Hà Giang mà Vũ Công Tuấn làm phản dâng đã cho ngoại bang.
Thắng lợi ngoại giao của chúa Trịnh Cương là kết quả của đường lối trị quốc mà ông chủ trương: làm cho “thực túc binh cường”, chính sự nghiêm minh, biên cương vững chắc.
Điều này những ai đọc Lịch triều tạp kỷ của Lê Cao Lãng đều thấy rất rõ. Chỉ xin minh chứng bằng một số chủ trương chính sách của Trịnh Cương liên quan đến ruộng đất, hành chính và xây dựng quân đội, ghi rất sơ sài trong các sách chính sử, nhưng lại được tác gia Cao Lãng chép khá chi tiết, chứng tỏ trong tay ông từng có nhiều văn bản của thời ấy.
Về ruộng đất – để “khiến cho ai nấy đều được thỏa thuê về sự làm ăn sinh sống” (lời của chính Trịnh Cương) thì ở xứ sở nông tang, ruộng đất là phương tiện tối thiểu. Vừa mới lên ngôi chúa cuối năm 1709, mồng 6 tháng 2 năm 1711 Trịnh Cương đã ban hành một chính sách ruộng đất chi tiết, trong đó có những điều khoản đảm bảo cho dân nghèo có ruộng cày:
- Cấm ngặt bọn nhà quyền quý, nha môn, hào phú nhân dịp những xã dân vì nghèo đói phải xiêu giạt mà mua ruộng đất của họ chiếm làm của riêng, tự tiện lập thành trang trại. Ai đã thiết lập trang trại, thì hạn trong 3 tháng phải triệt đi, cưỡng lại sẽ bị trị tội theo pháp luật.
- Những người vì nghèo đói phải trôi dạt đến ngụ cư ở nơi khác, mượn được đất để khai khẩn thành ruộng vườn, nếu có đóng góp với địa phương có đất thì đều được cư trú và cấy trồng, dân sở tại không được kiếm cớ đuổi họ đi.
Trong thể lệ về việc chia quân bình ruộng công của xã, ông cũng có quy định hạn chế số ruộng đất của bọn quan lại, quý tộc: “hễ viên quan nào theo chức tước, phẩm trật đã được cấp dân lộc và điền lộc (dân đinh các xã và ruộng đất mà công thần được cấp để ăn lộc, - VTK) cũng nên đình chỉ việc thêm ruộng”. Dân nghèo đói phải phiêu dạt kiếm ăn, ruộng đất ở quê bỏ hoang, thuế tô đọng thiếu chồng chất nhiều kỳ thì ông chúa biết nhìn xa này cho tha hẳn không phải truy nộp, đợi cho họ trở lại quê phục hồi được canh tác thì mới bắt đầu tính thuế tô mới.
Để đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp Trịnh Cương cử những đại thần của phủ chúa như các Tham tụng Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn ... làm khuyến nông sứ tại tứ trấn và không cho họ ngồi trong Kinh chỉ tay năm ngón mà bắt thân đi xem xét địa thế, đồng ruộng các xã mà đắp đập chứa nước phòng hạn. Việc đê điều không phó thác cho các quan hàng trấn nữa mà bắt đầu sai quan văn võ trong phủ chúa thay phiên nhau đi ốp việc bảo trì đê điều.
Về quân đội – Trịnh Cương bắt các thân vương họ Trịnh “giải tán binh quyền”, tức không nắm trọng binh, nhằm loại trừ họa tranh giành, chém giết lẫn nhau từng xảy ra nhiều lần trong nội tộc. Ông xây dựng quân đội thống nhất. Binh lính trong Kinh chia thành 6 doanh trung quân, mỗi doanh do một tướng tài, không phải họ Trịnh, chỉ huy. Ông cũng bỏ lệ cũ chỉ tuyển lính Thanh - Nghệ, cứ 3 đinh vùng đất căn bản này thì 1 người phải đi lính, khiến cho vùng Thanh - Nghệ xơ xác. Ông quy định tuyển binh trong tất cả các trấn. Nhưng lính thì cũng từ nông dân mà ra, nên tất cả những người đi lính đều được cấp khẩu phần ruộng, từ 3 đến 6 mẫu mỗi người tùy loại lính.
Về chính sự – việc làm mất lòng dân nhất là sự nhũng nhiễu của bọn quan tham ô lại. Trịnh Cương là một ông chúa rất kiên quyết bài trừ tệ nạn này. Mỗi kỳ ân xá, tội phạm lớn nhỏ đều được ông thay mặt Vua ra lệnh chỉ giảm tội cho, nhưng ... “còn hạng tham ô bị tội thì không nằm trong lệ này”. Biết bọn quan viên và sai nha xuống địa phương đo đạc, thu tô thuế, hoặc xét xử là hay nhũng nhiễu người dân nhất, ông chúa này ra những quy định nghiêm cấm chi tiết và cụ thể đến mức chúng không còn khe hở mà lách, chẳng hạn: “... việc cung đốn cơm ăn, mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa 1 mâm, không được yêu sách lấy tiền nữa. Nếu người đi kiện tình nguyện đưa tiền để thay cho bữa cơm thì cho phép người thừa sai chỉ được lấy mỗi bữa cơm 36 đồng tiền. Nếu người bị đòi đi hầu kiện chưa nộp được tiền thì cho phép người thừa sai chỉ được ở lại 1, 2 ngày, nếu người ta đã nộp tiền rồi thì phải tức tốc đi ngay, không được nấn ná ở lại”, “... Hễ vi phạm thì người thừa sai sẽ bị phạt trượng vì tội nhũng nhiễu và viên quan cũng bị xử phạt vì không biết răn bảo kẻ lại dịch”. Nghĩa là thời ấy lũ quan trên của bọn cấp dưới sai phạm không thể nói với chúa Trịnh Cương, đại khái: dạ, điều này chúng không báo cáo lên, hạ thần không biết ạ!
Một việc lạ dưới chế độ quân chủ: Trịnh Cương nhận thức được rằng không dựa vào dân không thể chống tham nhũng. Ông không chỉ nhiều lần cầu lời nói thẳng của quần thần như các minh quân khác, mà còn “cho phép dân địa phương yết bảng ở chỗ lỵ sở, viết thật đầy đủ về điều thiện và điều ác của quan địa phương”, có kèm theo răn đe kẻ nào vu cáo sẽ bị trị tội.
Suốt hai chục năm cầm quyền Trịnh Cương giữ vững kỷ cương phép nước là nhờ chính ông gương mẫu tôn trọng kỷ cương ấy. Một số nịnh thần (bao giờ cũng có, kể cả bên cạnh thủ lĩnh anh minh nhất!) không phải một lần xui ông tiếm quyền, dù chỉ là trên hình thức. Tháng Giêng năm 1721, nhân có việc quy định phẩm phục vào chầu, Trịnh Quán và Nguyễn Công Hãng xin chúa mặc áo mầu vàng. “Chúa Trịnh bèn vời họ đến, dụ bảo rằng: Ta nối nghiệp chúa, giúp rập nhà vua, thường vẫn giữ lòng tôn kính. Mầu vàng là đồ mặc của thiên tử, chỉ dành riêng cho hoàng thượng dùng để cho hợp lễ. Từ nay trở đi, những lúc làm việc chính sự, triều hội và những lúc bình thường tiếp kiến quần thần thì ta dùng y phục mầu tía, hầu để phân biệt với các ông mà thôi”. Năm 1724, mùa xuân theo lệ có lễ tế trời đất ở đàn Nam Giao, vua Lê Dụ Tông bị đau chân, sai Trịnh Cương cử hành. Bọn nịnh thần xin chúa đứng vào vị trí của Vua làm chủ tế. Trịnh Cương không nghe, vẫn đứng vị trí bồi tế như lệ đã định, coi như “quyền tạm cử hành lễ”.
“Thượng” luôn “chính” như vậy thì “hạ tắc loạn” sao được!
V.T.K