Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÌNH CA U70

Đường Văn
Thứ hai ngày 30 tháng 10 năm 2017 5:31 AM



TA DÌU NHAU ĐI HẾT CÕI ĐỜI NÀY
Hạt Cát Diệu Linh


Dựa vào vai tôi, mình ạ.
Nắm chặt tay tôi, mình ạ.
nào cùng đi, mình nhé!
như ngày nào ta dung dẻ, dung dăng...

Mình nhìn xem: 
lá lúa trăng
đậu trên mái tóc mình óng bạc.
Kìa kìa:
lưng trời cánh hạc
rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay.

Mình ơi,
sáng nay
nắng hồng đọng trên môi mình.
Thật đó!
cặp môi ngày nào mọng đỏ
cả đời tôi trộm khát khao.

Mình ơi, ngàn vì sao
không có ngôi nào trong như mắt mình đâu nhé!
không có ngôi sao nào nồng nàn như thế!
như đôi mắt đen tròn sưởi ấm suốt đời tôi.

Nào mình ơi, khoác tay tôi
mang thêm chiếc áo dài ấm mỏng
chiều Tết này người vắng
tôi đưa mình dạo phố xá thân quen.
tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên
kỷ niệm thời cắp sách
ta nghịch đùa nơi vườn hoa bóng sạch
nhặt búp đa, ngắm lá hoa bay
ngắm Cột cờ* vòi vọi trong mây.
cười nắc nẻ đuổi hoa bắt bướm...

Qua rồi, mình ơi
chộn rộn
tháng ngày đói khổ
tháng ngày gian lao
qua máu đào
qua lửa đỏ.
qua cả rồi,
mình ạ! 

.... Đủ cánh lông
chim ra ràng 
rời tổ.
Còn lại Mình và Tôi

Mình của Tôi
còn đây.
Mình của Tôi
trọn vẹn.
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này...

12-02-2011
Thơ Hạt Cát/ Blog cùng tên


TÌNH CA U70
Đường Văn


1.Thu đang tàn. Trời đầy mây xám, âm u. Khí đêm lành lạnh luồn qua khe cửa sổ, rập rờn quanh phòng như muốn trêu ngươi người thơ nhọc nhằn khó ngủ, chợt tỉnh giấc lúc nửa khuya, một mình vò võ. Mùa đông Đinh Dậu đang nhớm nhớm về, càng trở nên hiu hắt, hanh hao hơn đối với những lão ông, lão bà tròm trèm U70, 80... Trong cái đầu đã bắt đầu xơ nhão, hoài niệm cứ bập bỗng, chập chờn... Bỗng vang lên đâu đây giai điệu ngọt ngào, đắm đuối bài Người tình mùa đông. Và kỳ lạ, khó hiểu làm sao, lời ca dặt dìu, êm êm và day dứt lại chính là lời thơ bài Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này của bạn thơ Hạt Cát Diệu Sinh (Bùi Cửu Trường – ái nữ của nhà thơ, nhà thư pháp lừng danh đất Thăng Long: Bùi Hạnh Cẩn)?!

Không thể đặng đừng, tôi vùng dậy, bật máy tính, vào file, đọc lại bài thơ từng đồng cảm, yêu thích, đã copy vào computer, laptop của mình. Lần này đọc kỹ, thấy cảm xúc không chỉ giống như lần đầu mà cơ hồ có phần sâu đậm hơn, ám ảnh hơn. Hạt Cát là một người nữ làm thơ tài tử. Hình như nghề chuyên môn chính của chị trước đây là bác sỹ? Vì thế, bài thơ này, theo tôi, tựa như 1 phương thuốc hay, quý, lại giản dị, dễ tìm, rất công hiệu, dùng để chữa cho những ai mắc bệnh tim nặng tình yêu ở độ tuổi gần đất xa trời, vẫn muốn sống thêm, yêu thêm bên người tình mùa đông, trên thế gian này, một, hai kỷ (12 năm) nữa!...

Và tôi gọi nó là bản Tình ca U70.

Vậy, Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này xúc động và hay cụ thể như thế nào?

Dưới đây là một vài cảm nhận và phân giải chủ quan của kẻ đọc vụng về này.

1. Về Nhan đề, thể thơ, kết cấu, giọng điệu, nhịp điệu

Nhan đề của bài được rút từ câu thơ dung dị, quan trọng nhất (câu đinh), xuất hiện ở vị trí cuối cùng, khái quát không chỉ 1 khía cạnh chủ đề tư tưởng bài thơ mà còn hé mở nguồn gốc cảm hứng của Diệu Sinh.

Thi cảm đã được khơi dậy, thăng hoa từ một sự việc tuồng như nhỏ nhoi, chẳng có gì đáng nói: Hằng ngày, mỗi buổi sáng (hoặc chiều) vợ cùng chồng rủ nhau xuống phố, ra bờ Hồ (Tây, Hoàn Kiếm, Thuyền Quang?, hoặc vào công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất?)... dạo chơi thư giãn, thanh thản, đầm ấm, một hình thức rèn luyện thể dục nhẹ nhàng vừa sức của không ít anh chị cao tuổi Hà Nội vài chục năm nay.

Trong hình dung, tưởng tượng mơ màng của tôi: Đó là cảnh hai ông bà lão U70, U80 đi sát bên nhau; ông tựa nhẹ vào vai bà; bà nhìn ông âu yếm, động viên, khích lệ. Hai người khoan thai, chậm rãi bước, lặng lẽ nhìn hàng cây, hồ nước, những người dạo bộ chung quanh, đồng hành, ngược chiều, với vẻ mặt an nhiên, thư thái. Thi thoảng, bà lại nói với ông một câu gì đó, tiếng khẽ khàng, dịu dàng, chỉ đủ để ông nghe. Ông cũng nhè nhẹ gật gật đầu, miệng hơi mỉm cười... Đến một cái ghế đá đôi kê bên bờ hồ, bà khéo léo đỡ ông, cả hai ngồi xuống nghỉ. Ông có vẻ mệt mỏi. Bà khẽ khàng: - Dựa vào vai tôi, mình ạ! Ông nghe lời, tựa nhẹ lên bờ vai của bà. Bà lại đưa tay, nói: - Nắm chặt tay tôi, mình ạ! Ông nhìn bà, ánh nhìn đầy âu yếm, dịu dàng và thương yêu... Cả hai lãng đãng nhìn ra phía Tháp Rùa, phía Trúc Bạch, Quán Gió... Hồi ức trong tâm hồn thơ nơi bà chợt dạt dào dâng lên từng đợt, kết thành những câu thơ tự do: câu ngắn, câu dài nối nhau lăn tăn vỗ nhịp như từng đợt sóng hồ vỗ bờ dưới chân... Gần nửa giờ nhanh chóng trôi qua, bà quay sang ông, thầm thì: - Ông đã thấy thoải mái chưa? Ta đi tiếp nửa vòng nữa rồi trở về chứ? Khi ấy, trong tâm tưởng của bà, bỗng hiện hình câu thơ kết: Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này! Ông lại cười, nụ cười sao mà hiền, mà lành, mà hóm, mà thương: - Khỏe rồi! Nào ta đi!...

Tôi nghĩ chính cảm xúc bất ngờ, tứ thơ bất chợt và tình cảm tự nhiên nhi nhiên, chân thành nhất mực ấy đã hòa với tâm thức, xui Hạt Cát lựa chọn thể thơ tự do, toàn bài hầu như không chủ ý gieo vần, nhưng lại rất ăn ý, tương hợp với nội dung và xúc động trong và sau cuộc thả bộ dạo chơi của hai vợ chồng, song hành với dòng suy tư, liên tưởng miên man, hồi ức, hoài niệm đắm đuối về mối tình của họ, kể từ buổi thanh xuân, môi hồng má đỏ cho tới hôm nay đang vào tuổi lá nhặt cuối chiều.

Kết cấu bài thơ nương theo dòng cảm xúc chập chờn giữa hiện tại và quá khứ xa gần, đứt nối với một tương lai gần đang chờ đón họ.

Dòng thơ - dòng tình cảm, nghĩ ngợi dường như cứ muốn kéo dài, trải rộng ra, không muốn dừng lại cho đến lời tự nhắc mình, lời nhắc nhau cuối cùng: Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này! trong tâm thế tự tin, bình thản, thảnh thơi và dung dị. Những điệp ngữ: mình ạ, mình ơi được láy đi láy lại nhiều lần đầu và cuối các khổ thơ, một cách chủ ý có thể khiến người đọc lầm tưởng đó là lời đối thoại giữa bà với ông. Nhưng thực chất bài thơ trữ tình vẫn chỉ là lời độc thoại thầm thì, lời độc thoại nội tâm tự vang lên trong óc tim nhân vật – chủ thể trữ tình - người vợ yêu chồng đang gắng gỏi trào tuôn, giãi bàydiễn tiến tâm trạng của mình với chính mình... mà thôi!

Nét độc đáo tạo thành ấn tượng đầu tiên trong thức nhận của tôi về bài thơ này là:

Tứ thơ chân mộc, giản phác, sâu sắc một cách tự nhiên, trĩu nặng nghĩa tình biểu hiện trong một kết cấu tưởng chừng dễ dãi, tản mạn bên ngoài mà chặt chẽ, tập trung tự bên trong, từ chieuf sâu tâm trạng; là giọng thơ điềm đạm, thanh thản, nhip điệu từ tốn, tĩnh mạc tương thích với song lão uyên ương tốt phúc trời cho bên nhau như chim liền cánh, cây liền cành. Rất ít vần mà câu thơ không gợn một mảy trúc trắc; ngược lại, vẫn nghe trong từng đoạn, từng khổ, từng câu những âm giai nhạc thơ ngân nga, bổng trầm, nhặt khoan, vang vọng, một thứ nhạc của tình yêu bất chấp tuổi tác, thời gian, khi êm êm, trầm, chậm, khi réo rắt tự sâu thẳm hai tâm hồn cùng chung nhịp đập.

2. Về những thi hình, thi ảnh và thi cảm cụ thể:

Khổ 1: (Dựa vào vai tôi... dung dẻ dung dăng...”).

4 câu đầu là 2 lời, 2 lần nhắc ông lão của tôi một cách hết sức tình cảm, tình tứ, đầy thương yêu, dịu dàng đến mức nâng niu, gượng nhẹ. Hai tiếng mình ạ hơi chùng xuống và vuốt dài âm cuối như còn vấn vương đến tận bây giờ, một thói quen nũng nịu, lễ phép với chồng, duyên dáng tự thuở mới phải lòng nhau, mới về làm dâu nhà ông ấy, của người vợ đảm tào khang, tấm mẳn...

Mở đầuthống nhất cho tới cuối bài một lối xưng hô thường gặp của không ít cặp vợ chồng đã đề huề, xum xuê con cháu: Mình - tôi, Ta: thân mật, đầm ấm, đằm thắm mà cẩn mực, kính trọng nhau, tương kính như tân, như khách, rất phương Đông, rất Hà Nội, Việt Nam. Và mở đầu cho dòng liên tưởng, hồi cố xa xôi tới tận thời kỳ ấu thơ, khi cả đôi còn là hai đứa trẻ con dung dẻ dung dăng trong những trò chơi bất tận...

Khổ 2: (“Mình nhìn xem... cùng bay”)

Lạ một điều là theo lô gich tư duy và hướng phát triển của tứ thơ, tưởng chừng khổ 2 phải tái hiện ngay những kỷ niệm thời ấu niên của hai người. Nhưng không, thật bất ngờ và thú vị, tiếp theo lại là cảnh hiện tại hòa với cảnh và những ý nghĩ thoáng hiện về tương lai:

Hình ảnh lá lúa trăng đậu trên mái tóc mình óng bạc là thi hình ẩn dụ sáng tạo, khá mới mẻ. Bởi nó kết nối khéo léo và đầy gợi tả, gợi cảm giữa dĩ vãng và hiện tại, cảnh vật thiên nhiên quen thuộc với con người thân yêu, qua cái nhìn tinh tế của người thơ. Động từ đậu biến những hình ảnh, sự vật nửa thực nửa ảo ấy trở thành hoàn toàn hư ảo, bồng bềnh trong hồi ức và tưởng tượng.

Hình ảnh:..lưng trời cánh hạc/Rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay

đẫm chất Đường thi (Vương Bột: Lạc hà cô lộ tề phi, thu thủy trường thiên nhất sắc..., Thôi Hiệu (Hoàng hạc lâu), nhưng lại kéo được cái uyên ảo xa xưa nhập hòa cùng cái gần gụi, thương yêu bây giờ. Đó là chỗ khéo, tài và cái tình của người viết.

Lưng trời cánh hạc/ rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay chính là lời vẫy gọi hạc giá tiên du từ Đài hoá thân hoàn vũ sang thế giới không màu vĩnh viễn vừa hối hả vừa giục giã. Người nghe cũng thiết tha, nhẹ nhàng và sẵn sàng đón đợi.

Khổ 4: (“Mình ơi, sáng nay... trộm khát khao”)

Từ vị thế tương lai sắp sửa giã từ cõi thế thoắt lại trở về hiện tại cụ thể (sáng nay, nắng hồng đọng trên môi mình thật đỏ) chen cùng hình dung quá khứ (cặp môi ngày nào mọng đỏ). Có lẽ đã lâu lắm, người vợ mới dám tự hé lộ niềm khát khao yêu đương thầm kín của mình từ thời thiếu nữ ngây thơ: (cả đời tôi trộm khát khao). Thì ra đến tuổi này mà vợ yêu chồng vẫn chỉ là chuyện buồng the kín đáo; chỉ dám trộm khát khao! Nỗi niềm canh cánh ấy, khát khao sẻ chia và hưởng thụ hạnh phúc cực kỳ chính đáng ấy, biểu hiện ra bên ngoài như thế, đáng phục hay là đáng thương, hở bạn thơ đáng quý?! Tôi cũng trộm nghĩ, rằng chẳng qua điều đó có lẽ xuất phát từ tính cách – tâm hồn của mỗi con người.

Tôi ngờ rằng khổ 5: (“Mình ơi, ngàn vì sao... suốt đời tôi”)

là khổ thơ thuần mộng ảo, tưởng tượng lãng mạn, chắp cánh và thơ hóa, trẻ hóa, thanh xuân hóa đôi mắt, màu mắt và ánh mắt của người chồng, trong cái nhìn chứa chan tình yêu thủy chung vô bờ và sự ngưỡng mộ không cùng của vợ. Những thi ảnh - thi hình đăng đối được thi vị hóa bằng 2 so sánh lối phủ định - phiếm chỉ và liên tiếp tăng cấp 2 lần, theo mô hình: không có X nào như Y, không có X nào như thế, như Y.

Qua đó, khẳng định một xác tín mạnh mẽ, quyết liệt, bất chấp quy luật sắt thời gian. Quy luật Tình yêu sẽ chiến thắng quy luật Sinh - lão – bệnh – tử!

Nhưng người đọc đều biết đó chỉ là khát vọng chủ quan nồng nàn, cực đoan đến mức bất chấp quy luật khách quan của những người đang yêu say đắm đuối; một cảm thức chủ quan ngây thơ, và rất đáng yêu!

Khổ (đoạn) 6: (“Nào mình ơi... đuổi hoa bắt bướm”)

gồm 10 câu thơ xen kẽ những câu 8 tiếng, 5 tiếng khá đều đặn kể - tả, trở về với hiện thực đời thường, chồng khoác tay vợ trong một buổi chiều Tết (mồng 1, mồng 2, ... gì đó) cùng thả bộ, dạo quanh những con phố thân quen.

Nhưng đến câu: tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên cho tới hết đoạn thì cả hai lại tiếp tục đắm chìm về quá khứ thời đi học, thời đuổi hoa bắt bướm. Tuổi thần tiên giàu mộng mơ nên mới ngắm Cột Cờ vòi vọi trong mây. Chứ bây giờ có lẽ cả hai chỉ thấy ngọn Kỳ đài bên đường Điện Biên rêu phong trầm mặc!

Tuy nhiên, ý đoạn thơ này, đặt trong mối tương quan toàn bài, theo tôi, bị trùng lặp với khổ 2; Nhưng xét từ góc độ tâm lý người già thường thích hướng về quá khứ, quanh đi quẩn lại chỉ thích kể mãi chuyện... ngày xưa, thì lại phù hợp với logich ấy.

Khổ 8 : (“Qua rồi, mình ơi!... mình ạ!”)

Vang lên như những tiếng thở dài tổng kết và chia sẻ: bao vận hạn, gieo neo, trắc trở, tai ương, loạn lạc... tất cả đã qua rồi! May quá! Trời còn thương nhà mình! Nhịp thơ ngắt từng câu ngắn: 4, 3, 2 tiếng như muốn thể hiện cảnh vợ chồng cùng nhau điểm lại từng khúc đoạn của đời sống gia đình, trải hơn nửa thế kỷ bươn chải mưu sinh, tồn tại.

Khổ 9: (“ Đủ cánh lông... Còn lại Mình và Tôi”):

nhắc đến những đứa con ruột thịt nay đều đã đủ lông đủ cánh, trường thành, tách khỏi tổ ấm gia đình - ngôi nhà chung của cha mẹ, ra ở riêng, lập nghiệp. Bởi vậy, chỉ Còn lại Mình và Tôi, viết hoa chữ M và T: phải chăng là một cách khẳng định, nhấn mạnh lần nữa 2 quy luật cơ bản của cuộc sống gia đình truyền thống và hiện đại: Mỗi gia đình (1 tế bào xã hội) Việt Nam hôm nay phổ biến chỉ bao gồm 2 thế hệ (bố mẹ và các con). Ông bà (cha mẹ) trở lại thời son rỗi: chỉ còn mình và tôi, phải / được hưởng một thời kỳ hạnh phúc hay cô đơn (bất hạnh) mới?! Và quy luật vĩnh viễn: Con thương cha không bằng bà thương ông!

Đó không chỉ là hiện thực xã hội của các gia đình Việt Nam, châu Á mà là hiện thực xã hội và gia đình mang tính toàn cầu, trong hiện tại và tương lai.

Các cụ nhà ta đúc kết kinh nghiệm nhân sinh quả là sâu sắc, thâm thúy!

Khổ 10 – khổ kết (“Mình của Tôi... hết cõi đời này”)

Không có gì thật đặc sắc, mới mẻ về ý tứ mà chỉ đóng vai trò nhấn mạnh, như một điệp khúc vươn tới cao trào, làm coda kết bài trong một ca khúc. Được nhất, đọng nhất, tình cảm, ý chí, nghị lực nhất là câu thơ cuối cùng, vang lên như một lời hứa hẹn, một niềm tin sắt son của hai trái tim làm nên một mối tình, một tình yêu thủy chung son sắt, suốt đời.

***

3. Kết mở

Trong cảm luận của tôi: bài thơ của Diệu Sinh tất nhiên không phải là vế đối tạo nên từ một tình huống hài hóm để chọi lại viên sứ Tàu xưa:

Đình tiền túy tửu phụ phù phu (Trước sân, say rượu, vợ dìu chồng)!

Ta dìu nhau đi hết cõi đời này ... của Hạt Cát khái quát hóa, hình tượng hóa, thơ hóa từ một hiện thực đời thường, trong cuộc sống sinh hoạt vợ chồng hôm nay. Bài thơ thể hiện tình cảm vợ chồng song lão hưu nhàn một cách giản dị, thành thực và ung dung; xứng đáng là một trong những khúc tâm tình thủ thỉ của người phụ nữ đảm đang, vén khéo, vừa khéo chiều chồng vừa giỏi nuôi con, nhân hậu, tài hoa, đa tình Hà Nội. Bài thơ là bản hòa ca ấm áp, dìu dặt nghĩa tình vợ chồng vắt ngang 2 thế kỷ XX - XXI.

Đọc Ta dìu nhau..., tôi lại nhớ và càng yêu thêm bài Thơ tình tặng vợ của cố thi nhân Hồ Dzếnh, đặc biệt nhớ 2 câu đầu nêu bật vai trò 4 trong 1: Mình vừa là chị, là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời... và 2 câu cuối hài hòa chung riêng:

Cuộc đời đâu phải phù sinh!

Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!

Nếu cho rằng Thơ tình tặng vợ là một bài thơ nịnh vợ khéo, đẹp và hay, thành thực vào bậc nhất nửa sau thế kỷ XX thì cũng có thể coi Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này là bài thơ nịnh chồng đứng không dưới bậc thứ hai, tỏa sáng ở đầu thập niên thứ 2 thế kỷ XXI, hiểu theo nghĩa đùa vui, hóm hỉnh, tích cực, tốt đẹp nhất của động từ nịnh... Chứ sao?!

Bài thơ của Bùi Cửu Trường nữ sỹ tuy chưa thật cô đọng, hàm súc và gợi dư ba bằng 4 cặp lục bát của cụ Hồ Dzếnh; nhưng cũng đủ tâm, tầm và sức để tỏa lan sự thấu thị, đồng cảm, thấu cảm sâu xa tới người đọc, nhất là đối với lớp cao tuổi như chúng tôi - những người đang mang trái tim già nua, yếu mỏi mà vẫn cố gắngvà quyết tâm nâng niu, ôm ấp mối tình già, đà đưa cùng bà lão em yêu nhà tôi, dù cho con mắt đã đục mờ và chẳng còn có đuôi! (Tình già – Phan Khôi)./.

Trèm – Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Hạ tuần tháng 10 năm Đinh Dậu (2017). ĐV