THƠ TẶNG VỢ
HỒ DZẾNH
(1916 – 1991)
Mình vừa là chị, là em,
tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời.
Mai này, tới phút chia đôi,
Hai ta, ai sẽ là người tiễn nhau?!
Xót mình đã lắm thương đau,
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình.
Cuộc đời, đâu phải phù sinh!?
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!...
(1969)
• ĐƯỜNG VĂN bình:
CHỨA CHAN TÌNH NGHĨA, MÌNH ƠI!...
1.Trong kho tàng văn chương đông tây, kim cổ đã, đang và vẫn có hiện tượng toàn cầu này: Thơ tình yêu lứa đôi, thơ tình tương tư trai gái thì bạt ngàn, hằng hà sa số...! So với loại thơ ấy, thi đề tình cảm vợ chồng, nhất là tình cảm của người chồng đối với người vợ, người bạn đời tấm mẳn, tào khang, thủy chung của mình, trong phạm vi đọc hạn hẹp của tôi, quả là thưa vắng hơn rất nhiều?! Ở nước ta, không kể ca dao dân ca, trong văn học viết Việt Nam từ trung đại tới nay, hình như chỉ còn đọng lại với thời gian khoảng dăm bài, có thể đếm trên đầu ngón tay: Câu đối khóc vợ - Nguyễn Khuyến, Thương vợ - Tế Xương, Khóc Bà Tú – Tú Mỡ, Nhớ vợ (Cầm Giang (Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi)...
Quả là mỗi bài mỗi vẻ! Ấy là sản phẩm sáng tạo tinh thần của các chủ thể trữ tình khác nhau, được ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử và thế sự cũng như đời tư rất khác nhau. Đó là điều không lạ! Nhưng ở các bài thơ tình ấy, thảy đều thống nhất nơi cảm xúc chân thành, sâu sắc và cảm động của người chồng đối với nửa kia của mình, người đầu gối tay ấp thương yêu, quý trọng nhất của đời mình, từ mẫu của các con mình!...
Phải chăng, có thể coi đó cũng là một trong những nét đặc thù của tư tưởng chủ đề và bút pháp nghệ thuật nối dòng mạch thơ trữ tình Việt Nam, biểu hiện chân thật tính cách và tâm hồn người đàn ông phương Đông?!
2. Vào những chiều thu vàng đầu tháng chín năm nay (2017), tôi muốn ghi lại một vài ấn tượng nổi bật và cảm luận chủ quan của mình nhân đọc kỹ lại bài THƠ TẶNG VỢ của cố nhà thơ Hồ Dzếnh, tác giả của những tuyệt phẩm Chiều, Rằm tháng giêng, Quê ngoại và Chân trời cũ, những tác phẩm ưu tú từng vang bóng một thời ấy đã từ hơn nửa thế kỷ nay cứ lặng lẽ mà nổi tiếng, càng ngày càng găm sâu vào lòng người đọc Việt Nam bao thế hệ, với xiết bao mến yêu, thương cảm, tự hào!
Tôi cho rằng, khác hẳn với 5 bài thơ (và 1 đôi câu đối) xuất sắc vừa nêu: Thơ tặng vợ chỉ mang chở 1 giọng điệu trữ tình duy nhất chứ không đa thanh, đa giọng, đa sắc màu như các bài thơ về tình chồng vợ kia. Mà trong đó, nổi bật lên là sự hài hòa giữa trữ tình - tụng ca nghiêm túc và trào lộng hài hóm, cợt đùa, được thể hiện qua không ít từ ngữ, hình ảnh quen thuộc mà độc đáo. Từ: Bà Tam Nguyên Yên Đổ đi đâu vội mấy?... đến bà Tú thành Nam lặn lội thân cò, nuôi đủ năm con với một chồng, qua tiếng khóc, lời nhắn, hẹn của Tú Mỡ tha thiết vợ mà như vẫn cười trong nước mắt: Bà nó ơi! đợi tôi sang bên đó, lại tôi với bà! Rồi: ngày tết, Nguyễn Duy mời vợ uống chén rượu mừng Tết, đón xuân mới, trịnh trọng: Mỗi năm, Tết có một lần/Mời em ly rượu, tay nâng ngang mày, với niềm tin năm mới: ngọt bùi thì nổi, đắng cay thì chìm! Và họ Cầm nhất định tự hứa sẽ rọc đôi liền cái Bằng khen, mang gửi tặng vợ một nửa! để nói lên tình yêu và lòng biết ơn cụ thể của mình...
Trong khi Thơ tình tặng vợ của thi sỹ gốc Hoa Kiều tuyệt nhiên không chen vào, dù thấp thoáng, cái giọng dí dỏm, đùa yêu đó, mà chỉ một mực thuần khiết, dịu dàng, chân chất, khiêm nhường, lại rất chi là nghiêm cẩn, rất thân mật, gần gụi, thực hiện đúng quan hệ phu phụ truyền thống phương Đông: dù đã sống bên nhau già nửa cuộc đời, cùng trải qua biết bao cay đắng, nổi chìm mà vẫn tương kính như tân, thật sự hết lòng quý trọng nhau, kính yêu nhau, nhường nhịn nhau, giữ lễ với nhau... như khách, như đôi vợ chồng mới cưới.
Sự khác biệt về giọng điệu này có lẽ đã làm nên sự thú vị, hấp dẫn riêng của Thơ tặng vợ Hồ Dzếnh đó chăng? Cội nguồn sâu xa là nó được bắt nguồn từ tính cách, phong cách sống nghiêm túc, cẩn trọng, khiêm tốn nhất mực của nhà thơ chăng? Hay là từ dân tộc tính của dòng máu người Hoa hòa với dòng máu Việt – Kinh vốn từ xưa trọng nữ, trọng tình, đồng thời luôn có ý thức giữ lễ nghi nghiêm túc từ thời xửa xưa theo đạo Nho Khổng – Mạnh?
3. Điều đáng chú ý thứ 2 là cách xưng hô. Nhà thơ không chọn cách xưng hô tình tứ, trẻ trung của các cặp vợ chồng trẻ tuổi (có những đôi giữ mãi đến già: anh – em). Cũng không chọn cách xưng hô học theo lối Tây của các gia đình trí thức hay tầng lớp quan lại, quý tộc xưa (Phu nhân - Tướng công) hoặc buôn bán ở các thành thị thời Pháp thuộc: cậu nó - mợ nó; Cũng không xưng hô theo kiểu các cặp vợ chồng nhà nông ở nông thôn: Bố cu, mẹ đĩ, hoặc suồng sã của các cặp vợ chồng dân nghèo thành thị hoặc công nhân: ông xã, bà xã...
Hồ Dzếnh đã chọn cách xưng hô thật giản dị, mộc mạc, thân thiết, lịch sự, trong đó ẩn tàng bao nhiêu tình nghĩa chứa chan, nhưng cố giấu kín hoặc nén ghìm: Mình – tôi (ta) Đại từ mình từng được sử dụng đặc biệt linh hoạt, đa nghĩa trong ca dao dân gian (Mình nhớ ta như cà nhớ muối /Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng); thơ Tố Hữu (Việt Bắc) sau này: Mình đi mình lại nhớ mình/Ta với mình, mình với ta... Trong toàn bài Thơ tặng vợ, từ mình (được lặp lại 4 lần) chỉ mang 1 nghĩa duy nhất: chỉ người vợ vô cùng yêu thương, gắn bó, trong khi người chồng tự xưng là tôi (1 lần) một cách có phần hơi xa cách, trung tính, nhưng chính là để tạo nên sự đăng đối, ngang vai, bình đẳng với từ mình. Trong tình cảnh cả hai đều đã trong, ngoài lục thập, bắt đầu bước vào tuổi già, con cháu đề huề... mà vẫn cứ xưng hô anh – em như hồi 18, đôi mươi thì không hiểu sao nó cứ ngường ngượng, không quen thế nào!... Đó là nét riêng đáng yêu thứ hai của bài thơ.
4. Bài thơ gồm 4 cặp câu thơ lục bát liền mạch, nhưng mỗi cặp câu đảm nhận vai trò riêng trong quá trình nối kết cảm xúc, làm nên cấu trúc trữ tình của nó.
4.1. Cặp câu thứ nhất trả lời cho câu hỏi về vai trò của người vợ trong cảm quan của người chồng: 4 trong 1. Mỗi vai trò đều được định danh, chỉ ra bằng những từ ngữ, hình ảnh tương thích, đồng thời.
Câu thơ đầu: Mình vừa là chị, là em.
Ý câu thơ hơi tối nghĩa, bởi nó giấu đi một từ vừa trong kết cấu ngữ pháp chỉ quan hệ song hành, đồng thời: vừa là A, vừa là B. Người Việt Nam đọc lên, thấy hơi gờn gợn vì sự nói tắt (rút gọn) ấy, bởi người viết buộc phải tuân thủ luật lệ và số tiếng/câu nghiêm ngặt của thể thơ lục bát (6/8); nhưng vẫn dễ dàng hiểu ngay dụng ý của nhà thơ. Nếu được phép viết lại câu thơ này, tôi sẽ viết: Vừa là chị, vừa là em! có lẽ sẽ khắc phục được phần nào hạn chế trên chăng mà cách nói lại nhẹ nhõm, sáng rõ và hiện đại hơn?!
Câu tiếp theo cụ thể hơn trong miêu tả vai trò tổng hợp đặc biệt của người vợ bằng 2 hình ảnh ẩn dụ: Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời.
Dưới con mắt, sâu hơn, trong quan niệm của người chồng, vai trò của người vợ vừa rộng lớn vừa thẳm sâu như vậy đó. Vợ là vợ, đồng thời là chị gái dịu hiền, bao dung, là em gái mến thương ruột thịt, là lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, và là trái tim phập phồng thương yêu đắm đuối của người bạn đời trăm năm chung thủy.
Thực ra, quan niệm này không mới, nhất là từ đầu thế kỷ 20 trở đi, khi các phong trào dân chủ, bình đẳng nam nữ ở nhiều nước được tôn trọng và đề cao. Thú vị là ở chỗ: nó được thể hiện một cách hết sức giản dị, tự nhiên, hồn nhiên, khẳng định vững chắc như là sự tất nhiên phải thế, và đầy sức thuyết phục!
4.2. Cặp thứ hai nói lên nỗi băn khoăn canh cánh, đăm chiêu lo lắng trước 1 quy luật khắc nghiệt của cuộc đời: phút chia đôi vĩnh viễn kẻ ở với người đi, bởi cái chết bất khả kháng. Tinh tế ở chỗ tác giả dùng từ chia đôi (chứ không phải chia phôi) trong trạng huống hiện thực – tâm lý, ở quan hệ ngữ pháp thơ này, không chỉ rất hợp vần chính mà còn rất chính xác về ngữ nghĩa. Đó là cuộc chia ly mãi mãi giữa hai vợ chồng, âm dương sẽ ngàn trùng cách biệt. Ai mà biết trước được ai sẽ phải tiễn ai rời khỏi thế giới này?! Câu hỏi ấy, hiện tại hoàn toàn chưa có lời giải mà cả 2 người chỉ còn cách cứ để sự vật trôi theo dòng thời gian tự nhiên mà thôi! Nhưng sự hụt hẫng, bất lực và thắc thỏm của các cặp vợ chồng thực sự thương yêu, nặng tình với nhau, chính là xuất phát từ nỗi ám ảnh chia lìa hãi hùng, khủng khiếp đó.
4.3. Trong cặp thứ ba, câu lục là 1 câu tập Kiều rất ngọt:
Xót mình đã lắm thương đau! (Xót người tựa cửa hôm mai/, Xót ai góc bể chân trời) là lời đánh giá rất cao, bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng của người chồng trước những thiệt thòi, hy sinh, thương đau mà người vợ phải gánh chịu suốt từ khi lấy chồng, về nhà chồng, hết lòng hết sức vì công việc nhà chồng như những ganh nợ đời trĩu nặng. Từ đó dẫn đến quyết định trọng đại mà hoàn toàn tự nguyện của người chồng, với tư thế của người chịu ơn và xin trả ơn: Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình.
Để cầu mong mình sớm được thanh thanh thản, hạc giá tiên du nơi thế giới không màu. Gánh nặng cuộc đời trên cõi dương bụi bặm, nhiễu nhương này, chồng (tôi) xin gánh vác nốt đỡ mình (vợ)!... Nghe trong lời thơ như có âm vang giọng điệu ngậm ngùi của những lời vĩnh biệt não nùng, non nỉ, thể hiện tấm chân tình đến tận đáy lòng của người chồng già đang thầm thì với bà vợ bất hạnh Trời bắt phải đi sớm, về trước, những lời gan ruột.
4.4. Cặp lục bát cuối cùng, bề ngoài tưởng chỉ là cách nói ngược một truyền ngôn, một quan niệm, vẫn lưu hành xưa nay bằng một câu hỏi phủ định: Sự thế nhược đại mộng (Đời là giấc mộng lớn. (Cổ thi); Cuộc phù sinh như hình bào ảnh/Cuộc đời có nghĩa gì đâu?/Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì! (Cung oán ngâm): Cuộc đời đâu phải phù sinh?
Nhưng câu nối tiếp sẽ là lời giải thích nguyên cớ vì sao nhận xét như thế. Hóa ra, đó chính là một quan niệm cốt lõi, bản chất làm nên ý nghĩa bất phù sinh, mà thực tiễn và chứa chan nghĩa tình, trong đó có tình sâu nghĩa nặng của tình vợ chồng, và cao rộng hơn nữa là tình nước non, tình quê hương đất nước.
Ở đây, rõ ràng suy nghĩ và tâm niệm đã mang xu hướng trừu tượng hóa, khái quát hóa của nhà thơ: Cái chung hòa với cái riêng. Trong cái chung có cái riêng. Trong mỗi cái riêng đều thể hiện một phần nào đó của cái chung. Chung - riêng tương khắc – tương sinh trong quan hệ biện chứng thống nhất, hài hòa. Quy luật về những mối quan hệ mang tính triết học khái quát thiêng liêng huyền ảo ấy, lạ kỳ thay, lại được nhắc nhở bằng tiếng gọi thiết tha, yêu thương nhỏ nhẹ như lời tâm tình thủ thỉ của cặp vợ chồng cao tuổi trong đêm sâu thanh vắng, tĩnh mịch, trong lặng lẽ, êm đềm, hạnh phúc: Mình ơi!...
***
Tóm lại, theo ý tôi, nét riêng đặc sắc và độc đáo của bài Thơ tặng vợ là ở giọng điệu, ngôn từ xưng hô, là cảm xúc, tình cảm, thái độ, quan niệm ứng xử hết sức khiêm cung, chân thành, thương yêu, lòng biết ơn sâu nặng của người chồng đối với người vợ - người chị - người em – người mẹ - người bạn đời chung thủy của mình, khi cả hai đã vào lớp anh chị cao tuổi, khi nghĩ về cuộc chia tay cuối cùng giữa hai người, lại càng muốn tha thiết tự nguyện hy sinh vì người ấy, người thiệt phận; vì nhau; lại càng ý thức rõ ràng hơn, mạnh mẽ và sâu lắng hơn, da diết, bồn chồn, khắc khoải hơn... ý nghĩa cao đẹp của tình nghĩa vợ chồng hòa trong chan chứa tình yêu và niềm tự hào bất tận với non nước quê hương.
Như thế, phải chăng Thơ tặng vợ, tự nó, từ bản chất tư tưởng thẩm mỹ, đã vượt lên rất xa trên tầm mức và ý nghĩa xã hội cùng triết lý nhân sinh, từ một bài thơ tình về tình cảm riêng tư phổ biến trở thành một bản tình ca phổ quát, ngợi ca đạo đức và cuộc sống con người, đặng sống mãi với thời gian?!./.
• PS – Chú giải bổ sung:
Có một vài ý kiến cho rằng: - Vợ là “4 trong 1” như ĐV phân giải vẫn chưa đủ! Nhất là trong giai đoạn chiến tranh - cách mạng: Vợ còn là người đồng chí, người bạn chiến đấu chung lý tưởng, người nữ chiến sỹ chung chiến hào! Như NTMK với LHP, CQ với ATR! ... chẳng hạn. Ý kiến khác lại dường như tếu táo: - Chẳng qua đây là bài thơ khéo nịnh vợ của những anh chồng giỏi đầu môi chót lưỡi mà thôi! ĐV nghĩ sao?
-Đó cũng là những cách hiểu riêng của mỗi người, mỗi cá thể đọc, trong mỗi thời điểm khác nhau. Tôi không có ý định tranh luận hay phản bác với bất kỳ ai! Riêng tôi, thú thật: dù xưa nay tuy rất yêu và chung thủy với vợ mình, và cũng từng viết được dăm bài thơ còm, nhạt, gầy, gắng thể hiện nỗi lòng thành thực, tình cảm vụng về của mình với bà ấy. Nhưng đọc tới bài “Thơ tặng vợ” của bác Hồ Dzếnh, thì thấy thơ tặng vợ của ĐV chỉ như “những bông hoa bằng vỏ bào mỏng tang, quăn queo, lồng phồng!” (Paotốpxki). Thơ thế, thà đừng viết nữa, còn hơn!
+ Cầm Giang (Lương), Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui... dân tộc Thái là bút hiệu và tên dân tộc tự đặt của nhà thơ, nhà giáo THCS Lê Gia Hợp (1931 – 1989), dân tộc Kinh, quê gốc Hoằng Hóa, Thanh Hóa, định cư, công tác, nghỉ hưu ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông là tác giả của các bài thơ nổi tiếng: Nhớ vợ, Em tắm, Người châu Yên bắn máy bay, Núi mường Hung, dòng sông Mã (đã được nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh phổ nhạc), đồng thời là dịch giả tiếng Pháp, tác giả các tập thơ văn: Núi hổ, thành rồng (NXBPT, 1957), Rừng trắng hoa ban (1961)...
* Đã đăng trên Nguyễn Nguyên Bảy.com: 19h36’ ngày 8/9/2017.
Trèm – Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội,
Mùa khai giảng năm học 2017 – 2018. 8/9/2017. ĐV
NỊNH AI?!...
Hoàng Dân
Lời bình của Đường Văn kể cũng đã “tận bờ sát góc”! Tôi chẳng muốn“vẽ rắn thêm chân” để bị mang tiếng…vô duyên! Cho nên, trong bài viết nhỏ này, tôi sẽ ngẫu hứng bình tán theo kiểu “gặp đâu nói đó”, cốt mua vui cho chị em nhân ngày… bão hòa lời chúc!
Trước hết, có thể nói kho tàng “thơ tình tặng vợ” tuy không “đồ sộ” bằng “thơ tình” nói chung, nhưng cũng không đến nỗi quá ít! Năm 2005, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành cuốn “Thơ tình tặng vợ” của hàng chục tác giả cổ kim, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt! Nhưng viết được như “Thơ tặng vợ” của Hồ DZếnh quả không nhiều lắm! Thật ra, “tặng vợ” hay “nịnh vợ” chẳng khác gì nhau, nhưng nói “tặng vợ” nghe có vẻ “văn hoa” hơn thì phải?! Còn tôi thì xin nói toạc móng lợn ra là: NỊNH VỢ! Bởi, theo tôi, “nịnh vợ” là cái đạo làm chồng mà tất thảy bọn đàn ông nên coi là “sự nghiệp” hoành tráng nhất của đời mình! Lí do: Có vợ thì mới có con, có con thì mới có cháu… Nếu không có cái dây mơ rễ má con đàn cháu đống lít nhít ấy thì lũ lĩ bầy đàn giống đực sinh ra ở trên thế gian này để làm gì?! Có motip “truyện cũ viết lại” (xưa là “bọc dồi chó”, nay là cái “bánh ngọt”): Thời bao cấp đói khát, gã nọ đi họp, được “bồi dưỡng” một cái bánh ngọt. Tuy đang đói và chỉ ngửi cái mùi thơm thơm ngọt ngọt của bánh, gã đã chảy nước dãi ròng ròng; nhưng nghĩ đến đứa con nhỏ đói khát ở nhà, gã đành dằn lòng gói lại, đút túi để về cho con. Trên đường về, gã cứ hết giở cái bánh ra ngắm nghía, lại lặng lẽ nuốt nước bọt, cất vào túi. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn! Đến một quãng đồng không mông quạnh, gã lại lôi cái bánh ra, giơ cao, ngoạc mồm gào: Vợ mình là con người ta/Con mình do vợ đẻ ra/Suy đi tính lại chẳng bà con chi/Chẳng ăn thì để làm gì? Rồi gã ngấu nghiến chén hết veo cái bánh!... Câu chuyện trên có lẽ chỉ là trò mua vui theo nghệ thuật thậm xưng! Giả dụ có thật chăng nữa thì chắc chắn cũng sẽ là ngoại lệ, biệt lệ! Thực tế trong đời, “mô hình chồng-vợ- con cái” lí tưởng là: Vợ mình chân lấm tay bùn/Một đời chịu dại để khôn cho chồng/Đẻ ra rặt phượng và công/Chồng hôn vợ hít bềnh bồng quanh… ti…/(VC thời @)
Trở lại bài thơ Hồ DZếnh
Phải công nhận: tác giả vinh thăng vợ lên tới cỡ “4 trong 1” quả là độc đáo!: Mình vừa là chị, là em,/Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời.
1. Là “chị” khi nào? Là khi gã chồng hờn dỗi ăn vạ như trẻ con, thậm chí còn mặt sưng như cái mâm dùi đâm không thủng... Khi ấy vợ sẽ âu yếm mà rằng: Chàng ơi giận thiếp làm chi/Thích lấy vợ bé, thiếp thì cưới cho! (Ca dao)
2. Là “em” khi nào? Là khi gã chồng máu “tòm tem”: Đang khi lửa tắt, cơm sôi/Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem/Bây giờ lửa đã cháy lên/Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm! (Ca dao). Giời ạ! Sống gần hết đời người rồi mà tôi vẫn không thể hiểu nổi cái “thì tòm” này nó nghĩa lí ra sao? Cái “tòm” ở đây là danh từ hay động từ? Từ tượng thanh hay tượng hình?... Nếu là danh từ thì “danh từ chân thực” (có ý nghĩa từ vựng) hay “danh từ trống nghĩa” kiểu như các danh từ “lúc, khi, hồi, ban…”? Nếu là động từ thì “động từ đòi hỏi phải có bổ ngữ trực tiếp” kiểu như “giết giặc, gặt lúa, viết thư…” hay “động từ không đòi hỏi bổ ngữ trực tiếp” kiểu như “run, ngủ, bò…”? Lại nữa, “tòm” (vứt tòm xuống ao) với “tõm” (rơi tõm xuống ao) có giống nhau không?… Đành phải chơi bài cùn: “Chờ-iu- chiu-nặng CHỊU”! Chỉ biết, nó hay tuyệt cú mèo, hay đến “bầm gan tím ruột”, hay đếch thể nào chịu nổi!!! Hay đến nỗi, thỉnh thoảng tôi lại bất giác phun ra để trêu ghẹo bà lão cận U70 nhà tôi: “Lão này dù đã già tom (chữ của kì nữ Hồ Xuân Hương)/ Loay hoay vẫn khoái món “tòm” mê li!”…
3. Là“mẹ” khi nào? Là khi gã chồng thất bại trên đường đời hoặc khi ốm đau liệt giường liệt chiếu: Tiền nhân dạy, đại ý: - Khi thất bại thì chỗ lùi cuối cùng của gã đàn ông là… vòng tay của người vợ! - Khi liệt giường thì người đổ bô cho gã đàn ông là… vợ! - Giọt nước mắt chân thành nhất rơi xuống nấm mồ của gã đàn ông là giọt nước mắt của… người vợ! Nhớ nhé! Vợ chứ không phải bồ! Dù gã đàn ông nào đó có khoe khoang là đang sở hữu cả tá bồ nhí thì khi chẳng may bị thất bại hoặc liệt giường, các ả ấy cũng “bỏ của mà chạy lấy người” còn mau lẹ hơn cả phép cân đẩu vân! Bồ nhí chỉ thích hôn hít đàn ông khi còn thơm tho, chứ vợ thì phải ngửi cả khi đã thối tha! Lại một mẩu chuyện vui. Con cháu nhà kia mở đại tiệc nhân ngày “đám cưới vàng” của cha mẹ. Trong đám khách mời dự tiệc có một nữ phòng viên báo Phụ Nữ. Tàn tiệc, cô phóng viên đến chỗ ông bà “đám cưới vàng” đang ngồi, nói: - Dạ, cháu xin phép bác trai cho cháu được hỏi bác gái đôi điều, có được không ạ? - Cô cứ tự nhiên! - Dạ thưa bác gái, suốt 50 năm qua, hai bác có bao giờ nặng lời với nhau không ạ? Bà liếc nhìn ông, tủm tỉm: - Vợ chồng như cái rổ bát đĩa cốc chén, va chạm là chuyện thường, cô ạ! - Dạ, cháu được nghe các gia đình xung quanh ca ngợi rằng hai bác chưa bao giờ to tiếng với nhau đấy ạ! Bà lại liếc nhìn ông: - Nói thật với cô:… 50 năm qua là 50 năm tôi nhẫn nhịn ông ấy, chứ không thì… Phóng viên quay sang cụ ông: - Thưa bác, bác gái nói có đúng không ạ? Cụ ông hơi đỏ mặt: - Thì…thì… bà ấy “nói phải củ cải cũng nghe”, cô ạ! Phóng viên lại hỏi cụ bà: - Thưa bác, bác có bài học kinh nghiệm gì cần truyền lại cho con cháu không ạ? Bà cười: - Bài học thì tổ tiên đã dạy rồi còn gì? - Dạ, chúng cháu vô tâm lắm, bác cứ nhắc lại đi! - Ấy là: Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê!… - Thưa bác, cháu nghĩ chỉ có cha mẹ là không chấp con cái, chứ vợ chồng thì cũng hơi khó đấy ạ! - Thì vưỡn! Vợ chả làm mẹ thì làm gì, hả cô? - Dạ, cháu hiểu rồi ạ! Cảm ơn bác!
4. Là “bạn đời” khi nào? Là khi hàn vi khốn khó, no đói có nhau:- Chồng ta áo rách ta thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người/- Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng lên hang rắn hang rồng cũng theo - Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon - Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa/(Ca dao)
Tóm lại, nói “4 trong 1” là cách ngoa dụ để nhấn mạnh: Thế gian nhất vợ nhì giời/Nếu kẻ nào cười, bỏ vợ thử xem!/(Ca dao). Đồng thời “4 trong 1” cũng khẳng định một trong ba nhân tố quyết định hạnh phúc là: Phụ tử - Phu phụ - Huynh đệ! Cha con hòa hợp, vợ chồng chung thủy, anh em tình nghĩa… là chuyện mà thời nào cũng khó chu toàn! Hồ Zếnh quả là hóm khi “tổng kết” được một chân lí giản dị nhưng sâu sắc! Chân lí ấy sẽ còn xanh mãi với thời gian, trừ khi loài người bị tuyệt chủng!
Tuy nhiên, tôi lại không đồng ý với Đường Văn, khi anh cho rằng: “Cặp lục bát cuối cùng, bề ngoài tưởng chỉ là cách nói ngược một truyền ngôn, một quan niệm, vẫn lưu hành xưa nay bằng một câu hỏi phủ định: Sự thế nhược đại mộng (Đời là giấc mộng lớn. (Cổ thi); Cuộc phù sinh như hình bào ảnh/Cuộc đời có nghĩa gì đâu?/Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì! (Cung oán ngâm): “Cuộc đời đâu phải phù sinh?” Nhưng câu nối tiếp sẽ là lời giải thích nguyên cớ vì sao nhận xét như thế. Hóa ra đó chính là một quan niệm cốt lõi, bản chất làm nên ý nghĩa bất phù sinh, mà thực tiễn và chứa chan nghĩa tình, trong đó có tình sâu nghĩa nặng của tình vợ chồng, và cao rộng hơn nữa là tình nước non, tình quê hương đất nước”... Chỗ này, Đường Văn có vẻ dễ dãi, khi ca ngợi quan niệm “bất phù sinh” của Hồ Zếnh!
Bài thơ của Hồ Zếnh hay thật! Nhưng không hiểu sao, tôi “ghét” hai câu cuối, nhất là câu “Cuộc đời đâu phải phù sinh?”! Tôi cho rằng: Phù sinh, phù du, phù vân… vốn là bản chất của sự tồn tại. Đó là một chân lí vĩnh hằng! Con người chỉ là một sự vật trong vạn vật, nó phải tuân theo qui luật “phát sinh” (chui ra khỏi bụng mẹ), “phát triển” (lớn lên) và “hủy diệt” (chết); nói cụ thể hơn là qui luật “sinh, lão, bệnh, tử”, nghĩa là từ “đỏ hỏn” đến “hồng hào” và “bạc phếch” rồi “chuyển sang từ trần” (Bút Tre)! Xưa nay, từ Đức Vua chót vót trên cao, lóng lánh long bào với những “ngự lãm, ngự thiện, ngự dâm…” đến thằng nhọ đít hai xoa ba đập với “xem, ăn, đụ…” đều bị nhốt chung vào một cái rọ “sinh diệt” như nhau cả, “bất phù sinh” thế quái nào được?! Nói cách khác, không thể phủ định “phù sinh”, mà là phải đối mặt với nó, chấp nhận nó để tiếp tục… nịnh nhau, khi còn chưa bị “hết biết thở” (Nguyên Ngọc)! Vợ chồng cũng vậy. Yêu nhau từ thuở đầu xanh cho tới đầu bạc mà vẫn máu “tòm” thì đích thị là… trên cả tuyệt vời! Vấn đề cốt lõi là “chất lượng sống” chứ không phải “kéo dài thời gian sống” để rước lấy “đa thọ đa nhục”! Chớ dại dột mơ ước viển vông “bất phù sinh” làm gì! Bởi ước thế sẽ bị khối đứa thối mồm bĩu môi mà rằng: “Tham như chó! Định xơi hết cả lộc của con cháu ư? Tởm!...”Những cặp “khọm già” nào còn máu “tòm” tức là đã… bất tử đấy! Sướng chưa?! Đấy mới chính là phép mầu nhiệm để “trẻ mãi không già” chứ không phải “già mà cứ tưởng còn trẻ” để “ham trống bỏi” đến thân bại danh liệt như đám quan chức hư thân mất nết!!
Câu “Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi”, theo tôi: vừa sáo, vừa đại ngôn, vừa lạc đề!... Đang thẽ thọt cái chuyện “4 trong 1” mê li quằn quại, sao lại nhảy tót sang “nước non” vào đây?! Nếu thích “nước non”, hãy làm một bài thơ khác, ví như “Thề non nước” - Tản Đà chẳng hạn! Ấn“nước non” vào đây giống áo gấm vá mụn nâu”, khiến cho tôi (bạn đọc già lão, hâm, gàn…) cảm thấy… bức xúc quá thể!!! Bức xúc đến nỗi, tôi đành phải mạo muội “thò bàn tay xương xẩu”vào hai câu cuối sửa chút ít: Nguyên tác: Cuộc đời, đâu phải phù sinh!?/Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!... Sửa: Cuộc đời, dẫu cõi phù sinh/Răng long đầu bạc… vẫn tình, mình ơi!... Thưa hồn linh cố tác giả Hồ DZếnh cùng bạn Đường Văn! Mỗ vốn ghét cay ghét đắng cái trò“thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, nên cứ thích… nói ngược chơi! Lọt nhĩ thì vui, nghịch nhĩ cũng mong nhị vị đánh cho hai chữ “đại xá”! Cốt vui với chủ đề “nịnh vợ”như tôn chỉ của “dự án trái tim” mà chúng ta đã thỏa thuận … OK?!
Thạch Bàn, Long Biên 18.10.2017
Chị em thân mến!
Tôi và Đường Văn có một “dự án trái tim”, tạm gọi là “dự án nịnh vợ” theo tôn chỉ: Vợ mình, mình nịnh, chết ai/ Mặc cho thiên hạ nó dài mồm chê…(Văn chương @) Nhưng, nịnh cũng có ba bảy đường nịnh, nếu cứ bô bô “Vợ ơi (bây giờ là“bà lão ơi”), tôi yêu vợ lắm!” thì nó thô thiển quá, không thể “tiêu hóa” được! Thế nên, tôi và Đường Văn rủ nhau bình bài “Thơ tặng vợ” của Hồ DZếnh. Bởi bài thơ này nói khá trúng “tim đen” chúng tôi! Tuy nhiên, cũng phải “nói sòng cho minh” là bài thơ khá hay, nhưng vẫn còn có chỗ… chưa thật hay lắm! Xin mời các chị em theo dõi “cuộc chơi” của “hai lão già hom hem… nịnh… hai bà lão ục ịch…” theo trình tự sau: - Ngày 18.10: đọc lời bình của Đường Văn - Ngày 19.10: đọc lời bình của Hoàng Dân- Ngày 20.10 đọc bài thơ nịnh đầm của Thái Bá Tân và lời bình của Hoàng Dân. Thân ái! HD.
TRÍCH E - mail ĐV gửi HD
(20/10/2017)
Tôi (ĐV) vừa đọc lại bài bình của ông (HD). Viết thêm mấy nhận xét, trao đổi trên tinh thần tâm tình - tâm sự:
- Bài viết thể hiện rõ phong cách viết - bình của HD: sắc sảo, hóm hỉnh trong cả khen, chê, tranh luận. Đúng thể loại là 1 bài bình tán!
- Được nhất là 4 luận điểm diễn giải, làm rõ cái 4 trong 1 độc đáo của Hồ Dzếnh. Chỗ mà tôi mới chỉ phớt qua.
- Càng được hơn là đoạn tranh luận cách hiểu 2 câu cuối với ĐV. Ở đây, Ông biện luận về lý do chê của mình rất có lý. Ý chê này, quả thực, tôi chưa nghĩ tới, khiến tôi ngạc nhiên! Nó sẽ làm phong phú thêm những cách hiểu 1 bài thơ, ý thơ, câu thơ của mỗi người đọc là khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đến như thế nào!... Nhưng đó cũng là sự thường. Hơn thế, càng làm cho việc bình thơ thêm đa sắc, thú vị.Có điều ngẫm kỹ, có lẽ tôi với ông đã hiểu ý thơ ấy theo 2 hướng khác nhau:
- Tôi đồng tình và ca ngợi câu: Cuộc đời đâu phải phù sinh của HZ, vì cho rằng đó là ý bạo, nói ngược, phủ định truyền thống mà cũng đúng là sự thực. Vì cuộc đời đã, đang và sẽ luôn là có thực, hiện hữu trong nhân loại, trong thời gian, không gian. Nó chỉ phù sinh, vô nghĩa trong tư tưởng, tình cảm, nhận thức của con người mà thôi! Thậm chí, khi con người đã chết hoặc chết đã lâu, thì nó vẫn sống trong những tình cảm, tấm lòng nhớ thương của những người đang sống. Danh ngôn: Người ta chỉ thực chết khi chết hẳn trong lòng người sống! (LN.Tônxtôi). Tôi đồng cảm và nhấn mạnh ý: Chính tình cảm vợ chồng, tình nghĩa chồng vợ,thủy chung, sâu nặng, chán chứa đã, đang và sẽ góp phần quan trọng, nếu không nói là chủ yếu, làm nên sự bất phù sinh đó của nhân sinh mọi thời đại.
- Còn ông lại hiểu theo ý như ông đã viết. Theo tôi: Đó là 1 cách hiểu khác . Tuy nhiên, xét trên 1 bình diện nhất định, cách hiểu ấy không loại trừ hoặc mâu thuẫn với cách hiểu của tôi. Mặc dù tôi khen, ông chê. Nhưng sự khen, chê ấy lại xuất phát từ nhận thức ý thơ theo 2 hướng khác nhau.
- Riêng ý câu cuối, HD cho là: sáo, đại ngôn và không phù hợp, áo nâu vá mụn gấm... thì tôi chỉ đồng ý với ông nửa cuối. Nhưng tôi cho rằng tất cả những cái đó đã bị mờ chìm hoặc bỏ qua đi, bởi giọng điệu rất đỗi chân thành, khiêm tốn, da diết của tác giả.
- 2 câu thơ sửa của HD, theo tôi, không chỉ làm lạc giọng chung của bài thơ (nguyên tác không pha 1 chút gì hài hóm, đùa cợt, như tôi đã nhận xét trong bài viết của mình, mà là phát triển ý ngược với tác giả: "Cuộc đời dẫu có phù sinh!". Câu cuối: ý được, nhưng mất hẳn cái giọng chan chứa nghĩa tình của HZ. Đó là thơ tặng vợ của HD!
- Đọc lại bài, tôi lại nổi máu BT, có chỉnh sửa chút ít 1 vài chữ thừa, lặp mà ông không để ý. Đoạn đầu và đoạn tạt ngang, theo tôi, dường như hơi xa nội dung bài thơ nên mới phải có câu nhắc bạn đọc: "Trở lại..." Nên chăng lược bớt cho tập trung và gọn?
Trao đổi thêm chút chút với ông cho vui thế thôi! Một lần nữa, chúc mừng bài viết mới có chất lượng của ông. Tôi sẽ in ra vài bản cùng bài và mail của tôi tặng các bạn Trèm đọc chơi. Tự chúc cho Dự án Nịnh Vợ bằng thơ và bình tán Thơ tình tặng vợ của hai ta trên Fb sẽ có nhiều comments chia sẻ và phản biện!
Trèm – Thụy Phương, chiều muộn, ngày ra mắt tập thơ Quê mẹ, con về! của Trần Như Bảo. Chủ nhật, 22/10/2017. ĐV