Chúng ta phát biểu nhiều về các chỉ tiêu phát triển kinh tế, nhưng giá như chúng ta có thêm chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế thêm bền vững. Trên cơ sở đó tôi muốn trở lại sự việc cách đây 1 kỳ họp, đó là vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm.
Từng nhìn nhận nó là một sự khủng hoảng niềm tin chứ không nên thuần tuý coi đó là một vụ án hình sự. Tất cả những gì diễn ra ở đó có một yếu tố mà Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm, đó là việc các đề đạt ý kiến, những khiếu nại của dân không được quan tâm, xem xét một cách kịp thời, nó tích tụ lại nên tức nước vỡ bờ.
Tôi nói điều này vì cho đến thời điểm này, Chính phủ và Hà Nội chỉ đạo rất sát sao trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm, nhưng 2,5 tháng nay, dân Đồng Tâm có kiến nghị liên quan đến kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội nhưng chưa được một cơ quan nào trả lời, liệu chúng ta có để lặp lại chuyện cũ không?
Cuối tháng 6/2017, tại kỳ họp trước, tôi đã viết thư gửi cho các vị lãnh đạo cao nhất của Trung ương và Hà Nội, duy nhất Thủ tướng trả lời. Tôi xin cảm ơn Thủ tướng.
Trong thư đó tôi nêu vấn đề, nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao một lực lượng tinh nhuệ nhất, được huấn luyện, trang bị tốt nhất lại bị bắt giữ? Câu trả lời duy nhất là vì họ giữ được phẩm chất của CAND. Họ không coi dân là kẻ thù và họ chấp nhận giải pháp như vậy. Tôi đã chứng kiến cảnh người dân và những người bị giữ chia tay nhau.
Tôi không biết đến bây giờ Hà Nội đã thanh toán tiền cơm cho họ chưa? Họ bỏ tiền túi ra nuôi dưỡng anh em, nói là con cháu ở nhà còn không được như thế. Vậy mà chúng ta xử lý thế nào?
Chúng tôi tán thành việc thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng, chúng ta đã khởi tố những người dân Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp lại hoàn toàn đứng ngoài vòng pháp luật, điều đó gây bức xúc cho người dân.
Liên quan đến thực thi pháp luật, công an kêu gọi những người dân Đồng Tâm bắt giữ cán bộ ra đầu thú, tôi nghĩ dùng chữ “đầu thú” không ổn,chúng ta mất ngôn ngữ đối thoại với dân rồi sao?
Ai cũng có thể hình dung được rằng, để bắt giữ được đội ngũ ấy chắc chắn không chỉ có một vài người, không phải chỉ là số ít mà hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, cả người già và trẻ em, vậy chúng ta có nên dùng từ đầu thú không? Tại sao không xuống với dân, lắng nghe và gạn lọc thông tin để có bước xử lý. Ngay cả cơ quan pháp luật không phải để bắt bớ mà để củng cố lòng tin.
Chúng ta phải rút ra bài học sâu sắc, để Đồng Tâm không phải bài học tiêu cực mà sau đó góp phần không để lặp lại như thế nữa. Tôi rất mong cơ quan chức năng trả lời kiến nghị của người dân khi chưa thông kết luận thanh tra.
Chúng ta luôn nhìn những con số định lượng về kinh tế, kỳ họp trước ta bàn về ATTP, nói đến tất cả tác hại của nó, từ kinh tế, uy tín, nhưng chúng tôi thấy thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.
Những người chép sử khi viết về chính trị, họ chỉ cần viết mấy câu ngắn ngủi, thời đó cửa không cần then, cổng không cần khoá, vậy mà nay hiện tượng nuôi lợn 2 chuồng, trồng rau 2 luống, sẵn sàng đầu độc đồng bào của mình vì sao trở thành phổ biến.
Chúng tôi đã nghiên cứu về nạn đói năm 1945, kết luận cuối cùng là nạn đói rất khủng khiếp nhưng không xảy ra chuyện tranh đoạt lẫn nhau, lại có rất nhiều đạo lý của dân tộc phát huy, tình làng nghĩa xóm, dòng họ, xã hội cưu mang nhau.
Rõ ràng ta phải thấy suy thoái đạo đức nguy hiểm như thế nào? Kinh tế có thể vực dậy được nhưng suy thoái đạo đức không dễ vực dậy. Chúng ta phải quan tâm và nhìn nhận nó.
Mấy hôm nay câu chuyện Khaisilk, chuyện châu Âu đưa thẻ vàng với ngành cá của chúng ta, những việc đó hết sức nguy hại mà Quốc hội cần quan tâm.
Cuối cùng, chúng ta thảo luận về cải cách hành chính nhưng dường như chưa ai nói đến tình trạng mua quan bán chức, có hay không? Kể cả thông tin liên quan đến bản án của một cựu ĐBQH về việc chạy ĐBQH, có hay không thì Quốc hội cần trả lời cho dân để củng cố niềm tin.
* Tiền Phong lược ghi nội dung phát biểu của ông Dương Trung Quốc
LUÂN DŨNG