VÀI CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC
Khi nhìn lại cuộc chiến 10 năm chống Mỹ (1964-1975 ), có một số người vô tình hoặc cố ý ngắt đoạn cuộc chiến tranh này với cuộc chiến tranh chống Pháp( 1946-1954 ); ngắt đoạn cả với thời kỳ “ tìm đường cứu nước” của các vị tiên liệt Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.. Vì vậy, tính chất khách qua, “ điểm son “ đầu tiên nên giành cho hai tác giả Ken Burns và Lynn Novick chính là ở chỗ họ đã nhìn ra được mối quan hệ khắng khít giữa 2 cuộc chiến ấy.
“The Vietnam War” là phim của người Mỹ. Dĩ nhiên, theo cách lý giải của họ, cuộc chiến 1964-1975 là làm theo “cây gậy” chỉ đạo của Moskva và Bắc Kinh. Nhưng ngay ở tập 1 và tập 2, bằng hình ảnh, bằng lời dẫn giải, thông điệp chuyển tới người xem là: chính lãnh tụ Hồ Chí Minh và những người cộng sự của ông- chứ không phải ai khác, đã giành được chính quyền với một Bản Tuyên ngôn Độc Lập và một ngọn cờ đỏ sao vàng. Khi Pháp muốn lập lại ách đô hộ như cũ thì cũng chính lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng sự của ông dám tiến hành cuộc kháng chiến với chiến thắng Điện Biên Phủ “ chấn động năm châu, vang dội địa cầu” - đòn đánh chủ yếu và quyết định, kết thúc chế độ thực dân ở Việt Nam. Vậy với lịch sử, hai cuộc chiến tranh ấy là một sự liên tục, nhắm tới một mục tiêu: giải phóng dân tộc.Ở tập 1 của “ The Vietnam War”, Jonh Kennedy khi còn là nghị sỹ cũng đã le lói hiểu ra điều này khi nói : “ Những người Cộng sản dưới quyền Hồ Chí Minh cho rằng họ đấu tranh cho độc lập còn Pháp thì cố giữ lấy thuộc địa . Vì thế tôi tin rằng trước khi Mỹ có bất kỳ can dự nào, người dân phải được hưởng quyền độc lập và phải ủng hộ cuộc đấu tranh đó”. Những cựu quân Nhân Mỹ, trả lời phỏng vấn trước máy quay “ The Vietnam War “cũng gần như thống nhất một điều: dần dà nhận ra họ đang chống lại một dân tộc quyết giành giữ độc lập cho xứ sở mình.
Người viết những dòng này, tuổi nhỏ theo cha mẹ lên vùng kháng chiến của Bác Hồ. Trở về Hà Nội sau ngày Pháp rút quân, theo học cấp 1, cấp 2, cấp 3. Chiến tranh chống Mỹ nổ ra, nhập ngũ. Đã có mặt tại mặt trận Bắc Quảng Trị-Khe Sanh vào 2 năm 1967-1968 ác liệt nhất; bước sang thời kỳ “ phi Mỹ hóa” thì chuyển vào chiến trường Tây Nguyên.Bằng vài dòng vắn gọn như vậy, tôi vừa là người xem cũng lại là nhân chứng của những gì được miêu tả trong “ The Vietnam War”.
Còn nhớ, ngay những năm 1955, 1956 chúng tôi đã cất tiếng hát: “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều..”, đã đọc thuộc lòng bài thơ “ Quê hương” của Giang Nam. Vào những ngày Chủ nhật được nhà trường tổ chức cho đến thăm các bạn cùng trang lứa ở các trường “ Học sinh miền Nam”; thăm các đơn vị của “các chú bộ đội miền Nam tập kết”. Đến cuối năm cấp 2 đã tháo bảng đen ghi lên dòng chữ phẫn nộ phản đối Luật 10/59, việc giết người bằng thuốc độc tại nhà tù Phú Lợi.để tham gia các cuộc tuần hành trên đường phố…Tất cả những việc như vậy giúp chúng tôi hiểu rằng “ đường cách mạng mới đi một nửa..”.Những năm sau này, tham gia chiến đấu, chúng tôi biết vanh vách những tướng lĩnh chỉ huy giỏi nhất trên chiến trường như Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Hoàng Minh Thảo, Chu Huy Mân, Nguyễn An..đều là những trung đoàn trưởng, sư trưởng tài ba, quả cảm của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Còn những “ Việt Cộng nằm vùng” tại miền Trung hoặc Nam Bộ không ai khác, đều là những học trò xuất xuất của Bác Hồ như các ông Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Trần Văn Trà…
Với “ The Vietnam War”, ngay từ vài ba tập đầu đã tựa như cho người xem thấy: chính nghĩa thuộc bên nào? Nhân dân ở cả nông thôn lẫn thành thị phía Nam ủng hộ ai ? Vì sao biện pháp gom dân vào ấp chiến lược của Mỹ và nhà cầm quyền Sài gòn thất bại? Nhiều cựu chiến binh Mỹ kể lại một ấn tượng giống nhau: Nghe nói “Việt Cộng” ở nơi này nơi kia, sục tới toàn là dân thường. Lính Mỹ thật khó phân biệt đâu là dân đâu là lính “ Việt Cộng”?, “ Việt Cộng” tác chiến không dàn tuyến mà “ xuất quỷ nhập thần”…
Chúng ta hiểu, chỉ với một cuộc chiến tranh với mục đích chính nghĩa; dựa vào dân, được dân đùm bọc, chở che mới tiến hành tác chiến như vậy được. ” The Vietnam War” không muốn hay không thể gọi thành tên, nhưng chúng ta nhận ngay ra hình thái của một cuộc Chiến tranh nhân dân quen thuộc.
Tiếp nối qua các tập sau, từ hồi ức và suy ngẫm của các cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đến băng ghi âm của các tướng 4, 5 sao của Mỹ, các cố vấn Mỹ, các chuyên viên cao cấp của Nhà Trắng, hoặc Lầu Năm Góc khi luận bàn về tình hình chiến trường… thật thú vị khi chúng ta thấy như sáng bừng lên trước mắt các phương châm chỉ đạo chiến lược, chiến thuật; các bài bản tác chiến, những ứng biến để đập tan các âm mưu đối phương của “ Việt Cộng” và Hà Nội. Ra quân trong trận Ấp Bác là lần đầu đối mặt với chiến thuật trực thăng thiết xa vận của Mỹ, với chiến công, Quân Giải phóng tìm tới được phép giải con người là quyết định chiến thắng, chứ không phải là vũ khí, trang bị kỹ thuật. Với chiến thắng Bình Giã là bài học có thể đánh tan các đơn vị chủ lực lớn của đối phương. Sau các chiến thắng ở An khê, ở thung lũng Iadrăng, ở Pleime..Quân Giải phóng rút ra ngay bài học bổ ích,: Phải bám thắt lưng địch mà đánh mới giảm thiểu được độ sát thương của bom, pháo địch”…
Những phương châm chỉ đạo chiến lược, những quyết sách lớn như “2 chân, 3 mũi”, tiến công Quân sự-Chính trị-Ngoại giao phải hỗ trợ cho nhau; lấy yếu thắng mạnh; tự lực tự cường; đánh địch kết hợp với địch vận, lấy nông thôn bao vây thành thị…từ cơ quan đầu não trên R., từ Hà Nội- diễn tiến qua từng tập trong “ The Vietnam War” đều như là những minh chứng rành rõ.
Nói về sức mạnh các phương tiện vật chất, kỹ thuật Mỹ huy động vào cuộc chiến, phim “ The Vietnam War” kể tới trực thăng, giang thuyền, thiết xa, bom napal..Phim còn bỏ sót pháo bầy, máy bay B52 ném bom rải thảm, đạn pháo 403 ly từ các pháo hạm của Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào đất liền…Trong phim nói, Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Hà Nội và “Việt Cộng” những thứ vũ khí hiện đại? Chúng ta biết ơn sự ủng hộ của những người một thời cùng phe phái. Nhưng cũng phải nói lên những sự thật cho công bằng.Trung Quốc chỉ giúp ta quần áo, tăng võng, lương khô, xe tải “ Trường Xuân”.. tuyệt nhiên không chi viện vũ khí. Liên Xô chuyển cho Việt nam máy bay Mig, tên lửa SAM chủ yếu để phòng thủ và bảo vệ miền Bắc. Với bộ binh, hình như ông Cos, ông Bre không muốn “nhẩy vào cuộc” dễ biến cuộc chiến Việt Nam thành chiến tranh thế giới nên chỉ chi viện xe tăng T.54, pháo 130 ly..là những thứ họ đã sử dung trong thế chiến 2..Máy bộ đàm PC Nga vẫn chạy bằng bình ác quy. Mỗi lần đi sạc điện cho ac quy là một lần đánh đổi bằng xương máu anh em. Trước, sau Mậu thân 1968, trên các chiến trường xuất hiện tên lửa Nga-Xô. Thực ra đấy là loại Cachiusa bắn giàn cũng được lính Xô Viết sử dụng trong cuộc chiến tranh 1941-1945. Chuyển sang Việt Nam, bắn bằng dàn lập tức máy bay trang bị rada của Mỹ phát hiện ngay. Chúng ta nhấc quả đạn ra khỏi dàn, vác lên vai, vào trận địa, đắp ụ đất đo kỹ góc nivo và phóng đạn đi...
Đặt lên bàn cân những điều kiện bảo đảm chiến tranh quả là quá nghiêng lệch, nếu tổn thất về phía ta có lớn hơn cũng là điều dễ hiểu. Khi tướng Wesmolen báo cáo về Mỹ tỷ lệ tốn thất sinh mạng ta 10, Mỹ 1 người dân Mỹ gào lên: Họ chỉ cần biết tới số 1! Phía mình, biết bao nhiêu giọt nước mắt của các cấp chỉ huy chiến trường đã rơi trên các trang tổng kết trận đánh, hoặc sau này trên những trang hồi ký, nhưng tất cả đau khổ, xót sa ấy được an ủi bởi cuộc chiến đấu dữ dội, nhiều mất mát kia đã đạt tới mục đích cuối cùng: Độc lập và Thống nhất !
Ghi lại mấy đoạn từ “ The Vietnam War”:
Thiếu tá Mỹ Charles A. Beckwith, “người hùng” thời chiến tranh Triều Tiên sang Việt Nam được đồng đội đặt cho biệt danh” Charles xông pha”. Nhà báo Mỹ Joe Galloway đi theo ông ta tham dự các trận Ia Đrăng, Pleime, sau trận đánh nhà báo có cuộc phỏng vấn nhanh:
-J. Galoway: Quân Việt Cộng mà ông đánh ở đây là loại lính thế nào?
-Charles A. Beckwith: Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được 200 người lính như họ.
- J.Galoway: Tức là những người lính Việt Cộng?
-Charles A. Beckwith: Đúng đấy! Họ là những người lính giỏi nhất mà tôi từng thấy.Họ tận tâm và thuộc loại cừ khôi. Tôi chưa từng thấy lính nào giỏi như họ.
Merrill McPeak, khi lái máy bay tiêm kích đánh phá đường Trường Sơn hàm thiếu tá. Sau Việt Nam ông ta tiếp tục phục vụ trong quân ngũ lên tới hàm tướng, với chức Tham mưu trưởng Không quân Mỹ. Trong “ The Vietnam War”,ông kể lại: bằng phương tiện quan sát hiện đại gắn trên máy bay, ông ta có thể nom rõ từng vạt cây ven đường rừng phủ bụi; từng khúc đường ở suối lên ướt nước, chứng tỏ có xe vận tải chở súng đạn của “ Bắc Việt” vừa chạy qua. Rằng ông ta săn những chiếc xe ấy như săn “ những chú thỏ chạy dưới ánh đèn rọi”. Bắn nhiều rocket, thả nhiều bom đến như vậy, nhưng không lực Mỹ không tài nào ngăn nổi sự vận chuyển trên Trường Sơn.. Cho đến nay, Merrill McPeek vẫn ức tới nghẹn cổ. Và viên tướng nghỉ hưu ấy đi tới kết luận: Ông đã ủng hộ nhầm phe. Nếu có thể được, lý ra ngày ấy ông phải chiến đấu cùng đội ngũ với các chiến sỹ can trường, quả cảm ở bên phía “ Bắc Việt “.
T.H
( Tạp chí HỒN VIỆT số 11/2017 )