Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIẾNG KÊU THẤT VỌNG Ở CON PHỐ THỤY KHUÊ

Nhà thơ Đặng Cương Lăng
Thứ năm ngày 19 tháng 10 năm 2017 2:59 PM


Hà Nội lại vào mùa mưa bão. Mấy hôm nay, đường phố ngập ngụa, mưa cứ rơi rả rích. Đường phố lúc nào cũng xếp hàng nối đuôi nhau như con rắn khổng lồ. Hễ bước chân ra đường, ai cũng có cảm giác nặng nề, bức rứt, khó chịu trong mình, vì quá nhiều xe cộ chen lấn, xô đẩy. Chẳng ai chịu nhường ai, càng góp phần cho tắc nghẽn…

Lại thêm một người chết, lại thêm một nhà trôi do lũ quét, lũ ống. Khúc đầu miền Núi, khúc ruột miền Trung, khúc nào miền Bắc, luôn trải qua những cơn đau dữ dội do bão lũ và dịch bệnh gây ra…

Đó là thảm họa thiên tai, còn con người ra sao? “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Lại đọc những trang báo nhức nhối về việc sai phạm của chủ ngôi nhà số 60 Thụy Khuê, với cái tội lấn chiếm nhà đất giữa ban ngày, giữa trung tâm của Thủ đô văn minh, lịch sự; tôi lại càng ngao ngán, buồn dầu thêm. Vẫn cái căn bệnh trầm kha ấy kéo dài mãi đến bao giờ? Nỗi đau mất đất, nỗi đau mất nhà là nỗi đau muôn thủa của người dân đất Việt.

Ai có thể hiểu nổi tâm trạng rối bời của cụ bà Đỗ Thị Điệp ở cái tuổi gần đất, xa trời, sống ở Thành đô; chồng là cựu chiến binh đã mất và 3 người con trai đều là bộ đội; đang rất khổ tâm ở cái ngôi nhà cấp 4 này, khi bị kẻ nhẫn tâm chiếm đất, chiếm ngõ; gây biết bao rắc rối, đau lòng.

Đã hơn 5 tháng trời dòng dã, tiếng kêu cầu cứu của gia đình lên các cấp chính quyền vẫn có như không, chẳng giải quyết được gì?

Ôi! Chỉ là tiếng kêu bất lực của người dân nghèo không thế lực mà thôi.

Đọc đơn thư tố cáo của ông Đỗ Văn Minh con Cụ ở ngôi nhà số 58 Thụy Khuê, sao mà nẫu ruột, cười đến rơi nước mắt. Biết bao đơn thư, biết bao công sức, chạy ngược, chạy xuôi, chạy đi, chạy lại, chạy nữa, chạy mãi, chạy nát bàn chân; ngày đêm đi cầu cứu, mà cơ sự ấy ai biết? ai hay?

Cuối cùng cũng chỉ là tiếng kêu thất vọng, thở dài của người dân lương thiện, của thế hệ gia đình ông đi làm cách mạng, đang từng ngày, từng giờ nín thở, trông chờ vào sự công tâm và công bằng của pháp luật.

Vì sự nhân văn, sự công bằng xã hội; tôi thiết nghĩ các cấp chính quyền Thủ đô cần quan tâm hơn nữa, khi cần thiết dám dấn thân mình cho những gì cao cả của tình người, dám bảo vệ công lý và quyết liệt vào cuộc cho sự bình yên của mỗi ngôi nhà, góc phố.