Tham luận.tại ĐH Hội Nhà văn HN
Khi viết tiểu thuyết “Ngụ Cư” tôi thực sự đứng ở góc nhìn của dân ngụ Cư để soi rọi vào mọi mặt đời sống ở Hà Nội để cùng trăn trở với những năm 2000.Nhưng chỉ mấy năm sau, ở tiểu thuyết “Nhân Gian” – khi tôi viết đến đoạn linh hồn cậu lính trẻ hy sinh trong thành Quảng Trị, lần đầu tiên về thăm thành Hà Nội đã cảm động thế nào khi gặp mặt tổng trấn Hoàng Diệu – người đã sống và chết cùng Hà Nội. Giây phút ấy từ thâm tâm tôi thực sự biết rằng mình đã trở thành một phần máu thịt của thành phố này. Một tình cảm tự thân rất thiêng liêng.
ù
Và chính vì vậy mà câu kết của “Nhân Gian” cũng chính là điều day dứt mãi trong tôi: “Nếu chúng ta sống không tử tế là có tội với những người đã ngã xuống vì mảnh đất này!”.
ù
Giờ đây bất kỳ ai, khi nhìn vào cuộc sống thực tế đều không khỏi lo lắng và bức xúc. Hệ giá trị bị đảo lộn, những nghịch lý phơi bày nhan nhản. Mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta hướng tới trở nên xa vời, trong khi đó hàng ngày cái xấu, cái ác điềm nhiên trưng ra bộ mặt trần trụi nhơn nhơn của nó. Còn dường như chúng ta thì vẫn loay hoay chưa biết gỡ gốc gác từ đâu, xử lý căn bản và rốt ráo thế nào?! Và các nhà văn chân chính với ý thức trách nhiệm với “nhiệm vụ” tự giao cho mình đã không ngừng tự vấn, xông vào “cuộc chiến” với cái xấu, cái ác để bảo vệ cái Đẹp, kêu gọi lòng khoan dung, khơi rộng con đường đến với điều thiện, lay động con người nói vâng với điều thiện…một cách không mệt mỏi.
Nhưng trong cuộc chiến không cân sức ấy nhiều khi ta cảm thấy lạc lõng và bất hạnh. Bất hạnh nằm ở chỗ không phải không biết mình muốn gì mà là không chấp nhận được những thỏa hiệp mà ta phải tự thỏa hiệp với cuộc sống. Nơi mà ranh giới cái thiện và cái ác rất mỏng manh đến nỗi đôi khi chúng ta khó lòng phân biệt rạch ròi, khó lòng giữ cho mình thiện được đến cùng.. Lạc lõng bởi thấy mình bơ vơ với cuộc sống hối hả, đầy toan tính sắc lạnh, thấy rõ những điều ta khao khát đơn sơ và tự nhiên như cuộc đời cần có mà giờ đây lại dường như không thể hay là chưa thể?!
Nỗi đau khổ và trăn trở bắt đầu từ đó – từ chính bản thân Nhà văn khi nhận thức lại và tự vấn mình. Tôi vẫn cho rằng – văn chương là đi đến tận cùng với mỗi thân phận Người. Nhà văn như một cái “máy chiếu” soi rọi và đưa ra dưới ánh mặt trời những khía cạnh còn bị giấu kín của mỗi thân phận và mỗi tâm hồn Người. Mà ở đó lịch sử đọng đầy trong mỗi số phận, với ký ức chưa bị xóa, với hiện tại ngổn ngang bất ổn và tương lai vẫn đầy hồ nghi.
Nhân vật của nhà văn dù cho có số phận riêng, có ngôn ngữ riêng, có nỗi ám ảnh và khắc khoải riêng, có phần thiện và phần ác khác nhau…thì Nhà văn luôn luôn song hành cùng nhân vật, nhọc nhằn tìm lại Cái Tôi đích thực của mình, như một trải nghiệm mới qua mỗi tác phẩm. Cái tôi của Nhà văn qua mỗi trang sách, qua mỗi tác phẩm đầy đặn hơn, chân thực hơn và dường như Người hơn rất nhiều.
Sự ngạo mạn của con người trong một xã hội thực dụng, không còn đức tin bất chấp mọi chuẩn mực xã hội, Chỉ tôn sùng chính mình và trở thành nô lệ cho những dục vọng cá nhân, chính là mảnh đất để văn chương bật mầm. Ở đó con người nhiều chiều, tính cách vừa mâu thuẫn, vừa cá biệt vừa tiêu biểu, vừa là sản phẩm của quá khứ, hiện tại lại mang khao khát nhân tính vĩnh hằng, của những giá trị đạo đức muôn đời. Nó rõ ràng có tiếng nói riêng, vừa hòa điệu và nghịch điệu và thật phức tạp với tiếng nói của chính tác giả. Đôi khi trong tác phẩm của mình, tôi phải trả cho nhân vật cuộc sống của chính nó - khác xa với những dự định ban đầu của tác giả. Ở vào thời điểm này và có lẽ cũng như bất cứ thời điểm nào thì Nhà văn luôn luôn mong muốn được “Nghe thấy cuộc đối thoại của thời đại mình – nghe thấy thời đại mình trong một cuộc đối thoại vĩ đại…” (Theo Bakhtin). Đó là sứ mệnh của nhà văn – để thời đại mình sống hiện lên qua tác phẩm trong mỗi hơi thở, mỗi gương mặt Người, cả sự thiện và sự dữ đi qua mỗi trái tim mỗi ngày...Để thực sự những trang sách góp phần đánh thức lương tâm xã hội, tác động lên phần sâu thẳm của tâm hồn Người trước nỗi đau đớn tuyệt vọng khi Cái đẹp và Cái Thiện bị chối bỏ, bị chà đạp!
Lịch sử thế giới và Việt Nam đã trôi qua hàng ngàn năm, sự hưng vong là lẽ thường tình, nhưng những giá trị gốc thì vẫn bất biến qua thời gian, qua mọi thăng trầm, thử thách. Nhân văn, trách nhiệm, trí tuệ, ham hiểu biết, tinh thần tự do, ý chí sáng tạo…luôn luôn là gốc. Những giá trị này và sự kiên định bảo vệ nó…làm nên tầng lớp tinh hoa (trong đó có nhà văn). Những giá trị đó cùng với tầng lớp tinh hoa luôn luôn là khởi nguồn, là bệ đỡ là điểm tựa và là tấm khiên bảo vệ chắc chắn nhất cho dân tộc cho đất nước phát triển.
Sự khoan dung, công chính, quan tâm đến mỗi kẻ yếu, hướng thiện, hướng tới văn minh và những buồn, vui, mong ước, yêu thương, chiến đấu, sáng tạo, thậm chí cả mất mát đau thương…đều mang một ý nghĩa sâu sắc và vì người khác, vì cộng đồng... Văn chương là gì nếu không nâng đỡ tinh thần cho con người? Văn chương là gì nếu không phải là tấm gương để con người và xã hội khi soi vào đó nhận diện ra mình để biết phải làm gì, phải nỗ lực như thế nào để hoàn thiện.
Nhà văn cùng tác phẩm của họ tỏa ra ánh sáng trí tuệ độc lập, không hòa lẫn vào đám đông, luôn luôn bảo vệ sự trong sạch của dòng chảy từ thượng nguồn, từ những giá trị gốc đích thực và trường tồn.
Khi nhà văn còn viết – đó còn là điều may mắn cho xã hội và cộng đồng. Bởi sẽ bất hạnh thay nếu giới tinh hoa trong đó có nhà văn không còn cảm thấy muốn bày tỏ, muốn phản đối thậm chí là phẫn nộ…Thì đó là dấu hiệu đáng sợ khi họ khép mình lại, tự dệt quanh mình những lớp áo giáp và sống trong thế giới riêng của họ - mặc cho dòng đời muốn đi đâu về đâu…
Nhưng tôi hy vọng sẽ không bao giờ có những điều ấy xảy ra bởi tình yêu trong chúng ta còn quá lớn. Và các nhà văn khi yêu là biết chịu đựng mọi điều “yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc” – Và tình yêu ấy đầy tử tế, đầy kiên nhẫn, không biết mệt mỏi. Đất nước, nhân dân những điều thiện và Cái đẹp chính là tình yêu lớn mà các nhà văn theo đuổi suốt đời mình. Bởi họ không chọn số phận mà chính số phận đã chọn họ.
Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.
Ảnh: các nhà văn nữ đang trao đổi