Nhà văn Vũ Ngọc Tiến hóm hỉnh tổng kết trên trang cá nhân: “Phỏng vấn nhanh nhà văn Trần Hữu Tòng – Trưởng ban kiểm tra tư cách hội viên thì được biết: Tổng số hội viên 640, số có tuổi 18-30 là 1 người, chiếm 0,2 %, số có tuổi 31-55 có 69 người, chiếm 11,5%, số có tuổi trên 55 và cao nhất 97 tuổi (nhà thơ Nguyễn Xuân Xanh) có 530 người, chiếm 88,3 %”. Lực lượng hội viên cao tuổi rõ ràng áp đảo.
Thế mới có chuyện nhà văn, nhà phê bình Ngô Văn Giá lên tiếng khi thảo luận về điều lệ dự thảo của hội. Anh cho rằng: Trong tinh thần cần trẻ hóa đội ngũ, có lẽ nên quy định các hội viên từ 70 tuổi trở lên, nếu 3 năm không có tác phẩm mới, thì nên miễn trừ cho họ vai trò hội viên. Bởi, theo anh, nếu họ cao tuổi vẫn cứ bắt họ đi lại, sinh hoạt hội này nọ, có khi bất thình lình bị “tăng-xông” thì nguy. Hơn chục năm nữa Ngô Văn Giá cũng bước vào tuổi có nguy cơ “tăng-xông”, nên anh thấy cần thiết có điều lệ này.
Nhà thơ Lữ Thị Mai, 29 tuổi, người duy nhất trong nhóm hội viên Hội nhà văn Hà Nội ở độ tuổi 18-30.>>>>>
Ý kiến của Văn Giá đương nhiên gây bão tranh luận, ngay cả khi đại hội đã kết thúc. Hỏi hoàn cảnh đưa đến ý kiến tạo “sốc” này, Ngô Văn Giá cho biết: “Vì hôm dự đại hội tôi thấy buồn, toàn già nua cũ kỹ, tóc bạc, có những người lụ khụ ngoài 80 cũng đến, nói chả ra hơi”.
Hội nào cũng “đầu tóc bạc phơ”!
Đề cập vấn đề tuổi tác của hội viên Hội nhà văn Hà Nội, nhà thơ Trần Nhương, một đại diện cao tuổi cho biết: “Hội nào ở ta cũng đều có “vào mà chẳng có ra”, cứ gì Hội nhà văn Hà Nội đâu!”. Trần Nhương lấy dẫn chứng: “Hội nhà văn trung ương cũng thế, cả một loạt đầu tóc bạc phơ, ơ kìa!”. Trần Nhương đã ở ngưỡng U80 nhưng hiện tại vẫn hăm hở tham gia ba hội: Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội, Hội mỹ thuật. Mặc dù, Trần Nhương công nhận ý kiến của Ngô Văn Giá có lí nhưng về mặt nhân văn thì “tủi tủi thế nào”: “Những người cao tuổi đã đóng góp cả một thời tuổi xuân, họ đã đi theo văn chương, đến bây giờ không viết gì, còn mỗi sân chơi hội hè, có khi họ chẳng đến đâu, nên nếu tự dưng gạt họ ra khỏi danh sách thì người ta cũng nghĩ ngợi. Theo tôi là chẳng nên”. Nếu đến ngày sức khỏe đi xuống, sức sáng tạo đã cạn, anh cũng không ra khỏi hội: “Tôi cứ để danh sách ấy, ít nhất đến lúc qui tiên cũng có vòng hoa kính viếng. Mừng thọ còn có bó hoa chúc mừng”. Nhân thể, Trần Nhương tặng luôn mấy câu thơ: “Ngày xưa viết văn như điên/Bây giờ già lão ngồi thiền làm vui/Mừng thọ hội tặng hoa tươi/Cũng là ghi nhớ lớp người đàn anh”. Nhà thơ “vặn” lại ý kiến của Văn Giá: “Ai chẳng có một thời xuân sắc, bây giờ già các bác lại ghẻ lạnh, gạt em ra ngoài? Thế tiến sỹ, giáo sư về già không còn nghiên cứu được, không còn đi dạy được, họ có bị tước học hàm, học vị không?”.
Nhà thơ Trần Nhương: Hội nào mà chẳng “đầu tóc bạc phơ”.
Ở hay lui, quan trọng gì?
Cũng như nhà thơ Trần Nhương, nhà văn Thái Bá Lợi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra khỏi hội: “Xin ra làm gì, viết văn có phải muốn là viết được đâu”. Theo anh, không thể dùng thời gian để đong, đo sự sáng tạo của nhà văn: “Nhà văn nghỉ viết 10, 20 năm mà viết lại được một truyện ngắn, một bài thơ hay là quí lắm rồi. Còn hội nào miễn trừ vai trò hội viên chỉ vì vài năm nhà văn già không viết thì kệ họ. Bởi các nhà văn làm việc thực sự chẳng ai quan tâm đến chuyện ấy đâu”.
Trao đổi vấn đề này với tân ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội, nhà văn Y Ban – người mới nhận nhiệm vụ công tác hội viên thủng thẳng: “Hội viên đâu chỉ tồn tại khi tuổi đã già, mà cả khi chết có ai khai trừ ra khỏi hội đâu”. Tuy nhiên, chị không đồng tình nếu chỉ vài năm không có tác phẩm mới đã “được” miễn trừ vai trò hội viên: “Không phải riêng người cao tuổi với người viết chưa cao tuổi cũng vậy thôi. Có phải hai năm không viết được thì mãi không viết được đâu. Lỡ có lúc nào đó lại viết được thì sao?”. Cũng như nhiều nhà văn tên tuổi khác, Y Ban thấy việc ra hay vào hội không quan trọng: “Với các nhà văn cửa trên, tức là những nhà văn đã ghi được tên tuổi trong lòng độc giả thì việc ra hay vào hội không có ý nghĩa gì. Còn với những nhà văn không ai biết tên thì tấm thẻ hội viên mới là niềm tự hào”. Tiếc rằng, lực lượng những nhà văn không ai biết tên lại chiếm đông đảo. Nhu cầu vào hội văn học từ trung ương đến thủ đô vì thế khó giảm nhiệt. Hỏi tác giả “đàn bà xấu thì không có quà” đến ngày sức tàn, lực kiệt chị có xin ra khỏi hội không, chị đưa ra lí do đáng để suy nghĩ: “Già còn xin ra khỏi hội chỉ sợ tạo scandal thôi”.
Nhà phê bình Ngô Văn Giá: Chẳng ai có lỗi, lỗi tại… tự nhiên!
Chẳng ai có lỗi, lỗi tại tự nhiên
Nhà phê bình Văn Giá thừa nhận: Nhiều người đánh giá ý kiến của anh hơi… nhẫn tâm. Bản thân anh cũng thấy rất khó để hội miễn vai trò của hội viên cao tuổi nào đó: “Ở hay lui liên quan tới sự tự ý thức của mỗi người. Khi nào tự thấy cạn sự sáng tạo, sức khỏe không tốt thì tự ý thức không nên tham gia sinh hoạt, cứ tham dự có lúc lại làm khổ người khác”. Văn Giá tổng kết: “Nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ở đây chẳng ai có lỗi, lỗi tại tự nhiên thôi”.
Một nữ nhà văn trẻ, từng quan sát nhiều kỳ hội họp của Hội nhà văn Việt Nam cũng như nhiều hoạt động văn chương khác kể rằng: “Ngay tại Hội nghị lý luận phê bình ở Tam Đảo năm 2015, GS Nguyễn Văn Hạnh bất ngờ lên cơn tai biến, Ban tổ chức tá hỏa đưa về cấp cứu tại bệnh viện Vĩnh Phúc, rồi đưa ông về Hà Nội để bay vào TP Hồ Chí Minh ngay”. Nữ nhà văn kể tiếp một tình huống hài hước: “Điều lệ bổ sung của Hội nhà văn Việt Nam sau đại hội IX là từ 80 tuổi trở lên không kết nạp nữa. Cũng trong đại hội IX, nhà văn Ông Văn Tùng nằm lăn ra ghế ngủ làm nhà văn Đình Kính tưởng ông bị ngất, kêu ầm lên. Ông Văn Tùng tỉnh dậy, bảo: “Tôi ngủ chứ không ngất”. Tuy vậy, theo chị, nặng nề hoặc khắt khe với các nhà văn lớn tuổi không còn sức sáng tạo vẫn là việc “hơi… dã man”. Bởi lẽ, đời viết văn cũng như đời đàn bà, có lúc cũng về chiều heo hắt, biết sao? Hơn nữa, có những nhà văn tuổi cao, sức sáng tạo càng cao. Một ví dụ tiêu biểu, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ở tuổi 85 “vẫn viết văn như bổ củi” và “giỏi viết sex không phải để câu khách”, mà bởi “sex là một phần cần có của tiểu thuyết về những phận người. Nó làm tăng sự hấp dẫn, tô đậm thêm chất nhân văn của tác phẩm” (trích chuyện kể của nhà văn Vũ Ngọc Tiến).
Quanh chuyện làm thế nào để “tre già bớt đi” dành chỗ cho “măng mọc” một người ngoài cuộc tư vấn giải pháp: “Hội nên kết nạp và duy trì sĩ số trên cơ sở tác phẩm viết ra được quần chúng thừa nhận, tôn vinh. Bác nào dù là đa hay đề đến mấy mà lâu không có tác phẩm, tức là mạch đã “teo” thì Hội cũng nên cho “tèo”. Nhưng đến đây lại nảy sinh vấn đề, làm gì có giải tác phẩm văn học được độc gỉa bình chọn nhiều nhất như kiểu giải bài hát yêu thích nhất trong âm nhạc? Đã bao giờ “thượng đế” được “cầm cân nảy mực” ở những giải văn chương lớn chưa?
Người trẻ còn bận nhiều thứ
Vì sao các cây viết trẻ bây giờ không háo hức gia nhập hội nhà văn? Nhà văn Y Ban cho rằng: Họ còn bận nhiều việc khác. Hơn nữa, họ lấy đâu ra hai đầu sách để đáp ứng tiêu chí vào hội ? Do điều kiện hoặc do tự trọng, họ không bỏ tiền in sách trong khi nhiều người viết có tuổi lại nhiệt tình in sách, vì họ có điều kiện hơn về tài chính, cũng như ít việc phải làm hơn.
Nhà thơ Lữ Thị Mai, 29 tuổi, là người duy nhất trong nhóm hội viên Hội nhà văn Hà Nội ở độ tuổi 18-30, chiếm 0,2% trên tổng số hội viên 640 người. Theo nhà văn Vũ Ngọc Tiến: “Kể từ năm 2017, quy chế kết nạp hội viên cần đặc biệt ưu tiên tác giả trẻ ở độ tuổi dưới 35 và không nên kết nạp tác giả có tuổi 60 trở lên, trừ những trường hợp đặc biệt khi họ có tác phẩm xuất sắc”.
NÔNG HỒNG DIỆU