Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHỔ NHẠC HỌC THUYẾT ĐÁC UYN

Tô Hoàng
Thứ bẩy ngày 14 tháng 1 năm 2017 6:47 AM


Kết quả hình ảnh cho Đác Uyn



Chuyện nhỏ…không như Con Thỏ:


Đến năm cuối của hệ 10 năm, niên khóa 1959-1961, Trường Phổ thông cấp 3 Việt Đức ( nay là Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt, HàNội ) thì cái lớp 10 D càng nổi tiếng với những trò tinh nghịch cùng những sáng kiến trong việc nâng cao chất lượng học tập được các lớp bạn vị nể, các thày cô trong Ban Giàm hiệu nhiều lần biểu dương.

Ví như để thuộc lòng nhiều bài thơ trong chương trình văn, chuẩn bị trong kỳ thi hết cấp, ở lớp 10 D nổi lên phong trào “ học thuộc lòng”. Mỗi tiết học, trước khi thày hay cô vào lớp hoặc vào lúc chuyển tiết , một cậu được phân công trước bỗng đằng hắng báo hiệu, ngay sau cậu ta đập chiếc thước kẻ lên bàn, cả lớp đồng thanh đọc một bài thơ nào đó, kiểu như thời ở lớp 1, lớp 2:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim..

Cứ thế cười vui, vỗ tay làm nhịp theo, cả lớp bỗng chộn rộn, hào hứng..Và bài thơ rất nhanh thuộc.

Ít lâu sau, không còn nhớ cậu nào đầu têu, từ 10D bỗng lan truyền bài hát phổ nhạc một bài học khác về học thuyết sinh tồn của cụ Đác Uyn. Tiết tấu, nhịp điệu đàng hoàng, dễ nhớ, dễ thuộc:

Đấu tranh sinh tồn là lẽ tự nhiên,

Đấu tranh trong loài là ác liệt nhất,

Chim Cu đánh nhau, chim Gâu đánh nhau

Bươu tai, sứt đầu cả hai đều vui.

Bài hát kiểu đồng dao này được trình diễn trên sân khấu nhà trường, được học sinh cả khối mười niên khóa ấy đều thuộc

Dạo đó, lâu lắm và xa lắm rồi, đâu đó mới bước vào đầu năm 1961, đám trẻ còn đang sôi sục mộng mơ, nhiệt huyết chúng tôi nghĩ mình sẽ là chủ nhân của Kế hoạch 5 năm lần thứ 1 hoặc lần thứ 2. Nên gào lên cho vui, cho lớp 10 D mình được vì nể ; mà cũng để mau thuộc bài. Chứ chả cô nào, cậu nào hiểu rành rõ tại sao người , vật, đến cái cây ngọn cỏ đều phải « đấu tranh sinh tồn » mà cuộc đấu tranh ấy lại là « lẽ tự nhiên » ?. Tại sao cùng một nòi, một giống mà « chim Cu đánh nhau, chim Gâu đánh nhau » ? Bởi vậy cho vui miệng, cho thuận mồm mà hát luôn : « Bươu tai sứt đầu..cả hai đều vui ».

Đêm qua, gần về sáng, nằm mơ bỗng nhớ rành rọt từng câu của bài hát cách nay đã hơn nửa thế kỷ. Tỉnh giấc, quờ tay lấy giấy bút ghi lại từng lời bài hát phổ nhạc học thuyết Đác Uyn này. Rồi ngồi thừ ra ngẫm nghĩ : Ông lão Đác Uyn thế mà thiên tài thật . Từ bao nhiêu năm về trước đã đúc rút ra cái căn cốt của nền kinh tế thị trường hôm nay :

Đấu tranh sinh tồn là lẽ tự nhiên

Đấu tranh trong loài là ác liệt nhất

Chim Cu đánh nhau, chi Gâu đánh nhau

Bươu tai sứt đầu…

…Còn cái kết cục : « cả hai cùng vui » ?

Vui thế quái nào được nhỉ ? Chim Gâu có quyền có chức, chim Gâu liền vạch một con đường từ vùng trung tâm thành phố qua những thôn xóm xanh mướt tre pheo, mít ổi nối liền với những mom đồi, khe suối ở một cánh rừng xa xôi, heo hút. Con đường mới mở làm náo loạn cả ngàn tổ chim Cu đang sống thanh bình, yên ấm. Thí cho mỗi gia đình chim Cu vài nắm thóc lép và dùng mọi cách xua đuổi. Hò hét, thanh la não bạt không xong thì hun khói mù mịt, gây ra nhiều tiếng nổ, hoặc gọi bọn rành súng đạn hơi, súng đạn chì đến biến những chú Cu làm mồi ngon ở các quán nhậu.. Đàn chim tan tác, đành nhao nhác bay đi..Tưởng đã yên yên ở nơi rừng rú xa xôi kia, chưa bao lâu sau, bọn chim Gâu quyền thế, hết nạc vạc tới xương, liền cho giăng kéo điện về nơi rừng xa, cho máy ủi tới đào bới , san lấp rồi lập đường, mở trạm để biến những cánh rừng ấy thành những khoảnh đất vàng, dụ đám nước ngoài tới rao bán. Đến cơ cảnh này những con chim Câu hiền lành, cam chịu đã hết đất sống, hết chốn dung thân. Chúng lăn sả vào sống mái với lũ chim Gâu..

Và lần này, hẳn chỉ không còn là chuyện « bươu tai, sứt đầu.. », càng không có chuyện « cả hai cùng vui « mộng mơ, viển vông như trong bài hát thuở xưa nữa !